Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 21 tháng 6 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 6 năm 2024 | 16:14

Khốn khổ vì ô nhiễm từ các chuồng trại chăn nuôi heo ở Lâm Đồng

Điều làm nhiều người ái ngại nhất ở không ít khu vực nông thôn của tỉnh Lâm Đồng, trong đó có thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh chính là vấn đề về môi trường. Tình trạng chăn nuôi heo tự phát theo lối truyền thống vẫn còn duy trì ở một số gia đình đã gây phiền toái không nhỏ tới các hộ xung quanh.

Mô hình chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ

Thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) tiếp giáp với núi rừng, phong cảnh làng quê thật yên bình. Nhiều gia đình ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh miền Trung vào đây mua đất, xây nhà để an dưỡng tuổi già. Cùng với nỗ lực của bà con địa phương, một bộ phận từ nơi khác tới đây sinh sống cũng đã góp phần xây dựng vùng đất Đông Thanh ngày càng khang trang, khởi sắc.

Một cơ sở nuôi heo tự phát ở Lâm Đồng.

Thế nhưng, điều làm nhiều người ái ngại nhất ở không ít khu vực nông thôn của tỉnh Lâm Đồng, trong đó có thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh chính là vấn đề về môi trường. Tình trạng chăn nuôi heo tự phát theo lối truyền thống vẫn còn duy trì ở một số gia đình. Điều này gây phiền toái không nhỏ tới các hộ xung quanh. Đã có không ít trường hợp, vì chất thải từ chuồng trại chăn nuôi heo tự phát ảnh hưởng tới môi trường mà đã gây ra chuyện xích mích, “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa các gia đình với chủ chuồng trại chăn nuôi heo.

Một người ở thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà cho biết, vì muốn tình làng nghĩa xóm thuận hòa, nhiều năm qua gia đình ông cố gắng chịu đựng mùi hôi từ chuồng heo của gia đình anh N.H.C. Mỗi khi mưa xuống nắng lên, thời tiết thay đổi, nhất là hôm đúng luồng gió, những gia đình gần chuồng nuôi heo của gia đình anh C phải “hứng” trọn mùi hôi. “Những ngày như thế, tôi chỉ biết đóng kín cửa để hạn chế mùi hôi từ khu vực chuồng heo bốc lên!...”, người đàn ông có nhà gần chuồng heo nói.

Cách đây hơn 1 năm, ông N.V.L, từ tỉnh Bình Dương lên mua đất ở thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà xây cất nhà để nghỉ dưỡng tuổi già. Gần đây, các cháu được nghỉ hè, ông L đưa con cháu lên xã Đông Thanh nghỉ dưỡng, tránh nắng nóng. Căn nhà của gia đình ông L mùa này đúng luồng gió từ chuồng heo của anh C thổi lên. Con cháu của ông L chẳng biết mùi hôi này bắt nguồn từ đâu, chỉ than phiền rằng “mùi gì thối vậy ông?...” rồi vào nhà đóng kín cửa lại.

Trong khi đó, người nhà anh C cho biết, chuồng heo trên chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép về chăn nuôi vì “quy mô nhỏ lẻ” theo hộ gia đình. Gia đình anh C cũng thừa nhận, việc chuồng heo có mùi là không thể tránh khỏi. Vợ anh C cho biết, số lượng heo thịt ở trong chuồng hiện không nhiều. Khi chị nói 50 con, lúc 60 con, khi nói chưa tới 100 con. Vì lý do phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi, gia đình anh C không cho ai vào khu vực chuồng trại nên số lượng heo chính xác gia đình anh C đang nuôi người ngoài không ai hay biết. Chất thải từ chuồng heo của gia đình anh C được đưa ra một hố lộ thiên kề đó đã đầy, không có biện pháp che chắn. Cách chuồng trại và hố chứa phân heo này khoảng 20m là một suối nước chảy qua.

