Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024  
Thứ năm, ngày 19 tháng 10 năm 2023 | 10:21

Bắc Giang nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Đến tháng 8/2023, Bắc Giang có 255 sản phẩm được công nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên, giá trị sản phẩm OCOP ước khoảng 650 tỷ đồng.

Đạt được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực trực tiếp của chủ thể OCOP, còn có sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Kịp thời hỗ trợ

Bắc Giang là một trong những tỉnh nằm trong top đầu toàn quốc về số lượng sản phẩm được chứng nhận OCOP. Để nâng cao năng lực cho cán bộ, chủ thể, năm 2023, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang tổ chức 7 lớp tập huấn cho 500 chủ thể sản xuất và cán bộ quản lý Chương trình OCOP các cấp. Quá trình tập huấn ưu tiên hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia chương trình và hướng dẫn chuyên sâu các chuyên đề về phát triển sản phẩm, đánh giá phân hạng sản phẩm, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, xúc tiến thương mại...

Để giúp các chủ thể sản xuất xây dựng, phát triển, hoàn thiện sản phẩm OCOP, Chi cục Phát triển nông thôn thường xuyên cử cán bộ bám sát địa bàn, đồng thời thành lập nhóm Zalo của các chủ thể để trao đổi thông tin, tư vấn online, tuyên truyền chủ trương, hướng dẫn các chủ thể tiếp cận cơ chế, chính sách liên quan, hướng dẫn các chủ thể mới tham gia về điều kiện, thủ tục tham gia đánh giá, phân hạng từ việc xây dựng hồ sơ, hoàn thiện hình thức mẫu mã bao bì đến câu chuyện sản phẩm,... Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại cơ sở.

Đến tháng 8/2023, Bắc Giang có 255 sản phẩm được công nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 33 sản phẩm 4 sao, 222 sản phẩm 3 sao.

Nhằm giúp các sản phẩm tham gia từng bước hoàn thiện và nâng cao chất lượng, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ quản lý nhãn hiệu, tem nhãn mác sản phẩm cho 27 chủ thể sản xuất có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát thực hiện dự án thí điểm phát triển mô hình phát triển các sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ, du lịch sinh thái tâm linh núi Dành và du lịch sinh thái ven sông Thương tại xã Liên Chung, huyện Tân Yên; khảo sát, hướng dẫn phát triển sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch tại điểm du lịch sinh thái Bầu Tiên (HTX du lịch Đồng Dao) và điểm du lịch làng văn hóa Đông Bắc (HTX dịch vụ du lịch làng văn hóa Đông Bắc) trên địa bàn huyện Lục Ngạn; khu du lịch sinh thái Khe Rỗ, huyện Sơn Động.

Phối hợp với phòng chuyên môn các huyện, thành phố hướng dẫn, đôn đốc các chủ thể hoàn thiện hồ sơ sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2023; tư vấn, hướng dẫn Công ty cổ phần xuất - nhập khẩu Vifoco xây dựng hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm vải thiều Bắc Giang; long nhãn Bắc Giang tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia.

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt danh sách hỗ trợ các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2023 (đợt 2). Theo đó, hỗ trợ 6 chủ thể xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, mỗi nhãn hiệu được hỗ trợ 20 triệu đồng. Hỗ trợ chi phí bao bì, in tem cho 29 sản phẩm, trong đó, hỗ trợ 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao 100 triệu đồng/sản phẩm, 2 sản phẩm 4 sao 50 triệu đồng/sản phẩm, 25 sản phẩm 3 sao 30 triệu đồng/sản phẩm. Tổng kinh phí 2,22 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Thái Trường,  Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, khi chủ thể tham gia Chương trình OCOP, sẽ được tỉnh hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, hỗ trợ bao bì sản phẩm. Hiện, tỉnh có 1 sản phẩm đang được Hội đồng cấp Trung ương tiến hành đánh giá, phân hạng 5 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang triển khai.

