Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 9 năm 2020 | 11:35

Vùng đất cát miền Trung: Tiềm năng lớn của kinh tế vườn

Lâu nay, chúng ta thường cho rằng vùng đất cát miền Trung khó sản xuất nông nghiệp và kinh tế VAC hiệu quả.

Tuy nhiên, suy nghĩ này đã không còn đúng khi các nhà cùng vào cuộc. Nhất là khi người dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chủ động thâm canh, chăm sóc. Nếu có quy hoạch cụ thể, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức sản suất theo chuỗi liên kết thì đất cát sẽ cho nhiều tỷ USD. 

 

t9.jpg
Trông cây măng trên vùng đất cát Ninh Thuận đem lại năng suất cao.

 

Phủ xanh vùng đất cát

Vùng đất cát trắng ven biển các tỉnh miền Trung rộng hàng chục ngàn hecta, từng ám ảnh biết bao thế hệ người dân nơi đây. Ở khu vực tưởng chừng như không thể trồng được cây gì có giá trị này, với những quyết sách đúng đắn từ chính quyền địa phương và sự nỗ lực vượt khó của người dân, nhiều trang trại theo mô hình vườn - ao - chuồng - rừng (VACR) quy mô lớn đã hình thành.

Điển hình như vùng cát ven biển Quảng Bình rộng gần 36.000ha, chiếm 4% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh; dài 126km, từ chân Đèo Ngang (huyện Quảng Trạch) đi qua 18 xã, trong đó phần lớn tập trung tại hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Chịu sự tác động lớn của gió và nước, vì thế vùng này thường xảy ra hiện tượng cát bay, cát chảy lấp đồng ruộng, đường giao thông, gây khó khăn cho sản xuất và đi lại. Trước năm 1995, phần lớn cư dân sống bên triền cát trắng ven biển Lệ Thủy và Quảng Ninh không mấy ai biết đi xe đạp. Phương tiện duy nhất giúp họ vượt qua những đồi cát trắng là đôi dép tông, thậm chí hai miếng ván có ba lỗ để xỏ dây.

Trăn trở trước thực trạng ấy, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình quyết tâm mở đường ra vùng cát. Với sự nhập cuộc tích cực của ngành giao thông và nhờ một dự án phi chính phủ, đường ra Ngư Thủy được hình thành, rồi thêm tuyến đường chạy dọc xã Bảo Ninh đến Hải Ninh.

Hơn 10 năm nay, tỉnh Quảng Bình đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hạ tầng vùng cát ven biển. Các tuyến đường được trải nhựa rộng rãi, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc và các công trình khác như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư đồng bộ, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo giữa các xã vùng cát ven biển với các thị trấn huyện lỵ. Giờ đây, cả vùng cát rộng lớn ven biển phía Nam Quảng Bình đã xanh rợp rừng phi lao. Dưới tán rừng có gần 50 trang trại nuôi tôm, cá, bò, lợn rừng, gia cầm và kỳ nhông.

Hay như tại Quảng Trị, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, vùng cát ven biển của tỉnh có diện tích 48.686ha, bao gồm 30 xã, thị trấn, trải dọc theo các huyện ven biển: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Nhằm đầu tư phát triển và khai thác thế mạnh vùng cát, tỉnh có nhiều chủ trương, như ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội miền biển, vùng cát, tạo nên những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa nông nghiệp miền biển và vùng cát phát triển theo hướng bền vững. Cụ thể, ngoài các cây trồng truyền thống như ném (cây thuộc họ Hành, tỏi, còn gọi là hành tăm), khoai lang…, Sở Nông nghiệp và PTNT đã khảo sát, nghiên cứu để đưa các đối tượng cây trồng, con nuôi mới phù hợp với vùng đất cát vào sản xuất như mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò; mô hình trồng dứa có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm liên kết với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao để tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản triển khai mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất dưa lưới, cà chua, tỏi, măng tây... tại xã Trung Giang; Công ty Thương mại Quảng Trị liên kết trồng và thu mua đậu xanh cho bà con nông dân. Qua đó góp phần hình thành những vùng chuyên canh hàng hóa như: trồng cây mướp đắng ở các xã Gio Mỹ, Gio Thành (huyện Gio Linh); vùng chuyên canh ném ở 2 xã Hải Quế, Hải Dương (huyện Hải Lăng); trồng rau chất lượng cao, trồng ớt xuất khẩu ở các xã miền biển các huyện Triệu Phong, Hải Lăng…

