Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 28 tháng 10 năm 2017 | 4:10

Xuất khẩu nông sản tăng, sau "thẻ vàng" của EU, thủy sản có nguồn gốc "lên đời"

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục đạt con số ấn tượng trong tháng 10, tuy nhiên, việc EU rút "thẻ vàng" với hải sản Việt Nam là lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.

Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố cắt giảm hàng loạt điều kiện, giấy phép

Toàn cảnh buổi làm việc.

Tại buổi kiểm tra do Tổ công tác của Thủ tướng tiến hành ngày 25/10, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã công bố cắt giảm hàng loạt điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành... với ước tính tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg, đến nay Bộ đã hoàn thành 41 văn bản; 8 văn bản còn lại, Bộ đang xây dựng tích hợp còn 4 văn bản. Đây là các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện. Bộ tiếp tục tổ chức rà soát đối với 508 thủ tục hành chính (TTHC) còn hiệu lực và đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 TTHC (chiếm 56,5 %), gồm bãi bỏ 81 TTHC, đơn giản hóa 205 TTHC. Bộ đã rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa 18/40 TTHC kiểm tra chuyên ngành (KTCN) (đạt tỉ lệ 45%) theo hướng hợp nhất thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm và thủ tục kiểm dịch; nhập 2 thủ tục đăng ký kiểm dịch và khai báo kiểm dịch.

Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải quy định rõ về thời gian, hồ sơ, trình tự, thủ tục theo hướng tinh gọn, giảm thiểu chi phí, thời gian thực hiện. Thời gian KTCN đã được rút ngắn như kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu, thời gian rút ngắn từ 5-7 ngày làm việc xuống còn 8 giờ/lô hàng, trong khi kiểm dịch thực vật đã rút ngắn thời gian giải quyết từ 24 giờ xuống còn không quá 4 giờ đối với hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường hàng không và không quá 10 giờ đối với đường biển.

Phương án đơn giản hóa các TTHC liên quan đến KTCN nêu trên đã góp phần tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Chỉ tính riêng hoạt động kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật giảm khoảng 654,4 tỷ đồng (ước tính cắt giảm 108.524 ngày công, chiếm tỷ lệ cắt giảm là 66,7%); kiểm dịch thực vật giảm khoảng 178,1 tỷ đồng.

Bộ NN&PTNT cũng đề xuất và dự kiến các giải pháp khắc phục đối với nhóm hàng có chồng chéo KTCN theo hướng đề nghị Chính phủ xem xét giao một Bộ đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm. Đồng thời kiên quyết bố trí hợp lý đối với các nhóm hàng chịu sự KTCN.

Thời gian tới, Bộ tiếp tục rà soát để xem xét cắt bỏ 1 lệ phí: Lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật (tiết kiệm chi phí khoảng 9,5 tỷ đồng/năm).

Trong 9 tháng đầu năm, các đơn vị thuộc Bộ đã tiếp nhận qua Cổng một cửa quốc gia tổng số 107.070 hồ sơ; xử lý, giải quyết 101.656 hồ sơ (đạt tỉ lệ 95%); đang tiếp tục xử lý 5.414 hồ sơ. Mục tiêu Bộ NN&PTNT đặt ra là đến năm 2018 cơ bản các TTHC liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh hàng hóa và khoảng 80% hồ sơ thuộc lĩnh vực Bộ NN&PTNT quản lý sẽ thực hiện theo Cơ chế Một cửa quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, không phải chỉ cắt giảm thủ tục, mà bộ máy cũng cần chấn chỉnh lại để thích ứng với yêu cầu mới, tiếp đó mới đến công tác kỹ thuật, quản lý chuyên ngành.

Đối với hai vấn đề Thủ tướng lưu ý Bộ Nông nghiệp và PTNT về tình trạng chặt phá rừng và khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản, Bộ trưởng cho rằng đây là lĩnh vực rất lớn. Do đó, toàn bộ hệ thống ngành nông nghiệp tới đây sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, tham mưu để quản lý thật tốt, chặt chẽ hai lĩnh vực này.

Kết luận buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đề nghị nguyên tắc đổi mới trong thủ tục KTCN là rà soát toàn bộ danh mục hàng hóa được công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, gắn mã HS, không được để cơ quan nhà nước KTCN bằng hình thức cảm quan, tạo hiện tượng tiêu cực. Phải có quy trình và công nhận lẫn nhau, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý rủi ro. Bên cạnh đó, phải công bố kỹ hơn, rõ hơn đồng thời giảm danh mục hàng hóa và giảm cả hàng hóa phải KTCN.

