Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 9 năm 2023 | 14:5

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (Bài 2): Những mô hình hiệu quả

Nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng cung cấp dịch vụ giữa nông thôn với thành thị, thời gian qua, nhiều địa phương đã triển khai nhiều mô hình, chương trình hoạt động về chuyển đổi số, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện.

>> Bài 1: Hình thành NTM thông minh

Nông dân “say” chuyển đổi số, xây dựng thôn thông minh

Là một trong những địa phương xây dựng khu dân cư thông minh đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh,  xã Tượng Sơn (Thạch Hà) đã triển khai khá sâu công tác chuyển đổi số, đem lại nhiều tiện ích thiết thực trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

Dù ở tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng đôi mắt, bàn tay của ông Hoàng Thanh Tam ở thôn Hà Thanh (xã Tượng Sơn)  vẫn rất nhạy bén và sắc sảo. Ông tham gia mô hình thí điểm khu dân cư thông minh theo phần mềm do Văn phòng NTM tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Công ty TNHH MTV Giftmark thực hiện.

Người dân thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) quét mã QR xem, cập nhật thông tin vườn hộ.

Gia đình ông Tam được lắp 1 mắt camera tại khu vực trồng rau củ quả; cấp 1 mã (tem) QR. Mã QR này được đóng công khai ngay trước nhà, tích hợp các thông số do hộ gia đình khai báo như diện tích vườn, các loại cây trồng, quy trình chăm sóc, bón phân cho cây, vệ sinh môi trường...

Khi đến nhà ông Tam, mọi người chỉ cần dùng điện thoại thông minh có ứng dụng Zalo và quét QR, sẽ biết được các thông tin về loại cây trồng, quy trình chăm sóc vườn của gia đình ông.

Đặc biệt, khi gia đình có các sản phẩm như rau, củ, quả hoặc con gà, quả trứng... cần bán, ông Tam chỉ cần chụp ảnh, quay video, khai báo số lượng và nhập vào hệ thống thì người cần mua hoặc người quản lý (HTX Hoàng Hà) sẽ biết để thu mua hoặc giới thiệu trên sàn thương mại điện tử.

“Hệ thống công nghệ này rất hữu ích trong việc lưu trữ dữ liệu trong nhiều năm và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất hoặc đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ”, ông Tam cho hay.

Toàn thôn Hà Thanh được phủ sóng wifi miễn phí, nhiều hộ dân gắn camera để HTX theo dõi, giám sát quy trình sản xuất nông sản. Người dân có thể tương tác, phản ánh các thông tin (trao đổi, học tập các thông tin bổ ích về khoa học kỹ thuật, cơ chế, chính sách....; tư vấn, hỏi đáp; giám sát các nội dung trong thôn). Thông qua phần mềm khu dân cư NTM kiểu mẫu thông minh, các hộ gia đình trong mỗi thôn sẽ được kết nối với nhau để tương tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất và đời sống.

Nhờ giám sát, nông sản của người dân thôn Hà Thanh đảm bảo chất lượng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng và có thể dễ dàng giới thiệu trên sàn thương mại điện tử.

Nếu như trước đây, hằng ngày, ông Hoàng Thanh Huy, Bí thư Chi bộ thôn Hà Thanh thường phải túc trực tại nhà văn hóa để xử lý công việc, trực hệ thống loa truyền thanh..., thì nay, với chiếc điện thoại thông minh, dù ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào, ông cũng có thể điều khiển được các thiết bị trong hệ thống hạ tầng tại nhà văn hóa thôn.

Được như vậy, là nhờ việc triển khai tự động hóa hệ thống các thiết bị tại nhà văn hóa trong thực hiện chủ trương chuyển đổi số, xây dựng thôn thông minh như: Ổ khóa thông minh (điều khiển đóng mở cửa hội quán từ xa bằng smartphone hoặc bằng tín hiệu vân tay), hệ thống truyền thanh thông minh (tải, đọc văn bản, phát, tiếp phát thông báo, tin tức qua smartphone); hệ thống điện thông minh (đóng mở đèn chiếu sáng, máy phát thanh, ti vi…); hệ thống camera an ninh…

Ông Huy chia sẻ: “Từ ngày triển khai chuyển đổi số, thực hiện mô hình thôn thông minh, sau những khó khăn ban đầu, công việc thôn xóm trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn nhiều. Không chỉ vậy, phong cách làm việc cũng mới mẻ, hiện đại hơn; đặc biệt, hiệu quả công việc cũng tăng lên nhiều lần.

