Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều lý do mà chưa chú ý đến điều căn bản nhất là dinh dưỡng trong đất.
Vừa qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với GS. Motoki Kubo, chuyên gia về giải pháp sinh học cho cây trồng và cải tạo đất, Đại học Ritsumekan, Nhật Bản về báo cáo kỹ thuật và phương hướng hợp tác triển khai công nghệ chẩn đoán Chỉ số dinh dưỡng đất (SOFIX) tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo GS. Motoki Kubo, SOFIX là công nghệ đánh giá đất dựa trên vi sinh đầu tiên trên thế giới. Trên thực tế, “làm đất” trong nông nghiệp là sự kết hợp một cách khoa học về tính chất hóa, lý, và vi sinh để có thể chẩn đoán một cách phù hợp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với GS. Motoki Kubo, chuyên gia về giải pháp sinh học cho cây trồng và cải tạo đất, Đại học Ritsumekan, Nhật Bản. Ảnh: Linh Linh.
Tuy nhiên, kỹ thuật chẩn đoán đất thông thường chỉ quan tâm tới tính chất hóa, lý của đất mà chưa thực sự phân tích toàn diện tính chất vi sinh. Nền nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa có một phương pháp phân tích vi sinh đất toàn diện, việc canh tác vẫn dựa trên kinh nghiệm hay trực giác nên khó đạt được năng suất ổn định.
Từ đó, công nghệ SOFIX (Soil Fertile Index – Chỉ số dinh dưỡng đất) ra đời, giúp thực hiện chẩn đoán tính chất vi sinh trên cơ sở khoa học kết hợp với tính chất hóa, lý của đất với 19 chỉ tiêu. Công nghệ mang tính đột phá trong hoạt động “làm đất” để đề xuất phân bón nhằm nâng cao mức sản sinh đất cũng như nâng cao năng suất trong nông nghiệp hữu cơ.
Ông Kubo cho biết, tổng mẫu phân tích SOFIX được thực nghiệm tại Nhật Bản là khoảng 10.000 mẫu và đã cho ra kết quả khả quan. Canh tác hữu cơ SOFIX đạt năng suất tương đương hoặc cao hơn canh tác hóa học, giúp giảm chi phí sản xuất từ 20-30% bằng việc giảm lượng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Ngoài ra, chất lượng nông sản tăng lên như: lượng ion nitrat trong nông sản giảm, trong khi lượng lycopene được tăng lên...
Tại Việt Nam, công nghệ SOFIX nằm trong đề xuất hợp tác giữa đoàn công tác của GS.Kubo với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Tại TP. Huế, đoàn đã lấy mẫu đất trồng thanh trà tại phường Thủy Biều để đem về Nhật Bản phân tích và đã có đánh giá sơ bộ về dinh dưỡng vùng đất trồng thanh trà hiện nay. Theo đó, đất đạt số lượng vi khuẩn phù hợp, nhưng hàm lượng cacbon, nitơ, phốt-pho, ka-li khá thấp so với tiêu chuẩn SOFIX, có thể do việc sử dụng phân bón hóa học, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Sự chuyển hóa vật chất vẫn còn thấp, tính chất vật lý đất cần cải thiện để tăng độ thoát nước... Trên cơ sở đánh giá bước đầu, GS. Kubo có thư đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cải thiện đất vùng trồng thanh trà theo kỹ thuật SOFIX trong thời gian tới.
Trước đó vào tháng 4/2023, đoàn công tác Công ty Thành Phát đã sang Nhật Bản làm việc với các đối tác liên quan đến việc chuyển giao kỹ thuật SOFIX. Hai bên đã thảo luận về nội dung hợp tác triển khai SOFIX tại Việt Nam gồm: Triển khai thử nghiệm kỹ thuật SOFIX trên 1 ha đất trồng mới cây thanh trà và trên một số cây thanh trà đang trồng có vấn đề về sinh trưởng. Bên cạnh đó, bàn thảo kế hoạch xây dựng Trung tâm phân tích SOFIX tại Việt Nam.
Hiện, hai bên đã hoàn tất thảo luận hợp đồng bảo mật thông tin và hợp đồng hợp tác cơ bản, dự kiến sẽ ký kết trong chuyến thăm và làm việc của phía Nhật Bản từ ngày 13- 17/7/2023 tại Việt Nam. Hai bên sẽ tiếp tục thảo luận các hợp đồng khác liên quan đến việc triển khai dự án thử nghiệm và xây dựng phòng thí nghiệm SOFIX trong thời gian tới.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để triển khai hiệu quả công nghệ SOFIX và SOFIX nông nghiệp tại Việt Nam và làm cho dự án này thành công. Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ và hợp tác từ phía Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, và các cơ quan địa phương có liên quan”, GS. Kubo đề xuất.
Ông Nguyễn Quang Hải, Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa cho biết, dù Việt Nam có đánh giá về đất trồng lâu năm song vấn đề sức khỏe đất, vi sinh vật và dinh dưỡng trong đất vẫn chưa được đặt trọng tâm.
Ông thông tin rằng, Bộ NN-PTNT đang xây dựng Chiến lược sức khỏe đất quốc gia và Kế hoạch quốc gia về quản lý sức khỏe đất. Trong quá trình xây dựng này, việc xác định các chỉ số phản ánh sức khoẻ đất phải tham khảo tài liệu nước ngoài và đặc biệt là chỉ số SOFIX. Ông Hải đánh giá, đây là chỉ số toàn diện để đánh giá sức khỏe đất.
Vấn đề sức khỏe đất, vi sinh vật và dinh dưỡng trong đất vẫn chưa được đặt trọng tâm.
Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, đất không được “hô hấp” nhờ vi sinh vật là đất chết, việc công nghệ SOFIX triển khai đánh giá các chỉ số trong đất dựa vào tuần hoàn hữu cơ, đặc biệt là vi sinh vật, từ đó giúp giảm phụ thuộc vào phân bón vô cơ là điều vô cùng quan trọng không chỉ với Nhật Bản mà còn với Việt Nam.
Từ ý kiến của GS. Kubo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận nền nông nghiệp vẫn vì nhiều lý do mà chưa chú ý đến điều căn bản nhất là dinh dưỡng trong đất.
“Chúng ta tự hào vì cây gì cũng có thể trồng được, nhưng sau đó 3-4 năm cây dần thoái hóa, vì chất đất không phù hợp, khiến người nông dân chênh vênh, bơ vơ. Với trách nhiệm của những người đứng đầu, chúng tôi đau xót trước thực trạng này”, Bộ trưởng bày tỏ.
Bộ trưởng kêu gọi, đã đến lúc phải định vị lại ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững, để sự tăng trưởng của nền nông nghiệp không phải là sự đánh đổi của môi trường, suy thoái đa dạng sinh học, sức khỏe của người nông dân và phần nào đó là sức khỏe của người tiêu dùng. Bộ trưởng cho rằng, cách tiếp cận SOFIX sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam rất nhiều.
Bộ trưởng cho biết, sẽ trao đổi với phía Bộ Khoa học và Công nghệ để đưa công nghệ này vào chương trình hợp tác. Với sự ủng hộ, đồng hành của Bộ NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tin rằng, tâm huyết của GS. Kubo và các cộng sự cũng như khát vọng của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về một nền nông nghiệp xanh, sẽ giúp công nghệ được triển khai thành công và hiệu quả.
Theo nongnghiep.vn
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.