Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 5 tháng 7 năm 2023 | 11:12

Để giàu lên từ biển - Bài 1: Thực trạng nghề nuôi biển

“Nuôi biển” là cách gọi vắn tắt của ”nuôi trồng thuỷ sản trên biển” - tên một Đề án nhằm hiện thực hoá chiến lược Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương.

Nuôi biển, từ nghề truyền thống, gắn với sinh kế của hàng triệu bà con ven biển, nay trở thành một quyết sách quốc gia.

Bài 1: Thực trạng nghề nuôi biển

Vùng biển nước ta có diện tích hơn 1 triệu km2, nhưng diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước.

Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt, phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững hết sức cấp thiết.

Những năm gần đây, nghề nuôi biển có bước phát triển khá mạnh mẽ, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, hiện nuôi biển ở nước ta chủ yếu ở vùng ven biển gần bờ, nuôi theo phương thức truyền thống, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, năng suất không cao, nhiều rủi ro.

Nghề nuôi biển tại Quảng Yên (Quảng Ninh) chủ yếu là tự phát.

Nuôi trồng hải sản trên biển

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, khái niệm “nuôi trồng trên biển” là hình thức nuôi từ khi bắt đầu thả giống đến khi thu hoạch sản phẩm đều được thực hiện ở trên biển; ở giai đoạn sớm trong vòng đời của các loài nuôi này có thể ở nước ngọt hoặc nước mặn. Theo từ điển Thuật ngữ nuôi biển của tác giả Vũ Dũng Tiến thì thuật ngữ nuôi biển (mariculture) được hiểu là nuôi trồng các loài sinh vật trong môi trường nước lợ và nước mặn. Thuật ngữ “nuôi biển” trong bài viết này được hiểu theo nghĩa nuôi trồng hải sản trên biển.

Ngành nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi biển, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tạo công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập, sinh kế, an toàn thực phẩm, xóa đói giảm nghèo và cung cấp nguồn dinh dưỡng cho hàng triệu hộ dân trên cả nước, đặc biệt tại các tỉnh, thành ven biển và hải đảo. Trong giai đoạn vừa qua, nghề nuôi biển  đã có sự chuyển biến tích cực thể hiện bằng việc sản lượng và diện tích (thể tích) nuôi biển đều tăng.

Nhìn chung, hoạt động nuôi biển được thực hiện tại hầu hết các tỉnh, thành ven biển, trải dài từ miền Bắc vào miền Nam (28 tỉnh, thành phố ven biển). Tuy nhiên, hoạt động nuôi biển diễn ra phổ biến và tập trung ở một số địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định (miền Bắc); Thanh Hoá, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hoà (miền Trung); Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang (miền Nam).

Bên cạnh đó, mỗi vùng, miền đều có những thế mạnh riêng để nuôi các đối tượng nuôi biển. Ví dụ ngao và hàu ở Quảng Ninh; nghêu tại Nam Định, Thái Bình, Bến Tre, Trà Vinh; tôm hùm ở Phú Yên, Khánh Hoà; cá biển ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hoà, Kiên Giang; rong biển tại các vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ... Xét theo khu vực nuôi trên biển, hoạt động nuôi biển được chia thành các khu vực nuôi như nuôi ven bờ và hải đảo trong vòng 3 hải lý trở lại, khu vực biển từ 3 đến 6 hải lý và nuôi xa bờ ngoài 6 hải lý.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2021, nuôi trồng thuỷ sản trên biển từ bờ đến 3 hải lý có 6.506 cơ sở (với tổng số 244.402 lồng, bè). Trong đó,  3.795 cơ sở nuôi cá biển, 1.846 cơ sở nuôi tôm hùm, đối tượng khác là 865 cơ sở. Nuôi biển từ 3 đến 6 hải lý có 914 cơ sở nuôi cá (4.299 lồng bè). Nuôi biển xa bờ trên 6 hải lý có 27 cơ sở nuôi cá biển (137 lồng bè). Như vậy, nuôi trồng thủy sản tại khu vực ven bờ vẫn là chủ yếu. Nuôi biển ven và gần bờ đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái, xung đột với các hoạt động kinh tế khác trên biển.

Trong khi đó, nuôi biển xa bờ có thể hạn chế được các vấn đề ô nhiễm môi trường do các vùng biển càng sâu và khoảng cách xa bờ càng lớn thì không gian càng thông thoáng, môi trường và chất lượng nước tốt. Nuôi biển xa bờ cũng giúp hạn chế những xung đột, tranh chấp về sử dụng diện tích mặt nước biển. Tuy nhiên, nuôi hải sản xa bờ cũng có những hạn chế như: sóng và gió to, dòng chảy xiết, độ sâu lớn do đó đòi hỏi trang thiết bị và công nghệ nuôi hiện đại, vốn đầu tư lớn, chứa đựng rủi ro như an ninh và an toàn, đòi hỏi người nuôi phải có trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm. Rất ít hộ gia đình hoặc cá nhân có điều kiện để tiến hành hoạt động nuôi xa bờ. Chính vì vậy, nuôi biển xa bờ theo hướng công nghiệp vẫn chưa phát triển và chủ yếu là do các doanh nghiệp có tiềm năng về tài chính và công nghệ thực hiện.

