Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2019 | 15:45

Ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL: Thúc đẩy liên kết phát triển

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ cùng Sở NN&PTNT các tỉnh thuộc Khối thi đua vùng ĐBSCL đã tích cực tham gia phong trào thi đua lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành.

Đồng thời, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành quan tâm thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các địa phương, phát huy các tiềm năng của vùng và lợi thế riêng của từng địa phương trong sản xuất nông nghiệp.

Những kết quả tích cực

Khối thi đua các sở NN&PTNT vùng ĐBSCL gồm có 13 sở NN&PTNT thuộc 1 thành phố và 12 tỉnh. Các đơn vị thành viên trong khối thi đua nỗ lực thực hiện các nội dung ký kết giao ước thi đua và đăng ký chỉ tiêu thi đua năm 2019. Kết quả, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2019 của toàn vùng ước đạt 426.827 tỉ đồng, vượt 2% so với kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp toàn vùng năm nay đạt bình quân 3%. Tổng diện tích gieo trồng toàn vùng trong cả năm nay ước đạt 4.492.530ha, vượt 2,5% so với kế hoạch. Sản lượng lúa đạt  24.246.096 tấn, vượt 3% so với kế hoạch. Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 4.822.564 tấn, tăng 203.264 tất, vượt 3,8% kế hoạch.

Mô hình trồng hoa kiểng trong nhà lưới ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Thực hiện phong trào thi đua "cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" đến cuối năm nay toàn Khối thi đua vùng ĐBSCL có 175 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 43 xã, vượt 32,9% so với kế hoạch. Sở NN&PTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng tăng cường liên kết, hợp tác trong phát triển nông nghiệp. Đẩy mạnh phong trào sản xuất, kinh doanh, làm kinh tế giỏi, giải quyết việc làm, đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội và ngân sách của từng địa phương. Từng bước xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững. Các địa phương đã quan tâm giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để thúc đẩy thực hiện và nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả. Đặc biệt, nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình "cánh đồng lớn" gắn với thực hiện kinh tế hợp tác của hợp tác xã kiểu mới, liên kết từ khâu cung ứng vật tư đầu vào đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Kỳ vọng mối liên kết sâu sắc hơn

Tại hội nghị tổng kết công tác thi đua của Khối năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2020. Nhiều đại biểu cho rằng, tới đây cần thúc đẩy hơn mối liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng trong sản xuất nông nghiệp nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế chung của toàn vùng và từng địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều địa phương đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, rất cần có sự chia sẻ thông tin và liên kết chặt chẽ để đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa nông sản, tránh tình trạng thừa hàng rớt giá và khó tiêu thụ. Đồng thời, phối hợp để có các đề xuất, kiến nghị kịp thời về Trung ương những giải pháp nhằm hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, thách thức mà vùng đang gặp đối mặt, nhất là khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng, nhiều loại dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi diễn biến phức tạp.

Theo ông Nguyễn Thành Một, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cần liên kết chặt chẽ giữa các địa phương để bố trí mùa vụ và cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp theo từng thời điểm nhằm đảm bảo tốt cho đầu ra sản phẩm. Thời gian qua, giá cả đầu ra con cá tra và nhiều loại nông sản khác tại ĐBSCL còn bấp bênh là do chưa có sự phối hợp tốt với nhau để đảm bảo cân đối cung cầu. Tới đây, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể để phối hợp sản xuất, đảm bảo sản lượng ổn định theo nhu cầu thị trường hằng tháng. Tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hay về các mô hình liên kết phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao.

Hiện nay, các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản tại ĐBSCL còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho rằng: "Chính phủ và các cấp thẩm quyền Trung ương đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt và ban hành nhiều Chương trình, Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện các nguồn lực đầu tư về ĐBSCL còn chậm và ít, chưa đảm bảo yêu cầu, các địa phương vùng ĐBSCL cần phối hợp, xác định nguyên nhân để kiến nghị Trung ương có giải pháp tăng cường đầu tư cho vùng ĐBSCL thời gian tới".

Theo ông Huỳnh Ngọc Vân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, mức độ đầu tư cho vùng ĐBSCL "chưa tới" nên chưa khai thác hết các giá trị. Đặc biệt, ĐBSCL còn thiếu các nhà máy bảo quản, chế biến sâu nông sản để nâng cao giá trị, các cơ sở hạ tầng giao thông và logistics cũng hạn chế, chưa đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển, xuất khẩu nông sản trực tại chỗ mà phải trung chuyển lên TP Hồ Chí Minh để chế biến và xuất khẩu. Liên kết vùng cũng còn gặp khó do thiếu vai trò của một "nhạc trưởng", rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành
Trung ương.

Trước nhiều thách thức mà vùng ĐBSCL đang gặp phải, ngành NN&PTNT các địa phương trong vùng rất kỳ vọng có sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn từ Trung ương và sự "chung tay" phối hợp tốt giữa các địa phương để vượt qua khó khăn, tận dụng được các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong thời gian tới.

 

 

 

Khánh Trung
Ý kiến bạn đọc
  • Việt Nam cần làm gì để không bỏ lỡ trên hành trình phát triển xanh?

    Việt Nam cần làm gì để không bỏ lỡ trên hành trình phát triển xanh?

    Phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp là một chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, những cánh rừng của Việt Nam, không chỉ là nơi bảo tồn, lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học không phải nơi nào cũng có được mà ẩn chứa sâu trong những tầng lá còn là những "kho vàng".

  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Top