Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 11 năm 2019 | 12:3

Xây dựng những ngôi trường hạnh phúc

Rời bục giảng để đến gần học sinh, chia sẻ, yêu thương, lắng nghe học trò, thấu hiểu các em để xây dựng ngôi trường hạnh phúc. Điều này tưởng như giản đơn nhưng lại vô cùng khó khăn đối với những thầy, cô ngại thay đổi.

Thay đổi chính mình trước khi bắt các em thay đổi đang là một đòi hỏi trong trái tim của “người lái đò thầm lặng”, để xây dựng nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.
 
dsc_8676.JPG
 Thầy, cô giáo luôn là tấm gương cho các thế hệ học trò
 
 
Tạo sự gần gũi, thân thiết, yêu thương học trò
 
Trao đổi với chúng tôi về sự cần thiết phải thay đổi tư duy của chính những người thầy đứng trên bục giảng trong tình hình mới, Nhà giáo ưu tú Phùng Thị Minh Vượng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên - Hà Nội), cho biết, nhà trường không chỉ là môi trường giáo dục kiến thức cho học sinh mà nơi đây còn là ngôi nhà để giáo dục nhân cách, giáo dục cách làm người, để khi các em bước vào đời có đầy đủ kiến thức và nhân cách đạo đức.
 
Muốn vậy, chính người thầy, người cô khi đứng trên bục giảng trước hết phải là người cha, người mẹ, phải là tấm gương cho học sinh noi theo. Từng cử chỉ, lời nói và hành động của các thầy, cô phải là chỗ dựa và là niềm tin cho các em, phải tạo được sự gần gũi, thân thiết với các em, phải là người thấu hiểu và chia sẻ với  học trò của mình, từ đó giáo dục và định hướng cho các em biết ứng xử và vượt qua những mặc cảm trong cuộc sống.
 
Chia sẻ về sự cần thiết xây dựng ngôi trường hạnh phúc, thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Lâm (Long Biên - Hà Nội) cho biết, trong điều kiện xã hội phát triển hiện nay, việc xây dựng ngôi trường hạnh phúc là việc cần làm của chính quyền, nhà quản lý giáo dục và  thầy, cô giáo.
 
Dưới áp lực của xã hội, gia đình và nhiều áp lực khác lên học sinh, việc đến trường nếu chỉ có chăm chăm vào việc dạy kiến thức mà quên đi những nhu cầu khác của các em là một khiếm khuyết lớn. Rất nhiều năm chúng ta chỉ có chú trọng vào học kiến thức, học ngày học đêm mà không có những hoạt động ngoại khóa để cho các em có khoảng thời gian nghỉ ngơi, điều này tạo cho học sinh nỗi sợ hãi khi đi học.
 
Nhiều giáo viên lại quên đi một việc hết sức quan trọng trong hoạt động giáo dục của mình, đó là sự gần gũi, chia sẻ với học sinh, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em để có phương pháp giáo dục hiệu quả nhất. Thầy cô phải đồng hành với học sinh trong cuộc sống, chỉ bảo và cùng các em vượt qua những áp lực, khủng hoảng tinh thần từ phía gia đình và xã hội. Không nên áp dụng những hình thức kỷ luật mà làm phản tác dụng giáo dục.
ngọc-lâm-1.jpg
Giáo dục kiến thức không thể tách rời những hoạt động ngoại khóa.
(Ảnh chụp tại Trường THCS Ngọc Lâm)
Theo thầy Nguyễn Anh Tuấn, để  nhà trường có thể làm được những việc đó, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của chính quyền các cấp, ngành chức năng trong việc tạo điều kiện cho nhà trường có đầy đủ cơ sở vật chất để thực hiện. Các nhà quản lý giáo dục cần có chủ trương, định hướng cho nhà trường xây dựng các hoạt động ngoại khóa cùng với các em. Một điều rất quan trọng nữa là phải có sự đồng hành của chính cha mẹ học sinh trong các hoạt động để cùng với thầy cô giải tỏa được nỗi lo, áp lực từ phía gia đình và xã hội, tạo điều kiện cho các em phát triển cân đối và toàn diện. 
 
Kỷ luật là phương pháp phản giáo giáo dục
 
Cô giáo Lê Thị Nếp, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn (Hưng Hà - Thái Bình) chia sẻ cảm nghĩ của mình về phương pháp giáo dục. Khi trở thành người giáo viên, dưới nhiều áp lực từ nhà trường, xã hội và phụ huynh, cô giáo Nếp đã đi theo lối giáo dục truyền thống là áp dụng “biện pháp mạnh” đối với học sinh. Tuy nhiên, đã có lúc bản thân phải nhận được những phản ứng không tích cực từ học sinh, các em quay lưng lại, không hợp tác với mình.
 