Đối với những hàng hóa có sự kiểm tra chồng chéo giữa các bộ hay giữa các đơn vị trong bộ, chỉ giao một bộ chủ trì. Đối với các kiến nghị về một nghị định sửa nhiều nghị định, tăng cường kết nối một cửa quốc gia, một cửa ASEAN của Bộ NN&PTNT…, Tổ trưởng Tổ công tác cho rằng các kiến nghị này là “hoàn toàn trúng” và cần tập trung thực hiện. Còn việc đầu tư trung tâm kiểm nghiệm, KTCN theo hướng xã hội hóa là chính. Từ đó, sẽ có cơ chế để các cơ quan Nhà nước sử dụng các thông tin, kết quả kiểm định để cấp phép.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản thu về gần 30 tỷ USD sau 10 tháng

Xuất khẩu thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 10 ước đạt 2,74 tỷ USD. Như vậy, tổng giá trị xuất khẩu 10 tháng của năm nay đạt 29,76 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 15,62 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2016; xuất khẩu thủy sản ước đạt 6,73 tỷ USD, tăng 17,6%; và các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 6,44 tỷ USD, tăng 9,9%.

Trong tháng 10, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 430.000 tấn với giá trị đạt 206 triệu USD. Như vậy, khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đạt 5,05 triệu tấn với 2,25 tỷ USD, tăng 22,3% về khối lượng và tăng 21,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. 

Tiếp tục tăng mạnh về giá xuất khẩu vẫn là càphê, điều, cao su. Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su 10 tháng đạt 1,05 triệu tấn với 1,77 tỷ USD, tăng 5,7% về khối lượng và tăng 40,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt hàng điều cũng đã xuất khẩu đạt 289.000 tấn với 2,87 tỷ USD, giảm 0,4% về khối lượng nhưng tăng 23,1% về giá trị.

Có giá xuất khẩu tốt (tăng 28,5%), nhưng càphê đã không tận dụng được cơ hội về giá bởi sản lượng xuất khẩu giảm quá mạnh (gần 23%). Bởi vậy, kim ngạch xuất khẩu đã có dấu hiệu giảm (2,5%) so với cùng kỳ năm. Khối lượng xuất khẩu càphê 10 tháng ước đạt 1,17 triệu tấn với 2,69 tỷ USD. Sau 10 tháng, khối lượng xuất khẩu tiêu ước đạt 192.000 tấn với 1,02 tỷ USD, tăng 20,7% về khối lượng nhưng giảm 21% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Đến nay, mặt hàng rau quả vẫn có sự tăng trưởng tốt. Giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 10 ước đạt 209 triệu USD. Như vậy, giá trị xuất khẩu hàng rau quả 10 tháng ước đạt 2,84 tỷ USD, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp sau “thẻ vàng" đối với hải sản

Ngư dân và doanh nghiệp phải chú ý đến vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm sau thẻ vàng của EU.

Ngay sau khi nhận được thông báo về việc Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng biện pháp “thẻ vàng” đối với Việt Nam, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã thông tin tới báo chí về những tác động đối với sản xuất khai thác hải sản trong nước sau động thái trên.

Cụ thể, về tác động của “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản nêu rõ: Chỉ áp dụng với sản phẩm khai thác trên biển; không áp dụng cho sản phẩm thủy sản từ nuôi trồng. Trong thời gian này, hoạt động xuất khẩu hải sản vẫn được diễn ra bình thường, song sẽ có những tác động nhất định như: Các lô hàng bị tăng tần suất kiểm tra hồ sơ nguồn gốc sản phẩm khai thác nhập khẩu từ Việt Nam (có thể lên đến 100%), dẫn đến thời gian lưu kho tăng, phát sinh chi phí kiểm tra, chi phí lưu kho đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Nguyễn Ngọc Oai cho biết, việc bị phạt “thẻ vàng” cũng có khả năng gây tâm lý lo ngại đến các nhà nhập khẩu ở các thị trường khác, đặc biệt là đối với các thị trường nhập nguyên liệu của Việt Nam để tái xuất sang thị trường EU hoặc Mỹ và các nước có quy định áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chống khai thác (IUU). 

Về thời hạn "thẻ vàng" đối với Việt Nam: Theo quy trình của EC, sau khi xác định quốc gia có xuất khẩu thủy sản vào EU không đáp ứng được các yêu cầu của EU trong chống khai thác IUU, EC có quyết định cảnh báo chính thức (biện pháp "thẻ vàng"). 