“Thành công của xây dựng thôn thông minh đã “chắp cánh” cho xây dựng NTM ở Tượng Sơn hiệu quả hơn”, ông Dương Kim Huy, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn khẳng định.

“Chuyên nghiệp hóa” sản xuất và hướng đến NTM thông minh

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh Nam Định, đặc biệt là Đề án chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới xây dựng NTM thông minh giai đoạn 2021-2025, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, phát triển công nghệ xây dựng xã thông minh tỉnh Nam Định”.

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, nhiều địa phương ở Nam Định đã tích cực chuyển đổi số, hướng tới xây dựng NTM thông minh giai đoạn 2021-2025. Xã Trực Tuấn (Trực Ninh) đã nỗ lực phủ sóng wifi khắp các thôn, xóm, giúp người dân có thể truy cập internet dễ dàng, cập nhật thông tin, tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của tỉnh, huyện và địa phương bằng điện thoại.

Thôn Nam Lạng Tây được định hướng lựa chọn xây dựng thôn thông minh và được lắp đặt điểm wifi miễn phí tại nhà văn hóa thôn. Với quyết tâm xây dựng “thôn thông minh”, cán bộ thôn phối hợp với các đơn vị chức năng tập huấn, hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt các phần mềm, sử dụng các dịch vụ số, phục vụ nhu cầu thiết yếu và chuyển đổi số như: dịch vụ công trực tuyến, y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, phòng cháy chữa cháy, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực của thôn… Thời gian qua, thôn đã thành lập nhóm thông tin của các đoàn thể trên nền tảng mạng xã hội zalo.

Bí thư Chi bộ thôn Nam Lạng Tây Trần Xuân Vượng cho biết: “Bây giờ chỉ cần một thao tác đơn giản là bà con có thể đăng thông tin lên nhóm zalo của thôn. Nhờ đó, mọi người có thể dễ dàng nắm bắt, tham gia thực hiện các công việc cần làm của chi bộ, của thôn”. Cũng nhờ xây dựng “thôn thông minh”, các hoạt động xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu như kêu gọi huy động xã hội hóa để đầu tư hoàn thiện các tuyến đường, hệ thống chiếu sáng, lắp đặt camera giám sát an ninh được người dân nhanh chóng nắm bắt, hưởng ứng và tham gia. Hiện các hành vi bỏ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định, xô xát sau va chạm giao thông… đều được phát hiện, xử lý, hòa giải kịp thời, góp phần giữ ổn định an ninh trật tự.

Trước hiệu quả của mô hình điểm “thôn thông minh” Nam Lạng Tây, xã Trực Tuấn đang tổ chức cho các thôn khác đến tham quan, học tập kinh nghiệm để triển khai nhân rộng ra  toàn xã.

Tỉnh Nam Định cũng chỉ đạo các ngành phối hợp với các địa phương triển khai Đề án chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới xây dựng NTM thông minh giai đoạn 2021-2025 và hỗ trợ tiêu thụ nông, lâm, thủy sản qua các kênh trực tuyến. Đến nay, các địa phương đã xây dựng và phát triển được 39 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 1 chỉ dẫn địa lý, 3 nhãn hiệu tập thể được chứng nhận bảo hộ; 35 cơ sở đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền; trên 400 sản phẩm có đăng ký mã số, mã vạch; 130 doanh nghiệp ứng dụng tem có mã QR Code truy xuất nguồn gốc với trên 300 dòng sản phẩm; hơn 200 sản phẩm nông nghiệp của 60 doanh nghiệp đã được đưa lên 2 sàn thương mại điện tử VOSO, POSTMART. Một số chuỗi có sự liên kết chặt chẽ, xây dựng nên những thương hiệu mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu như: gạo Toản Xuân, ngao sạch Lenger, nông sản sấy Minh Dương, muối sạch Nam Định...

Lá cờ đầu trong chuyển đổi số

Theo Văn phòng điều phối NTM tỉnh Lâm Đồng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã góp phần nâng cao cuộc sống của người dân, đưa nền nông nghiệp của Lâm Đồng phát triển lên một bước mới, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng NTM.

