Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 29 tháng 5 năm 2023 | 9:1

Để ngành Sen Đồng Tháp phát triển bền vững

Đồng Tháp là địa phương có tiềm năng, lợi thế về phát triển cây sen. Để phát triển sản phẩm sen theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng chuyên canh, tỉnh đang thực hiện đề án: “Phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 và định hướng tới năm 2030”.

Thiên nhiên ban tặng

Đồng Tháp có hơn 1.200 ha trồng sen. Cây sen từ lâu đã trở nên gần gũi và thân thiết với người dân, ngoài việc để trưng bày, trang trí thì cây sen còn được sử dụng rất nhiều trong ẩm thực, người trồng đã sử dụng tất cả các bộ phận của sen từ lá, đọt sen, hạt sen, củ sen, ngó sen, nhụy sen…để chế biến ra những món ăn từ sen hay rượu sen. Đó là những nét đặc trưng văn hóa ẩm thực đặc sắc của vùng đất Sen Hồng. Không chỉ vậy, việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp về sen gắn với phát triển du lịch đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã có những hoạch định chiến lược để phát triển ngành hàng sen. Đó là việc xây dựng và triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, trong đó sen là 1 trong 6 ngành hàng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Năm 2016, Đồng Tháp đã phê duyệt đề án: “Tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp giai đoạn 2017- 2020 và những năm tiếp theo”.

Nông dân xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười thu hoạch gương sen, (Ảnh Mỹ Nhân).

Với mục tiêu là xây dựng hình ảnh chính quyền Đồng Tháp thân thiện và hiệu quả, dễ dàng nhận diện và làm nổi bật với các địa phương trong và ngoài nước, là nền tảng triển khai các sự kiện và kế hoạch truyền thông cho tỉnh, đưa Đồng Tháp trở thành điểm đến hấp dẫn, ưu tiên lựa chọn của khách du lịch trong nước và vươn lên top đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về tổng lượt khách tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng.

Để thực hiện mục tiêu trên, nhiệm vụ đầu tiên của Đề án là xây dựng thương hiệu “Đất Sen Hồng” với biểu tượng vui “Bé Sen” để đưa vào hệ thống nhận diện hình ảnh Đồng Tháp. Tháng 5/2022, Đồng Tháp đã tổ chức thành công “Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ nhất” nhằm tôn vinh hoa sen, phát huy giá trị văn hóa, kinh tế cho các sản phẩm chế biến từ cây sen Đồng Tháp.

Theo PGS.TS. Đặng Văn Đông, Viện nghiên cứu rau quả, thời gian qua, nhiều mô hình trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân với lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Ngoài ra, Đồng Tháp còn khéo léo gia tăng giá trị cây sen thông qua phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch từ sen và phát triển sản phẩm OCOP. Đến nay, tỉnh có khoảng 50 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ sen; 11 cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm...

Chị Hồ Thị Diễm Thúy, chủ Cơ sở sữa sen Diễm Thúy 2 (thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười) chia sẻ, nhận thấy địa phương có diện tích trồng sen lớn, nguồn nguyên liệu dồi dào nên tôi nảy ra ý tưởng nấu sữa hạt sen để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, ngoài sản phẩm sữa sen tươi, cơ sở phát triển thêm sản phẩm sữa sen dạng bột được thị trường rất ưa chuộng.

Mặc dù sở hữu tiềm năng lớn nhưng cây sen Đồng Tháp vẫn chưa phát huy hết tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là việc sản xuất cây sen đều mang tính tự phát, nhỏ lẻ; bộ giống sen còn ít, chủ yếu là giống sen bản địa, truyền thống, chủng loại giống đơn điệu; công nghệ chế biến còn lạc hậu, chưa mang lại giá trị gia tăng cho cây sen….

Kết quả bước đầu

Xuất phát từ những lý do trên, UBND tỉnh Đồng Tháp đã giao cho Viện Nghiên cứu Rau quả thực hiện Đề án “Phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 và định hướng tới năm 2030”. Đến nay, một số nhiệm vụ đã đạt kết quả bước đầu.

Trước những thách thức nói trên, Đề án đi sâu vào giải quyết những thách thức, khó khăn mà ngành hàng sen đang đối diện. Để phát triển ngành hàng sen, Đề án đề xuất hình thành các vùng sản xuất sen tập trung theo chuỗi giá trị. Trong đó, cần quy hoạch và phát triển vùng sản xuất sen quy mô lớn, tập trung tạo vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ. Với định hướng đó, Đề án đề ra các giải pháp là đầu tư tư nhân và hỗ trợ liên kết doanh nghiệp - nông dân; đẩy mạnh cơ giới hóa; phát triển kinh tế trang trại; phát triển kinh tế hợp tác và nguồn nhân lực.

Phát triển sản phẩm sen theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cây sen không chỉ được trồng để bán gương, ngó, giờ đây nó còn được đa dạng hóa với những sản phẩm từ tinh dầu sen, tơ sen... đến các dịch vụ như ngắm cảnh đồng sen, thưởng thức ẩm thực từ sen, tạo chuỗi giá trị kinh tế cao.

Những năm qua, địa phương đã gia tăng giá trị cây sen thông qua phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch; tổ chức giới thiệu, quảng bá, cung cấp các sản phẩm từ sen, phục vụ khách du lịch, thưởng thức ẩm thực từ sen bao gồm: rượu hồng sen tửu, sen sấy, trà tim sen, sữa sen, bột đậu nành hạt sen, bột đậu xanh hạt sen…, từ đó nâng cao chuỗi giá trị sen Đồng Tháp.

