Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 2 năm 2022 | 14:55

Xác định cơ cấu cây trồng hiệu quả trên đất cát ven biển Quảng Ngãi

Qua 3 năm thực hiện đề tài “Nghiên cứu xác lập cơ cấu cây trồng hiệu quả trên đất cát ven biển tỉnh Quảng Ngãi”,

Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ đã xác định được cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phù hợp với tập quán canh tác ở vùng đất cát ven biển Quảng Ngãi.

Xác định cơ cấu cây trồng phù hợp

Thời gian qua, nhiều đối tượng cây trồng cạn được trồng trên vùng đất cát biển ở các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức và TX.Đức Phổ… (Quảng Ngãi) đã thích ứng, nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân vùng ven biển. Tuy nhiên, việc duy trì sản xuất các đối tượng và cơ cấu cây trồng truyền thống chưa phát huy hết lợi thế so sánh của vùng đất cát biển.

 

1-dua-xiem.jpg
Mô hình chuyên canh cây dừa xiêm xanh tại phường Phổ Vinh, Thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi. Nguồn: BCN đề tài

 

Với mục tiêu xác định được danh mục cây trồng và đánh giá được hiện trạng trồng trọt trên đất cát đang canh tác cây trồng cạn; xác định được đối tượng và cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phù hợp với tập quán canh tác trên đất cát đang canh tác cây trồng cạn ở tỉnh Quảng Ngãi, Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã tiến hành triển khai Đề tài khoa học và công nghệ “ Nghiên cứu xác lập cơ cấu cây trồng hiệu quả trên đất cát ven biển tỉnh Quảng Ngãi”, do TS. Nguyễn Trường Giang làm Chủ nhiệm.

Thời gian thực hiện Đề tài từ 2018 đến năm 2021 với tổng số kinh phí trên 1,6 tỷ đồng (vốn  SNKH của tỉnh Quảng Ngãi); thực hiện trên đất cát ven biển, đất đang canh tác cây trồng cạn tại các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ.

Ban Chủ nhiệm Đề tài đã tiến hành lấy 42 mẫu đất tại 14 xã, phường ven biển gồm: Nghĩa Hòa và Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa); Đức Lợi, Đức Thắng, Đức Minh, Đức Thạnh và Đức Phong (Mộ Đức); Phổ Thạnh, Phổ Khánh, Phổ An, Phổ Châu, Phổ Quang, Phổ Vinh và Phổ Minh (TX. Đức Phổ), để đánh giá đặc điểm thổ nhưỡng, nông hóa và phân tích thành phần cơ giới của đất cát ven biển đang canh tác cây trồng cạn.

Trên cơ sở đó, tiến hành thử nghiệm canh tác cây trồng tại các xã, phường: Phổ Khánh, Phổ Vinh, Đức Minh, Đức Thạnh, với cơ cấu loại 5 cây trồng dài ngày gồm: Dừa xiêm lùn xanh, mãng cầu (na) Thái Lan, lựu đỏ, măng tây xanh Bejo 3025, nha đam Thái Lan và 5 cây trồng ngắn ngày gồm: Tỏi trắng (Hải Dương) - đậu phụng (lạc) LDH.01 - khoai lang Nhật Bản; tỏi trắng  - hành tím lấy củ - kiệu sẻ Phù Mỹ; cà rốt TN 391 - đậu phụng  LDH.01 - khoai lang Nhật; cà rốt TN 391 - hành tím lấy củ - khoai môn sáp vàng; đậu phụng - đậu xanh - khoai lang (đối chứng).  

Sau 3 năm thực hiện, đề tài đã xác định cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện vùng đất cát ven biển ở tỉnh Quảng Ngãi:  2 đối tượng cây dài ngày sinh trưởng phát triển tốt và có tiềm năng mở rộng là  dừa xiêm xanh và  na Thái.

Xác định được 5 đối tượng cây trồng ngắn ngày là lạc, đậu xanh, khoai lang Nhật, khoai môn sáp vàng, kiệu và các cơ cấu cây trồng phù hợp với vùng đất cát ven biển đang canh tác cây trồng cạn ở tỉnh Quảng Ngãi: vụ đông xuân – cây lạc, vụ xuân hè và vụ hè - cây lạc/đậu xanh, vụ xuân hè/thu đông - cây kiệu/khoai môn sáp vàng/ khoai lang Nhật.

 

2-na-thai.jpg
Mô hình chuyên canh na Thái tại phường Phổ Vinh, Thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi. Nguồn: BCN đề tài

 

Khuyến cáo không phát triển sản xuất trên vùng đất cát ven biển đang canh tác cây trồng cạn tỉnh Quảng Ngãi các đối tượng cây trồng gồm: lựu đỏ, măng tây, cà rốt, hành và tỏi vì các lý do: Qua thực nghiệm cây lựu đỏ sinh trưởng kém, thường xuyên xuất hiện sâu hại (sâu đục thân, bọ trĩ), mặc dù cây ra hoa đậu quả, tuy nhiên, chất lượng quả không đạt (quả nhỏ, ít nước); mùa mưa tập trung với lượng mưa lớn; chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả bệnh hại trên thân cành và rễ măng tây tại vùng đất cát ven biển tỉnh Quảng Ngãi;  hành, tỏi và cà rốt mẫn cảm với tuyến trùng trong đất, trong khi đó mật độ tuyến trùng trong đất cát ven biển đang canh tác cây trồng cạn cao và khó phòng trị.

Ngoài ra, đề tài đã đánh giá được Danh mục đối tượng cây trồng hiện có trên đất cát ven biển đang canh tác cây trồng cạn tỉnh Quảng Ngãi với hơn 40 loài và tập trung vào các nhóm chính: Nhóm cây lâm nghiệp; Nhóm cây công nghiệp ngắn ngày; Nhóm cây nông nghiệp (Nhóm cây cho dầu béo sử dụng làm thực phẩm; Nhóm cây làm thức ăn cho người và gia súc; Nhóm cây dùng làm thuốc).

Đã xây dựng bộ tiêu bản gồm ảnh và mẫu vật khô của 20 loài cây trồng chủ yếu trên đất cát ven biển đang canh tác cây trồng cạn. Thu thập nguồn gen các giống cây trồng nông nghiệp bản địa: Giống lạc sẻ địa phương, giống củ từ, giống khoai mỡ,giống củ sắn, giống củ mình tinh, giống nghệ vàng, giống cải ngọt, giống bí đỏ, giống rau mã đề và giống đinh lăng lá nhỏ.

Nhân rộng và phát triển theo hướng bền vững

Qua kết quả triển khai, chủ nhiệm đề tài đã có những kiến nghị như chuyển giao kết quả nghiên cứu của đề tài cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã ven biển tỉnh Quảng Ngãi phục vụ việc lập kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của vùng.

Tiếp tục phát triển các dự án KHCN để nhân rộng và chuyển giao các đối tượng và cơ cấu cây trồng của đề tài vào sản xuất theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Trong quá trình áp dụng nhân rộng các đối tượng cây trồng, cần tăng cường mối liên kết bốn nhà “Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp” trong khâu tổ chức sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm…

“Đề tài đã xây dựng được các mô hình phù hợp trên các vùng đất cát ven biển của tỉnh Quảng Ngaiãi, là tiền đề cho các địa phương khuyến cáo người dân thực hiện, góp phần nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp”, TS. Nguyễn Trường Giang nhận xét.

 

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
Top