Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 26 tháng 2 năm 2023 | 14:0

Bắc Giang triển khai giải pháp nâng cao chất lượng vải thiều

Năm 2023, Bắc Giang duy trì 29.700ha vải thiều, sản lượng dự kiến đạt 160.000 tấn. Hiện, các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng vải thiều, đáp ứng nhu cầu của thị trường nhập khẩu.

Nâng cao chất lượng

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, sản xuất vải thiều trên địa bàn tỉnh cơ bản diễn ra thuận lợi, thời tiết trong tháng 12/2022 đến hết tháng 01/2023 có nhiều ngày lạnh sâu, trời ít mưa, khô ráo là điều kiện thuận lợi cho vải thiều phân hoá mầm hoa, ra hoa. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Chi cục phối hợp với các địa phương bám sát tình hình thời tiết, quá trình sinh trưởng và phát triển của cây vải để hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, Bắc Giang duy trì 19 mã số vùng trồng diện tích 230ha xuất sang thị trường EU, Mỹ; 38 mã số vùng trồng diện tích 297,43ha xuất sang thị trường Nhật Bản; 16 mã số vùng trồng diện tích 179,5ha xuất khẩu sang thị trường Thái Lan; 133 mã số vùng trồng diện tích 16.092ha và 317 cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc...

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang yêu cầu các cơ quan chuyên môn triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng vải thiều phục vụ xuất khẩu. Trong ảnh: Tỷ lệ vải thiều tại huyện Lục Ngạn ra hoa đạt 95%.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức kiểm tra, thẩm định kết quả rà soát các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói của các huyện, và đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp bổ sung mã số vùng trồng đảm bảo diện tích sản xuất phục vụ xuất khẩu. Phối hợp với cơ quan chuyên môn của các huyện theo dõi, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh; hướng dẫn, giám sát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất vải thiều, đặc biệt các vùng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU... Tổ chức tập huấn cho nông dân tham gia vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu; hỗ trợ công tác phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các vùng trồng vải trước khi xuất khẩu.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết, toàn huyện hiện có 17.300ha vải thiều, tỷ lệ ra hoa đạt 95%. Năm nay, huyện tập trung cho mã số vùng trồng, chỉ đạo nâng cao chất lượng, có  chứng chỉ, chứng nhận GlobalGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ để xuất khẩu sang tất cả các nước. Huyện đang hướng dẫn, chỉ đạo bà con sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, đảm bảo các chỉ số để xuất khẩu.

Theo ông Lê Bá Thành, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, hiện cơ quan chuyên môn thuộc Sở đang phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, các viện, trường bám sát tình hình vải thiều ra hoa của các địa phương để có biện pháp chỉ đạo kịp thời; hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc vải thiều để đảm bảo tỷ lệ ra hoa trên 80%; giám sát vùng trồng, hướng dẫn bà con tuân thủ nghiêm ngặt theo quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ trong sản xuất vải.

Chuẩn bị tốt cho xuất khẩu

Để đảm bảo có đủ sản lượng vải thiều đáp ứng các yêu cầu điều kiện về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu, mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đề nghị UBND các huyện sản xuất vải thiều trọng điểm chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện rà soát, thiết lập hồ sơ cấp bổ sung mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đảm bảo đủ điều kiện sản xuất phục vụ xuất khẩu; tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đề nghị thu hồi hoặc hủy bỏ đối với vùng trồng, cơ sở đóng gói không đảm bảo đúng quy định; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn cho mã vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo theo các yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Thành lập tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, quản lý sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất, đặc biệt các vùng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU... Bố trí kinh phí hỗ trợ vật tư phục vụ sản xuất cho nông dân (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón); nơi cất giữ, nơi chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; phân tích mẫu quả vải về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch; chứng nhận vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...

Các huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xúc tiến thương mại, mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ vải thiều xuất khẩu; hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc nông dân tham gia ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ vải thiều, đảm bảo toàn bộ sản lượng vải thiều vùng xuất khẩu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và kinh doanh vải thiều trên địa bàn.

Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản thực hiện tốt công tác phối hợp chỉ đạo sản xuất đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt quan tâm đến vùng sản xuất vải VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...; tổ chức kiểm tra thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản...

Trung tâm Khuyến nông tập huấn, xây dựng mô hình sản xuất vải VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các mô hình sản xuất có hiệu quả để nhân rộng; các yêu cầu, tiêu chuẩn quy định về tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản, đặc biệt là sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, EU...

Để chuẩn bị cho công tác xuất khẩu, ông Nguyễn Thế Thi cho biết, Lục Ngạn sẽ đề nghị các cơ quan liên quan có các thủ tục cho doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp không phải qua khâu trung gian, không xuất qua đường tiểu ngạch, hướng tới xuất khẩu chính ngạch. Nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong huyện, trong tỉnh để xuất khẩu trực tiếp mà không phải thông qua doanh nghiệp  tỉnh ngoài.

“Cùng với đó, huyện sẽ tổ chức các đoàn đi xúc tiến tiêu thụ, đàm phán, tháo gỡ  khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Thành lập tổ công tác để rà soát các mã số đóng gói, theo Lệnh 248, 249 của Trung Quốc, năm nay, nước bạn sẽ sang kiểm tra số vùng trồng và mã số đóng gói. Huyện sẽ rà soát mã số nào không đảm bảo điều kiện đóng gói, sơ chế, bảo quản để xuất khẩu sẽ cắt bỏ, chỉ giữ lại những cơ sở đảm bảo”, ông Thi cho biết thêm.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top