Lâm Đông hiện có 90 HTX, trang trại ứng dụng công nghệ IoT, canh tác hữu cơ; 182 chuỗi liên kết với sự tham gia của 201 doanh nghiệp, HTX và gần 17.000 hộ nông dân.

Nhờ ứng dụng nông nghiệp thông minh, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng đã được xuất khẩu, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ.

Phát triển nông nghiệp thông minh góp phần đưa doanh thu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng đạt bình quân 430 triệu đồng/ha; không ít trang trại đạt doanh thu 5 - 8 tỷ đồng/ha/năm; canh tác rau ứng dụng công nghệ IoT đạt trên 2 tỷ đồng/ha/năm; sản xuất hoa ứng dụng công nghệ IoT đạt 3 - 8 tỷ đồng/ha/năm.

Việc thúc đẩy chuyển đổi số giúp không ít HTX ở Lâm Đồng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn thông qua các tiện tích của  Google, Youtube, Facebook...

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ, tỉnh xác định nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng NTM là một trong những chương trình trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính nhờ nỗ lực này đã đưa Lâm Đồng trở thành lá cờ đầu của khu vực Tây Nguyên trong xây dựng NTM.

Nhân rộng mô hình thôn thông minh

Ông Tô Hữu Vịnh, Chủ tịch UBND xã Dương Xá (Gia Lâm - Hà Nội), cho biết, năm 2015, xã được công nhận đạt chuẩn NTM; đến năm 2021, xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Do xác định mục tiêu xây dựng thôn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 là nâng cao mức sống, mức hưởng thụ cho người dân, xã đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến cơ sở và hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu năm 2022.

Đoàn Thanh Niên xã Dương Xá (Gia Lâm - Hà Nội) theo dõi hệ thống camera giám sát tại các khu vực công cộng trên địa bàn.

Để xây dựng NTM kiểu mẫu, xã phải hoàn thiện 3 nhóm tiêu chí, bao gồm: Thu nhập bình quân đầu người, có ít nhất 1 “thôn thông minh” và lựa chọn lĩnh vực kiểu mẫu. Thôn thông minh phải đủ các điều kiện như: hạ tầng mạng Internet băng rộng, cáp quang phủ sóng trên 80 %; hộ gia đình phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G đạt 100 %; có mạng Wifi miễn phí tại nhà văn hóa thôn hơn 90 %; người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh đạt hơn 70%; người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử.

Xã Dương Xá đã chọn xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh tại thôn Thuận Quang với 30 ha trồng cam, ổi cho giá trị kinh tế cao. Hàng năm, xã đều ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp chuyên canh, triển khai vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thúc đẩy mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp khép kín, áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất và tưới tiêu.

Cùng với đó, Dương Xá  phối hợp với VNPT Hà Nội triển khai mô hình nông nghiệp thông minh tại thôn Thuận Quang. Toàn bộ quy trình canh tác, tưới tiêu, cảnh báo dữ liệu đều được thực hiện thông qua hệ thống phần mềm tích hợp các thiết bị IOT, BLOCKCHAIN, ứng dụng AI giám sát và điều khiển tự động hóa.

Ông Hoàng Đình Hoan, Trưởng thôn Thuận Quang,  chia sẻ, ngay sau khi được Đảng ủy, UBND xã giao xây dựng mô hình thôn thông minh, chúng tôi đã vận động mọi người, mọi gia đình cùng tham gia để xây dựng mô hình thôn thông minh và được 100% Nhân dân ủng hộ. Thôn đã huy động xã hội hóa để lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí, lắp 16 camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, tuyến đường trục chính; thành lập nhóm thông tin thôn, xóm, các đoàn thể trên nền tảng mạng xã hội zalo, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin chính xác, thuận tiện.

Đến nay, Thuận Quang đã hoàn thành mô hình thôn thông minh. Diện mạo nông thôn không ngừng “thay da đổi thịt”, cơ sở hạ tầng phát triển, các trục đường, tuyến đường liên xã, liên thôn đều được thảm nhựa và mở rộng, được bảo trì, nâng cấp, có hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh…,  tạo cảnh quan, không gian “đáng sống” cho người dân trong thôn.