Không riêng hai địa phương trên, tại các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận..., không ít mô hình phát triển gia trại VAC quy mô lớn cũng được triển khai, không chỉ đem lại thu nhập cao cho nông dân mà còn góp phần đổi thay diện mạo của vùng cát trắng một thời.

Làm giàu trên đất cát quê hương

Tiên phong lập trang trại trên cát và làm giàu từ cát ở Quảng Bình là gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ trang trại sinh thái Cát Ngọc ở xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh). Năm 1995, con đường từ Quốc lộ 1 chạy ra xã biển Hải Ninh chỉ mới là cấp phối vắt qua những đồi cát, đủ một làn xe... đạp, ấy thế mà vợ chồng họ đã mạnh dạn xin đất, lập trang trại ngay bên đường.

Chị Hạnh cho biết: “Vợ chồng tôi phải bỏ ra cả năm trời trằn lưng “đánh cát” trồng cây. Từ những ngày đầu nhọc nhằn đó, đến nay, chúng tôi đã phủ xanh 250ha vùng cát. Năm 2001, khi rừng khép tán, gia đình đầu tư làm trang trại. Hiện trang trại nuôi 40 con bò, hàng trăm con lợn, hơn 300 con gia cầm; 500m2 đất cát nuôi giun quế, 1.000m2 nuôi kỳ nhông, gần 2ha ao hồ nuôi cá nước ngọt. Mỗi năm trang trại cho thu lãi hàng trăm triệu đồng”.

Đến xã biển bãi ngang Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy - Quảng Bình), dễ dàng nhận thấy màu xanh của cây rừng, tiếng cá quẫy trong ao hồ cùng với những trang trại quy mô, những ngôi nhà khang trang của những triệu phú làng biển.

Anh Ngô Văn Thuần, người con ở thôn Thượng Nam, xã Ngư Thủy Trung cho hay: Cách đây hơn 10 năm, vùng quê này chỉ có những đồi cát trắng hoang sơ và người dân nhọc nhằn bám biển với con tôm, con cá để đắp đổi cuộc sống qua ngày. Như bao thanh niên nơi đây, hàng ngày tôi cũng theo bạn thuyền ra khơi vào lộng. Nhưng được một thời gian, chúng tôi phải bỏ thuyền, bỏ biển tìm hướng đi mới vì cuộc sống quá bấp bênh.

Để tìm hướng phát triển kinh tế, năm 2013, với ít tiền dành dụm được cộng với số vốn vay mượn, Thuần khăn gói vào miền Nam mua 50 cặp ếch giống để tiến hành nuôi thử trên vùng cát quê hương. Đến nay, sau một thời gian dài gian khó, anh đã xây dựng cho mình cơ ngơi khá vững chắc với việc tập trung mở rộng diện tích nuôi ếch thịt và ếch giống cùng với đào ao thả cá. Thuần cho biết, trong năm 2019, gia đình xuất bán được hơn 10 tấn ếch thịt và hơn 50 vạn con ếch giống, thu về hơn 500 triệu đồng. Đó là “trái ngọt” trên con đường “biến cát thành vàng” của người thanh niên sinh ra và lớn lên ở làng cát này.

Anh Trần Thiện Dũng ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn - Quảng Ngãi) là điển hình vượt khó làm giàu trên vùng cát quê hương. Từng nuôi cá lồng bè ở vùng biển Dung Quất, khi Nhà nước vận động không nuôi cá ở khu vực này, anh tìm hướng làm ăn mới.