Hiện, đề án đã thí điểm một số mô hình sản xuất sen ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tốt, an toàn như sen - lúa (một vụ sen, một vụ lúa luân phiên); sen - cá (trồng sen quanh năm kết hợp khai thác cá tự nhiên); sen chuyên canh (trồng sen quanh năm); mô hình cộng đồng “Đồng sen Tháp Mười”…

Sưu tầm và chọn lọc đề xuất đưa bổ sung giống sen mới, có chất lượng cao, thích hợp phát triển tại Đồng Tháp để thay thế các giống sen cũ, năng suất chất lượng thấp, với những đặc điểm như: giống khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh hại tốt (bệnh thán thư, bệnh thối ngó, sâu xanh và bọ trĩ); các giống với mục đích sử dụng nhất định, ví dụ giống chuyên lấy hoa, chuyên lấy hạt, chuyên lấy ngó, củ.

Công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt chuẩn bị công đoạn sấy trà tim sen (Ảnh: Mỹ Lý).

Nhiệm vụ đã đưa ra đề xuất chính sách về phát triển liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất và phát triển chế biến sản phẩm từ cây sen. Đề xuất hướng mô hình liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà để đưa các sản phẩm sen có chất lượng ra thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước, hướng tới xuất khẩu các sản phẩm sen của Đồng Tháp. Cũng như đề xuất định hướng và giải pháp về thể chế, chính sách phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị.

Nhiệm vụ đã hoàn thành 1 báo cáo đánh giá hiện trạng trồng và phát triển sen Đồng Tháp, phục vụ xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Sen Đồng Tháp” cho sản phẩm sen của tỉnh Đồng Tháp; hỗ trợ 1 chủ thể đủ năng lực, điều kiện đăng ký, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “sen Đồng Tháp”; 1 sản phẩm “sen Đồng Tháp” đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý; 1 hệ thống công cụ phục vụ quản lý, khai thác và phát triển và quảng bá chỉ dẫn địa lý “sen Đồng Tháp” cho sản phẩm sen của tỉnh Đồng Tháp

Nâng cao giá trị cây sen

Theo PGS.TS Đặng Văn Đông, Viện nghiên cứu rau quả, Chủ nhiệm thực hiện Đề án khoa học “Phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp” cho biết, hiện nay, tại Đồng Tháp giống sen Đài Loan được trồng với khoảng 85% diện tích. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn trồng các giống sen bản địa khác như: sen trắng Tràm Chim, sen hồng Tràm Chim... Ưu điểm của bộ giống sen tại Đồng Tháp là thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của tỉnh, dễ canh tác, phù hợp trồng trên diện rộng.

Tuy nhiên, nhược điểm là cây sen bị côn trùng, bệnh gây hại khá nhiều. Đáng chú ý là ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh thối ngó, thối dây, bọ trĩ, sâu ăn lá.  Đồng thời, thiếu các giống với mục đích sử dụng riêng biệt. Trước những thách thức trên, Đề án định hướng bổ sung vào các giống sen mới, có chất lượng cao, thích hợp phát triển tại Đồng Tháp để thay thế các giống sen cũ. Đặc biệt là các loại giống khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh hại tốt, phục vụ cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau (lấy hoa, hạt, ngó...).

Tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ hội Sen lần thứ I năm 2022, góp phần nâng cao thương hiệu, giá trị từ cây sen.

Phát triển các cơ sở doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới trong bảo quản, chế biến các sản phẩm từ cây sen cũng là hướng đi quan trọng để phát triển ngành hàng. Trong đó, quan tâm xây dựng chính sách về phát triển liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, chế biến sản phẩm từ cây sen. Để đạt được điều đó, cần có cơ chế thuận lợi trong việc tạo vùng trồng của doanh nghiệp trên cơ sở đảm bảo nguồn lợi cho người nông dân. Mặt khác, đẩy mạnh chính sách hỗ trợ các hợp tác xã tham gia vào việc đảm bảo nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp tại địa phương; cần có chính sách thu hút đầu tư thu hút các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sản phẩm đặt nhà máy tại địa phương...

Hướng tới xuất khẩu các sản phẩm sen, Đề án còn đề xuất hướng đến các mô hình liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” để đưa các sản phẩm sen có chất lượng ra thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước như: mô hình sản xuất các chủng loại hoa sen giống mới có giá trị kinh tế cao; mô hình hộ, trang trại/cơ sở sản xuất sen và các sản phẩm sen gắn với phát triển du lịch; mô hình nông nghiệp hữu cơ kết hợp trung tâm trình diễn sản xuất, bảo quản, chế biến hoa sen ứng dụng công nghệ cao.

Mặt khác, Đề án còn đề xuất về thể chế, chính sách phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị thông qua việc đầu tư trang thiết bị sơ chế, đóng gói sản phẩm, bảo quản; hỗ trợ hoạt động đổi mới, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở chế biến sản phẩm từ sen; phát triển và mở rộng hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gắn dịch vụ truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn; phát triển, đa dạng các sản phẩm nhằm gia tăng giá trị cây sen...

Đáng quan tâm là Đề án còn xây dựng được bản dự thảo Đề án “Phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030” hướng tới mục tiêu phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp theo chuỗi trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, tạo ra các sản phẩm sen Đồng Tháp chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm sen theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; hình thành các vùng sản xuất sen tập trung, ứng dụng công nghệ cao; sưu tầm và chọn lọc một số giống sen mới, thích hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; phát triển các cơ sở, doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới trong bảo quản, chế biến các sản phẩm từ cây sen trên địa bàn tỉnh; xây dựng và hình thành chỉ dẫn địa lý sản phẩm sen Đồng Tháp...

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top