Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đưa đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đáp ứng nhu cầu vay vốn của Nhân dân.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu luôn duy trì ở mức thấp. Kết quả này cho thấy hiệu quả nguồn vốn tín dụng sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Phát huy hiệu quả vốn vay
Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Võ Văn Hoàng cho biết: Qua gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đến đầu tháng 5/2024, tổng nguồn vốn Chi nhánh quản lý là hơn 4.483 tỷ đồng, tăng gần 2.143 tỷ đồng so với cuối năm 2019 và tăng gần 3.237 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Đến nay, tổng dư nợ 13 chương trình tín dụng chính sách đang thực hiện tại NHCSXH đạt hơn 4.467 tỷ đồng với 79.515 khách hàng vay vốn, tăng gần 2.135 tỷ đồng so với cuối năm 2019 và tăng hơn 3.229 tỷ đồng so với cuối năm 2014.
Người dân xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ làm thủ tục vay vốn ưu đãi của NHCSXH.
Nguồn vốn chủ yếu tập trung cho vay các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay hộ đồng bào DTTS, cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, cho vay các hộ sản xuất kinh doanh tại các vùng khó khăn… Chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp.
Nguồn vốn vay NHCSXH được giải ngân trực tiếp tới khách hàng tại Điểm giao dịch xã, có sự chứng kiến của Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn, hội đoàn thể nhận ủy thác.
Nhờ đó, chất lượng tín dụng ngày một tốt hơn. Nợ quá hạn và nợ khoanh năm 2023 là 6 tỉ đồng, chiếm 0,14% tổng dư nợ, giảm gần 20 tỉ đồng so với ngày thành lập. Trong đó, nợ quá hạn 0,6 tỉ đồng, chiếm 0,01% tổng dư nợ, giảm 24,8 tỉ đồng so với ngày thành lập; nợ khoanh 5,4 tỉ đồng, chiếm 0,13% tổng dư nợ, tăng 4,9 tỷ đồng so với ngày thành lập. Có 2/8 Phòng giao dịch không có nợ quá hạn là TP.Vũng Tàu và huyện Côn Đảo.
Thực hiện hiệu quả Chương trình liên tịch giữa NHCSXH với Hội Nông dân trong việc thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH luôn chủ động phối hợp ban giảm nghèo các xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý, tổ chức họp để kết nạp tổ viên vào tổ, bình xét cho vay, đôn đốc hướng dẫn tổ viên sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích.
Gia đình bà Trần Thị Liên (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) là một trong những hộ được vay nguồn vốn tín dụng chính sách và phát huy hiệu quả. Bà Liên chia sẻ, chồng mất sớm, một mình nuôi 3 con ăn học. Cuộc sống vì thế luôn bị thiếu trước hụt sau. Thông qua Hội Nông dân, bà được tiếp cận vay vốn giải quyết việc làm từ NHCSXH. Từ số vốn vay ban đầu 5 triệu đồng để trồng vài chục trụ tiêu, nay vườn tiêu nhà bà đã có 500 - 600 trụ, số tiền vay được từ nguồn vốn ưu đãi cũng tăng gấp 10 lần. Hàng tháng bà đều trả lãi và gốc đúng hạn. Hộ bà Liên đã thoát nghèo, kinh tế ổn định.
Đặc biệt, trước tình trạng “tín dụng đen” len lỏi vào đời sống người dân, nhất là vùng nông thôn, gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm, làm mất ổn định trật tự xã hội trên địa bàn, NHCSXH đã có hàng loạt giải pháp mở rộng khả năng đáp ứng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng như: Nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… Cách làm này đã góp phần đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen”. Năm 2014, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,35% trên tổng dư nợ; đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,05%; đến hết tháng 4/2024, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ là 0,02%, giảm 0,33% so năm 2014.
Tạo thuận lợi cho người vay
Để tăng cường khả năng tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi, giảm thời gian và chi phí đi lại cho người vay, Chi nhánh NHCSX tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức giao dịch tại xã, phường, thị trấn tối thiểu một tháng một lần vào ngày cố định trong tháng (kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật). Điểm giao dịch xã công khai các văn bản về tín dụng chính sách của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, của NHCSXH Trung ương và của UBND tỉnh, danh sách các hộ vay… để Nhân dân, chính quyền địa phương biết, giám sát và thực hiện.
Ông Trần Văn Mảng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giới thiệu với đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi Nepal về mô hình trồng dưa lưới.
Đến nay, toàn tỉnh có 82 Điểm giao dịch xã hoạt động tại 82 xã, phường, thị trấn. Việc phục vụ Nhân dân tại xã là một phương thức hoạt động đặc thù riêng của NHCSXH, đang phát huy hiệu quả tích cực. Trong các cuộc họp giao ban hàng tháng với NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội và Tổ tiết kiệm và vay vốn tại Điểm giao dịch, Chủ tịch UBND xã tham gia đầy đủ để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nhất là việc xử lý nợ quá hạn, lãi tồn đọng; tạo điều kiện cho hoạt động của tổ giao dịch lưu động an toàn, hiệu quả. Nhờ đó, các đối tượng được vay vốn một cách thuận lợi ngay tại xã, nơi họ đang cư trú.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo phản ánh của bà con, mức cho vay tối đa theo quy định đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chỉ 10 triệu đồng/công trình là thấp, chưa phù hợp với mặt bằng chi phí và giá cả hiện nay.
Ngoài ra, bà con cũng đề nghị nâng mức đầu tư cho vay các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động vay vốn việc làm từ tối đa 100 triệu đồng nâng lên đến 200 triệu đồng. Đồng thời, cho vay dự án sản xuất kinh doanh từ 2 tỷ đồng lên đến 5 tỷ đồng để thu hút và tạo việc làm ổn định, duy trì việc làm cho người lao động.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.