Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 13 tháng 6 năm 2017 | 9:53

“Mổ xẻ” những vấn đề nóng của ngành nông nghiệp

Sáng nay (13/6), Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 bắt đầu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường. Nhiều vấn đề nóng của ngành được “mổ xẻ”.

Nội dung chất vấn xoay quanh 3 vấn đề:

Giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững.

Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.

Trong 3 khâu của ngành chăn nuôi, mới làm tốt 1, còn 2 rất yếu

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) nêu, quy hoạch ngành chăn nuôi với 32 triệu con lợn vào năm 2015, trong khi đến năm 2016 thị trường mới có 27 triệu con lợn nhưng đã xảy ra khủng hoảng, người chăn nuôi gặp khó khăn. 

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) nhìn nhận trước tình hình ngành chăn nuôi lợn và thức ăn chăn nuôi gặp khó khi cung vượt cầu, người sản xuất đã lỗ đến 50% chi phí, Bộ đã có các giải pháp để giải quyết vấn đề này trong ngắn hạn. Vậy đâu ra giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để vấn đề này. Làm thế nào để điệp khúc "được mùa mất giá và được giá mất mùa" sẽ được giải quyết triệt để (?).

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, báo cáo của Bộ trưởng đưa ra 8 giải pháp nhưng trong đó đến 3 giải pháp là tiếp, 2 giải pháp là tăng cường, còn lại là nghiên cứu và rà soát. Từ những câu chữ này không thể khẳng định đây sẽ là giải pháp đột phá. Vậy đâu mới là yếu tố quan trọng để giải quyết bài toán khó của ngành chăn nuôi?

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, mục tiêu nòng cốt của ngành trong giai đoạn này là đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Gói 100.000 tỷ đồng được Chính phủ ban hành cũng là để hỗ trợ ngành. Hiện, đã giải ngân được trên 30.000 tỷ cho doanh nghiệp, khu vực sản xuất nông nghiệp. Nhiều ngân hàng không chỉ coi đây là mục tiêu "giải cứu" mà còn là thị trường tiềm năng. 

Vấn đề khủng hoảng thừa thịt lợn trong giai đoạn vừa qua, Bộ trưởng Cường cho biết, nguyên nhân chính là do sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh. Và hiện nay, không riêng thịt lợn tăng rất mạnh mà nhiều nông sản khác cũng tăng hàng chục lần trong vào năm qua. Riêng thịt lợn đã tăng 3,6 lần, sữa tăng 15 lần,...

Lợn nái cách đây 10 năm có hơn 2 triệu con, giờ lên 4,2 triệu con. Nuôi lợn dù đã tái cơ cấu nhưng con số mới giảm được từ 7 triệu hộ xuống còn 3 triệu hộ.

Trong thời gian tới cần cơ cấu lại, thu hẹp 3 triệu hộ chăn nuôi để dễ dàng kiểm soát hơn về nguồn cung. 

Nguyên nhân thứ 2 là sự liên kết trong ngành nông nghiệp còn kém, chế biến đang bị tách lìa với sản xuất. Hiện, chỉ có vài doanh nghiệp chế biến nhưng chế biến sâu từ nuôi đến chế biến thành phẩm. Trong khi đa số là nuôi rồi thịt và bán ở phản thịt ngoài chợ 

Thứ ba, khâu tổ chức thị trường là khâu yếu nhất. Hiện, thịt lợn của Việt Nam mới xuất khẩu được 3 nước, lợn sữa mỗi năm khoảng 20.000 tấn, còn lại chủ yếu là tiểu ngạch qua Trung Quốc. Các thị trường khác chưa khai thác được.

Trong 3 khâu của ngành chăn nuôi lợn thì mới làm được khâu đầu, còn 2 khâu sau rất yếu. Trong đó có trách nhiệm của ngành nông nghiệp. Nên tháng 4 vừa qua giới hạn cuối cùng là khủng hoảng thừa. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, câu chuyện khủng hoảng thừa trong ngành chăn nuôi không phải do người nông dân mà vì ngành nông nghiệp làm chưa tốt. Và chúng tôi cũng báo cáo Thủ tướng tổng đàn lợn hiện nay quá thừa, cần cơ cấu lại, giảm số lượng nhưng quản trị được và tăng chất lượng. 

