Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 1 năm 2024 | 9:51

Bán sản phẩm OCOP tại chợ truyền thống để người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm an toàn

Một trong những tiêu chí để được công nhận sản phẩm OCOP là đảm bảo an toàn thực phẩm, đây là một trong những thế mạnh của những sản phẩm này. Tuy nhiên, những sản phẩm này chủ yếu được tiêu thụ qua các siêu thị, còn tại các chợ truyền thống hầu như vắng bóng. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng chưa có cơ hội để sử dụng sản phẩm an toàn thực phẩm.

Thời điểm cận Tết Nguyên đán, nạn kinh doanh buôn bán thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cho người tiêu dùng là rất lớn. Vì thế, cần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các chợ truyền thống để người tiêu dùng an tâm, không lo bị ngộ độc xảy ra trong những dịp lễ, Tết.

An toàn thực phẩm là một trong những tiêu chí quan trọng của OCOP

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Đức Hậu Lưu Quang, xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ) Lê Hữu Diện cho biết, năm 2021, sản phẩm bưởi Diễn của hợp tác xã được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và công nhận OCOP 3 sao. Để kiểm soát chất lượng quả bưởi, hợp tác xã đã sản xuất theo hướng hữu cơ, thực hiện nghiêm quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm. Sản phẩm bưởi Diễn Đức Hậu Lưu Quang đều được chọn lọc kỹ, đóng trong túi lưới với trọng lượng quả từ 800g đến 1.200g, có dán tem truy xuất nguồn gốc. Mỗi năm vào vụ thu hoạch, bưởi Diễn của hợp tác xã tiêu thụ ổn định, với giá bán từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/quả.

Sản phẩm bưởi Diễn của Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Đức Hậu Lưu Quang (xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ) được công nhận OCOP 3 sao. Ảnh: Khắc Nam

Còn Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) Nguyễn Đỗ Ban thông tin, đến nay, hợp tác xã đã có 5 sản phẩm rau an toàn được công nhận OCOP. Tất cả các loại rau, củ của hợp tác xã đều đáp ứng yêu cầu về chất lượng, có bao bì, nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất các sản phẩm rau an toàn đạt OCOP, hợp tác xã thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăm sóc từ đất, nước, thuốc sinh học để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ đó, hợp tác xã đã liên kết với các bếp ăn tập thể và một số siêu thị, cửa hàng bán nông sản trên địa bàn Hà Nội với số lượng tiêu thụ khoảng 500-700kg rau, củ, quả/ngày, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm.

Thương hiệu giò bê Chung Tài Nghệ An không chỉ nổi tiếng về chất lượng đạt chuẩn mà còn gắn liền với tên tuổi ông chủ, bởi nhiều lần khăn gói vào Nam ra Bắc để học hỏi cách chế biến giò bê, tập tành từ con số không rồi đúc kết dần, nghiên cứu văn hóa, công thức để có cho mình sự riêng về hương vị. Với quy trình sản xuất hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2021, sản phẩm giò bê Chung Tài đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là điều tự hào, tuyệt vời nhất mà cả quá trình cố gắng của gia đình ông Chung. Vì khi được cơ quan chức năng chứng nhận thì điều đó cũng chứng minh vị thế của sản phẩm luôn được khách hàng tin tưởng tuyệt đối.

Giò bê Chung Tài đi hội chợ giới thiệu sản phẩm của mình trên khắp đất nước.

Một trong những tiêu chí quan trọng để xét duyệt OCOP là chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm đối với các loại nông sản, thực phẩm. Thời gian qua, các chủ thể khi tham gia Chương trình OCOP cũng chú trọng đưa ra thị trường những sản phẩm uy tín, chất lượng. Các địa phương, đơn vị cũng chủ động hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm và tổ chức ký cam kết sản xuất an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất; đề nghị được cấp giấy công bố hợp quy hoặc phù hợp quy định an toàn thực phẩm...

Tiêu chí về an toàn thực phẩm là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu, để sản phẩm được xét duyện và công nhận là sản phẩm OCOP. Vì thế các sản phẩm này khi đưa ra thị trường tiêu thụ, thì người tiêu dùng rất an tâm, bởi đã được các cơ quan chức năng giám sát rất chặt chẽ.

Giám sát từ khâu sản xuất

Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm (quận Thanh Xuân) Đinh Thị Hải Yến cho biết, để bảo đảm chất lượng cho các sản phẩm: Giò, chả, nem... của công ty được công nhận OCOP, công ty đã chú trọng từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tem nhãn truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.

Đối với sản phẩm giò bê Chung Tài Nghệ An, ngay từ đầu sản xuất luôn tuân thủ nguyên tắc "3 không": Không sử dụng chất bảo quản; không hàn the, không phụ gia tạo vị - tạo màu. Vì vậy, sản phẩm giò bê luôn có màu sắc hồng tự nhiên, vị ngọt đậm đà, mùi thơm đặc trưng, an toàn cho người tiêu dùng.