Thực hiện chủ trương phát triển chuyển từ nuôi trồng theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành ngành nuôi biển công nghiệp. Theo đó, hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi, hạ tầng phụ trợ được đầu tư chuyên nghiệp, bài bản hơn.

Theo thống kê của Cục Thủy sản, do trữ lượng khai thác ngày càng giảm nên tại nhiều địa phương, những năm gần đây, ngày càng nhiều ngư dân chuyển sang hình thức nuôi trồng thủy sản và đạt hiệu quả kinh tế cao. Chỉ tính riêng năm 2021, tổng sản lượng nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn, con số này vượt cả sản lượng khai thác (3,92 triệu tấn). Những địa phương có diện tích và sản lượng nuôi lớn như: Bạc Liêu, Quảng Ninh, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp…

Chủ yếu nuôi tự phát, nhỏ lẻ, ven bờ

Mặc dù tiềm năng từ nuôi biển rất lớn, nhưng hiện nay cách thức triển khai còn nhiều hạn chế. Theo thống kê của Cục Thủy sản, hiện có 445 cơ sở sản xuất giống phục vụ nuôi biển, trong đó 55 cơ sở sản xuất giống cá biển, sản lượng cá giống đạt khoảng 550 triệu con; 390 cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể (trai, hàu, sò...), sản lượng 45 tỷ con.

Nước ta cơ bản đáp ứng được nguồn giống phục vụ nuôi biển. Một số loài thủy sản chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn khai thác giống từ tự nhiên và nhập khẩu. Đặc biệt đối với tôm hùm, vì chưa chủ động được nguồn giống nên mỗi năm phải nhập khoảng 5 triệu con giống.

Ông Trần Công Khôi (Cục Thủy sản), cho biết, tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000ha với các đối tượng nuôi phong phú: các nhóm cá biển, nhóm nhuyễn thể, nhóm giáp xác, nhóm rong tảo biển. Năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu diện tích nuôi biển đạt 85.000ha, với 10 triệu m3 lồng nuôi, sản lượng ước đạt 850.000 tấn.

Theo ông Khôi, hiện có khoảng 7.400 cơ sở nuôi biển với 248.768 lồng/bè, trong đó 6.500 cơ sở gần bờ, nuôi xa bờ còn ít. Trong khi đó, các mô hình nuôi biển công nghiệp đòi hỏi vốn lớn nên hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp như Australis Việt Nam, Trấn Phú, Marvin, Trường Phát… đầu tư.

“Nuôi còn tự phát, thiếu quy hoạch, cơ sở hạ tầng hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất chưa cao nên sản xuất kém hiệu quả, ô nhiễm môi trường, thiếu bền vững, dịch bệnh, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, bão gió; công nghệ lồng nuôi chưa đáp ứng…”, ông Khôi nói.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng.

Nói về thực trạng nuôi biển, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho biết, 99% cơ sở nuôi biển là quy mô gia đình, do hộ ngư dân là chủ thể, tự phát, manh mún. Công nghệ lạc hậu và thiếu chuỗi liên kết. Hiện chưa có cơ sở nuôi cá biển xa bờ, có dưới 10 doanh nghiệp nuôi biển theo hướng công nghiệp.

Thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) là một trong những địa phương phát triển nghề nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trong nhiều năm qua. Trên địa bàn thị xã có khoảng 800ha mặt biển có khả năng nuôi trồng thủy sản, tập trung tại 2 xã Hoàng Tân và Liên Hòa, đối tượng nuôi chủ yếu là hàu cửa sông.

Khác với các địa phương trong chủ yếu thả nuôi cố định thì ở Quảng Yên phải nuôi theo hình thức “du canh”.  Vào mùa khô, độ mặn nước biển cao, người dân phải đưa hàu vào các cửa sông có độ mặn phù hợp để dưỡng. Còn vào mùa mưa, nước mưa trên nguồn đổ xuống cửa sông nhiều thì phải đưa hàu ra những vùng biển phía ngoài tránh hàu bị chết.

Chính vì phương thức nuôi “du canh” như vậy nên người dân Quảng Yên phải đóng thành những bè tre để tiện cho việc di chuyển theo mùa. Bè nhỏ diện tích khoảng 80m2, được kết chuỗi 20 bè nhỏ thành bè lớn diện tích khoảng 1.600m2.  Theo thống kê, trên địa bàn Quảng Yên hiện có khoảng 800 bè tre đang nuôi (diện tích 1.600m2/bè), tất cả đều là của ngư dân.