Theo Chủ tịch UBND xã Dương Xá, với quyết tâm đưa xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xã quyết định lựa chọn thôn Thuận Quang để xây dựng mô hình điểm. Bắt tay vào triển khai, địa phương đã tiến hành rà soát, ghi nhận 100% số hộ ở thôn Thuận Quang sử dụng điện thoại thông minh và các ứng dụng thông minh trên điện thoại; 325 hộ đã lắp mạng internet; 153 gia đình có lắp camera giám sát kết nối điều khiển thông qua điện thoại...

Ông Vịnh cho biết, chính quyền xã chỉ đạo cán bộ thôn phối hợp với đơn vị chức năng hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số, phục vụ nhu cầu thiết yếu. Đồng thời huy động xã hội hóa để lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí cùng 16 camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, tuyến đường trục chính... 

Theo lãnh đạo xã Dương Xá, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phát triển các nội dung “thôn thông minh” tại thôn Thuận Quang, trong đó có xây dựng mô hình điểm du lịch nông thôn. Sau khi hoàn thành các tiêu chí ở Thuận Quang,  tiếp tục nhân rộng mô hình thôn thông minh đến các thôn khác trên địa bàn.

Tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp

Chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp được xác định là tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp và làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Tại Thái Nguyên, việc ứng dụng số trong phát triển nông nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, trở thành động lực để phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt, CĐS đã giúp Chương trình xây dựng NTM của tỉnh giành được nhiều thành tựu nổi bật.

Bằng CĐS, những hình ảnh, thông điệp từ sản phẩm trà Thái Nguyên đã được bà con nông dân gửi đến khách hàng trong và ngoài nước qua thiết bị hỗ trợ livestream.

Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Để thực hiện có hiệu quả chương trình CĐS, đặc biệt trong xây dựng NTM, Sở đã xây dựng cơ sở dữ liệu; ứng dụng công nghệ số để giải quyết những thủ tục hành chính. Trên cơ sở đó, xây dựng phần mềm quản lý chất lượng nông sản với những giải pháp quản lý chất lượng sản phẩm của gần 400 doanh nghiệp,  HTX nông nghiệp. Theo đó, đã số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP, gắn với giám sát - chứng thực của công tác quản lý nhà nước; hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối với chương trình OCOP cấp độ quốc gia.

Toàn tỉnh hiện có 173 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế nông thôn. Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP; công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20 đến 50%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%; đặc biệt có sản phẩm tăng 70 - 100%.

“Nhờ áp dụng CĐS trong sản xuất, kinh doanh, giao dịch qua các sàn TMĐT, hoạt động HTX không bị ngưng trệ, nhất là trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, thậm chí tăng doanh số khi thời điểm dịch cao điểm”, bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), chia sẻ.

Với trọng tâm là hỗ trợ các chủ thể, doanh nghiệp, HTX tham gia các sàn thương mại điện tử trên các nền tảng số gắn với việc thực hiện Chương trình CĐS của ngành Nông nghiệp, công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm được coi trọng, nhằm kết nối và đưa sản phẩm ra thị trường. Hàng trăm nghìn hộ sản xuất nông nghiệp đã được tập huấn, hỗ trợ đưa các sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử C- Thái Nguyên, Viettel, VinaPost, Voso, Sendo, Lazada, Amazon.... với hàng chục nghìn gian hàng được mở với trên 2.000 sản phẩm nông nghiệp…

Ngày 16/3/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ký Quyết định số 696 phê duyệt Danh mục mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, xã Tức Tranh (huyện Phú Lương) được Trung ương lựa chọn thí điểm xã NTM thông minh của cả nước. Để kịp thời triển khai, thực hiện mô hình thí điểm của Trung ương, ngày 20/3/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Văn bản số 1118 chỉ đạo các sở ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan lập dự án, kế hoạch, xây dựng mô hình thí điểm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện, đúng quy định.

Chuyển đổi số là mục tiêu đồng thời cũng là giải pháp tối ưu, thiết thực trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM, cải thiện và tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Vì vậy, cùng với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chuyển đổi số rất cần sự chung tay, tích cực tham gia, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của mỗi người dân .

Bài cuối: Giải pháp xây dựng NTM thông minh

 

Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc
  • Nâng cao nhận thức, con đường nâng tầm cho chè Việt

    Nâng cao nhận thức, con đường nâng tầm cho chè Việt

    Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia sản xuất chè lớn nhất thế giới, với những vùng chè trứ danh và hương vị đặc trưng. Tuy nhiên, phát triển chè hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và giá trị mang lại chưa cao.

  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

Top