Quá trình sản xuất giò lụa của cơ sở Tiến Quý (Thanh Hóa) được tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt từ khâu lựa chọn nguyên liệu (thịt lợn, gia vị...) rõ nguồn gốc, chất lượng tốt; khâu chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phương châm sản xuất 3 không:”Không sử dụng chất bảo quản, không hàn the và không phụ gia tạo màu, tạo vị”, bởi cơ sở đã ý thức được rằng hàn the, chất phụ gia có thể làm cho giò lụa có độ dẻo, dai, màu sắc bắt mắt… song rất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, gia đình anh kiên quyết không sử dụng.

Để tăng độ tin cậy, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cơ sở sản xuất giò lụa Tiến Quý đã đầu tư mua sắm thêm nhiều loại máy móc phục vụ cho quá trình sản xuất, như: Máy xay thịt công suất lớn, lò hấp cách thủy, tủ làm lạnh, máy hút chân không... để sản phẩm giò giữ được màu sắc, hương vị, tránh hư hỏng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Anh Tiến đang sắp xếp trưng bày sản phẩm giò lụa tại Siêu thị Tiến Quý.

Do đó, sản phẩm Giò lụa Tiến Quý “sản xuất từ tâm, yên tâm cho bạn” đã trở thành thực phẩm an toàn, chất lượng từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường Bỉm Sơn, thành phố Thanh Hóa và nhiều vùng lân cận khác.

Các sản phẩm nông sản khác như rau, củ, quả phải được trồng tại những vùng quy hoạch là vùng sản xuất rau sạch, được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, áp dụng phương pháp trồng theo VietGap...được kiểm tra chặt chẽ trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. 

Với phương pháp sản xuất, chế biến, trồng trọt bảo đảm an toàn ngay từ khâu sản xuất sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng và hạn chế thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Nhưng việc tiêu thụ những sản phẩm OCOP này chủ yếu tại các hệ thống siêu thị, chưa phải ở những chợ truyền thống lớn, điều này hạn chế rất nhiều đến việc sản xuất của các cơ sở.

Sản phẩm OCOP vẫn vắng bóng tại chợ truyền thống

Tại Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP” do Bộ Công Thương tổ chức vào đầu tháng 12/2023, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Thực hiện Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 7 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động và đạt được nhiều kết quả cụ thể.

Trong đó, Bộ Công Thương đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về các sản phẩm OCOP và hệ thống các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước thông qua chuyên mục về Chương trình OCOP tại trang thông tin điện tử http://sanphamvungmien.vn; đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho các sản phẩm OCOP và các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã xây dựng tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là căn cứ để địa phương xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Bộ Công Thương đã cấp kinh phí và trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ 25 địa phương (21 địa phương trong giai đoạn 2019-2020 và 04 địa phương trong năm 2023) xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Một số địa phương bằng nguồn kinh phí của mình đã triển khai xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP theo tiêu chí của Bộ Công Thương và với bộ nhận diện điểm bán thống nhất như Hà Nội (hơn 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn gần 30 quận, huyện, thị xã), Quảng Ninh (30 trung tâm và điểm bán hàng OCOP), Bắc Kạn (10 điểm), Bến Tre (12 điểm), Thanh Hóa (05 điểm)….

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã triển khai một loạt các hoạt động kết nối thị trường, tổ chức các Hội nghị, hội thảo nhằm đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm chủ lực của các địa phương, các đặc sản vùng miền.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các hoạt động văn hóa - du lịch (Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cà Mau…). Nhờ kết hợp với du lịch, các địa phương đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững. Qua đó, góp phần thúc đẩy các địa phương tích cực tham gia sản xuất các sản phẩm thế mạnh cũng như phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Hòa ở số 12 Hồ Xuân Hương, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: “Nhu cầu được sử dụng các sản phẩm nông sản, thực phẩm đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm trong từng bữa ăn của người dân là rất cao. Tuy nhiên, những sản phẩm này lại thiếu vắng rất nhiều ở những chợ truyền thống và hầu như không có, nguyên nhân theo tôi có thể những cửa hàng này không thể cạnh tranh được với những cửa hàng bán cùng chủng loại sản phẩm, vì giá ở những cửa hàng bán sản phẩm OCOP sẽ cao hơn. Một nguyên nhân phần nữa là người tiêu dùng vẫn không thể yên tâm, tin tưởng vào những cửa hàng bán sản phẩm OCOP này có thực sự là hàng đảm bảo an toàn thực phẩm hay không, vì thế sản phẩm OCOP vắng bóng trên chợ truyền thống là điều dễ hiểu”

Nhu cầu được sử dụng sản phẩm OCOP của người tiêu dùng là có thật, nhưng để phân biệt đâu là sản phẩm OCOP đã được chứng nhận và sản phẩm “OCOP nhái” là trách nhiệm của các cơ quan chức năng.

Nếu các sản phẩm OCOP này được mở rộng tiêu thụ tại các chợ truyền thống trên cả nước, không những tăng được thu nhập cho bà con nông dân, cơ sở sản xuất, làm tăng giá trị sản phẩm  OCOP đồng thời là một kênh để quảng bá và giới thiệu văn hóa ở những nơi có sản phẩm OCOP đi khắp muôn nơi. Điều quan trọng là người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn thực phẩm.

 

Theo Báo Hà Nội mới, Báo Nghệ An, báo Thanh Hóa

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top