Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 21 tháng 6 năm 2022 | 15:32

"ĐBSCL phải phát triển nhanh, bền vững, phù hợp với vị trí, vai trò chiến lược"

Đây là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi ông chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, sáng 21/6 tại Cần Thơ.

Đồng bằng sông Cửu Long giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và trong giao thương với các nước ASEAN, Tiểu vùng sông Mê Công; là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách và giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.

 

ttg.jpg

Thủ tướng yêu cầu ĐBSCL phải phát triển nhanh, bền vững, phù hợp với vị trí, vai trò chiến lược

 

Hội nghị đã công bố Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị; công bố quy hoạch vùng ĐBSCL theo quy định của Luật Quy hoạch; xúc tiến đầu tư cho vùng ĐBSCL; giới thiệu Chỉ thị về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu; công bố các cam kết tài trợ quốc tế; tổ chức triển lãm, quảng bá hình ảnh, vùng đất văn hóa, con người vùng ĐBSCL. Đó là những nội dung mang nhiều kỳ vọng, niềm tin của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển KTXH vùng ĐBSCL; có ý nghĩa quan trọng, thiết thực nhằm cụ thể hóa, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045.  

Tại Hội nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào những nội dung về Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nguồn lực thực hiện Quy hoạch; Cơ hội đầu tư tại vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra tiềm năng thế mạnh và những hạn chế tồn tại của ĐBSCL như phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đầu tư của nhà nước, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư bài bản, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn hạn chế so với một số vùng. ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ tác động của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn; cơ sở hạ tầng còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp; biến động thị trường khó lường với xu thế tiêu dùng xanh đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Đồng thời cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của ĐBSCL. Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới Thủ tướng yêu cầu cần quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng ĐBSCL theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của Thủ tướng. Theo dõi sát, nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn.

Công tác chỉ đạo, điều hành, phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải hết sức linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả, kịp thời. Đồng thời, xác định một số trọng tâm, trọng điểm; làm đến đâu thì phải chắc đến đó, việc nào phải xong việc đó.

Thủ tướng cũng yêu cầu phát huy mạnh mẽ các yếu tố nội lực, nhất là con người, truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình. Thống nhất nhận thức và hành động, phương châm là: suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Đối với những vấn đề đột xuất, bất ngờ phải nắm bình tĩnh, bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có giải pháp phù hợp, xử lý đạt hiệu quả cao nhất. Vấn đề càng khó, càng phức tạp thì càng phải phát huy trí tuệ tập thể, phát huy dân chủ;

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời trong thực thi công vụ; có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo đúng tinh thần Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị;

Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; Nói không với tham nhũng, tiêu cực.

Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể Thủ tướng yêu cầu thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đã đưa ra 6 quan điểm phát triển ĐBSCL, trong đó tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Thủ tướng yêu cầu phải phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với vị trí, vai trò chiến lược của vùng; coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Phải đặt vấn đề phát triển vùng trong tổng thể phát triển chung của cả nước, bảo đảm phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu…với mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021.

Về quan điểm chỉ đạo chung Thủ tướng yêu cầu, cần quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng ĐBSCL theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của Thủ tướng; Các địa phương phải cụ thể hóa và tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân, bạn bè quốc tế.

Theo dõi sát, nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn; Phát huy mạnh mẽ các yếu tố nội lực, nhất là con người, truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường; Thống nhất nhận thức và hành động; Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ

Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể Thủ tướng yêu cầu: Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Quyết liệt triển khai chiến lược tiêm vắc xin, nhất là cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Về triển khai Quy hoạch vùng ĐBSCL, Thủ tướng đề nghị, các địa phương vùng ĐBSCL cần tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương.

Thủ tướng chỉ rõ, trong giai đoạn tới, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển KTXH vùng ĐBSCL. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ trong công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch với vùng vựa nông, thủy sản lớn nhất cả nước ở vùng ĐBSCL.

Tập trung xây dựng các kế hoạch và đầu tư cơ sở vật chất; Đẩy mạnh hợp tác công tư và giải ngân vốn đầu tư công; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Khơi dậy và phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo; chân tình, cởi mở, phóng khoáng của người dân; quan tâm đến an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Quan tâm đầu tư cho giáo dục và y tế, các chính sách an sinh xã hội.

Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Có chương trình, giải pháp cụ thể để bảo vệ môi trường; không đánh đổi môi trường để đổi lấy tăng trưởng thuần túy. Tăng cường đổi mới và ứng dụng khoa học, công nghệ; đẩy mạnh chống biến đổi khí hậu, nhất là chống sạt, lún, xâm nhập mặn, chiều cường; bảo vệ nguồn nước, nguồn lợi thủy sản. Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch, tập trung phát triển điện gió, điện mặt trời.

Bên cạnh đó Thủ tướng đề nghị, các bộ ngành cần phải phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt, thực chất, hiệu quả các Nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch hành động về phát triển ĐBSCL;

Các đối tác phát triển, các nhà khoa học, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ trong các hoạt động phát triển ĐBSCL thịnh vượng và thích ứng với BĐKH; tích cực hỗ trợ vào cả từ quá trình xây dựng quy hoạch đến tài trợ các chương trình, dự án ODA, vay vốn ưu đãi nước ngoài nhằm triển khai thực hiện quy hoạch vùng, địa phương; nghiên cứu, tìm thấy và khai thác, tận dụng cơ hội để phát triển, tham gia sâu vào những ngành kinh tế được xác định là trọng tâm, ưu tiên của vùng trong một chiến lược mang tính dài hạn.

Các cơ quan thông tấn, báo chí cần tích cực truyền thông, quảng bá về vùng đất, con người, văn hóa, về tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Góp phần tích cực vào quảng bá du lịch, xúc tiến đầu tư cho vùng.

 

ttg-1.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát hướng tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.

 

Thủ tướng tin tưởng rằng với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các bạn bè quốc tế, trong thời gian tới vùng ĐBSCL sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá. ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập của người dân ngày một nâng cao; người dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý; đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lịch sử, văn hóa sông nước, văn hóa bản địa đa dạng được duy trì và tôn tạo.

Trước khi diễn ra Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, chiều 20/6, từ máy bay trực thăng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát hướng tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Dự án được xây dựng nhằm hình thành trục ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, đi qua các tỉnh/thành phố Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam; tạo dư địa, động lực không gian phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đây đều là các tuyến cao tốc mới, Thủ tướng yêu cầu, cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, theo tinh thần “qua sông thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm và qua đồng ruộng thì đổ đất”; không bám theo các khu dân cư để tránh phải dành chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng và tạo ra không gian phát triển mới.

Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ ngành đã tham dự triển lãm ảnh “Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển” là hoạt động văn hóa chào mừng Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021- 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Triển lãm giới thiệu những thành tựu kinh tế, khoa học kỹ thuật, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, giao lưu hội nhập quốc tế, văn hóa xã hội của vùng ĐBSCL; giới thiệu tôn vinh vẻ đẹp của vùng đất và con người khu vực ĐBSCL, khắc họa những nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc của đồng bào vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

 

 

Theo VOV.VN
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top