Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 9 năm 2023 | 9:22

An Dương bứt phá trong NTM, tiến tới xây dựng đơn vị hành chính quận

Hơn thập niên kể từ khi thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM), cùng sự nỗ lực vượt khó với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, huyện An Dương (TP. Hải Phòng) đã có sự chuyển mình tích cực trong trong phát triển KT - XH.

Hệ thống giao thông hoàn thiện làm thay đổi căn bản diện mạo vùng nông thôn; các công trình  NTM được xây dựng theo tiêu chí đô thị đưa vào sử dụng đã từng bước đưa An Dương trở thành đơn vị hành chính quận trước năm 2025 theo kế hoạch.

Nỗ lực bứt phá

Năm 2010, An Dương bước vào công cuộc xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp. Khi bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng NTM, theo kết quả rà soát, bình quân số tiêu chí NTM của các xã mới đạt 5/19 tiêu chí.

Trong khi đó, các tiêu chí NTM chưa đạt được đều là những tiêu chí khó như: giao thông, thuỷ lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, y tế, hộ nghèo…; sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu, chưa hình thành được vùng sản xuất, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư…

Các công trình xây dựng NTM kiểu mẫu đưa vào sử dụng, từng bước hoàn thành các tiêu chí đô thị, xây dựng huyện An Dương trở thành đơn vị hành chính quận trước năm 2025.

Tuy nhiên, xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong triển khai xây dựng NTM.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, thực hiện các tiêu chí trong điều kiện còn muôn vàn khó khăn, trong 10 năm (2011-2020), An Dương đã huy động tổng nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM là trên 5.000 tỷ đồng, tập trung đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, quan tâm tổ chức sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.... 

Đáng chú ý, trong thời gian này, huyện đã cải tạo, xây dựng được trên 325km đường giao thông; xây dựng, cải tạo 20 trạm bơm điện, cứng hoá trên 85km kênh; nâng cấp, cải tạo 311 công trình trường học… Nhân dân hiến đất làm đường 55.000m2 đất thổ cư, 95.580m2 đất nông nghiệp, 19.500 ngày công; huy động đóng góp mua vật liệu cát, đá, máy móc thi công làm 492km đường ngõ xóm, nội đồng, nghĩa trang theo chương trình hỗ trợ xi măng của thành phố.

Tuyến đường xây dựng NTM kiểu mẫu tại xã An Hồng được thi công, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.

Sau rất nhiều nỗ lực, quyết tâm cao của hệ thống chính trị và Nhân dân, đến hết năm 2018,  An Dương có 15/15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đến năm 2020, hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM. Được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận huyện An Dương đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Dấu ấn của phong trào xây dựng NTM tại huyện An Dương đã và đang hiện hữu ở tất cả các địa phương, thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống. Bộ mặt nông thôn huyện ngày càng khang trang, sạch đẹp; giao thông, điện, viễn thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp... Hơn ai hết, chính Nhân dân là người được thụ hưởng những thành quả mà Chương trình xây dựng NTM mang lại. 

Xã Tân Tiến dọn mặt bằng, chuẩn bị thi công các công trình xây dựng NTM kiểu mẫu.

Sớm hoàn thành xây dựng đơn vị hành chính phường, quận

Xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt, phải được thực hiện liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Sau khi hoàn thành xây dựng huyện NTM, năm 2020, UBND TP. Hải Phòng đã lựa chọn xã Đồng Thái (An Dương) là xã thí điểm thực hiện Chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu.

Với tổng kinh phí đầu tư 167 tỷ đồng, xã Đồng Thái đã triển khai xây dựng 19 công trình đường giao thông và hệ thống chiếu sáng, vận động 986 hộ dân hiến 22.000m2 đất ở và đất nông nghiệp để hoàn thành các công trình. Rút ra được bài học kinh nghiệm khi thực hiện NTM kiểu mẫu từ xã Đồng Thái, huyện An Dương triển khai xây dựng tại các xã tiếp theo. 

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện An Dương, trong 2 năm (2021-2022), huyện  đã triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu tại các xã Quốc Tuấn, An Hoà, Đặng Cương, An Hồng, Hồng Thái, Lê Thiện, Hồng Phong. Các xã trên thực hiện 15 dự án gồm 32 tuyến đường giao thông, 6 tuyến điện chiếu sáng ngõ, xóm và giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư.

Kết quả, đến 31/8/2022, các tuyến đường giao thông đã cơ bản hoàn thành theo đúng thiết kế với hệ thống thoát nước, cây xanh, biển báo, đèn chiếu sáng đồng bộ, các công trình đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng phục vụ nhân dân, góp phần tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. 

Để tiếp tục lộ trình thực hiện xây dựng NTM, năm 2023, An Dương tiếp tục thực hiện tại 4 xã: An Hưng, Đại Bản, Tân Tiến, Bắc Sơn. Tổng số công trình được UBND TP. Hải Phòng phê duyệt với 91 công trình (trong đó: 72 công trình đường giao thông và điện chiếu sáng; 9 công trình trường học; 10 công trình nhà văn hóa). Theo kế hoạch, 4 xã này sẽ hoàn thành các công trình giao thông trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu, đến nay, huyện An Dương có 4 xã Đồng Thái, Đặng Cương, Quốc Tuấn, An Hòa đã được UBND TP. Hải Phòng công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2022; 4 xã An Hồng, Hồng Thái, Lê Thiện, Hồng Phong được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022.

Công trình xây dựng NTM kiểu mẫu xã Hồng Thái hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui của Nhân dân địa phương.


UBND huyện An Dương tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban ngành của huyện, UBND các xã triển khai lập và hoàn thiện hồ sơ xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2023 tại 4 xã: An Hồng, Hồng Thái, Lê Thiện, Hồng Phong và 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao: Đại Bản, An Hưng, Tân Tiến, Bắc Sơn.

Để hoàn thành các công trình NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện An Dương (giai đoạn 2021 - 2023), tổng kinh phí thực hiện cho các công trình là 1.536 tỷ đồng (trong đó: Ngân sách thành phố 1.350 tỷ đồng; ngân sách huyện 186 tỷ đồng). Vận động 4.201 hộ dân hiến tặng đất và giải tỏa vật kiến trúc với tổng diện tích đất hiến tặng trên 109.000 m2 đất thổ cư và nông nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị giám sát về tình hình, kết quả thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông xây dựng NTM kiểu mẫu huyện An Dương (ngày 12/9 vừa qua), bà Trần Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy An Dương, đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, sâu sát của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân các địa phương trong việc triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao trên địa bàn.

Đến nay, các công trình hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng đáp ứng yêu cầu đi lại của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước hoàn thành các tiêu chí đô thị, xây dựng huyện An Dương trở thành đơn vị hành chính quận trước năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. 

Để phát huy hiệu quả, giá trị các công trình sau khi hoàn thành, bàn giao và đưa vào khai thác sử dụng, bà Trần Thị Bích Ngọc yêu cầu, đối với các dự án đang được đầu tư, triển khai mới, các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các nhiệm vụ xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao. Phấn đấu hoàn thành tiến độ và sớm hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng đô thị xây dựng đơn vị hành chính phường, đơn vị hành chính quận theo kế hoạch.

Có thể nói, Chương trình xây dựng NTM tại huyện An Dương đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn. Kinh tế có bước phát triển mạnh, đặc biệt là tái cơ cấu ngành nông nghiệp được chú trọng, trồng trọt, chăn nuôi có giá trị gia tăng cao, xây dựng được nhiều mô hình liên kết sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương.

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top