Xả nước thải vượt quá quy chuẩn ra môi trường tại dòng nước Khe Sào chảy trên địa bàn huyện Như Xuân và huyện Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An), Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt vừa bị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa lập Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường, với số tiền xử phạt hơn 120 triệu đồng.
Theo báo cáo số 6420, ngày 17/7, của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa về kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường từ UBND huyện Như Xuân đối với Trang trại Bãi Trành của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt, tại xã Bãi Trành (huyện Như Xuân) gây ô nhiễm môi trường nước Khe Sào, ảnh hưởng đến đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân xã Nghĩa Yên và Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Để làm rõ nội dung phản ánh, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã chủ trì, phối hợp với UBND huyện Như Xuân, UBND xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, với sự tham gia của UBND huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, UBND xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An và đại diện công dân (3 công dân) làng Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn làm việc với Lãnh đạo Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt, kiểm tra thực tế công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường đối với hoạt động nuôi lợn của Công ty và khảo sát một số vị trí Khe Sào (Khe Sào phía tỉnh Nghệ An, suối Tổng Kho phía tỉnh Thanh Hóa).
Đoàn kiểm tra khu hồ chứa nước sau xử lý cho thấy, hồ không được lót bạt, gia cố thành đáy đảm bảo chống thấm, chống rò rỉ nước thải ra môi trường (Khe Sào).
Trong khi đó, trang trại nuôi lợn của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt đi vào hoạt động đã có một số hồ sơ về môi trường như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; đã đầu tư các công trình xử lý chất thải và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo giấy phép môi trường được cấp.
Tuy nhiên, nước thải sau xử lý của trang trại thải ra hồ chứa sau một thời gian bị tái ô nhiễm do tù đọng lâu ngày và do yếu tố tác động của điều kiện thời tiết (nắng nóng kéo dài) dẫn đến làm tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong nước. Ngoài ra, hồ chứa nước không được lót bạt thành đáy đảm bảo chống thấm dẫn đến nước rò rỉ, thẩm thấu ra Khe Sào.
Như vậy, việc phản ánh của người dân, chính quyền các địa phương huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An và huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa về hoạt động nuôi lợn của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt gây ô nhiễm môi trường nước Khe Sào là có cơ sở.
Kết quả phân tích mẫu nước suối Tổng Kho đoạn trước khi đi qua trang trại có chất lượng tốt, nước Khe Sào và khe nước từ trang trại chảy ra suối Tổng Kho có chất lượng xấu, nhiều chỉ tiêu ô nhiễm về hữu cơ và dinh dưỡng ở mức cao, không đáp ứng mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người nếu sử dụng nguồn nước này, có thể gây ảnh hưởng lớn tới cá và các sinh vật sống trong môi trường nước.
Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt do đã có các hành vi vi phạm: Xả nước thải (thông qua việc thẩm thấu từ ao chứa nước thải ra ngoài môi trường) có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; thực hiện không đúng một trong các nội dung của Giấy phép môi trường số 163/GP-UBND ngày 23/11/2023 đã được UBND tỉnh cấp, với tổng số tiền xử phạt hơn 120 triệu đồng.
Dòng nước Khe sào chảy từ huyện Như Xuân sang huyện Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An) đen kịt, bốc mùi hôi thối, gây bức xúc cho người dân.
Đồng thời, yêu cầu Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt: Bơm hút toàn bộ nước sau xử lý tại hồ chứa nước về hệ thống xử lý nước thải để xử lý lại, đảm bảo chất lượng nước sau xử lý đạt QCVN; gia cố thành đáy hồ chứa nước đảm bảo chống thấm, chống rò rỉ nước thải có chứa thông số ô nhiễm ra Khe Sào, thời gian hoàn thành xong trước 05/8/2024.
Ngoài ra, Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt phải lắp đặt đường ống, biển báo, chỉ dẫn điểm xả nước thải từ trang trại ra suối Tổng Kho theo đúng tọa độ giấy phép môi trường được cấp; lắp đồng hồ đo lưu lượng xả nước thải ra môi trường, đo nước tuần hoàn cho tưới cây, nước tái sử dụng cho các mục đích khác; lắp công tơ điện riêng cho hệ thống xử lý nước thải, ghi chép đầy đủ thông tin nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải (lưu lượng nước đầu vào, đầu ra, loại và lượng hóa chất sử dụng,..).
Bên cạnh đó, vận hành thường xuyên, đúng quy trình công trình xử lý nước thải, đảm bảo chất lượng nước sau xử lý đạt QCCP trước khi thải ra môi trường, sử dụng cho tưới cây; khẩn trương rà soát, hoàn thành vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải, đảm bảo hệ thống đánh giá đúng hiệu quả, hiệu suất công đoạn, công trình xử lý; tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các yêu cầu, quy định khác về bảo vệ môi trường 6 nêu trong Giấy phép môi trường số 163/GP-UBND ngày 23/11/2023 đã được UBND tỉnh cấp cho Công ty.
Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBND huyện Như Xuân: Chỉ đạo các phòng chuyên môn có liên quan, UBND xã Bãi Trành kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nội dung, yêu cầu nêu trên đối với Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về môi trường, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm vi phạm theo quy định (nếu có); tiếp tục nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng, dư luận trong nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; kịp thời ngăn chặn các hành vi quá khích, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng tình hình để kích động nhân dân tụ tập đông người, cản trở thực hiện dự án.
Đối với UBND huyện Nghĩa Đàn đề nghị: Thông tin đến người dân trên địa bàn được biết về kết quả kiểm tra, xử lý, giải quyết phản ánh của cơ quan có chức năng tỉnh Thanh Hóa đối với Trang trại Bãi Trành của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt tại thôn 10, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân; tiếp tục nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng, dư luận trong nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; kịp thời ngăn chặn các hành vi quá khích, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng tình hình để kích động nhân dân tụ tập đông người, cản trở thực hiện dự án.