Theo anh Dũng, dù có thâm niên nuôi cá lồng trên biển, nhưng anh lại không có nhiều kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi trên bờ. Vì vậy, anh đã dành thời gian, công sức tìm hiểu nhiều mô hình, học hỏi kinh nghiệm để từ đó hình thành ý tưởng sản xuất phù hợp với điều kiện của gia đình. Sau gần một năm ấp ủ ý tưởng, tìm nguồn vốn và thuê thêm đất, giữa năm 2019, anh Dũng xây dựng nhà lưới trên 500m2 và triển khai mô hình trồng rau thủy canh.

“Trồng rau thủy canh trong nhà lưới là phương pháp canh tác phù hợp nhất ở vùng đất cát, lại đáp ứng nhu cầu rau sạch của người dân. Một nửa diện tích trong nhà lưới tôi trồng các loại rau như xà lách, cải; phần còn lại trồng hơn 400 cây cà chua bi. Trung bình mỗi tháng gia đình thu hoạch 300kg rau sạch và 1,6 tấn cà chua, trừ chi phí, thu về gần 40 triệu đồng, trong đó lợi nhuận từ cà chua hơn 30 triệu đồng”, anh Dũng nói. Đầu năm 2020, anh Dũng nuôi hơn 1.000 con nhông trên cát, trải bạt tạo ao thả nuôi 7.000 con cá lóc và trồng gần 500 gốc dừa xiêm lùn, xoài, đu đủ, chanh…

Theo anh Trần Thiện Dũng, khó khăn nhất khi phát triển mô hình gia trại trên đất cát là việc chủ động nguồn nước. “Đất ở đây khô cằn, pha cát nên rất khó canh tác. Do vậy, tôi đã đầu tư vài trăm triệu đồng xây dựng hệ thống nước tưới tiêu khép kín cho cả gia trại. Mỗi ngày tôi thay nước nuôi cá ba lần và nước này được bơm lên bể để tưới nhỏ giọt cho cây trồng và một phần cung cấp cho hệ thống rau thủy canh. Nhờ việc thay nước cho cá liên tục, tạo môi trường sạch nên cá lớn khá nhanh. Sau vài tháng trồng trọt và chăn nuôi thì các loại cây con trong gia trại của tôi đều thích nghi và phát triển tốt”, anh Dũng bày tỏ.

Không dễ biến cát thành vàng

Những trường hợp kể trên cho thấy câu chuyện thoát nghèo, làm giàu trên vùng cát ven biển miền Trung dù trải qua nhiều khó khăn nhưng giờ đây không còn là chuyện hiếm. Tuy hiện nay, việc phát triển kinh tế trên vùng cát bước đầu mang lại hiệu quả, nhưng xét về tổng thể, việc khai thác đang manh mún, chưa phát huy hết tiềm năng. Chưa kể, bên cạnh những kết quả đạt được, trong khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, đó là: Mô hình có giá trị cao trong nông nghiệp còn ít; nuôi trồng thủy sản phát triển thiếu tính đồng bộ, bền vững. Công nghiệp và dịch vụ phát triển chưa mạnh, chưa đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế chung. Cơ cấu kinh tế, lao động chuyển dịch còn chậm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, chưa phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển của vùng. Lao động được đào tạo nghề còn thấp, cuộc sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn…

 

t11.jpg
Cây keo lá liềm phát triển xanh tốt trên đất cát tỉnh Quảng Trị.