Chất lượng giống cây ăn quả và rau đang yếu

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng năng suất giống cây trồng, chăn nuôi, thủy sản trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng.

Bộ trưởng Cường cho rằng, chất lượng giống của ngành nông nghiệp Việt Nam làm khá tốt bởi trong một thời gian ngắn chuyển từ đói sang thừa thực phẩm. Tuy nhiên, có giống ngành cây trồng ăn quả và giống rau cũng đang yếu nhưng không thể không thay đổi được. 

Ngoài ra, loại giống bản địa của Việt Nam như: Giống cây, giống chăn nuôi riêng. Cái này phải chú ý hơn, nhằm tạo ra đặc sản riêng theo quy trình truyền thống, phục vụ cho nông nghiệp.

Tính thị trường quyết định sản xuất

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) chất vấn, làm thế nào để điệp khúc "được mùa mất giá và được giá mất mùa" sẽ được giải quyết triệt để?

"Thị trường quyết định cho sản xuất nông sản", Bộ trưởng Cường nhấn mạnh, đồng thời cho biết, hai Bộ Công Thương và Nông nghiệp và PTNT sẽ cùng ngồi lại, đánh giá lại công tác quản lý thị trường, phát triển thị trường. 

Song song đó, tới đây ngành này sẽ rà soát, phát triển sản phẩm nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm.

Thứ nhất, trục sản phẩm quốc gia, phải rà soát lại xem đâu là lợi thế, đâu là kém lợi thế để loại bỏ và chỉ tập trung phát triển sản phẩm mang lại năng suất, giá trị cao.

Thứ hai, trục sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, như xoài cát Hoà Lộc... 

Thứ ba, phát triển nông sản đặc thù từng địa phương. 

Từ những trục sản phẩm này, các ngành hàng sẽ tập trung vào quy mô, tổ chức sản xuất, chế biến, thương  mại…

Trả lời đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) về việc làm thế nào có sản phẩm nông nghiệp sạch, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đảm bảo xử lý môi trường để đảm bảo có sản phẩm nông nghiệp sạch là yêu cầu đặt ra cần kíp. Chúng ta có diện tích đất canh tác tốt, nhưng thuỷ vực bị ô nhiễm thì cũng khó có sản phẩm sạch.

"Muốn có nông sản sạch thì phải đi từ gốc: Từ đất và nước", Bộ trưởng quả quyết, đồng thời chia sẻ trước thực tế hầu hết các con sông nội đô Thủ đô hiện đang bị ô nhiễm. Giải quyết việc này cần sự vào cuộc của đồng thời Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT, TP. Hà Nội thì mới có giải pháp căn cơ, chứ làm cắt khúc từng bộ sẽ không hiệu quả.

Xây dựng thị trường là khâu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình làm rõ thêm một số nội dung về tổ chức thị trường, cơ cấu lại các ngành hàng nông sản để phát huy lợi thế cạnh tranh xuất khẩu.

Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, xây dựng thị trường là khâu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp và tín hiệu của thị trường là yếu tố quan trọng trong vấn đề xây dựng quy hoạch. 

Đối với vấn đề giải cứu lợn, Bộ trưởng Công Thương cho biết ngành chăn nuôi đã chứng kiến sự tăng trưởng cao trong thời gian qua, tuy nhiên công tác phát triển thị trường chưa thực sự hiệu quả. Giải pháp đối với ngành chăn nuôi sẽ phải gắn sản xuất với mở cửa thị trường, gắn với mở cửa về thủ tục hành chính. Trong đó, yêu cầu vượt qua những hàng rào kỹ thuật là điều kiện quan trọng.

Khi đưa một mặt hàng ra nước ngoài cần 3-7 năm để vượt qua các hàng rào kỹ thuật, công tác quy hoạch cần tính toán vấn đề này và cần sự phối hợp giữa các bộ ngành. Sự việc khủng hoảng thừa đối với ngành chăn nuôi lợn thời gian vừa qua cũng sẽ được giải quyết khi Việt Nam xây dựng được cơ chế xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sang thị trường lớn như Trung Quốc thay vì xuất khẩu tiểu ngạch mang tính rủi ro của hiện tại.

