Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 18 tháng 12 năm 2023 | 10:46

Cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP Hà Tĩnh hối hả chuẩn bị hàng Tết

Thời điểm này, các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP Hà Tĩnh đang hối hả sản xuất và gom đơn chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ thị trường Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2024.

Hối hả chuẩn bị hàng Tết

Gần Tết luôn là thời điểm bận rộn đối với HTX thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh). Hơn 10 lao động, người tập trung kiểm tra chất lượng nước mắm, người tất bật đóng chai, dán nhãn, bỏ hộp để xuất sản phẩm ra thị trường. Đơn hàng dồn dập nên 1 tháng nay, HTX phải huy động lao động tăng ca làm đêm để kịp tiến độ giao hàng.

Nước mắm Phú Khương được nâng hạng OCOP cấp tỉnh từ 3 sao lên 4 sao nên thị trường ngày càng rộng mở.

Bà Lê Thị Khương, Giám đốc HTX thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương, cho biết: “Năm 2022, nước mắm Phú Khương được nâng hạng OCOP cấp tỉnh từ 3 sao lên 4 sao nên thị trường ngày càng rộng mở. Sản phẩm thơm ngon, mẫu mã đẹp nên ngoài nhu cầu mua sử dụng, nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đã lựa chọn nước mắm Phú Khương làm quà biếu dịp Tết Nguyên đán. Loại nước mắm 4 sao có giá bán 200 ngàn đồng/lít, loại 3 sao 150 ngàn đồng/lít”.

Trong 10 tháng của năm 2023, đơn vị tiêu thụ khoảng 200.000 lít nước mắm các loại, nguồn thu trên 15 tỷ đồng. Từ nay đến Tết Nguyên đán 2024, cơ sở sẽ tiêu thụ tầm 100.000 lít nữa. Ngoài ra, HTX còn phân phối các mặt hàng thủy - hải sản khô ra thị trường, mang về nguồn thu khá.

Được biết, năm 2024, HTX này đặt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 400.000 lít nước mắm các loại. Theo đó, ngoài chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp tục đầu tư tự động hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí; HTX còn tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, mở rộng kênh phân phối và cố gắng đàm phán đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn.

Song song với việc sản xuất sản phẩm phục thị trường Tết, hiện nay, HTX thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương đang liên kết với các chủ tàu thuyền trên địa bàn để đẩy mạnh thu mua nguyên liệu, tiến hành chế biến các sản phẩm phục vụ thị trường trong thời gian tiếp theo.

Từ đầu tháng 11 đến nay, không khí làm việc tại cơ sở sản xuất miến gạo Hương Tâm (xã Việt Tiến - Thạch Hà) trở nên tất bật, hối hả hơn. Những tháng trước, mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 4 tạ miến nhưng từ tháng 11 - 12 , sản lượng phải đạt hơn 6 tạ/ngày mới đủ hàng giao cho khách để chuẩn bị phục vụ Tết.

Bà Tô Thị Hương, chủ cơ sở sản xuất miến gạo Hương Tâm, cho biết: “Bắt đầu sản xuất từ năm 2016 nhưng đến năm 2020, khi được công nhận là sản phẩm OCOP, thị trường tiêu thụ của miến gạo Hương Tâm mới được mở rộng ra các tỉnh, thành khác.

Tết năm nay, ngoài sản phẩm bún gạo và miến phở, cơ sở còn đưa ra thị trường miến sợi nhỏ để làm nem. Thời điểm này, nhiều cửa hàng bán lẻ đã trữ hàng Tết, vì vậy, chúng tôi vừa sản xuất, vừa giao hàng. Do khối lượng công việc nhiều nên ngoài 6 lao động thường xuyên, đợt này cơ sở phải thuê thêm 4 lao động thời vụ”.

Tranh thủ nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng cao, thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất với những sản phẩm “có tiếng” như: nước mắm và hải sản khô Hoài Yến, bánh ram Anh Thu, kẹo cu đơ Phong Nga, nem chua Ý Bình, giò chả Tiến Giáp… cũng đang “chạy đua” với thời gian, tập trung gom đơn, sản xuất, đóng gói nhằm cung ứng đủ sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết.

Bánh đa vừng Nguyên Lâm của HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm (huyện Kỳ Anh) không chỉ nổi tiếng với người tiêu dùng trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành trên cả nước mà đã có mặt tại thị trường Nhật Bản và Nga.

Dịp cận Tết, nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng đột biến nên cơ sở phải huy động 15 lao động, vận hành sản xuất tại 2 nhà xưởng tại xã Kỳ Giang và xã Kỳ Tiến (huyện Kỳ Anh). Từ tháng 11, đơn vị đã nâng công suất lên 25.000 bánh/ngày (bình thường 18.000 bánh/ngày). Từ nay đến cuối năm, HTX đặt mục tiêu sản xuất và phân phối trên 250.000 bánh, mang về nguồn thu nửa tỷ đồng.

Thời điểm này, các cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP  phải thuê thêm lao động thời vụ.

Ông Lê Văn Duẩn, Giám đốc HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm, cho hay: “Năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của cơ sở thuận lợi, các đối tác tại Nhật Bản và Nga hợp tác theo hợp đồng ký kết với sản lượng 420.000 bánh, doanh thu 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, thị trường trong nước đã tiêu thụ gần 3 triệu bánh, trị giá khoảng 4 tỷ đồng. Hiện nay, HTX đang tăng ca để giao hàng cho đối tác đúng lịch. Năm 2023 thắng lợi lớn đã tạo động lực để đơn vị tăng kế hoạch sản xuất với mục tiêu phân phối 4,5 triệu bánh, doanh thu 8 tỷ đồng”.

HTX làm ăn thuận lợi không chỉ mang về nguồn lợi lớn cho các thành viên mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương. Chị Lê Thị Liệu (xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh) chia sẻ: “Trước đây, tôi làm công nhân ở miền Nam, công việc xa nhà, chi phí sinh hoạt đắt đỏ trong khi mức lương có hạn nên tôi quyết định về quê và trở thành công nhân chế biến cho HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm. Được làm việc gần nhà với thu nhập ổn định, tôi rất phấn khởi”.

Việc tham gia các hội chợ thương mại giúp các cơ sở OCOP Hà Tĩnh mở rộng thị trường tiêu thụ.

Những hiệu ứng tích cực

Hà Tĩnh hiện có 243 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao cấp tỉnh, trong đó có nhiều loại sản phẩm nổi tiếng như: trái cây nông nghiệp hữu cơ của HTX Gia Phúc (Can Lộc); nhung hươu Hương Luật, mật ong Cường Nga, nem chua Ý Bình (Hương Sơn); gạo Thế Cường (Đức Thọ); nước mắm Phú Khương, Đỉnh Miện, Luận Nghiệp, Phú Sáng (Kỳ Anh); giò me Tiến Giáp (Hương Khê);  trầm hương Tâm Thiên Hương; sen Hào Thành (TP Hà Tĩnh)...

Nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất hiện đại, sản phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã bắt mắt nên các sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Cùng đó, hoạt hộng xúc tiến thương mại, tổ chức các hội nghị giao thương liên kết tiêu thụ sản phẩm; ký kết cung ứng sản phẩm hàng hóa của tỉnh vào các hệ thống siêu thị, các sàn thương mại điện tử trên toàn quốc được các cấp, ngành chú trọng nên các sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh lựa chọn. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu của khách hàng đối với những sản phẩm này gia tăng đột biến, đây không chỉ là niềm vui đối với các cơ sở sản xuất mà còn là hiệu ứng tích cực cho tiềm năng phát triển của các sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh trong thời gian tới.

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top