Nhân dân đồng lòng, chính quyền quyết tâm cùng chung sức xây dựng huyện Bắc Quang (Hà Giang) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân… nhưng “không chạy theo thành tích”.
Thay đổi diện mạo nông thôn
Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Bắc Quang đã có 11/21 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 52,4% tổng số xã); trong đó, 3 xã Đồng Yên, Vĩnh Hảo, Vĩnh Phúc đạt 8 – 12 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao. Kết quả khá toàn diện từ xây dựng NTM đã tạo nét chấm phá cho bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn khu vực cửa ngõ phía Nam Hà Giang thêm thịnh vượng.
Bắc Quang hiện có các vùng sản phẩm chủ lực sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bao gồm: Vùng sản xuất chuyên cam quy mô hơn 4.000 ha, sản lượng 40.000 tấn/năm; vùng sản xuất chè trên 5.000ha, sản lượng chè búp tươi đạt 25.000 tấn/năm; vùng sản xuất lạc hàng hóa 2.000ha, sản lượng đạt 6.300 tấn/năm; vùng trồng rừng kinh tế tập trung với tổng diện tích gần 3.500 ha, cung cấp cho thị trường trên 40.000m3 gỗ/năm, trữ lượng đạt trên 80 m3/ha.
Người dân xã Việt Hồng tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, chuyển dịch tích cực từ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung (gia trại, trang trại). Toàn huyện hiện có 114 hộ chăn nuôi trâu, bò tập trung với quy mô từ 5 đến trên 20 con/hộ. Đồng thời, hình thành vùng chăn nuôi đại gia súc trên 22.000 con/năm, đàn lợn trên 85.000 con/năm.
Cùng với kết quả trên, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thay đổi tập quán canh tác sản xuất nhỏ lẻ, hình thành vùng sản xuất chuyên canh, phục vụ nhu cầu thị trường. Tiêu biểu có thể kể đến: Mô hình HTX nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc (quy mô 312 ha, doanh thu ước đạt 12 – 15 tỷ đồng/năm); chuyển đổi vườn, đồi sang trồng cây cam Vàng áp dụng thâm canh theo hướng VietGAP của gia đình anh Đặng Văn Lích, thôn Việt Hà (xã Việt Hồng) với quy mô 10 ha, doanh thu hàng tỷ đồng/năm; nuôi 40 con bò sinh sản cho thu nhập cao của anh Cao Văn Sỹ, thôn Cầu Thủy (thị trấn Việt Quang); chăn nuôi gà của hộ ông Hoàng Văn Pháp, thôn Mục Lạn (xã Tân Quang) với quy mô lên đến 8.000 con/1ha...
Kết quả xây dựng NTM đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo “tam nông” Bắc Quang. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới của huyện giảm còn 17,42%; tỷ lệ hộ cận nghèo chỉ chiếm 9,89% và tỷ lệ hộ khá - giàu đạt 47%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30,71 triệu đồng/năm (cao gấp 1,29 lần so với thu nhập bình quân đầu người của tỉnh). Giá trị sản xuất/đơn vị diện tích canh tác đạt 71,8 triệu đồng/ha (cao gấp 1,5 lần so với mức chung toàn tỉnh).
Tạo bứt phá
Có thể khẳng định, Chương trình xây dựng NTM của Bắc Quang đang từng bước đi vào chiều sâu, có sự đồng thuận, tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Đây là tiền đề quan trọng để huyện vượt khó, bứt phá, phấn đấu hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM vào năm 2025.
Xây dựng huyện NTM đồng nghĩa với việc Bắc Quang phải hoàn thành 9/9 tiêu chí NTM; đảm bảo 100% số xã đạt chuẩn NTM, 10% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 100% số thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Bắc Quang đã đạt 4/9 tiêu chí huyện NTM, gồm: Thủy lợi, điện, chất lượng môi trường sống và tiêu chí hệ thống chính trị - an ninh trật tự - hành chính công. Còn 5 tiêu chí chưa đạt liên quan đến quy hoạch, giao thông, y tế - văn hóa - giáo dục, kinh tế và môi trường. Giai đoạn 2022 – 2025, huyện có 10 xã đăng ký xây dựng đạt chuẩn NTM. Hiện, các xã này đã đạt 10 – 14/19 tiêu chí NTM.
Đường hoa tạo diện mạo mới cho nông thôn mới xã Quang Minh.
Trên lộ trình xây dựng huyện NTM, Bắc Quang cũng đối diện không ít khó khăn, thách thức khi phải huy động nguồn lực đầu tư rất lớn (dự kiến lên đến gần 1.000 tỷ đồng). Thêm vào đó, hạ tầng xã hội và hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là các vùng quy hoạch chậm được đầu tư hoàn thiện. Phần lớn các xã chưa hoàn thành những tiêu chí cần nguồn vốn đầu tư lớn như: Trường học, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa..., trong khi hàng năm, việc huy động nguồn lực để đầu tư cho phát triển còn hạn chế. Hơn nữa, các xã xây dựng đạt chuẩn NTM giai đoạn 2022 - 2025 đa số là xã khó khăn, đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao... Vì vậy, việc hoàn thành 2 tiêu chí mang tính then chốt là thu nhập, giảm nghèo đa chiều đảm bảo đạt chuẩn NTM một cách thực chất, bền vững trở thành thách thức không hề nhỏ.
Mặc dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức, song cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp căn cơ, chiến lược, khoa học và bài bản để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Bắc Quang đạt chuẩn huyện NTM. Trong đó, có các giải pháp cụ thể để thực hiện 2 tiêu chí mang tính then chốt là thu nhập và giảm nghèo đa chiều đảm bảo đạt chuẩn NTM, như: Xây dựng và triển khai các dự án hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ doanh nghiệp, HTX liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia vay, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi gắn với hướng dẫn phương thức sản xuất, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất theo quy mô nhóm hộ, tổ đội, HTX gắn với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ...
Đánh giá thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, lãnh đạo UBND huyện Bắc Quang cho biết: Phong trào cải tạo vườn tạp và chuyển đổi làm ăn tạo sinh kế bền vững cho người dân đã nhận được sự ủng hộ rộng của các tổ chức kinh tế - xã hội. Đã có trên 2.000 ngày công đóng góp, giúp đỡ người dân cách làm ăn mới. Và cũng đã nhận được gần 140 triệu đồng ủng hộ bà con cải tạo vườn, ao, chuồng để phát triển sản xuất. Bắc Quang đã, đang đưa những cách làm mới, hướng đi, liên kết mới, mô hình kinh tế có hiệu quả thực tiễn được ghi nhận lan tỏa, nhân rộng. |
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.