11.JPG
Cô giáo Lê Thị Nếp, giáo viên Trường TH&THCS Bắc Sơn.
Từ sự phản ứng của học sinh mà cô Nếp đã nhìn lại phương pháp giáo dục của chính mình và chính cô nhận ra một điều rất quan trọng: kỷ luật là biện pháp phản giáo dục. Cô đã biết quan tâm đến học trò nhiều hơn, biết xóa đi khoảng cách thầy trò, biết khơi dậy niềm đam mê và nội lực, lắng nghe học sinh.
 
Từ trên bục giảng, nhiều khi cô đã rời xa nó, để đến gần học sinh, quan tâm các em và chia sẻ với các em. Đến lớp khởi động một tiết học bằng nụ cười, thay vì trách mắng học sinh, cô đã động viên, khen ngợi các em, khuyến khích, trao cho các em niềm tin để xóa đi khoảng cách thầy và trò.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Ngân (Trường THCS Ngọc Lâm, quận Long Biên), cho biết, để nhận được sự yêu quý của học sinh và phụ huynh, thực sự chúng tôi phải hết lòng với sự nghiệp “trồng người”, ngoài việc tận tâm truyền thụ kiến thức để các em có thể hiểu và nắm bắt được kiến thức ngay trên lớp, giáo viên còn phải là người thấu hiểu các em, lắng nghe các em, chia sẻ với hoàn cảnh của từng em, biết khơi dậy tiềm năng của học trò mình để các em trưởng thành.
 
Cô Nguyễn Thị Hồng Ngân chia sẻ, trong hơn 20 năm đứng trên bục giảng, chưa bao giờ cô dùng biện pháp mạnh để kỷ luật học sinh, bởi lẽ, các em cũng như con em mình ở nhà, nếu không biết tha thứ, động viên, khuyến khích để các con biết lỗi lầm mà sửa thì sẽ đẩy các con đến sự tiêu cực, làm giáo dục mà đưa các con đến suy nghĩ này là thất bại.
ngọc-lâm-2.jpg
Hãy để mỗi ngày đến trường là một ngày vui đối với học sinh.
 
Nhà giáo ưu tú Phùng Thị Minh Vượng cho biết, trong quá trình đào tạo giáo viên tại trường sư phạm, có hai bộ môn là Giáo học pháp (phương pháp giáo dục) và Tâm lý học, đều đưa ra phương pháp giáo dục với phương châm xây là chính, các biện pháp kỷ luật đều phải được xem xét trên nhiều góc độ mang tính giáo dục, răn đe chứ không phải bằng biện pháp mạnh.
 
"Thời gian qua, khi xã hội tạo nhiều áp lực về thành tích của nhà trường, thành tích của giáo viên, mong muốn của phụ huynh học sinh con mình phải học giỏi nên đã có những lệch lạc trong phương pháp giáo dục, hậu quả là nhiều vụ việc đau lòng xảy ra trong nhà trường mà xã hội đã lên án. Việc nhìn lại mối quan hệ giữa thầy, cô và học sinh, mối quan hệ giữa dạy kiến thức và giáo dục nhân cách cho học sinh trong xu thế hiện nay là rất cần thiết", cô Vượng nói.
 
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh trong Chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”: Những cụm từ gần gũi, yêu thương, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và chân thành không xa lạ đối với tất cả chúng ta, nhưng để đạt được những cụm từ này thì không phải dễ dàng. Nếu thay đổi để tốt hơn, tại sao chúng ta không thay đổi?
 
Thay vì lên án một vấn đề trong ngành Giáo dục và Đào tạo, hãy động viên và chia sẻ, tin vào sự thay đổi của thầy cô, thay đổi của tất cả chúng ta để có những ngôi trường hạnh phúc.
 
Tại sao chúng ta không thay đổi để có những ngôi trường hạnh phúc, có những thầy cô giáo hạnh phúc, những học sinh hạnh phúc, nói rộng hơn là cả một xã hội hạnh phúc? Câu trả lời rất khó nếu tự thân thầy, cô giáo, nhà quản lý giáo dục không muốn hoặc không thay đổi. Nó cũng thật dễ dàng nếu như  thầy, các cô tự mình thay đổi để bản thân mình tốt hơn, học trò tốt hơn và xã hội cũng sẽ tốt hơn.  
 
 

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, hướng tới sự chuẩn mực trong ứng xử, không vi phạm các quy chế, quy định của ngành.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ xây dựng mô hình điểm “Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc”, trong đó lấy tiêu chí trường học không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo làm tiêu chí chính, trên cơ sở đó nhân rộng ra các trường khác. 

 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top