Tại thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh, cách gia đình anh C khoảng 500m là trại chăn nuôi heo được cơ quan chức năng cấp phép của gia đình ông Ngô Văn Giang. Đây là trại heo lớn nhất khu vực, được gia đình ông Giang liên kết với một doanh nghiệp để chăn nuôi. Con gái ông Giang cho biết, toàn bộ khu chuồng trại được căng lưới chống ruồi, phun thuốc sát trùng cũng như các chế phẩm chống mùi hôi thối, xây dựng bể chứa phân nhiều lớp… mới ngăn được mùi hôi từ chuồng trại. Tuy nhiên, trại heo này cũng đã hai lần vi phạm các quy định, để chất thải chảy ra môi trường và bị UBND xã Đông Thanh phạt vi phạm hành chính.

Ông Đào Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thanh cho biết, hiện trên địa bàn còn rất ít gia đình chăn nuôi heo tự phát. Địa phương có hai trang trại nuôi heo được cơ quan chức năng cấp phép. Trại heo của gia đình ông Ngô Văn Giang, ngay khi nhận được phản ánh của người dân, xã đã cử lực lượng xuống kiểm tra, phát hiện có vi phạm đã lập biên bản xử lý và phạt hành chính 2 lần. Riêng chuồng trại chăn nuôi heo tự phát của gia đình anh N.H.C, ông Tám cho biết sẽ cho lực lượng chức năng tới kiểm tra, vận động người dân chấp hành đúng quy định của pháp luật về chăn nuôi. “Nếu phát hiện có vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý ngay để tránh làm ảnh hưởng tới môi trường xung quanh và các gia đình khác!...”, ông Tám nói.

Tình trạng chuồng trại chăn nuôi heo ảnh hưởng tới môi trường tại Lâm Đồng xảy ra rất phổ biến. Mới đây, nhiều gia đình ở tổ dân phố 19, phường 2, TP Bảo Lộc, đã bức xúc phản ánh tới cơ quan chức năng về trại heo của gia đình bà N.T.L. Ngay trong khu dân cư ở thành phố nhưng trại heo của gia đình bà L vẫn tồn tại suốt 5 năm qua. Chất thải của trại heo này đã gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của khoảng 50 hộ dân.

Ông Lê Đức Anh, có nhà gần trại heo của bà L phản ánh: “Nhiều năm qua, gia đình tôi cùng hàng chục hộ dân trong khu vực khốn khổ chịu đựng cảnh hôi thối của phân heo, nước thải bốc ra từ trại chăn nuôi của bà L. Càng ngày tình trạng hôi thối càng trầm trọng khiến cuộc sống của người dân chúng tôi bị đảo lộn!...”.

Tương tự, người dân gần trại chăn nuôi heo của Trường Thịnh Farm (xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh) cũng đang sống trong cảnh quanh năm suốt tháng chịu đựng mùi hôi phát ra từ trại heo này. Trước những phản ánh của người dân, mới đây cơ quan chức năng đã thu thập các mẫu để phân tích mức độ ô nhiễm tại khu vực quanh chuồng trại chăn nuôi heo Trường Thịnh Farm. Đối với gia đình bà L ở phường 2, TP Bảo Lộc, cơ quan chức năng đã yêu cầu bà L di chuyển đàn heo ra khỏi chuồng trại gây ô nhiễm môi trường, không được tái đàn và di dời chuồng trại ra khỏi khu vực trên trước ngày 31/12/2024.

Mô hình nuôi heo giảm được 95% lượng phân thải ra môi trường

Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) vừa phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, UBND xã An Định (huyện Mỏ Cày Nam) triển khai mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải theo hướng sinh thái tại 3 hộ chăn nuôi heo của địa phương. Đây là mô hình trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”.

Tại mỗi hộ tham gia, dự án đã đầu tư các hạng mục như: Máng tách phân, hầm biogas, bể lắng – lọc, ao sinh học, nhà ủ phân hữu cơ, nhà nuôi trùn quế, thùng ủ đạm cá, lò đốt biochar, khuôn chứa rác.

