Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2024 | 9:15

Nhập lậu gia cầm, vấn nạn nhức nhối của ngành chăn nuôi

Mỗi năm có hàng triệu con gia súc, gia cầm được nhập lậu vào Việt Nam. Điều này không chỉ khiến cho sản xuất trong nước gặp áp lực lớn mà còn mang theo nhiều hệ lụy, nhất là vấn đề dịch bệnh. Chưa kể, con giống là yếu tố quan trọng quyết định thành công của vụ nuôi, thế nhưng việc quản lý dường như còn bỏ ngỏ.

Choáng váng vì số lượng

Báo cáo tại một hội nghị hồi đầu năm, đại diện Cục Thú y cho biết, từ đầu năm 2023 đến đầu năm 2024, tại 13 tỉnh có báo cáo đã phát hiện 131 vụ, bắt giữ 159.979 con gia súc, gia cầm, 43.912 quả trứng, 116.183 kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam. Trong đó, tỉnh Lạng Sơn phát hiện 31 vụ với 101.800 con gia cầm giống, 4.000 gia cầm thịt, 8.532 kg/sản phẩm động vật; tỉnh Cao Bằng phát hiện 59 vụ với 39.000 gia cầm giống, 347 gia súc, 16.012 quả trứng giống, 31.351 kg/sản phẩm động vật; tỉnh Long An với 5 vụ, đã tiêu hủy 68 con heo, 26 con bò… 

Xe tải chở gà không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật theo quy định. Ảnh: Quân Trang/TTXVN

Đầu năm 2024, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cung cấp thêm thông tin cho thấy tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (tỉnh Quảng Bình) và Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (tỉnh Nghệ An), ước tính mỗi tuần có khoảng 60.000 con gà đẻ thải loại nhập lậu từ biên giới, tương đương 720 tấn/tháng, trong đó, nhiều gà có nguồn gốc Thái Lan.

Còn đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, có thời điểm, giá heo giống ở Việt Nam cao hơn ở Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, chỉ thấp hơn Philippines và Indonesia. Do đó, có hiện tượng nhập lậu heo từ Thái Lan vào Việt Nam, sau đó tìm cách hợp thức hóa bán kiếm lời.

Những tháng đầu năm 2024, tình trạng nhập lậu con giống gia cầm ngày càng nhiều và số lượng ngày một lớn, nóng nhất là tại tỉnh Quảng Ninh, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và bắt giữ nhiều chuyến vận chuyển trứng và con giống gia cầm, số lượng lên tới con số hàng vạn.

Theo Cục Chăn nuôi, Việt Nam có nhu cầu giống gia cầm trên 1 tỷ con mỗi năm. Giống gia cầm nhập lậu chỉ cần bán bằng với giá trong nước đã cho lãi lớn. Chính vì vậy, nhiều đầu nậu đã bất chấp những hậu quả đưa con giống gia cầm nhập lậu vào trong nước tiêu thụ.

Xử lý nhiều vụ kinh doanh, vận chuyển trái phép sản phẩm động vật

Theo thông tin từ Cục Hải quan Quảng Ninh, trong Quý 2/2024 đơn vị đã chủ trì phát hiện, bắt giữ, xử lý 19 vụ; trị giá hàng hóa vi phạm gần 1,4 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính gần 260 triệu đồng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là nầm lợn đông lạnh, xúc xích làm từ thịt lợn, vịt giống, gà giống, trứng vịt…

Cũng trong Quý 2/2024, Hải quan Quảng Ninh đã phối hợp với các lực lượng bắt giữ, xử lý 11 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 976 triệu đồng; tang vật vi phạm là lòng lợn sấy, trứng vịt, chân gà đông lạnh, lạp sườn…

Trong công tác tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép, nhập lậu động vật và các sản phẩm từ động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh cũng đã kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm. 

Điển hình ngày 23/2/2024 tại khu vực Mốc 1351 (2)-600m, thuộc thôn Thán Phún, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, lực lượng chức năng phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 14C-376.38 vận chuyển 30 khay nhựa, mỗi khay chứa 130 con vịt giống. Xe ô tô thứ hai biển kiểm soát 14C-173.14 có 34 khay nhựa, mỗi khay chứa 130 con vịt giống. Tiếp đến trên bè mảng xốp lắp máy ký hiệu GB680 do Phùng Văn Nam trú tại thôn Thán Phún, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái điều khiển, có 36 khay nhựa, mỗi khay chứa 130 con vịt giống. Lái xe của 3 xe trên đều không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ tổng số 13.000 con vịt giống.

Ngày 4/3, tại khu vực thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu), trong quá trình tuần tra, kiểm soát, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô và các đơn vị nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện ô tô tải vận chuyển gần 43.000 con vịt giống. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng vận chuyển. Đây là một trong số các vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm lớn mà lực lượng chức năng hyện Bình Liêu đã phát hiện, xử lý từ đầu năm đến nay.

