Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 25 tháng 2 năm 2024 | 10:9

Bức tranh nông thôn mới Hà Tĩnh trù phú từ kinh tế vườn

Xây dựng vườn mẫu không chỉ giúp người dân Hà Tĩnh nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống mà còn đóng góp quan trọng vào phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), tạo nên những bước đột phá mới, bức tranh trù phú ở nhiều miền quê.

Nâng cao thu nhập, xây nên nhiều miền quê đáng sống

Tôi may mắn được “mục sở thị” nhiều vườn mẫu ở tỉnh Hà Tĩnh. Mỗi miền quê NTM chuẩn bị vào Xuân đều khoác lên mình tấm áo mới, với những con đường bê tông sạch sẽ, hai bên là hàng rào xanh với những hàng cây thẳng tắp được cắt tỉa gọn gàng; vườn hộ được chỉnh trang hợp lý theo từng hàng, luống và chia các cây trồng thành từng khu vực. Phong trào xây dựng vườn mẫu từ những điểm sáng ban đầu đã thấm sâu đến người dân nhiều vùng quê Hà Tĩnh.

Vườn mẫu của vợ chồng ông Đinh Văn Dy ở thôn Hà Thanh (xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà) luôn xanh tốt bốn mùa, cho hiệu quả kinh tế cao.

Trước đây, tại không ít địa phương ở Hà Tĩnh, những cây xanh bóng mát có từ bao đời bị chặt bỏ nhường chỗ cho bê tông hóa tường rào; cảnh quan môi trường làng quê bị phá vỡ bởi những mảng xanh điều hòa môi trường sống cho con người không còn nữa. Sớm nhận ra bất cập đó, Văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh đã sáng tạo ra cách làm mới, xây dựng tiêu chí thứ 20, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu.

Kinh tế vườn - VAC góp phần nâng cao đời sống người dân Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh là “vùng chảo lửa, túi mưa”, lại chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Từ trong khó khăn, người dân  phải nỗ lực rất lớn để phát triển kinh tế. Tiêu chí xuyên suốt là nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho Nhân dân. Bắt đầu từ trong mỗi gia đình đến vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu đều gắn với môi trường xanh - sạch - đẹp.

Ông Dương Kim Huy, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn (Thạch Hà) cho biết: Tính đến thời điểm này, toàn xã có 80 vườn mẫu, thu nhập bình quân 80-100 triệu đồng/vườn/năm. Ngoài tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con, việc xây dựng các vườn mẫu còn tạo được tính lan tỏa trong phát triển kinh tế vườn hộ, người dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, vườn mẫu còn đảm bảo cảnh quan môi trường, mang lại tính thẩm mỹ cao, tạo hình ảnh vùng quê NTM trù phú, góp phần giúp Tượng Sơn trở thành xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện Thạch Hà.

Ngoài tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con, việc xây dựng vườn mẫu còn là thú vui của nhiều người dân.

“Vườn nhà tôi rộng gần 2.000m2, trước đây là vườn tạp, thấp trũng, con cháu đi làm ăn xa, chỉ có hai ông bà ở nhà nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm cải tạo để làm kinh tế vườn. Với sự hỗ trợ từ các đoàn thể ở địa phương, vợ chồng tôi đã xây dựng thành vườn mẫu. Khu vườn lúc nào cũng ngập tràn màu xanh cây trái, từ bí xanh, bưởi, thanh long, các loại rau theo mùa cho đến nuôi gà, thả cá… Riêng vụ mướp ngọt và mướp đắng vừa rồi, gia đình thu hoạch gần 1 tấn quả. Trừ chi phí, mỗi năm chúng tôi thu về khoảng 50 triệu đồng từ khu vườn mẫu này. Bây giờ nhìn vườn tược, thôn xóm khang trang, người dân chúng tôi mới thấm thía hơn giá trị từ Chương trình xây dựng NTM, xây dựng vườn mẫu”, ông Trần Văn Châu ở thôn Tân An (xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên) chia sẻ.

Ông Trần Huy Toản, cán bộ chuyên trách tiêu chí 20 - Văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh, cho biết thêm: Nếu tiêu chí vườn mẫu không được triển khai với sự tập trung cao trong chỉ đạo và có cơ chế, chính sách hỗ trợ ban đầu thì những “tấc vàng” ở Hà Tĩnh sẽ mãi “ngủ yên” trong những khu vườn um tùm tre và cỏ dại. Đánh thức tư duy làm vườn để tạo nguồn thu nhập ổn định, chỉnh trang bộ mặt khu dân cư NTM là cách làm sáng tạo trong phong trào xây dựng NTM ở Hà Tĩnh.