Bồn chứa rác thải từ chăn nuôi heo trong mô hình. Ảnh: Minh Đảm.

Theo GS.TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên - Chủ nhiệm đề tài: Ngoài việc áp dụng các kỹ thuật sản xuất sinh học, tiết kiệm năng lượng và thực hành sản xuất tốt nhằm giúp người dân cải thiện nhiều yếu tố trong chuỗi chăn nuôi heo, mô hình còn áp dụng các kỹ thuật nhằm giảm thiểu và xử lý chất thải.

Cụ thể, phân được dùng làm nguyên liệu ủ phân hữu cơ nhằm cung cấp cho vườn cây xung quanh nhà hoặc cung cấp cho các hộ dân xung quanh có nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, phân cũng được ủ để nuôi trùn quế. Nguồn sinh khối thu được từ khu nuôi trùn quế sẽ được tiếp tục sử dụng làm phân hữu cơ, trùn quế dùng làm thức ăn bổ sung dinh dưỡng cho heo.

Nước thải được thu gom và xử lý qua hệ thống biogas. Khí sinh học thu hồi từ hệ thống biogas được dùng cho sinh hoạt của hộ dân. Lượng khí sinh học dư thừa có thể được kết nối để cung cấp cho các hộ dân xung quanh hoặc dùng để đun nấu cho sinh hoạt cũng như đun nấu thức ăn cho chăn nuôi hay vận hành lò sản xuất than sinh học (biochar) với nguyên liệu từ rác vườn. Biochar còn được dùng để xử lý nước thải và cải tạo đất.

Nước thải sau khi qua hệ thống biogas sẽ được dẫn qua bể lọc với vật liệu lọc là bichar được sản xuất từ sinh khối thực vật của mô hình. Sau cùng, nước thải được dẫn qua hệ thống ao sinh học, vừa có tác dụng xử lý phần ô nhiễm còn lại vừa là nơi lưu trữ nước.

Sơ đồ khu chăn nuôi của mô hình.

Trong hệ thống ao sinh học có bổ sung các loài thực vật có khả năng xử lý ô nhiễm và làm thức ăn cho heo (điển hình như rau muống). Bên cạnh đó, mô hình còn tận dụng ao sinh học để nuôi thủy sản. Thủy sản thu được có thể dùng làm nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ dạng lỏng dùng cho vườn của hộ dân và những hộ xung quanh. Nước thải chăn nuôi sau khi xử lý được lưu chứa tại ao sinh học để tái sử dụng cho mục đích vệ sinh chuồng trại hoặc tưới vườn.

Lượng phân thải thay đổi theo từng giai đoạn tuổi và trọng lượng của heo. Theo định mức kỹ thuật Dự án khí sinh học của Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) thực hiện tại Việt Nam, lượng phân thải heo định mức là 2,5kg/con/ngày.

Thông tin về hiệu quả của mô hình, GS.TS Lê Thanh Hải cho biết: “Ở góc độ môi trường, mô hình giúp giảm trên 95% lượng phân thải ra ngoài môi trường. Nước thải sinh hoạt và nước thải chăn nuôi được thu gom và xử lý đạt QCVN 62-MT: 2016/BTNMT. Chi phí đầu tư và vận hành mô hình thấp, phù hợp với điều kiện của người dân địa phương. Mô hình ít sử dụng máy móc, thiết bị, không sử dụng hóa chất, chủ yếu tận dụng nhân công lúc nhàn rỗi. Thời gian hoàn vốn của mô hình chỉ dưới 1 năm nên mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế”.

Mở hướng chăn nuôi bền vững

Theo bà Trương Trịnh Trường Vinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, huyện Mỏ Cày Nam là địa phương có tổng đàn heo lớn nhất tỉnh với khoảng 245 ngàn con, chiếm trên 50% tổng đàn heo toàn tỉnh, với hơn 9.000 hộ nuôi, trong đó hộ nuôi quy mô trên 100 con chiếm khoảng 15%. Địa phương này đã sớm đăng ký và được bảo hộ xác lập quyền sở hữu công nghiệp với nhãn hiệu chứng nhận “Heo Mỏ Cày Nam”.

