Nhận thấy sự cần thiết của việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp, tuy nhiên, tâm lý người dân vẫn chần chừ. Hiện có ít DN tham gia bảo hiểm nông nghiệp vì tính chất rủi ro cao.
Rừng trồng keo tai tượng ở xã Hiệp Thuận - Hiệp Đức (Quảng Nam) bị đỗ ngã do mưa bão.
Nông dân cần chủ động tham gia
Việt Nam xuất khẩu rất nhiều mặt hàng nông - lâm - thủy sản thuộc tốp đầu thế giới nhưng tỉ lệ tham gia bảo hiểm nông nghiệp lại rất ít, khiến ngành này rất rủi ro.
Ông Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận (chuyên trồng keo ở tỉnh Quảng Nam), cho hay địa phương thường xuyên xảy ra bão lớn. Năm 2020, một cơn bão đã gây ngã đổ rừng keo, chủ rừng phải cho người dân khai thác để lấy đất trồng lại.
"HTX đã lập quỹ hỗ trợ rủi ro. Theo đó, mỗi chủ rừng sẽ đóng góp từ 200.000 - 400.000 đồng/ha; trường hợp gặp thiên tai, ngã đổ hư hại từ 30% sẽ được quỹ chi trả gấp 10 lần số tiền đã đóng để tái sản xuất" - ông Dương cho biết.
Mới đây, lần đầu tiên HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận ký hợp đồng mua bảo hiểm nông nghiệp là sản phẩm "chỉ số bão" của Bảo hiểm Bảo Minh cho 150 ha rừng keo, mức phí 2,5 triệu đồng/ha/năm (gói vàng, hỗ trợ tối đa 75%). Theo ông Dương, mức phí này không lớn trong chi phí sản xuất. Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) là đơn vị tài trợ thực hiện gói bảo hiểm năm đầu tiên, kèm theo việc hỗ trợ kỹ thuật cho HTX.
Ở góc độ nhà cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm nêu thực tế việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp gần đây đã thuận lợi hơn do nhiều nông dân, nhất là người sản xuất lớn, nhận thấy sự cần thiết của việc tham gia bảo hiểm. Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp.
Gia tăng sự liên kết
Đại diện Công ty CP Bảo hiểm Agribank (ABIC) cho rằng bảo hiểm nông nghiệp còn thiếu sự liên kết giữa các tổ chức tín dụng, người dân và DN bảo hiểm. Người dân chưa có các khoản tài chính dành cho chi phí dự phòng và quản lý rủi ro, sản xuất còn manh mún. Trong khi đó, rủi ro trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cao nên có ít DN bảo hiểm tham gia vào mảng này. Các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp trên thị trường mới dừng ở thí điểm theo đối tượng và khu vực.
Bảo hiểm nông nghiệp cần tăng sự liên kết giữa các tổ chức tín dụng, người dân và DN bảo hiểm.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo Minh, nêu thực tế việc chào bán sản phẩm khó khăn do nông dân chưa có thói quen mua bảo hiểm. "Tâm lý chung của nông dân khi mua bảo hiểm là nếu có thiệt hại xảy ra phải được bồi thường. Tuy nhiên, nguyên tắc của ngành bảo hiểm là không bao trùm hết các rủi ro nên không phải trường hợp nào cũng được bồi thường. Ngoài ra, việc xác định giá trị bồi thường dựa theo đánh giá thiệt hại phải mất nhiều thời gian cũng khiến bên mua ngần ngại" - ông giải thích.
Ông Vũ Tử Quân, Phó Giám đốc phụ trách Ban Bảo hiểm Tài sản - Kỹ thuật Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, nêu thêm lý do là mỗi khi gặp sự cố thiên tai hay dịch bệnh, nông dân thường trông chờ các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác hơn là bảo hiểm. Hiện có ít DN tham gia bảo hiểm nông nghiệp vì tính chất rủi ro cao, nguy cơ thua lỗ lớn trong khi chi phí nhiều (chi phí quản lý, truyền thông, triển khai nghiệp vụ mới)…
Tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp
Hiện, còn khá sớm để đánh giá sự thành công của các mô hình bảo hiểm nông nghiệp, nhưng dẫu sao đây cũng là tín hiệu tích cực cho một phân khúc được cho là có nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác thực sự hiệu quả như bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam.