Để không dừng lại ở mô hình

Về Hà Tĩnh hôm nay, sắc diện nông thôn tươi mới, ấm no, hạnh phúc hiện hữu trong mỗi ngôi nhà, trên mỗi gương mặt. Ở các vùng nông thôn, nhà ở được ngói hóa, kiên cố hóa; đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, nhựa hóa đến tận cửa nhà dân; hệ thống hạ tầng điện - đường - trường - trạm - thủy lợi - nhà văn hóa thôn khang trang, hiện đại, vườn không chỉ đẹp mà còn mang lại hiệu quả kinh tế.

Người dân Hà Tĩnh đã biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh tế vườn.

Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 3,79% (giảm gần 10 lần so với năm 2001); thu nhập bình quân đầu người đạt 46,3 triệu đồng/năm. Số hộ khá - giàu tăng nhanh. Nhiều nơi nhà ngói mới, nhà cao tầng mọc lên san sát; đêm đêm bừng ánh điện toát lên vẻ hiện đại của “phố trong làng”.

TS. Nguyễn Xuân Tình, Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh, cho biết: Là tỉnh đầu tiên thực hiện hiệu quả phong trào làm vườn mẫu trong xây dựng NTM, Hà Tĩnh có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Đặc biệt, việc xây dựng vườn mẫu sản xuất VAC theo hướng nông nghiệp hữu cơ đã tạo ra khuôn viên hộ xanh, sạch, đẹp, hình thành thói quen của người dân trong việc sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, an toàn cho cả người sản xuất và người sử dụng.Việc xây dựng vườn mẫu đã mang lại kết quả rõ nét, góp phần chuyển đổi từ vườn tự cung, tự cấp sang vườn kinh doanh, từ nông dân đơn thuần thành nông dân tiếp cận sản xuất hàng hóa, tạo sức lan tỏa để nâng cao thu nhập cho người dân và tạo cảnh quan khởi sắc cho làng quê.

TS. Nguyễn Xuân Tình, Chủ tịch HLV và Trang trại Hà Tĩnh (người mặc áo trắng) thăm một vườn mẫu sản xuất VAC theo hướng nông nghiệp hữu cơ.

Không thể phủ nhận, các vườn chuẩn, vườn mẫu NTM ở Hà Tĩnh đã tạo diện mạo mới cho những vùng nông thôn, tạo cảnh sắc xanh - sạch - đẹp cho mỗi vùng quê. Thế nhưng, vì đối tượng chủ thể của phong trào xây dựng vườn mẫu là nông dân, do đó, mục tiêu chính, tiêu chí cứng trong vườn mẫu NTM “trước hết”, “đầu tiên” vẫn là nâng cao thu nhập từ phát triển kinh tế vườn.

Người dân Hà Tĩnh thu hoạch ớt trong vườn nhà.

Vườn mẫu vẽ nên bức tranh tươi sáng ở nhiều miền quê.

Vậy nên, thiết nghĩ, để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn từ kinh tế vườn, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế vườn nhằm nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư; lựa chọn cây, con chủ lực phù hợp với địa phương; thành lập các tổ hợp tác, HTX, vừa giúp nhau phát triển sản xuất, vừa tăng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Và phong trào này, nếu muốn nhân rộng và lan toả, trước hết phải xây dựng những vườn có tính phổ biến về cả quy mô diện tích, chi phí đầu tư, thu nhập mang lại… để nông dân nào có vườn cũng có thể đầu tư, học hỏi, xây dựng, có thể kiến thiết thành vườn mẫu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; sản xuất theo quy trình tuần hoàn, đa giá trị, nhất là việc sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ; vệ sinh môi trường; tăng cường liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.

Đến hết năm 2023, Hà Tĩnh có 100% xã NTM, 70 xã NTM nâng cao, 13 xã NTM kiểu mẫu, toàn tỉnh có hơn 9.600 vườn mẫu có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm.

Đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn NTM hiện có 2/10 tiêu chí hoàn thành, 5/10 tiêu chí đạt 60-80%, 3 tiêu chí đạt dưới 50%. NTM tiếp tục làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân.

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top