Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 6 năm 2021 | 14:9

Vườn mít trĩu quả bên dòng sông Bé

Từ UBND xã An Thái (Phú Giáo - Bình Dương), chúng tôi chạy dọc đường ĐH507 một đoạn rồi rẽ vào tuyến đường giao thông nông thôn để đến trang trại trồng mít của ông Bùi Văn Tuân ở ấp Tân Bình.

Sau hơn 10 phút chạy xe, trước mắt hiện ra vùng chuyên canh mít đang nép mình bên dòng sông Bé.

 

vuon-mit-anh-1.jpg
Ông Tuân nâng niu những quả mít Thái lá bàng trong trang trại gia đình.

 

Tìm hướng đi mới

Trước đây, phần lớn diện tích đất canh tác nông nghiệp của gia đình ông Tuân đều trồng các loại cây truyền thống của miền Đông như cao su, hồ tiêu, điều… Tuy nhiên, đến năm 2008, khi chứng kiến giá hạt điều, hồ tiêu tăng giảm bất thường, ông Tuân quyết định tìm  hướng đi khác. Cơ duyên với nghề trồng mít đến một cách tình cờ khi gia đình ông có chuyến du lịch tới vùng cây ăn trái ở các tỉnh miền Tây sông nước.

Thời điểm năm 2008, khi mặt hàng trái cây sấy đóng bao bì còn chưa xuất hiện nhiều trên thị trường, với sự quyết đoán và bản lĩnh của mình, ông Tuân “đặt cược” tương lai của gia đình khi quyết định cắt bỏ 8ha hồ tiêu, điều và cao su để trồng mít Thái lá bàng (loại mít chuyên cung cấp cho các nhà máy chế biến trái cây sấy). Thời điểm đó, không ít người can ngăn và khẳng định ông Tuân sai lầm khi cắt bỏ những giống cây truyền thống để tìm kiếm cơ hội mong manh từ giống cây hoàn toàn mới. Tuy nhiên, sự kiên trì, nỗ lực của cả gia đình ông không uổng phí khi vài năm sau, những cây mít  bắt đầu cho quả bói. Những hàng cây nhỏ, thấp đã ôm quả trĩu cành, báo hiệu một vụ mùa bội thu.

Dù sản lượng mít khá cao ngay từ vụ bói, nhưng ông Tuân vẫn còn đó nỗi lo. Do thời điểm mới trồng, có khá ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến trái cây sấy. Khi những quả mít đầu tiên vừa chín tới, ông cùng vợ xuôi ngược khắp nơi để tìm thị trường tiêu thụ. Sau gần 1 tháng kiên trì chào hàng, trang trại mít Thái lá bàng của ông Tuân đã đón những lượt khách đầu tiên. Họ đến xem quy mô trang trại và đặt vấn đề hợp tác, bao tiêu sản phẩm.

Gặt hái quả ngọt

Đến nay, hành trình với cây mít của ông Tuân đã trải qua hơn 13 năm, nhưng sự hăng say, hứng thú của ông đối với mít vẫn còn nguyên vẹn. Ông  cho biết, hiện tại trang trại trồng cây ăn trái của gia đình ông ở ấp Tân Bình rộng 8ha, trong đó 4ha chuyên trồng mít Thái lá bàng với năng suất ước đạt 60 tấn mít thương phẩm/ha/năm. Phần còn lại, ông trồng sầu riêng và các loại cây ăn trái khác như mãng cầu, sapôchê (hồng xiêm), cam, bưởi…

Theo tìm hiểu, chỉ tính riêng thu nhập từ việc bán mít Thái lá bàng, mỗi năm gia đình ông Tuân thu về gần 1 tỷ đồng. Cụ thể, với 1ha mít Thái lá bàng, trừ chi phí, thu lãi 200 - 250 triệu đồng/năm. Đây là con số đáng mơ ước của nhiều nông hộ.

Với niềm đam mê đặc biệt đối với cây mít, ngoài số mít Thái lá bàng được trồng trong khuôn viên trang trại bên dòng sông Bé, ông Tuân còn dành ra gần 3.000m2 ở gần nhà để trồng mít Mã Lai siêu dài. Sau hơn 5 năm chăm bón, vườn mít Mã Lai của ông đã bắt đầu cho ra những quả mít khổng lồ với chiều dài của quả mít già ước 80-100cm, cân nặng trung bình 30-40kg/kg.

Ông Tuân cho biết, giống mít Mã Lai siêu dài có vị ngọt thanh, múi mít thơm nhẹ và giòn. Do là loại mít mới xuất hiện ở thị trường Bình Dương và trọng lượng mỗi quả đều thuộc dạng ngoại cỡ nên mít Mã Lai siêu dài chưa được thị trường chào đón nhiều. Nhưng, với hương vị ngọt thơm, giòn dai của nó,  tôi tin rằng, đây có thể là một trong những loại mít được ưa chuộng thời gian tới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã An Thái, cho biết, thời gian qua, kinh tế địa phương khởi sắc rõ nét, các mô hình kinh tế hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều,  tiêu biểu có thể kể đến là những trang trại trồng cây ăn trái ven sông Bé.

 

 

 

Đình Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top