10h41'

Dư địa để ngành tôm đạt doanh thu 10 tỷ là có thể

Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) chất vấn: Tại hội nghị phát triển ngành tôm do Thủ tướng chủ trì đã đặt mục tiêu hướng tới phát triển ngành tôm mạnh, đạt doanh thu 10 tỉ USD vào năm 2025, xin bộ trưởng cho biết giải pháp?

Bộ trưởng Cường cho biết: Trên thế giới có 7 tỉ người thì không có quốc gia nào là không ăn tôm. Như vậy, dư địa phát triển là có. VN có vùng đồng bằng sông Cửu Long có mặt nước, nhất là vùng nước mặn có lợi thế nuôi tôm. Chúng ta có vùng duyên hải, khí hậu ấm, thuận lợi để nuôi tôm. Hiện, VN có khoảng 300 doanh nghiệp có kinh nghiệm nuôi tôm, giá trị 4 tỷ USD/năm. Đó là những cơ sở để xây dựng chiến lược ngành tôm đến năm 2020 và 2025.

Vấn đề lớn nhất của ngành tôm hiện nay là làm sao để nông dân, doanh nghiệp liên kết lại, phối hợp với nhau, chứ không để manh mún, xé lẻ, ô nhiễm môi trường...

"Chúng tôi cũng đã giao cho các viện nghiên cứu giải quyết cho được vấn đề con tôm giống, phải chủ động. Thủ tướng đã phê duyệt khu công nghệ cao về tôm ở Bạc Liêu, rộng khoảng 400ha. Tại đây, sẽ nghiên cứu, chuyển giao những kỹ thuật, con giống, quy trình sản xuất", Bộ trưởng cho biết.

Bộ đã yêu cầu kiểu tra 19 tàu vỏ thép hỏng hóc

Đại biểu Đặng Hoài Tân (Bình Định) đặt vấn đề: Nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi mới đóng, ra khơi được một vài chuyến đã hỏng, có những tàu phải nằm bờ, để lại nhiều hệ lụy xấu, đặc biệt nghiêm trọng là ảnh hưởng đến chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Bộ trưởng cho biết, hiện, cả nước có 235 cơ sở đủ điều kiện để thực hiện đóng tàu, đã đóng được 666 tàu, trong đó có 297 tàu sắt công suất lớn, phục vụ vươn khơi. Nhìn chung các chuyến ra khơi, theo bà con nhận xét, các tỉnh báo cáo về là phát huy được hiệu quả, đảm bảo an toàn. Chẳng hạn, ngư dân ở Nam Định, Bình Thuận, Bình Định, Bà Rịa – Vùng Tàu đều báo về là làm ăn có lãi khi có tàu mới.

Tuy nhiên, đã xuất hiện có tàu hư hỏng ở Bình Định, Phú Yên. Bình Định có 19 chiếc hỏng. Khi phát hiện thì bộ đã ra các văn bản yêu cầu các địa phương rà soát lại. Bình Định đã mời ngư dân và 2 đơn vị đòng tàu để đối chất, làm rõ vấn đề. Tàu hỏng này thuộc hai công ty Đại Nguyên Dương và Nam Triệu. Bộ đã yêu cầu hai công ty này không được đóng mới nữa, nếu tàu hỏng máy thì phải thay máy mới, hỏng sắt thì phải đóng lại sắt đúng chủng loại…".

11h20'

Chính sách thu hút DN vào nông nghiệp chưa đủ khuyến khích

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn: Thực trạng được mùa mất giá là nỗi lo thường trực trong cuộc sống người nông dân. Để giải quyết vấn đề này có vai trò của doanh nghiệp, các tổ chức, của nhà nước, và vai trò của nhà nước là rất lớn. Vừa qua cứ khi xảy ra chuyện, như dư thừa thịt lợn, thì doanh nghiệp bỏ chạy. Vậy, vai trò của nhà nước như thế nào để giữ chân doanh nghiệp trong những tình huống này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có tăng, nhưng so với các khu vực khác thì còn ít. Nguyên nhân do chính sách thu hút doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp chưa đủ khuyến khích. Vừa qua trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã trực tiếp chỉ đạo rà soát các chính sách từ tín dụng, đất đai... Đặc biệt là chính sách về đất đai, Bộ Nông nghiệp đã kiến nghị 6 vấn đề. Tới đây chúng tôi sẽ kiến nghị Quốc hội tiến hành sửa đổi các quy định của luật, làm sao để kêu gọi doanh nghiệp vào tạo ra được vùng sản xuất lớn.

