Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 19 tháng 6 năm 2022 | 21:57

Xây dựng ngành Nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển bền vững

Để vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo đột phá nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển ngành Nông nghiệp và nông thôn.

Mô hình hiệu quả nhìn từ Cà Mau 

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Cà Mau đã tăng 73,9%, đạt gần 700 triệu USD, bằng 54,6% kế hoạch. Theo ghi nhận của ngành chức năng, chưa khi nào Cà Mau gặp thuận lợi như lúc này về xuất khẩu thủy sản. Nổi bật với những chương trình, dự án mang tên “Dự án tôm sinh thái, tôm hữu cơ” ở rừng ngập mặn Mũi Cà Mau; “Dự án tôm - lúa hữu cơ”; "Mô hình nông nghiệp thông minh” ở vùng ngọt TP. Cà Mau, U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình, đến các dự án, mô hình du lịch xanh, du lịch cộng đồng không còn xa lạ với người dân Cà Mau.

 

 Mô hình nuôi tôm, trồng lúa chất lượng cao mang lại hiệu quả cao ở Cà Mau.

 

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cùng các ngành chức năng, doanh nghiệp đã và đang chung sức, đồng hành cùng nông dân làm nên cuộc “cách mạng xanh” cho vùng đất Cà Mau. Đến nay, tỉnh đã thành công bước đầu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, với khoảng 900 ha lúa tôm hữu cơ; khoảng 19.000 ha tôm rừng (tôm sinh thái, hữu cơ); trên 150 ha hoa màu, cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP; 1 ha dược liệu hữu cơ dưới tán rừng, trên 3.000 con gia súc, gia cầm theo các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, an toàn sinh học… thích ứng an toàn, hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Từ hiệu quả bước đầu, nông dân Cà Mau rất phấn khởi và đồng thuận cao, chung tay cùng chính quyền địa phương, doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch. Thay đổi tư duy làm kinh tế nông nghiệp cho người dân vùng Đất Mũi theo hướng hiệu quả, chất lượng và bền vững, nhất là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Năm nay, Cà Mau đề ra mục tiêu phát triển sản phẩm mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm; công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt 3-4 sao. Nâng hạng ít nhất 3 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao. Phát triển, nâng cấp ít nhất 28-30 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Củng cố, nâng cao chất lượng kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các điểm trưng bày trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn, hỗ trợ 77 sản phẩm OCOP đã được tỉnh công nhận tham gia các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm đặc sản, nhất là vào hệ thống siêu thị…

 

 Mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân (Ảnh: Báo Cà Mau). 

 

Trong chuyến thăm, làm việc và thực hiện khảo sát các vùng sản xuất hữu cơ tại Cà Mau, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã khuyến nghị, Cà Mau có nhiều đặc sản như lúa, tôm, là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh cần tận dụng điều kiện, lợi thế mà nhiều nơi khác không có được để tăng chất lượng nông sản, phát triển kinh tế xanh…

Ngành du lịch của tỉnh cũng đang khởi sắc với nhiều chương trình hấp dẫn, tạo điểm nhấn đặc trưng của vùng Đất Mũi. Đây là một trong các hoạt động nhằm tạo điểm nhấn, quảng bá và vực dậy tiềm năng du lịch. Ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau đến năm 2030. Hiện tỉnh đang tiếp tục lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau để kêu gọi đầu tư theo quy định.

Ông Tiên cho biết thêm, để từng bước kích cầu, phục hồi du lịch trong tình hình mới, Cà Mau đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, mở thêm các tour, tuyến và phát triển sản phẩm du lịch mới. Xây dựng tuyến giao thông huyết mạch, kết nối các điểm du lịch, nhằm quảng bá hình ảnh Đất Mũi, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu khách du lịch. 

Phát triển ngành Nông nghiệp ĐBSCL bền vững

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận phát triển theo hướng “tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công - tư, đời sống chất lượng”, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

 Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp xây dựng đề án sản xuất bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân.

 

Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với UBND TP Cần Thơ và các cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ để triển khai Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội.

Bên cạnh đó, xây dựng đề án sản xuất bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Nghiên cứu đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo, hỗ trợ thỏa đáng cho các địa phương, hộ nông dân giữ ổn định đất trồng lúa, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa địa phương phát triển công nghiệp với địa phương chuyên trồng lúa; chỉ đạo, triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống...

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan cân đối, bố trí kinh phí thường xuyên để thực hiện các chương trình, đề án liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL được phê duyệt phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách trung ương và đúng quy định pháp luật...

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp  và PTNT và các địa phương xây dựng các ngành hàng chiến lược, gắn với định hướng phát triển các vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại hàng nông sản vào các thị trường tiềm năng, nhất là các sản phẩm nông sản chủ lực, thế mạnh của vùng ĐBSCL.

 

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL.

 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT và cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL.

Tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh, triển khai quy hoạch vùng ĐBSCL. Ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất HĐND cùng cấp ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và nguồn lực của địa phương. Xây dựng, triển khai các chương trình, đề án trọng điểm phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của địa phương; ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực và sản phẩm đặc sản của địa phương, vùng, tiểu vùng. Chủ động bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách, chương trình, dự án, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật đất đai theo hướng phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp; tạo thuận lợi cho tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh và hiệu quả cao, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Mở rộng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; thiết lập các cơ chế thuận lợi để hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp tiếp cận đất đai hình thành các vùng sản xuất, chế biến nông sản tập trung.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ KH&CN chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ DN, nông dân, hợp tác xã (HTX) nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng cao và nhiều cơ hội việc làm tại chỗ cho người dân vùng ĐBSCL; triển khai Chương trình KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững vùng ĐBSCL. 

Theo Chỉ thị, Bộ GTVT chủ trì chỉ đạo, triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống logistics ở vùng ĐBSCL, bảo đảm kết nối giữa các phương thức vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics; phối hợp với các địa phương huy động nguồn lực để xây dựng khu bến cảng đầu mối, trong đó nghiên cứu các phương án xây dựng cảng biển nước sâu đã được quy hoạch tại vùng ĐBSCL.

 

Chỉ thị số 08/CT-TTg nêu rõ, mục tiêu thời gian tới là phát triển ĐBSCL nhanh, bền vững; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo đột phá nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự xã hội. Tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; xác định “nông nghiệp là động lực, nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng”, “chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp”, trên cơ sở phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh; gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, giữa nông thôn với đô thị.

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top