Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 2 năm 2024 | 20:28

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Tạo sức mạnh tổng hợp để cùng thắng

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh "chúng ta sẽ thất bại nếu các doanh nghiệp tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao bằng cách riêng, không giống ai của mình, không có sự tuân thủ và phối hợp". Bên cạnh đó, phải lồng ghép tốt các chương trình để tạo sức mạnh tổng hợp mới có thể cùng thắng.

Đề án 1 triệu ha lúa, sự kỳ vọng của người dân ĐBSCL. (Ảnh: Nhật Huy).

Phát triển vựa lúa bền vững

Phát biểu tại Hội nghị triển khai “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030", do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức ngày hôm nay (5/2), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam nhấn mạnh: ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa ổn định ở mức 24-25 triệu tấn/năm, chiếm trên 55% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước. Sản xuất lúa gạo góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu hộ nông dân trong vùng.

Nhiều chương trình, dự án, mô hình sản xuất lúa tiên tiến, thân thiện với môi trường đã được áp dụng trong khu vực. Tuy nhiên, theo ông Nam, ngành hàng lúa gạo ĐBSCL còn hạn chế như: Chưa có nhiều vùng chuyên canh lúa tập trung, quy mô lớn; Chưa có sự liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị giữa người trồng lúa với hợp tác xã, doanh nghiệp; Canh tác lúa chưa bền vững do người nông dân còn sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, gây ảnh hưởng đến môi trường, tăng phát thải khí nhà kính…

Do đó, ông Nam khẳng định, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 được phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đề án nhằm định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Sự kỳ vọng của người dân ĐBSCL

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan cho rằng, để triển khai đề án một cách hiệu quả, đồng bộ cần nhất quán về mục tiêu, đồng thuận trong hành động. “Thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa – Vì người tiêu dùng – Vì môi trường xanh luôn là mối quan tâm xuyên suốt của đề án", ông Hoan nói.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - phát biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng, theo ông Hoan, đề án còn hướng tới việc chuyển đổi theo tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, chuẩn hoá giống, quy trình canh tác, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch; chuẩn hoá mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Từ tăng trưởng đơn giá trị, lấy giá cả hạt gạo làm mục tiêu, đề án đặt mục tiêu tăng trưởng tích hợp đa giá trị, gắn với tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn, theo chuỗi ngành hàng.

Đề án cũng hướng tới khắc phục tính manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo vùng ĐBSCL. Đề án xác định yêu cầu tiên quyết “chuyên nghiệp hoá ngành hàng lúa gạo”, thông qua việc hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, cập nhật tri thức, kỹ năng cho nông dân; nâng cao năng lực quản trị, khả năng hợp tác của những tổ chức nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, đủ năng lực liên kết bền vững với doanh nghiệp.

Ông Lê Quốc Anh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL là lợi thế của vùng. Đề án sẽ hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp ĐBSCL theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; huy động tổng hợp các nguồn lực và các thành phần kinh tế cùng tham gia. Hiện, sản lượng lúa tại Kiên Giang bình quân khoảng 4,5 triệu tấn/năm (giai đoạn 2020-2023 đứng đầu cả nước).

“Với ý nghĩa và sự mong đợi của bà con nông dân vùng ĐBSCL nói chung và nông dân tỉnh Kiên Giang nói riêng, nông dân rất kỳ vọng qua thực hiện đề án sẽ tăng thu nhập cho người trồng lúa. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50% vào năm 2030”, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nói.

Tạo sức mạnh tổng hợp để cùng thắng

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, hình ảnh, vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao thời gian qua. Trong đó, có đóng góp của ngành lúa gạo, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu trong lúc một số quốc gia ngưng xuất khẩu gạo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang Chủ trì Hội nghị triển khai Đề án "phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" . (Ảnh: VGP/Hải Minh)

Trong các cuộc giao thiệp ngoại giao, các nước, các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao thành tựu phát triển nông nghiệp của Việt Nam và mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhiều quốc gia phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực.

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, đề án là cuộc chơi lớn, vì thế có 4 cái khó: Khó vì lần đầu tiên đặt ra mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải; khó vì thay đổi thói quen trong ứng xử với nó; khó vì luôn bị tác động ngay lập tức từ sự thay đổi thất thường của giá gạo trên thị trường; khó thống nhất ở một số việc liên quan đến lợi ích của một số tổ chức, cá nhân, điển hình như việc thống nhất giá gạo xuất khẩu.

Để cuộc chơi lớn đạt được mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh nguyên tắc 10 chữ: Hết lòng, tuân thủ, linh hoạt, hợp tác, kiểm soát.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cần có sự chung tay của Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp để từng bước thúc đẩy từng người nông dân có thái độ "hết lòng" với đề án này.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, nếu không "tuân thủ" kế hoạch, nguyên tắc, tiêu chuẩn là chúng ta thất bại, nhưng đồng thời cũng phải "linh hoạt", sáng tạo trong cách ứng xử, phù hợp với từng vùng, từng địa phương và đặc biệt phải thích ứng với tác động ngày một nghiêm trọng, khó đoán định của biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, phải "hợp tác" tốt, trước hết là trong đàm phán các khoản vay, phối hợp giữa các cơ quan Trung ương với nhau, giữa Trung ương với địa phương, giữa doanh nghiệp với nhau.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh "chúng ta sẽ thất bại nếu các doanh nghiệp tham gia đề án này bằng cách riêng, không giống ai của mình, không có sự tuân thủ và phối hợp". Bên cạnh đó, phải lồng ghép tốt các chương trình để tạo sức mạnh tổng hợp mới có thể cùng thắng.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, cần có sự "kiểm soát" tốt để không lệch chuẩn, không lệch hướng và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế trên cơ sở thường xuyên sơ kết, tổng kết, đặt biệt là những mô hình, cách làm hay.

Khẳng định Chính phủ sẽ cam kết, đồng hành trong quá trình triển khai đề án, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NNPTNT sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Dự án vay vốn của WB để triển khai đề án; Chính sách thí điểm, cơ chế trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp; và đề xuất bổ sung vốn đầu tư công cho bộ để hỗ trợ các hạng mục đầu tư trong đề án.

Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tính toán phương án huy động nguồn vốn thực hiện cho Đề án; đề xuất cơ chế lồng ghép Đề án với các chương trình khác, có thể tương tự như cơ chế thí điểm mỗi địa phương có 2 huyện được phép trộn vốn của cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đối với vốn ODA, Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý, phải hết sức chú trọng đến khâu đàm phán để hài hoà hoá thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ, tạo thuận lợi cho việc giải ngân sau khi tiếp nhận các khoản vay./.

 

Thanh Tâm (t/h theo Báo Tiền Phong, Lao động... )
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top