Quảng Bình cũng là tỉnh có thế mạnh về biển, với bờ biển dài trên 116km, có 05 cửa sông, trong đó có hai cửa sông lớn; có cảng Nhật Lệ, cảng Gianh, cảng Hòn La; Vịnh Hòn La có diện tích mặt nước 4km2, độ sâu trên 15m và xung quanh có các đảo che chắn: Hòn La, Hòn Cọ, Hòn Chùa có thể cho phép tàu 3-5 vạn tấn vào cảng mà không cần nạo vét.

Bờ biển Quảng Bình có nhiều thắng cảnh đẹp, cùng với thềm lục địa rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền, tạo cho địa phương một ngư trường rộng lớn với trữ lượng khoảng 10 vạn tấn và phong phú về loài (1.650 loài).

Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay, kinh tế biển ở tỉnh Quảng Bình vẫn mang tính khai thác nhỏ, thiếu chiến lược phát triển đồng bộ, chưa phát huy và đánh thức hết tiềm năng, thế mạnh của biển nhằm phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. Kinh tế biển vẫn còn nhỏ bé về quy mô, bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề. Điều đáng chú ý là, việc phát triển kinh tế biển chưa gắn với liên kết kinh tế vùng, do vậy, chưa tạo ra mối liên kết.

Ông Trần Văn Diễn, Tổ trưởng Tổ hợp tác Quản lý cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn), cho hay, Tổ hợp tác có 40 hộ  tham gia mô hình đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản bền vững với diện tích 25,04 ha.  Còn ở xã Hạ Trạch (huyện Bố Trạch), mô hình quản lý cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản có 123 hộ tham gia với diện tích 100 ha.

Như vậy, có thể nói, mặc dù có nhiều lợi thế về diện tích bề mặt nước biển, nhưng nghề nuôi biển chủ yếu vẫn là các hộ gia đình cá thể, chưa có doanh nghiệp lớn đầu tư  nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh ven biển nước ta.

Thị trường tiêu thụ đa dạng

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng,  thị trường tiêu thụ của các đối tượng nuôi biển khá đa dạng. Trong đó, cá biển tiêu thụ trong nước chủ yếu là cá sống, phần lớn xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, phần nhỏ được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường lớn như Mỹ, EU với kim ngạch xuất khẩu chính ngạch khoảng 30 triệu USD/năm.

Xuất khẩu nhuyễn thể của nước ta đạt giá trị cao và tăng qua các năm. Thị trường xuất khẩu chính của nhuyễn thể là EU (chiếm 64,2% tổng giá trị), Mỹ (12%), tiếp đến là Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Asean. Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 79 triệu USD, năm 2017 đạt 92 triệu USD, năm 2019 đạt 93,6 triệu USD.

Đến nay, EU đã công nhận 12 vùng nuôi nhuyễn thể an toàn của Việt Nam, khả năng thu hoạch 200.000 - 220.000 tấn/năm. Tôm hùm ở Việt Nam hầu hết được xuất khẩu tươi sống nguyên con, thị trường chủ yếu là Trung Quốc (chiếm 90%) và một phần được tiêu thụ nội địa tại các nhà hàng và khách sạn. Sản lượng xuất khẩu hàng năm khoảng hơn 1.200 tấn (gồm cả tôm hùm khai thác), trong đó, xuất khẩu chính ngạch khoảng 200 tấn và xuất khẩu tiểu ngạch khoảng 1.000 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 40 triệu USD/năm.

Cua, ghẹ chủ yếu bán dưới dạng sống, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Một số ít ghẹ được chế biến dạng ghẹ lột nguyên con, thịt cua đóng hộp xuất khẩu nhưng còn hạn chế.

Rong câu đa số được sử dụng làm nguyên liệu chế biến agar (bột rau câu) phục vụ cho tiêu dùng nội địa. Rong sụn ngoài chế biến thành các dạng thực phẩm sử dụng trực tiếp còn được sử dụng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến Kappa – Carrageenan. Rong nho được sử dụng làm thực phẩm là chính. Đặc biệt, trong những năm gần đây, một số cơ sở chế biến và xuất khẩu rong nho đã bắt đầu tìm kiếm thị trường xuất khẩu bên cạnh tiêu thụ trong nước.