Tổ chức sản xuất chưa có giải pháp đột phá

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nhận xét, sức cạnh tranh của nông nghiệp chưa cao, sản xuất chưa gắn với tiêu thụ, nhiều chính sách chưa đi vào đời sống. Người nông dân VN rất chăm chỉ, cần cù nhưng cuộc sống vẫn vất vả. Bộ trưởng có biết người nông dân đang nghĩ gì về trách nhiệm của bộ trưởng không? Bộ trưởng có biết người nông dân đang mong muốn bộ trưởng làm gì để thể hiện trách nhiệm của mình không?

Bộ trưởng bày tỏ: "Phân công cho trưởng ngành nào thì ngành đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên, nhưng một mình trưởng ngành không thể làm hết được. Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị".

Không đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng Cường, đại biểu Tâm tranh luận lại: “Tôi chất vấn Bộ trưởng là muốn Bộ trưởng trả lời trách nhiệm của mình, chứ không phải hệ thống chính trị. Trong nhiều cuộc gặp gỡ với bà con nông dân, tôi thấy khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều lúng túng. Cái gì dễ thì chúng ta làm, nhưng cái khó nhất hiện nay là tổ chức sản xuất thì lại chưa tập trung làm, chưa có giải pháp đột phá. Nên gần đây có lãnh đạo Bộ nói: Sản xuất dư thừa do bà con chạy theo phong trào, thấy gì thì làm nấy là thiếu trách nhiệm”.

14h15’

Tích tụ đất đai phải trên cơ sở tự nguyện giao dịch, chuyển đổi

Đại biểu Hoàng Đức Thắm (Quảng Trị) chất vấn về việc cho tích tụ ruộng đất thì có bần cùng hoá nông dân không?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định về chủ trương tích tụ ruộng đất: "Thủ tướng đang giao các bộ chức năng nghiên cứu, đề xuất Quốc hội sửa luật. Nhưng quan điểm rõ ràng là tích tụ ruộng đất thì không để nông dân mất việc làm. Luật chúng ta quy định là đất nông nghiệp giao ổn định, lâu dài cho người dân. Chính vì vậy, muốn tích tụ phải trên cơ sở tự nguyện giao dịch, chuyển đổi".

Bộ trưởng Cường, cho biết, vừa qua chính quyền ở một số nơi đã chủ động, tích cực cùng với người dân, doanh nghiệp thực hiện dồn điền, đổi thửa. Trong một nền nông nghiệp công nghệ cao thì doanh nghiệp cũng không cần quá nhiều diện tích, chỉ cần một mặt bằng nhất định.

14h35'

Sạt lở tại ĐBSCL, phải ưu tiên di dân đến nơi an toàn

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) chất vấn, hiện, sạt lở tại đồng bằng Sông Cửu Long đã ảnh hưởng đến khoảng 20.000 dân sống ở khu vực này, họ phải sống trong nơm nớp lo âu. Xin hỏi Bộ trưởng, Chính phủ có giải pháp để khắc phục tình trạng này?.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cho biết: Đúng là hiện nay chúng ta đối mặt với thực trạng biến đổi khí hậu, riêng vùng đồng bằng Sông Cửu Long đối mặt với thách thức, tổn thương rất lớn. Trong lịch sử kiến tạo chưa bao giờ khu vực này chịu tổn thương như bây giờ. Ngoài tác động của thiên nhiên, những hoạt động kinh tế trên vùng này cũng tác động rất lớn. Đồng bằng Sông Cửu Long bị sạt lở cả các bờ sông và sạt lở bờ biển. Bờ biển hiện có 41 điểm sạt lở, bờ sông thì có 49km trong đó có những địa điểm phải xử lý khẩn cấp. Bộ mới chỉ bố trí ngân sách để xử lý một số điểm. Bộ đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng rất quan tâm đến vấn đề này.

Bộ trưởng Nguyên Xuân Cường nhấn mạnh, phải ưu tiên di dân đến nơi an toàn, không thể để nguy cơ xấu đến với dân. Tiếp đến là không để ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông quan trọng. Nhưng để toàn diện thì chúng ta phải xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá và có giải pháp tổng thể.

D.Thanh

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top