Vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón hữu cơ và phân bón khác, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật…) rất quan trọng đối với nông dân trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi...
Nếu bà con mua phải những vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng hoặc vật tư nông nghiệp giả, sẽ gây hệ lụy rất lớn. Vì vậy, cần phải bảo vệ bà con nông dân trước vấn nạn này.
Thiệt hại từ việc mua vật tư nông nghiệp trên mạng
Trước sự phát triển của công nghệ thông tin, các sàn thương mại điện tử là phương tiện để các doanh nghiệp, người sản xuất giới thiệu sản phẩm của mình, thông qua đó để tìm đối tác bao tiêu sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ, tìm người có nhu cầu sử dụng…, đây là mặt rất tích cực của công nghệ thông tin.
Cán bộ Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tân Sơn(Phú Thọ) kiểm tra giống lúa VTS-889 tại xã Lai Đồng. Ảnh: UBND huyện Tân Sơn.
Bên cạnh đó, mặt trái công nghệ thông tin cũng là phương tiện để cho các đối tượng giao bán sản phẩm vật tư nông nghiệp kém chất lượng tràn lan trên mạng xã hội, đánh vào thị hiếu của người sử dụng vốn ham của rẻ, để rồi gánh hậu quả khôn lường về kinh tế.
Mới đây, nông dân ở xã La Sơn, huyện Bình Lục (Hà Nam) “dở khóc, dở cười” vì mua phải giống lúa được quảng cáo trên mạng được cho là năng suất và chất lượng cao. Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch, lúa của bà con chỉ như cỏ dại mà không hề cho một hạt thóc nào.
Anh Bùi Quốc Trung, ở xã La Sơn, huyện Bình Lục,cho biết, có mấy hộ nông dân trong xã rủ nhau mua giống lúa trên mạng xã hội zalo của một người đến từ Trung tâm giống lúa. Đối tượng này giới thiệu cho bà con hiện đang bán một giống lúa sẽ cho năng suất “siêu cao” và có chất lượng “siêu ngon”, nếu bà con mua càng nhiều sẽ được tặng thêm càng nhiều thóc giống.
Đến thời điểm thu hoạch, trong khi các thửa ruộng khác lúa trĩu bông, cho năng suất cao, thì các thửa ruộng của gia đình nhà anh Trung và các hộ nông dân khác, sử dụng giống lúa “siêu cao” “siêu ngon” lại chẳng cho được một bông lúa nào, cả cánh đồng lúa xanh mướt nhưng chỉ như một cánh đồng cỏ dại.
Một sản phẩm thuốc diệt cỏ được rao bán trên mạng xã hội. Ảnh: MXH.
Hay như chị Đinh Thị Hường - người dân xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) chia sẻ: “Khi gieo cấy giống lúa VST-899, giai đoạn đầu lúa sinh trưởng bình thường, đến kỳ trổ bông mới thấy bất thường. Hơn 21ha lúa đã không trổ bông hoặc bông hạt lép. Sau đó, dù mọi người đã cố gắng liên hệ với người bán nhưng không thể được”.
Báo cáo UBND huyện Tân Sơn về việc người dân bị thiệt hại do sử dụng giống lúa VST-899 vụ chiêm xuân 2024: Trên địa bàn huyện có một số hộ dân sử dụng giống lúa không rõ nguồn gốc có tên VST-899 để gieo cấy dẫn đến mất trắng do cây lúa không có bông hoặc bông bị lép. Tổng diện tích thiệt hại là 21,66 ha, tập trung tại các xã Tân Sơn (8,3 ha), Lai Đồng (3,28 ha), Thu Ngạc (2,8 ha), Kiệt Sơn (2,0 ha)… Số hộ bị thiệt hại là 338 hộ, trong đó có 34 hộ nghèo.
