Để hiểu rõ hơn vai trò, đóng góp của báo chí trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở địa phương, phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hoá, Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thanh Hoá.
Với kết quả đạt được trong xây dựng NTM của Thanh Hóa, ông đánh giá thế nào về vai trò, đóng góp của báo chí trong thành công của chương trình này?
Đến nay, Thanh Hóa có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 364 xã và 717 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 103 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 25 xã và 489 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 487 sản phẩm OCOP, trong đó có 01 sản phẩm OCOP 5 sao. Số lượng xã đạt chuẩn của tỉnh thuộc top đầu cả nước (xã NTM đứng thứ hai, xã NTM nâng cao đứng thứ ba và xã NTM kiểu mẫu đứng thứ năm). Có được những kết quả đó, một phần nhờ vào công sức rất quan trọng của các cơ quan báo chí, truyền thông từ Trung ương đến địa phương.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hoá ông Cao Văn Cường (người đừng thứ hai từ phải sang) kiểm tra, chỉ đạo xây dựng NTM tại huyện Ngọc Lặc.
Các cơ quan báo chí, truyền thông đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM; kịp thời phản ánh, nhân rộng mô hình, gương điển hình, tiêu biểu trong phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM; phản ánh những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng NTM, giúp các cơ quan chức năng có thêm thông tin tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp hơn.
Đáng chú ý, nhiều chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được các cơ quan báo chí mở và duy trì, được đánh giá là đặc sắc, thu hút được sự quan tâm của người dân, như các chương trình “Miền quê đáng sống”, “Nông thôn mới, sức sống mới”, “Nông nghiệp sạch”, “Câu chuyện nông thôn, “Nông thôn đổi mới”, “3600 nông thôn mới”…
Thời gian qua, các cơ quan báo chí trung ương, địa phương đã bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện tuyên truyền về xây dựng NTM; đưa công tác tuyên truyền đi trước một bước để người dân hiểu, tạo sự đồng thuận, phát huy vai trò chủ thể của người dân. Đặc biệt, việc tuyên truyền nêu gương điển hình tiên tiến trong phong trào “Chung sức xây dựng NTM”, phong trào hiến đất làm đường giao thông… đã góp phần đẩy mạnh phong trào được sâu rộng, hiệu quả.
Tạp chí Kinh tế nông thôn (trước là Báo Kinh tế nông thôn) luôn đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có rất nhiều tác phẩm đặc sắc, thu hút sự quan tâm, tin tưởng của độc giả. Ông có phải là một trong số độc giả đó?
Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí có nhiều nội dung phong phú và đa dạng để thu hút độc giả. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì bản thân tôi, cũng như cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Nông nghiệp và PTNT là độc giả thường xuyên của Tạp chí Kinh tế nông thôn.
Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa cùng phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương thăm thực tế công tác xây dựng nông thôn mới tại xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn.
Theo cá nhân tôi, Tạp chí Kinh tế nông thôn đã góp một tiếng nói mạnh mẽ, chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tôn chỉ, mục đích của Hội Làm vườn Việt Nam trong phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại đến mọi vùng miền trên toàn quốc nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng; trong đó, Tạp chí đã luôn đồng hành cùng với ngành Nông nghiệp trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Truyền thông, lan tỏa sâu rộng các mô hình sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp, những điển hình tiên tiến trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu, góp phần vào những kết quả quan trọng của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hoá.
Đồng thời, Tạp chí Kinh tế nông thôn là người bạn đồng hành, là diễn đàn của các doanh nghiệp, doanh nhân, hội viên có tâm huyết xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Trong đó, chú trọng đến đời sống người nông dân và xây dựng văn hóa, xã hội ở nông thôn, cũng như những vấn đề nảy sinh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và truyền thông chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn...
Có một số ý kiến cho rằng, để động viên, định hướng dư luận, báo chí nên thực hiện những bài viết tích cực, hạn chế bài viết tiêu cực… trong tuyên truyền xây dựng NTM. Quan điểm của ông thế nào về góc nhìn này?