Thời gian cảnh báo "thẻ vàng" là 6 tháng. Sau 6 tháng (đến 23/4/2018), sau khi có kết quả của đoàn kiểm tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của EC (DGMARE) về việc triển khai các quy định về IUU của EU, có 3 khả năng xảy ra với Việt Nam: Nếu Việt Nam triển khai đầy đủ, toàn bộ các quy định của EC với các minh chứng cụ thể thì tình trạng cảnh báo "thẻ vàng" sẽ được dỡ bỏ. Nếu việc triển khai các qui định của EU về IUU có tiến bộ EC có thể gia hạn để hoàn thiện các nội dung còn thiếu.

Trong trường hợp cảnh báo của EC không được thực hiện hoặc triển khai không hiệu quả, EC sẽ ban hành biện pháp "thẻ đỏ", khi đó lệnh cấm xuất khẩu hải sản khai thác từ Việt Nam vào thị trường EU sẽ được áp dụng. 

Để EU rút lại "thẻ vàng" đối với Việt Nam, trong thời gian  EC nhắc nhở, cảnh báo, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 (đã được trình Thủ tướng tại Văn bản số 8526/TTr-BNN/TCTS ngày 10-10-2017); tổ chức thực hiện quyết liệt, triệt để Kế hoạch này ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí kinh phí để xây dựng, triển khai dự án thông tin giai đoạn II. 

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ thành lập tổ công tác liên ngành do lãnh đạo Bộ là Tổ trưởng với sự tham gia của các Bộ, ngành, hội, hiệp hội có liên quan để chỉ đạo, điều phối triển khai các biện pháp khắc phục thẻ vàng của EU; tổ chức các đoàn đàm phán, đối thoại để EU hiểu và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai, đáp ứng các khuyến nghị của EU; tiếp tục biên dịch Luật Thủy sản sửa đổi và các văn bản dưới luật khi được sửa đổi ban hành để cung cấp cho EU.  

Hải sản có thông tin truy xuất 'lên hương'

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) chế biến hải sản xuất khẩu cho rằng để đáp ứng các yêu cầu của IUU (chương trình chống các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý), cần có sự tham gia của ngư dân và giải pháp hiệu quả nhất là DN sẽ chỉ thu mua nguyên liệu hợp pháp, có truy xuất với giá cao hơn.

Theo quy định của IUU, ngư dân đánh bắt hợp pháp phải kê khai rõ ràng về thông tin đánh bắt ở đâu để chi cục thủy sản địa phương xác nhận. Từ nguồn thông tin này, DN mới làm thủ tục hồ sơ truy xuất được nguồn gốc đánh bắt hợp pháp. Lúc đó DN mới xuất khẩu được.

Ông Nguyễn Hưng Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng (Phú Yên), cho biết: Cái khó hiện nay là sự hợp tác, ý thức của ngư dân. EU họ siết chặt DN, do đó DN cũng sẽ phải siết chặt với ngư dân. Nếu ngư dân đánh bắt không ghi chép hải trình đầy đủ, không được cơ quan chức năng xác nhận thì DN sẽ không thu mua. Còn những lô hàng có thông tin đầy đủ, hợp pháp sẽ tăng giá thu mua so với hiện nay.

Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Bá Hải (Phú Yên), DN chuyên chế biến xuất khẩu thủy sản, cho biết: “Chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt trên biển. Vấn đề là ngư dân chưa có thói quen ghi chép nhật ký và khai báo thông tin. Trước đây, cá đánh bắt về vẫn được các DN thu mua, vì thế ngư dân thấy việc ghi chép chẳng cần thiết. Nhưng nay, với việc bị phạt “thẻ vàng”, bắt buộc DN phải khai báo đầy đủ thông tin. Điều này đồng nghĩa với việc DN chỉ thu mua nguyên liệu có thông tin truy xuất”.

Nhiều DN cho biết sẽ vận động ngư dân tham gia theo chuỗi sản xuất, cương quyết điều chỉnh điều kiện thu mua trong hợp đồng, như vậy ngư dân buộc phải tham gia chương trình. 

Khánh Nguyên (tổng hợp)

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

  • Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Bài viết này tập trung vào chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nền kinh tế thị trường; vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đối với hệ thống QTDND trong thời gian qua, những đóng góp tích cực và những mặt còn hạn chế.

Top