 

 Ông Nguyễn Đình Châu, Chủ tịch UBND xã Cam Thủy, cho hay: Cam Thủy là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế vào loại khá của huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). Toàn xã có 1.089 hộ thì hơn 50% hộ giàu, khá; tỉ lệ hộ nghèo chỉ chiếm 3,85%; thu nhập bình quân đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Xã có hơn 100 gia trại chăn nuôi, trồng rau màu. Mỗi năm, các gia trại cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Có được thành quả đó là nhờ địa phương có quyết sách đúng đắn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, rào cản trong việc phát triển kinh tế, nhất là làm thế nào để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng cát hoang hóa.

“Cam Thủy hiện có 285ha sản xuất nông nghiệp, trong đó, diện tích đất trồng lúa là 200ha, đất trồng màu 85ha. Nhiều hộ dân tại địa phương rất muốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hiện đại nhưng gặp nhiều khó khăn do không có đất. Hiện còn có khoảng 200ha đất vùng cát do Lâm trường Nam Quảng Bình quản lý. Địa phương đã làm tờ trình xin tỉnh chuyển giao một số diện tích đất này, tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa thực hiện được… Hơn nữa, người dân mong muốn các cấp đầu tư thêm về hạ tầng cho các vùng này nhằm giúp cho việc sản xuất được thuận lợi hơn…”, ông Châu nói.

Còn theo ông Nguyễn Quang Thao, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Trung, nan giải nhất trong phát triển kinh tế vùng cát ở địa phương là thiếu nguồn vốn để chuyển đổi nghề cho người dân. Ngoài ra, do hơn 2/3 diện tích đất tại địa phương đang do Lâm trường Nam Quảng Bình quản lý nên việc triển khai thực hiện các dự án có quy mô của người dân gặp rất nhiều khó khăn do không có đất. Mặt khác, việc chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại đây chưa được thực hiện bài bản, chủ yếu do cán bộ địa phương thực hiện, do vậy, người dân vẫn còn lúng túng, chưa yên tâm sản xuất, làm giàu trên chính quê hương mình.

Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Phạm Hữu Thảo cho rằng, việc phát triển kinh tế trên vùng cát bước đầu mang lại hiệu quả. Song, xét về tổng thể, việc khai thác đang manh mún, chưa phát huy được tiềm năng. Các doanh nghiệp, hộ gia đình thấy ở đâu thuận lợi, xin thuê đất lập trang trại ở đó, còn chính quyền thì khá thụ động trong việc này. Tương tự như vậy, trước đây thành phố Ðồng Hới cho nhiều doanh nghiệp thuê hàng trăm hecta đất cát để nuôi thủy sản mà chưa tính tới định hướng phát triển của đô thị. Nay, thành phố Đồng Hới đang được quy hoạch phát triển về phía đông thì số ao, hồ nuôi thủy sản sẽ trở thành các khu đô thị mới, khu du lịch nên việc thu hồi đất sẽ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nuôi tôm trên cát là hướng đi đúng và mang lại hiệu quả kinh tế cao ở vùng cát ven biển Quảng Bình. Tuy nhiên, một số nơi đã xuất hiện tình trạng phá rừng phòng hộ để nuôi tôm và gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, để lĩnh vực này phát triển bền vững, cần làm tốt công tác quy hoạch và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường sinh thái vùng cát.

Học hỏi cách tạo “phép màu trên hoang mạc” của người Israel

Không có “rừng vàng, biển bạc”, Israel được biết đến là đất nước đầu tiên có khả năng biến sa mạc khô cằn thành đất canh tác, trồng trọt, phát triển nông nghiệp thành công và thay đổi nền nông nghiệp thế giới. Điều gì đã khiến một quốc gia khắp nơi là sa mạc được coi là “thung lũng Silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước?

Là đất nước nhỏ với diện tích trên 20.000km2, trong đó 70% diện tích lãnh thổ là sa mạc, còn lại là đồi núi đá trọc, khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, sự tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo của con người Israel cũng như việc áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là lời giải đáp cho “phép màu trên hoang mạc” của người Israel.