Qua thực tế có thể thấy, nhiều tin, bài đã phản ánh sinh động về kết quả nổi bật trong xây dựng NTM, điển hình như: sự nỗ lực của một số địa phương tiên phong, đi đầu, vượt qua khó khăn để phấn đấu về đích trong xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu; tuyên truyền gương điển hình tiên tiến, cách làm hay, hiệu quả trong sản xuất, hiến đất, đóng góp tiền của, xây dựng cảnh quan sáng-xanh-sạch-đẹp, nhiều miền quê yên bình, đáng sống... Qua đó cổ vũ, động viên tinh thần cán bộ, đảng viên và Nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia chương trình.
Theo cá nhân tôi, ngoài việc nêu lên những kết quả đạt được, những việc làm hay, ý nghĩa thì các cơ quan báo chí cũng nên có những bài viết chỉ ra vấn đề bất cập, khó khăn, tồn tại, hạn chế cần giải quyết trong xây dựng NTM ở các địa phương, chẳng hạn như vướng mắc trong quá trình thực hiện một số tiêu chí (nước sạch tập trung, sản xuất, hộ nghèo, hạ tầng nông thôn…), hay một số xã chưa tích cực vào cuộc, quyết liệt để xây dựng NTM... Từ đó, có biện pháp khắc phục, rút ra bài học kinh nghiệm, góp phần đưa Chương trình xây dựng NTM đi vào thực chất, bền vững.
Thời gian tới, nhằm tăng cường hơn nữa những bài viết chuyên sâu, trong công tác tuyên truyền xây dựng NTM, các cơ quan báo chí cần tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, bên cạnh các bài viết tích cực, như về các mô hình hay, điển hình tiên tiến, thì cũng mạnh dạn có những bài viết mang tính phản biện, phản ánh khó khăn, tồn tại, hạn chế, thiếu quyết liệt, bệnh thành tích… trong xây dựng NTM; tăng cường chức năng giám sát, phản biện, dự báo để có những bài viết đúng đắn, trung thực, khách quan để kịp thời định hướng dư luận. Đặc biệt, cần phải có những tác phẩm báo chí phản ảnh xứng tầm, chất lượng trong quá trình xây dựng NTM, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, ấm no, hạnh phúc.
Để tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển chung của tỉnh, đặc biệt là Chương trình xây dựng NTM, ông mong muốn điều gì ở báo chí trong thời gian tới?
Có thể khẳng định rằng, thời gian qua, báo chí có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói chung và Chương trình xây dựng NTM nói riêng.
Để Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày càng đi vào chiều sâu, bền vững, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó công tác truyền thông là rất quan trọng. Bản thân tôi mong muốn các cơ báo chí làm tốt một số việc sau:
Thứ nhất, tiếp tục đồng hành, gắn bó mật thiết với cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân trong quá trình thực hiện xây dựng NTM. Thường xuyên đổi mới công tác truyền thông để nâng cao năng lực cho cán bộ, đảng viên và người dân ở nông thôn, nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân nông thôn, với tinh thần chủ động, sáng tạo, tự giác, tự lực, đoàn kết và hợp tác trong xây dựng NTM với nguyên tắc “Cơ cấu lại nền nông nghiệp là động lực, NTM là nền tảng, nông dân là chủ thể”.
Thứ hai, tuyên truyền, phổ biến, phát hiện và nhân rộng những gương điển hình tiên tiến, những cách làm hay, hiệu quả để góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, hướng đến xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Thứ ba, tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thay đổi tư duy của cán bộ cơ sở, cộng đồng và người dân nông thôn về phát triển kinh tế nông thôn theo hướng: Chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát triển chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, phát huy tính đa giá trị của nông nghiệp, nông thôn, phát triển bền vững, có trách nhiệm, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ; phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.
Thứ tư, dành thời lượng thích hợp để phát sóng, đăng tin bài, chuyên trang, chuyên mục về Chương trình xây dựng NTM và Chương trình OCOP.
Thứ năm, thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương để thu thập thông tin về thành tựu, kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Chương trình OCOP, để nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, bảo đảm trọng tâm, đạt chất lượng và hiệu quả.
Thứ sáu, lựa chọn những nội dung thiết thực, phù hợp điều kiện địa phương để truyền thông, vận động cán bộ, Nhân dân và toàn xã hội tích cực triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Chương trình OCOP; kịp thời động viên cá nhân, tổ chức cùng đồng lòng chung sức xây dựng NTM.
Xin cảm ơn ông!
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.