Bước sang đầu tháng 5/2024 Đội QLTT số 8 thuộc Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra hành chính tại cửa hàng Vinh Thanh, phố Đông Tiến 1, thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên), phát hiện cửa hàng này đang bày bán và tích trữ 130 kg chân gà, chân bò và nội tạng lợn đông lạnh, đã được sơ chế, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Số hàng hóa, gồm 55kg chân gà đông lạnh, 45kg chân bò đông lạnh và 30kg dạ dày lợn đông lạnh (tổng giá trị hàng hóa theo giá niêm yết là 9,4 triệu đồng). 

Trong 2 ngày 14 và 15/5/2024, Đội QLTT số 8 phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Ninh khám 2 phương tiện và tạm giữ 2.426 sản phẩm thực phẩm nhập lậu gồm: 300 gói bim bim cánh gà; 1.100 chiếc xúc xích; 10 kg lạc củ; 24 chai nước sốt các loại; 182 gói rong biển ăn liền; 420 chiếc kẹo đồ chơi; 400 gói khoai lang sấy.

Thông tin về tình trạng trên, Trung tá Tô Văn Thành, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) cho biết, từ những vụ việc được phát hiện gần đây cho thấy, đối tượng thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm từ gia cầm chủ yếu là những người dân địa phương có trình độ hiểu biết pháp luật chưa cao. Các đối tượng thường lợi dụng ngày nghỉ, giờ nghỉ, điều kiện thời tiết đêm tối để thực hiện hành vi. Theo đó cần tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện vụ việc.

Tương tự, lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên vừa phát hiện vụ vận chuyển khoảng 1 tấn gia cầm không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Theo đó, vào khoảng 10 giờ ngày 20/6, tại Quốc lộ 3 đoạn qua xóm Đường Goòng, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, Đoàn kiểm tra liên ngành cơ động của tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện xe ô tô mang biển kiểm soát 90C - 09291, do ông Mai Long Vân (trú tại tỉnh Hà Nam) điều khiển, cùng bà Nguyễn Thị Lệ Hằng (trú tại tỉnh Hà Nam) là chủ hàng, đang di chuyển theo hướng về thành phố Thái Nguyên.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trên xe đang vận chuyển 400 con gà lông màu (khoảng 1 tấn). Theo khai báo của chủ hàng, số gà trên được mua tại một trang trại chăn nuôi thuộc xóm Làng Cọ, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, với mục đích vận chuyển về thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam để tiêu thụ.

Giải pháp “trị” tận gốc

Hiện nay, tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, mỗi ngày có hàng vạn con gia cầm được nhập lậu vào Việt Nam. Theo cơ quan quản lý, đây là nguyên nhân dẫn đến các chủng virus cúm gia cầm và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm, sức khỏe người dân, gây bức xúc trong xã hội. Đồng thời, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư phát triển chăn nuôi trong nước.

Tại cuộc họp về vấn đề này mới đây, ông Nguyễn Trường Sơn, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, khẳng định, trách nhiệm phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm trong ngành nông nghiệp trước hết thuộc về Cục Chăn nuôi. Buôn lậu, gốc rễ nguyên nhân là do chênh lệch giá cả. Còn việc bày bán công khai là trách nhiệm của Sở NN&PTNT từng địa phương.

Để ngăn chặn tình trạng này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng địa phương phải tập trung phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm một cách thường xuyên liên tục. “Chi cục Thú y các địa phương phải là nòng cốt để phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và quản lý thị trường kiểm soát vận chuyển, mua bán giống gia cầm nhập lậu. Đặc biệt, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành không thể đứng ngoài cuộc”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, thẳng thắn cho biết tình trạng buôn lậu gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp từ nhiều năm nay, nhất là những lúc chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và ngước ngoài. Do đó, việc phòng chống buôn lậu phải làm thường xuyên, liên tục chứ không chỉ làm từng đợt cao điểm.

Còn ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, kiến nghị cần cấm nhập khẩu tiểu ngạch. Ông Dương cũng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh chăn nuôi tăng trưởng từ 3 – 5%, trong khi đó dân số không tăng thì thực phẩm không sợ thiếu. Đây là những nút thắt cần tháo gỡ về cả trước mắt và lâu dài cho ngành chăn nuôi, nếu không Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi”.

Hiện nay, ở nước ta, mật độ vật nuôi đang ở mức cao nhất thế giới, dẫn tới tổng cung vượt cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có các giải pháp kiểm soát nhập lậu, thúc đẩy xuất khẩu thì ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục bấp bênh.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ VietQ, baotintuc, nguoichannuoi)
Ý kiến bạn đọc
Top