Điều đặc biệt ở Israel mà không phải quốc gia nào cũng có được đó là sự gần gũi, kết hợp và phát triển giữa những nhà khoa học và người làm nông nơi đây. Một trong những lợi thế của sự phối hợp giữa khoa học và nhà nông tại Israel là tính cộng đồng rất cao. Nhà khoa học gần gũi với đồng ruộng và nhiều người trong số họ cũng chính là nông dân hoặc giữ vai trò tư vấn trực tiếp cho nông dân.

Các trung tâm nông nghiệp lớn, thậm chí cả các “làng nông nghiệp” (theo tên gọi của người Israel là Kibbutz) đều có sự xuất hiện của các phòng nghiên cứu hoặc đại diện của các viện khoa học. Những giống cây mới hay các nghiên cứu mới về hệ thống nhà kính trước hết được thí nghiệm, kế đó sẽ áp dụng thử nghiệm với một số nhỏ hộ nông dân bằng nguồn vốn hỗ trợ của hệ thống tài chính vi mô hoặc từ chính quỹ của viện thí nghiệm, trước khi triển khai thương mại đại trà.

Israel cũng là nước có mức đầu tư cho nghiên cứu thuộc loại lớn nhất thế giới với gần 100 triệu USD mỗi năm, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng nông nghiệp quốc gia. Các nhà khoa học thuộc các trung tâm không chỉ nghiên cứu sức đề kháng hạn hán trong thực vật mà còn tạo ra các giống rau và cây trồng mới với năng suất cao, cũng như các phương pháp kiểm soát sinh học và chống sâu bệnh sử dụng ít hóa chất hơn.

Ông Tima có nông trại khoảng 2 km2 trồng cây ăn trái gồm táo, dâu, kiwi, lựu… Nông trại rộng được chia ra từng khu vực trồng mỗi loại cây ăn quả.  Vườn cây trái sum suê của ông Tima là kết quả của chính sách đầu tư toàn bộ hệ thống tưới tiêu đến từng gốc cây, bãi cỏ, các công trình cây xanh công cộng trên toàn quốc, tới những nông trại của người nông dân của Chính phủ Israel. Những trang trại như của ông Tima đều được trang bị hệ thống tưới tiêu tự động gồm nước tưới và phân bón, chỉ cần ngồi tại nhà điều khiển tưới theo giờ quy định đối với từng loại cây. Israel tự hào trong việc áp dụng công nghệ trong nông nghiệp, tái chế nước thải trên toàn quốc thành nước tưới, trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt, thuốc trừ sâu sinh học, phân bón sinh học an toàn cho năng suất cao... Những giải pháp đó đã và đang khiến cho ngành nông nghiệp và trồng trọt phát triển hiệu quả và bền vững ở Israel.

Những nghiên cứu, đổi mới, thành tựu và giáo dục của Israel về nông nghiệp trên hoang mạc giờ đây đã được toàn cầu biết đến, góp phần giải quyết vấn đề đối với tất cả cư dân sa mạc trên thế giới. Đó là những thuận lợi để Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận, học hỏi, kế thừa những thành quả của một quốc gia tiên phong như Israel.

Phù hợp sản xuất nông nghiệp hiện đại

Quan niệm vùng đất cát bạc màu, năng suất cây trồng bấp bênh không còn đúng trong điều kiện sản xuất nông nghiệp hiện đại. Các nhà khoa học cho rằng, đất cát rất dễ trồng các loại cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và những loại rau cao cấp trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Khi bà con nông dân hoàn toàn chủ động về nước tưới, việc tiếp cận phương thức chăm sóc và bón phân thông qua internet dễ dàng thì việc sản xuất cây gì trên vùng cát không còn là thách thức.

