Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 6 tháng 1 năm 2018 | 10:54

10 sự kiện nổi bật năm 2017 của ngành Tài nguyên và Môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố 10 sự kiện nổi bật trong năm 2017 của ngành. Theo đó, việc lựa chọn ra 10 sự kiện nổi bật trên 28 sự kiện được đưa ra tham vấn cộng đồng trên Cổng thông tin điện tử với hơn 16.200 lượt tham gia bình chọn.

1. Hội nghị lần thứ nhất của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức thành công tại thành phố Cần Thơ từ ngày 26 đến 27-9-2017. Hội nghị đã thu hút được sự tham gia của gần 1.000 đại biểu, bao gồm các nhà quản lý ở Trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, đối tác quốc tế, đóng góp nhiều ý kiến có giá trị thực tiễn sâu sắc; đặc biệt là những kinh nghiệm của thế giới về phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhận diện đầy đủ các thách thức và xu thế biến đổi của đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu; từ đó xác định rõ tầm nhìn, đề xuất các giải pháp tổng thể, định hướng chiến lược để thực hiện chuyển đổi quy mô lớn mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

2. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11- 2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ đề cập một cách toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá, chiến lược nhằm thực hiện chuyển đổi quy mô lớn và xây dựng mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước song cũng rất mẫn cảm với các điều kiện của tự nhiên, tác động của biến đổi khí hậu.

3. Nhiều hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan được dự báo, cảnh báo kịp thời, giảm thiểu thiệt hại. Năm 2017 được biết đến là một năm kỷ lục về các hiện tượng thiên tai khốc liệt, cực đoan và dị thường tại nhiều nơi trên cả nước với 16 cơn bão, bốn áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, 15 đợt nắng nóng diện rộng với những trị số nắng nóng lịch sử 42oC ở miền Bắc và miền Trung; nhiều trận mưa lớn diện rộng, lũ lớn đạt mức lịch sử.

4. Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường  là một trong những cơ quan hành chính cấp Trung ương đi đầu trong cải cách hành chính với việc vận hành hệ thống cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến các cấp độ; kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi gần 45% điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Lần đầu tiên triển khai thí điểm liên thông giải quyết 11 thủ tục hành chính của ba lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, biển và hải đảo, giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư giảm thời gian và tiết kiệm đến 2/3 chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

5. Triển khai kinh tế hoá trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước. Lần đầu tiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất. Việc triển khai kinh tế hóa với chủ trương cụ thể hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản của nhà nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã quy định cụ thể theo các mục đích khai thác nước; qua đó góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Hội nghị phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với Biến đổi khí hậu được bình chọn là sự kiện nổi bật nhất ngành tài nguyên và môi trường năm 2017.

6. Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thúc đẩy thị trường bất động sản. Với tinh thần lắng nghe và tháo gỡ, Bộ TN và MT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ-CP tháo gỡ nhiều vướng mắc về đất đai trong thực hiện các dự án đầu tư; bồi thường giải phóng mặt bằng; xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất tháo gỡ vướng mắc trong xử lý nợ xấu của ngân hàng; thúc đẩy thị trường bất động sản lành mạnh; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận; hoàn thiện cơ chế để thực hiện phương thức góp quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư, chỉnh trang đô thị.

7. Thay đổi phương án nhận chìm vật, chất ở biển Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận; lùi thời điểm thi hànhKhoản 5 Điều 6 của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT. Trong năm 2017, trước sự quan tâm, lo lắng từ dư luận, ý kiến của các nhà khoa học, cơ quan báo chí và người dân, Bộ TN và MT đã cầu thị, lắng nghe và phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý gần 1 triệu m3 vật chất từ hoạt động nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Phương án nhận chìm ở biển được thay thế bằng phương án san lấp mặt bằng theo quy hoạch của Cảng tổng hợp Vĩnh Tân, bảo đảm hiệu quả kinh tế, tiến độ dự án, quyền lợi nhà đầu tư, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và mỗi người dân đều hiểu rõ quyền, lợi ích của việc ghi tên từng thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình trên giấy chứng nhận; đồng thời để các địa phương có thêm thời gian chuẩn bị điều kiện triển khai thực hiện tốt hơn Thông tư số 33, Bộ TN và MT chính thức ngừng hiệu lực với Khoản 5 Điều 6 Thông tư này.

8. Thực hiện tốt kế hoạch khắc phục đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các địa phương có các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như Công ty Formosa tại Hà Tĩnh, Nhà máy giấy Lee&Man tại Hậu Giang và một số cơ sở có tiềm ẩn nguy cơ cao về môi trường khác để giám sát chặt chẽ về công tác bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Năm 2017 cũng là năm đầu tiên Bộ TN và MT thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương; góp phần giúp các nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh, đầy đủ, chính xác các thông tin về những vấn đề môi trường bức xúc; tăng cường trao đổi thông tin giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý; nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi ứng xử đối với môi trường.

9. Vườn Quốc gia Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh) trở thành Vườn di sản thứ 38 của ASEAN và thứ sáu của Việt Nam. Đây là Vườn quốc gia hội tụ đầy đủ 6 tiêu chí về tính toàn vẹn sinh thái, tính đại diện, tính tự nhiên, tính pháp lý, tính bảo tồn cao cùng với kế hoạch quản lý, bảo tồn. Vườn quốc gia có tổng diện tích 15.783 ha, đó diện tích biển chiếm 9.658 ha, diện tích các đảo nổi chiếm 6.125 ha; có 2.212 loài động, thực vật, 75 loài trên cạn và 31 loài sinh vật biển được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

10. Nhiều cá nhân được công nhận, vinh danh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Việt Nam và thế giới. Năm 2017 là năm mà tại Việt Nam, nhiều tên tuổi của các nhà khoa học được thế giới vinh danh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, Giáo sư Đặng Huy Huỳnh là người Việt Nam đầu tiên được vinh danh Anh hùng đa dạng sinh học của ASEAN; Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh được nhận giải thưởng Nhân tài đất Việt về đa dạng sinh học.

PV (Tổng hợp).

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top