Sự chủ động vào cuộc của chủ thể

Là chủ thể có 2 sản phẩm tiềm năng đang xây dựng hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao, ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần xuất -nhập khẩu Vifoco (TP. Bắc Giang), cho biết, công ty hoạt động trong lĩnh vực  chế biến các loại rau, củ, quả đóng hộp, cấp đông phục vụ xuất khẩu sang các thị trường như:  Hàn Quốc, châu Âu…

Ông Việt tâm sự, doanh nghiệp có kinh nghiệm chế biến công nghiệp, có kinh nghiệm làm hàng cho các nước nhập khẩu nên sản phẩm đạt chất lượng tốt. Là doanh nghiệp xuất khẩu nên tiếp cận được các đối tác, bạn hàng nhập khẩu, tiếp thu được nhiều phương thức quản lý, phương thức chế biến đáp ứng thị trường khó tính, thị trường tiên tiến.

Đặc biệt, doanh nghiệp được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, HTX và bà con nông dân vùng nguyên liệu. Qua đó, doanh nghiệp nhìn thấy tiềm năng trái cây của tỉnh để làm thương hiệu, từ đó đưa cây ăn quả lên tầm cao mới, trong đó có quả vải thiều, quả nhãn.

Ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Vifoco trao đổi về 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Ông Việt cho biết, trước đây, rất băn khoăn về việc người tiêu dùng chỉ được ăn quả vải khi đến mùa thu hoạch. Khi được đóng hộp, khách hàng có thể ăn quanh năm, vì vậy, quả vải thiều được nâng lên tầm cao mới, nhiều người biết đến, từ đó thu hút được khách hàng thưởng thức mỗi khi vào vụ thu hoạch. Năm 2020, sản phẩm vải thiều Bắc Giang đóng hộp đạt 4 sao. Năm 2022, sản phẩm nhãn Bắc Giang đóng hộp đạt 3 sao. Hiện, 2 sản phẩm này đang được công ty đầu tư, nâng tầm lên 5 sao.

Giai đoạn 2019-2022, những sản phẩm được gắn sao của Bắc Giang có doanh thu tăng bình quân 15% so với sản phẩm thông thường, trong đó doanh thu bình quân của các sản phẩm 4 sao đạt 4,3 tỷ đồng/sản phẩm/năm, sản phẩm 3 sao đạt 2,8 tỷ đồng/sản phẩm/năm.

Bắc Giang phấn đấu hết năm 2025, có ít nhất 310 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó khoảng 1-2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp Quốc gia; đến năm 2030 có khoảng 350 sản phẩm OCOP.

Theo ông Việt, từ khi đạt sản phẩm OCOP, người dân biết đến nhiều hơn, tin tưởng vào sản phẩm, từ đó tin dùng nhiều hơn, sản lượng cũng tăng lên, giá cả ổn định. Trước đây, doanh thu sản phẩm vải thiều đóng hộp đạt khoảng 5 tỷ đồng/năm; sau năm 2020, tăng dần, đến nay đạt 10 tỷ đồng/năm. Với quả nhãn, trước năm 2022, chỉ đạt mấy trăm triệu đồng/năm, nay đạt trên 1 tỷ đồng/năm. Quan trọng nhất là sản phẩm vải thiều đã vào được thị trường Thái Lan với sản lượng ban đầu gần 100.000 hộp (50 tấn). Thời gian tới, công ty tiếp tục đầu tư  trang thiết bị, máy móc, tự động hóa để nâng cao chất lượng sản lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Phấn đấu sớm đưa sản phẩm đạt OCOP 5 sao.

Là sản phẩm đang được Hội đồng cấp Trung ương tiến hành đánh giá, phân hạng 5 sao, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc  HTX Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn), cho biết: Sản phẩm vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân khi triển khai nâng cấp sao, hàng có sẵn, chất lượng tốt, cơ sở vật chất, thương hiệu đã được xây dựng, xuất sang Hoa Kỳ, Úc (mỗi năm khoảng 100 tấn) và đã cung cấp cho nhiều siêu thị trong nước. Sau khi được công nhận OCOP 4 sao, bao bì, nhãn mác đẹp, chất lượng tốt, người tiêu dùng yên tâm về sản phẩm nên tiêu thụ cũng tốt hơn, doanh thu cao hơn, kéo theo giá trị cũng tăng lên. Tôi tin tưởng sản phẩm sẽ đạt OCOP 5 sao.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top