Như vậy, xuất khẩu các sản phẩm nuôi biển mặc dù có tăng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính cho các sản phẩm tươi sống là cá biển và tôm hùm. Việc xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong thanh toán, ép giá, trừ tiền, thiếu ổn định,... Thị trường tiêu thụ sản phẩm qua chế biến đối với các mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam như EU, Mỹ và Nhật Bản luôn là khách hàng chính với tỷ trọng đóng góp ổn định trong cơ cấu xuất khẩu qua các năm. Tuy nhiên, việc tiếp cận các thị trường lớn này đối với các sản phẩm nuôi biển còn gặp khó khăn. Nguyên nhân chính là do sản phẩm nuôi biển chưa đáp ứng được yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, các chứng nhận và truy xuất nguồn gốc. Công nghệ chế biến các sản phẩm tôm hùm, rong biển chưa thể so sánh với các nước phát triển nên các sản phẩm này vẫn xuất khẩu dưới dạng đông lạnh hoặc chế biến ăn liền.

“Để tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, đòi hỏi phát triển công nghệ chế biến nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, sản xuất theo chuỗi nhằm quản lý việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát về chất lượng, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các cơ sở nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi biển”, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Các lồng nuôi cá tại Phú Yên tập trung gần bờ, dày đặc dẫn đến nguy cơ ô nhiễm biển từ chất thải ở các lồng nuôi này.

Không gian nuôi biển cần được mở rộng

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để nghề nuôi biển Việt Nam phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, cần xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nuôi biển như: Nhà nước giao quyền sử dụng vùng biển dài hạn (30-50 năm) cho chủ đầu tư, có chính sách về tín dụng, hỗ trợ đào tạo nhân lực, bảo hiểm nuôi biển...

Cùng với đó cần xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm nuôi biển chủ lực, từ khâu sản xuất con giống, thức ăn, nuôi, bảo quản, chế biến, xuất khẩu, phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ. Cần phát triển nuôi biển cả trong các eo vịnh ven bờ, ven các đảo và quần đảo, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới. 

Ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Tân An, cho hay, doanh nghiệp của ông sẵn sàng ra ngoài vùng biển cách bờ 6 hải lý, đầu tư hàng triệu USD để phát triển nghề nuôi biển. Tuy nhiên, để nghề nuôi biển phát triển trong thời gian tới, ông Dũng mong Nhà nước sớm có cơ chế, chính sách, khung pháp lý rõ ràng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Ông Ngô Tất Thắng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: “Khái niệm nuôi biển cần được mở rộng theo hướng sử dụng tài nguyên biển (nước biển) chứ không nhất thiết gói gọn trong nghĩa là nuôi, trồng thủy, hải sản trên biển. Ví như mô hình nuôi cua lột ở Hà Nội và một số địa phương là mô hình nuôi biển trên bờ.

Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tổng diện tích có tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000ha, trong đó vùng bãi triều 153.300ha; vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo 79.790ha; vùng biển xa bờ gần 167.000ha; diện tích còn lại là các phương thức nuôi khác. 

PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng nhận định, trong 10 năm tới, nếu không phát triển nuôi biển, chắc chắn sẽ không có được sự đột phá trong ngành thủy sản. Đồng thời, nuôi biển cũng mở ra cơ hội tái tạo lại nguồn lợi thuỷ sản, đa dạng sinh học biển.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan: Thời gian qua, rào cản quản lý đã làm cản trở việc mở rộng giới hạn, tận dụng tiềm năng ngành nuôi biển. Đối tượng trong nuôi biển không chỉ là “con tôm, con mực, con cá...” mà còn gồm hàng loạt đối tượng tiềm năng khác như rong biển, san hô...

Hiện nay, tồn tại thực trạng các viện nghiên cứu về nuôi biển bị giới hạn, chỉ gói gọn trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật chứ chưa có bộ phận nghiên cứu thị trường. Do đó, các viện cần phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong nuôi biển để hình thành chuỗi giá trị tham gia thị trường, sản phẩm nghiên cứu khoa học mới có thể đóng góp cho xã hội.

Nhà khoa học không thể đi một mình. Không gian nuôi biển cần được mở rộng vào trong đất liền để có thể đa dạng hóa công nghệ, đa dạng hóa ngành nghề trong lĩnh vực nuôi biển. Người dân không nhất thiết chỉ nuôi tôm, nuôi cá mà có thể tìm đến những đối tượng nhiều tiềm năng khác đã được các viện, trường nghiên cứu, được ngành nông nghiệp địa phương giới thiệu. Từ đó mới có thể tính đến những vấn đề khác như vốn, tín dụng, đào tạo, quy trình sản xuất, xu thế thị trường...

Phát triển nuôi biển thành công không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng mà còn góp phần xây dựng ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, giữ gìn, bảo vệ được hệ sinh thái biển phong phú, đa dạng. Do đó, rất cần những chính sách tổng thể, khuyến khích trong lĩnh vực này.

 

Bài 2: Chiến lược phát triển nuôi biển bền vững

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top