Qua điều tra, các hộ dân tiếp cận thông tin quảng cáo về giống lúa VST - 899 qua mạng xã hội Facebook và giới thiệu truyền tai nhau, đặt mua trực tiếp qua mạng hoặc các cơ sở, hộ kinh doanh giống trên địa bàn với giá 70- 80 nghìn đồng/kg (các cơ sở kinh doanh nắm bắt được nhu cầu nên đặt mua qua điện thoại hoặc Facebook về bán cho người dân).
Không chỉ có lúa mà phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng cũng được các đối tượng giao bán tràn lan trên mạng xã hội.
Cần bảo vệ nông dân trước vấn nạn vật tư nông nghiệp giả
Không nói thì cũng biết, người nông dân của chúng ta vất vả như thế nào khi “một nắng, hai sương” trên cánh đồng của mình, để mong muốn phát triển kinh tế, có cuộc sống ổn định từ nông nghiệp. Để sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, ngoài mảnh đất ra, người nông dân đều phải mua vật tư nông nghiệp để sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp cung cấp ra thị trường.
Rất cần các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra các địa điểm kinh doanh vật tư nông nghiệp
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Sơn Nguyễn Xuân Việt cho biết, trước hệ lụy việc người dân cấy lúa VST-899 không trổ bông, bị thiệt hại, huyện Tân Sơn vào cuộc kiểm tra và nhận định, đây là sự việc chưa có tiền lệ nên người dân chủ quan, dẫn đến mua phải giống lúa giả do tiếp cận thông tin quảng cáo trên mạng xã hội.
UBND huyện Tân Sơn đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng triển khai biện pháp cấp bách, rà soát chi tiết đối tượng hộ dân bị thiệt hại do sử dụng giống lúa VST-899, kịp thời hỗ trợ hộ gặp khó khăn.
Đồng thời, UBND huyện đề nghị làm rõ trách nhiệm các đại lý, hộ kinh doanh đã bán giống lúa VST-899 cho người dân và yêu cầu thực hiện phương án đến bù trên cơ sở thỏa thuận, tuyệt đối không để xảy ra tình huống mất an ninh liên quan sự việc.
Các phòng, ban chức năng tăng cường tuyên truyền người dân cảnh giác với các quảng cáo trên mạng xã hội, sử dụng giống cây trồng và vật tư nông nghiệp từ nguồn cung cấp uy tín theo hướng dẫn bố trí cơ cấu giống và khung lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và PTNT và của cơ quan chuyên môn.
Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa ban hành Thông báo số 503/BVTV-TTPC, công bố việc xử phạt 92 doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhập khẩu, sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng.
Cụ thể, có 44 trong số 92 doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm mắc lỗi nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng, 9 cơ sở sản xuất phân bón không đảm bảo chất lượng, 6 cơ sở buôn bán phân bón không đảm bảo chất lượng, 3 cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm nội dung ghi nhãn, 1 cơ sở không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm phân bón, 11 cơ sở nhập khẩu thuốc BVTV không bảo đảm chất lượng, 2 cơ sở sản xuất thuốc BVTV không bảo đảm chất lượng, 5 cơ sở buôn bán thuốc BVTV không bảo đảm chất lượng, 5 cơ sở sản xuất thuốc BVTV vi phạm nội dung ghi nhãn.
Cùng với đó, Cục BVTV dự báo, thời gian tới, tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ có những diễn biến phức tạp. Để chủ động đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, góp phần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, thời gian tới, Cục BVTV sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón.
Song song với đó là vận động người dân chủ động tố giác và không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm để góp phần hạn chế các hành vi vi phạm; thường xuyên kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh, chất lượng, nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết... Đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về phân bón, thuốc BVTV.
Để người nông dân an tâm sản xuất và được sử dụng vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng, rất cần các cơ quan chức năng phải xử phạt thật nghiêm các đối tượng kinh doanh, sản xuất vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng. Đồng thời, các đơn vị kinh doanh, sản xuất vật tư nông nghiệp cũng cần phải có kênh cung cấp cho bà con các sản phẩm chất lượng, năng suất, chất lượng cao.