 

t12.jpg
Rau vẫn tươi tốt trên vùng cát nóng Hà Tĩnh. Ảnh: Hữu Anh

 

Trong các giải pháp phát triển bền vững vùng cát ven biển, tỉnh Quảng Bình chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, bởi nếu để xảy ra ô nhiễm thì rất khó khắc phục. Tỉnh có chủ trương không cấp phép các dự án nuôi tôm công nghiệp mới và các dự án có công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT lựa chọn phát triển một số loại cây trồng mới trên vùng cát trắng để bảo đảm phát triển hệ sinh thái bền vững, quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế trang trại tổng hợp kết hợp du lịch sinh thái ven biển để thu hút du khách. Tỉnh cũng kêu gọi đầu tư xây dựng trung tâm điện gió ở vùng cát Lệ Thủy và Quảng Ninh. Trước mắt, tỉnh tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường vành đai ven biển từ Quảng Đông đến Ngư Thủy Nam kết hợp với hệ thống đê biển, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội vùng đất này.

Theo GS. TS. Ngô Thế Dân, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, vùng đất cát trắng dọc các tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận,...) lâu nay tưởng như không thể nuôi - trồng được cây - con gì giá trị, nhưng thực tế nông dân cũng đào ao, thả cá, lấy nước tưới cây, phát triển chăn nuôi lấy phân hữu cơ cải tạo đất để trồng thanh long, trồng chanh, trồng xoài... Điều này cho thấy, chỉ cần nông dân chịu khó, biết tìm tòi mô hình, vật nuôi, cây trồng phù hợp thì có thể phát triển kinh tế VAC. Và để nông dân làm được điều này, vai trò định hướng của chính quyền địa phương cũng như của các ngành chức năng rất quan trọng.

TS. Nguyễn Thanh Phương (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ) cho biết: “Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, đất cát có nhiều yếu tố thuận lợi. Đất cát dùng làm giá thể để ươm trồng nhiều loại cây khó tính, giống rau củ quả cao cấp. Người nông dân có thể điều khiển được dinh dưỡng cho cây trồng và như thế chi phí sản xuất thấp nhất, chất lượng, năng suất cây trồng sẽ cao hơn, có thể sản xuất nhiều loại cây trồng hơn so với các vùng đất khác”.

Theo PGS-TS. Trần Thị Thu Hòa (Trường Đại học Nông - Lâm Huế), nhiều nước đang tập trung vào xu hướng sản xuất hữu cơ, chính vì thế  các địa phương nên hỗ trợ nông dân phát triển rau màu theo hướng này trên vùng cát, sẽ rất hiệu quả. Để làm được điều này, địa phương phải tăng cường truyền thông để thay đổi nhận thức của nông dân, để họ hiểu những thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp trên đất cát. Đặc biệt, hướng dẫn nông dân sử dụng chế phẩm sinh học, vi sinh để phát triển cây rau đáp ứng yêu cầu nông nghiệp chất lượng cao. Như thế nông dân có thể làm giàu, phát huy tối đa hiệu quả của đất cát…

Sản xuất nông nghiệp trên cát được xem là biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng là hướng mở có ý nghĩa quan trọng và hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan chức năng và các nhà khoa học phải vào cuộc mạnh mẽ hơn để người dân áp dụng khoa học và yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập trên vùng cát vốn còn nhiều khó khăn.

 

Việt Nam có khoảng 530.000ha đất cát, chiếm 1,61% diện tích cả nước, phân bố chủ yếu ở ven biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận,... Ngoài ra còn có một số diện tích đất cát ở ven các sông lớn. Đất cát thường có thành phần cơ giới thô, kết cấu rời rạc, rất nghèo dinh dưỡng, khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng kém.

Bài học kinh nghiệm của Israel nếu được vận dụng phù hợp với sự vào cuộc đồng bộ của 4 nhà thì đất cát sẽ tạo ra nhiều việc làm, thêm nhiều sản phẩm xuất khẩu.

 

 

 

 

Quốc Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

  • Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Bài viết này tập trung vào chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nền kinh tế thị trường; vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đối với hệ thống QTDND trong thời gian qua, những đóng góp tích cực và những mặt còn hạn chế.

Top