Thực tế, dù đã bán bảo hiểm nông nghiệp từ sớm, nhưng các công ty bảo hiểm chưa thể chia sẻ hoàn toàn gánh nặng thời tiết xấu với người nông dân - một rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Các kế hoạch bảo hiểm truyền thống, bao gồm các rủi ro thời tiết, thường đánh giá quá cao rủi ro và điều này đã đẩy giá phí bảo hiểm tăng cao, trong khi quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường kéo dài, người nông dân bị thiệt hại mùa màng phải chờ đợi nhiều tháng để được bù đắp tổn thất.
Biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức to lớn đối với các quốc gia.
“Tâm lý chung của người nông dân khi mua bảo hiểm là nếu có thiệt hại xảy ra thì phải được bồi thường nhanh chóng, đầy đủ. Tuy nhiên, nguyên tắc của ngành bảo hiểm là không bao trùm hết các rủi ro nên không phải trường hợp nào cũng được bồi thường. Chưa kể, việc xác định giá trị bồi thường dựa theo đánh giá thiệt hại mất nhiều thời gian cũng khiến bên mua e ngại”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phân tích.
Ở góc độ thị trường, do bảo hiểm nông nghiệp là nghiệp vụ có rủi ro cao, nguy cơ thua lỗ lớn, trong khi chi phí nhiều (chi phí quản lý, truyền thông, triển khai nghiệp vụ mới)…, nên doanh nghiệp không mặn mà triển khai và Bảo Minh nằm trong số ít cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vật nuôi, cây trồng, thủy sản và bảo hiểm cây lúa do thiên tai. Dù vậy, theo đại diện Bảo Minh, việc triển khai các loại hình bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa như kỳ vọng, tỷ lệ đóng góp của mảng này chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng doanh thu.
“Đây là một trong những lý do thúc đẩy Bảo Minh tăng cường hợp tác với các đối tác trong nước cũng như nước ngoài để đưa ra các sản phẩm phù hợp với thị trường Việt Nam, trong đó có sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp. Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025, mảng bảo hiểm nông nghiệp sẽ đóng góp 5% tổng doanh thu Công ty”, vị này nói.
Được biết, trên thị trường, Bảo hiểm Agribank cũng đã triển khai thí điểm bảo hiểm gia súc (trâu, bò thịt và trâu, bò giống) tại Đắk Lắk, Bến Tre... Người mua loại bảo hiểm này được hỗ trợ một phần phí bảo hiểm từ ngân sách của Chính phủ, được bồi thường trong trường hợp vật nuôi chết trực tiếp do các nguyên nhân như thảm họa tự nhiên (sét đánh, bão lũ, thời tiết lạnh, sương giá), dịch bệnh (lở mồm, long móng, tụ huyết trùng)...
Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, để khuyến khích nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp bảo hiểm, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành... liên quan trong việc xây dựng chính sách, nghiên cứu điều chỉnh tăng khung hỗ trợ phí bảo hiểm và các đối tượng được hưởng chính sách này. Đồng thời, cần có thêm cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm để tăng động lực tham gia chương trình bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ.
Chia sẻ thêm xung quanh vấn đề này, ông Dale Schilling Tổng giám đốc Hillridge - công ty công nghệ bảo hiểm đến từ Úc cho biết, trên thế giới, hầu hết các chương trình bảo hiểm nông nghiệp thành công, chẳng hạn bảo hiểm mùa màng ở Mỹ, đều có sự hỗ trợ liên tục của chính phủ, bao gồm cả trợ cấp phí bảo hiểm. Chính phủ Việt Nam cũng đã phát đi tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp và bước đầu áp dụng với một số sản phẩm cụ thể. Do đó, trong thời gian tới, kỳ vọng tất cả các hình thức bảo hiểm khí hậu cho nông nghiệp đều được hỗ trợ.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn; bố trí và cân đối nguồn ngân sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
“Bảo hiểm nông nghiệp có tiềm năng tăng trưởng rất lớn bởi nông nghiệp là một trong những trụ cột kinh tế của Việt Nam”, ông Dale Schilling nhấn mạnh.
Thực tế đã chỉ ra rằng: Bảo hiểm nông nghiệp chỉ có thể thực hiện thành công khi trở thành một chính sách của Nhà nước. Để thực thi một chính sách của nhà nước, không chỉ có sự tham gia của các doanh nghiệp bảo hiểm mà cần có sự tham gia, quan tâm của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội./.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.