Tuy nhiên, đi đôi với các lợi ích về kinh tế, việc gia tăng số lượng đàn gia súc trên địa bàn huyện cũng kéo theo những tác động không nhỏ đến môi trường do khối lượng chất thải chăn nuôi ngày một tăng, nhất là các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình đang gây ô nhiễm cục bộ nhưng chưa được xử lý hiệu quả. Chất thải chăn nuôi đang làm thay đổi dần chất lượng môi trường, đặc biệt là môi trường nước mặt tại các hệ thống kênh, rạch, mương nội đồng.

Phần lớn hộ nuôi heo áp dụng mô hình biogas. Một số hộ cũng đang áp dụng mô hình chăn nuôi heo theo hình thức đệm lót sinh học, nhờ đó đã giảm được mùi hôi nhưng chất lượng nước thải vẫn chưa đảm bảo các chỉ tiêu quy định.

Mặt khác, công tác quản lý môi trường của tỉnh Bến Tre nói chung và huyện Mỏ Cày Nam nói riêng còn nhiều hạn chế, nhất là khâu quản lý nguồn thải đối với các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Trong khi đó, chưa xác định, thống kê được đầy đủ các đối tượng cần quản lý do lưu lượng xả thải lớn, chứa nhiều thông số ô nhiễm, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; khâu tổ chức, giám định các nguồn thải chưa đầy đủ.

Trộn chế phẩm EM ủ phân hữu cơ. Ảnh: Minh Đảm.

Đặc biệt, công tác đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, kênh, rạch chưa được cập nhật kịp thời. Đề tài nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp quản lý nhằm ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm cho hệ thống kênh, rạch, mương nội đồng trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam. Đồng thời, triển khai thí điểm mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp nhằm bảo vệ nguồn nước mặt cho hệ thống kênh, rạch, mương nội đồng. Ngoài ra, còn đề xuất giải pháp tổng hợp chuỗi (từ thức ăn, quy trình nuôi, thiết kế chuồng trại, bể biogas, men xử lý mùi…) nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường nuôi heo trên địa bàn huyện.

Hộ ông Lê Văn Ngọc Linh ở ấp Phú Lợi Hạ, xã An Định (huyện Mỏ Cày Nam) đang có đàn heo thịt 20 con, 2 nái và 20 heo con. Sinh kế chính của gia đình là nuôi heo và trồng dừa với diện tích 6.000m2. Ông Linh cho biết, tham gia mô hình, gia đình ông được dự án đầu tư máng tách phân dài 1,4m, rộng 0,7m, cao 0,7m; hầm biogas bằng composite đường kính 1,9m (5m3); khu ủ phân và nuôi trùn quế dài 3m, rộng 3m; ao sinh học dài 5m, rộng 4m; thùng ủ đạm cá 200 lít; lò đốt biochar thể tích 0,3m3; khuôn chứa rác dài 2m, rộng 2m, cao 0,8m.

Tháng 10/2023, ông Linh cũng như các hộ dân khác được Viện Môi trường và Tài nguyên tập huấn vận hành, bảo quản các hạng mục công trình và các kỹ thuật nuôi trùn quế, ủ phân cá, làm than sinh học từ cọng dừa… So với chăn nuôi trước đây, ông cho biết đã có sự thay đổi khá rõ rệt. "Môi trường sạch đẹp hơn, giảm mùi hôi. Hồi xưa mình đào hầm làm biogas bằng nilon, lâu lâu nước thải tràn ra ngoài, dơ lắm. Giờ nước thải xuống hầm biogas, mình có chất đốt, khỏi phải mua gas. Tôi mong muốn mô hình được nhân rộng ra cho nhiều người nuôi heo tiếp cận để đảm bảo môi trường sống sạch đẹp”, ông Linh nói.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ nongnghiep, cand, baophapluat)
Ý kiến bạn đọc
Top