Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 12 năm 2020 | 14:0

Xây chuồng trại chăn nuôi tránh lũ ở Quảng Trị: Hiệu quả nhiều mặt

Để thích ứng và đảm bảo cho đàn gia súc luôn được an toàn trong mùa lũ, người dân Khu dân cư Bắc Bình thuộc thôn Bình Mỹ, xã Cam Tuyền (Cam Lộ, Quảng Trị) có sáng kiến xây dựng chuồng trại vượt lũ, giúp vật nuôi luôn được an toàn.

t38.jpg
Bình thường, bò được nuôi ở tầng trệt, khi có lũ sẽ đưa bò lên tầng trên.

 

Xây chuồng tránh lũ cho bò

Khu dân cư Bắc Bình nằm sát sông Hiếu, hiện có 87 hộ dân sinh sống, trong đó có trên 60 hộ chăn nuôi bò, trung bình nuôi  3 - 10 con/hộ.

Trong đợt lũ lịch sử vừa qua, trong khi hàng nghìn con gia súc, gia cầm nơi khác bị lũ cuốn trôi và chết do ngập nước thì cả đàn bò của gia đình ông Trần Văn Hòa tại khu vực Bắc Bình vẫn được đảm bảo an toàn nhờ vào chuồng bò vượt lũ.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình, ông Hòa chỉ tay vào khu chuồng nuôi rồi cho biết: Trước đây, cứ vào mỗi mùa bão lũ là gia đình  cứ nơm nớp lo âu, có khi không dám nuôi nhiều bò. Trước mùa lũ, tôi chỉ để lại nuôi 1 - 2 con vì sợ bò bị nước cuốn trôi khi có lũ lớn. Có năm, tôi phải đưa bò đi tránh lũ trên rừng, trên đồi rất vất vả.

Trước mối nguy hại do lũ lụt đối với phát triển chăn nuôi bò, gia đình ông quyết định đầu tư khoảng 30 triệu đồng xây dựng chuồng trại vượt lũ. Giờ đây, có chuồng trại cao ráo, gia đình ông mạnh dạn đầu tư chăn nuôi. Lúc nào trong chuồng trại gia đình ông cũng nuôi 6 - 10 con bò. Hệ thống chuồng bò vượt lũ được ông xây dựng khá đẹp, kết cấu bê tông hai tầng kiên cố, mái lợp, cạnh bên có một cầu thang bê tông thoai thoải dẫn lên tầng 2.

“Bình thường đàn gia súc được nhốt tại tầng trệt để tiện cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, khi có lũ thì tôi đưa đàn gia súc lên tầng 2, cách mặt đất 3,5m. Tính ra rất hiệu quả, ngoài chức năng tránh lũ cho vật nuôi, tầng trên còn có ngăn để cất thức ăn dự trữ cho đàn vật nuôi trong mùa mưa rét, lũ lụt; một phần được tận dụng là nơi cất giữ một số đồ sinh hoạt quan trọng của gia đình như lúa, tủ lạnh, tivi và một số đồ dùng khác khi có lũ lớn”, ông Hòa chia sẻ.

Bắc Bình có lợi thế là vùng đất bãi bồi phù sa màu mỡ ven sông, có diện tích đất trồng cỏ lớn, cỏ phát triển tốt và tận dụng được nhiều nguồn phụ phẩm nông nghiệp nên đây cũng chính là vùng đất thích hợp nuôi bò. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân có kinh nghiệm chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt, vỗ béo bò... Hiện nay, không chỉ riêng ông Hòa mà tại khu dân cư Bắc Bình có trên 45 hộ dân chọn hình thức nuôi bò thích nghi với mưa lũ và đã xây dựng chuồng trại tránh lũ.

Gia đình ông Trần Viết Bình cũng áp dụng mô hình chăn nuôi vượt lũ, hiện nuôi 4 con bò. Kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng ông Bình vẫn mạnh dạn đầu tư 20 triệu đồng xây dựng nhà chống lũ phục vụ chăn nuôi. Ông Bình cho biết, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào chăn nuôi, tầng trên khu vực chuồng được chia làm nhiều ngăn nhỏ để tiện bố trí từng loại vật nuôi. Lối lên xuống cũng được đúc xi măng, làm nhám tránh trượt ngã, thuận tiện cho người chăm sóc và di chuyển vật nuôi. Vừa rồi, khi nước lũ tràn về ngập cao nhưng cả 4 con bò, và 3 con lợn cùng mấy chục con gà của ông Bình đều không bị thiệt hại.

 

t39.jpg
Một mô hình chuồng trại chăn nuôi tránh lũ tại Bắc Bình.

 

“Mấy năm trước, khi chưa có chuồng trại chăn nuôi cao tầng, chúng tôi không dám nuôi nhiều gia súc, gia cầm vì lo lũ lụt sẽ bị trôi hết. Bây giờ, không lo nhiều đến chuyện chạy lũ cho vật nuôi, gia đình chuẩn bị sẵn, khi nước lên là dắt đàn gia súc lên trên nhà chống lũ, vừa đảm bảo an toàn, vừa có thời gian thu dọn đồ đạc ở trong nhà. Nếu nông dân vùng lũ xác định chăn nuôi bền vững qua mùa lũ thì nên làm chuồng cao tầng tránh lũ cho an toàn”, ông Bình tâm sự.

Hiệu quả nhiều mặt

Thực tế thấy, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nhiều hộ nông dân vùng thấp lụt của thôn Bình Mỹ đã mạnh dạn xây dựng chuồng trại chống lũ phục vụ chăn nuôi, giúp nhiều vật nuôi được an toàn và hạn chế đến mức thấp nhất lượng vật nuôi bị trôi hay chết vì lũ, ngập lụt. Việc xây chuồng chống lũ và ngập lụt, tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình, nhà nào có kinh phí thì xây nhà chống lũ khoảng 30 - 40 triệu đồng, còn chưa đủ điều kiện thì xây nhà tầm 15 - 20 triệu đồng. Nhà chống lũ cho đàn vật nuôi phải đạt chiều cao tối thiểu từ 1,5m tính từ mặt đất lên tới nền. Trung bình mỗi chuồng rộng khoảng 15 - 20m2, được xây dựng vững chãi trên các trụ bê tông cốt thép.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Quang Vũ, Trưởng thôn Bình Mỹ, cho biết, việc xây dựng chuồng trại chống lũ và ngập lụt, cho vật nuôi ban đầu chỉ tự phát từ một vài hộ dân. Sau đó, bà con trong thôn thấy được hiệu quả của mô hình, đồng thời được chính quyền địa phương động viên nhân rộng nên tích cực hưởng ứng.

“Đây là  mô hình hay và mang lại hiệu quả rõ rệt, gồm cả hai phần, vừa chống lũ, lụt giữ được gia súc, gia cầm không bị trôi mất trong mưa lũ, vừa làm nơi dự trữ thức ăn gia súc trong mùa mưa rét. Trận lũ lịch sử năm nay nếu không có mô hình này thì hoạt động chăn nuôi của các hộ dân trong thôn sẽ bị thiệt hại nặng nề”, ông Vũ cho hay.

Từ chuồng trại chăn nuôi vượt lũ, cùng với sự cần cù chịu khó phát triển các mô hình chăn nuôi, nhiều gia đình nơi đây đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu tại mảnh đất quê hương. Việc nhân rộng mô hình, cách làm sáng tạo của nông dân vùng thấp lũ Bình Mỹ sẽ ứng phó tốt với những diễn biến khó lường của thời tiết, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển.

 

 

 

Phan Việt Toàn
Ý kiến bạn đọc
Top