Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 5 tháng 4 năm 2023 | 14:6

Để xuất khẩu trái cây đạt 5 tỷ USD vào năm 2025 và 10 tỷ USD vào năm 2030

Theo Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và năm 2030, được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt hơn 5 tỷ USD và đến năm 2030 đạt khoảng 6,5 tỷ USD.

Mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây ăn trái cả nước đạt 1,2 triệu hecta với sản lượng đạt 14 triệu tấn; trong đó, 14 loại cây ăn trái chủ lực đạt 960.000ha với sản lượng đạt khoảng 11-12 triệu tấn. Đến năm 2030, diện tích cây ăn trái cả nước đạt 1,3 triệu hecta, sản lượng hơn 16 triệu tấn; trong đó, diện tích 14 loại cây ăn trái chủ lực đạt 1 triệu hecta, sản lượng khoảng 13-14 triệu tấn.

Bài 1: Khó khăn và lợi thế

Những năm gần đây, nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch đi nhiều nước, kim ngạch ngày một  nâng lên. Điển hình như sầu riêng, sau khi được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, giá bán liên tục tăng cao, có thời điểm gấp 3 lần so với trước.

Lợi thế sản xuất và thị trường

Việt Nam có điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho việc phát triển sản xuất cây ăn quả nhiệt đới, đặc biệt là một số loại cây như sầu riêng, bơ, xoài, mít, chuối, cây có múi, thanh long. Phát huy lợi thế này, nhiều địa phương đã và đang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất hình thành các vùng sản xuất tập trung, nâng cao sản lượng, chất lượng, từ đó tăng lợi nhuận cho người sản xuất.

Theo Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 thì có tới 14 loại cây ăn quả chủ lực, trong đó có nhiều loại cây đã và mang lại gia trị kinh tế cao. Điển hình như cây thanh long diện tích khoảng 60 - 65 ngàn ha, sản lượng 1,3 - 1,5 triệu tấn. Sản phẩm này được sản xuất tập trung tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang.

Để nâng cao năng suất, chất lượng, thanh long được trồng rải vụ thu hoạch khoảng 60% diện tích, thanh long chính vụ 40% diện tích. Đặc biệt, sản phẩm này đã hình thành các vùng sản xuất theo thị trường xuất khẩu có chứng nhận hoặc cấp mã số vùng trồng. Tổ chức liên kết giữa vùng sản xuất tập trung với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thanh long.

Với cây xoài diện tích khoảng 130-140 ngàn hecta, sản lượng 1,1-1,5 triệu tấn. Sản xuất ở các vùng trọng điểm như: Trung du miền núi phía Bắc (Sơn La), vùng Nam Trung bộ (Bình Thuận, Khánh Hòa), vùng Đông Nam bộ (Đồng Nai, Tây Ninh), vùng đồng bằng sông Cửu Long (Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang).

Những năm gần đây, ngoài việc sử dụng bộ giống rải vụ, kết hợp biện pháp thâm canh có thể kéo dài thời gian thu hoạch từ 2 - 3 tháng. Tại các tỉnh phía Nam, diện tích xoài rải vụ thu hoạch chiếm 50% diện tích. Cùng với đó, các nhà vườn đã chú trọng phát triển giống xoài vỏ dày phục vụ xuất khẩu và giống làm gốc ghép có khả năng chịu hạn, mặn, phèn ở các tỉnh phía Nam.

Thống kê của Cục Trồng trọt, hiện, diện tích cây ăn quả cả nước đạt 1,21 triệu hecta, tăng 41.300ha so với năm 2021; sản lượng khoảng 18,68 triệu tấn (vượt kế hoạch đến năm 2025). Trong đó, sản lượng hầu hết cây ăn quả chủ lực, có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng, như: xoài 1,022 triệu tấn, tăng 2,25%; bưởi 1,1 triệu tấn, tăng 6,73%; vải 376.000 tấn, tăng 1,2%; sầu riêng 836.300 tấn, tăng 24,1%; dứa 738.000 tấn, tăng 1,65%; chuối 2,48 triệu tấn, tăng 5,5%. Đây là nguồn hàng, nguồn nguyên liệu lớn để các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động chế biến, xuất khẩu.

Điển hình như Đắk Lắk, với khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi nên diện tích và sản lượng cây sầu riêng ngày càng tăng, bước đầu hình thành được một số vùng trồng quy mô lớn phục vụ xuất khẩu. Cuối năm 2022, diện tích của tỉnh đạt 15.250ha (tỉnh có diện tích sầu riêng lớn thứ hai cả nước), tăng 13.000ha, sản lượng ước đạt 156.392 tấn, tăng 126.000 tấn so với năm 2015 và ước sản lượng đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 300.000 tấn.

Đặc biệt, những năm gần đây, các nhà khoa học Việt Nam đã ứng dụng thành công công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây ăn quả có chất lượng cao, phục vụ cho nhiều thị trường khó tính. Điển hình như tạo ra các giống cây ăn quả có múi không hạt, cho năng suất cao, đảm bảo chất lượng. Từ kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã tạo ra và duy trì được một tập đoàn các giống ưu việt, các cây đầu dòng trong nhà lưới để chuyển giao cho các địa phương và công ty trong nước. Đây là một tập đoàn giống sạch bệnh lớn, phong phú, có tiềm năng năng suất và chất lượng cao, không hạt, đủ giống để cung cấp cho phát triển cam quy mô công nghiệp.

Bên cạnh lợi thế về sản xuất, Việt Nam đang có nhiều lợi thế về thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm trong đó có mặt hàng trái cây. Cụ thể, chúng ta có thị trường tỷ dân “núi liền núi, sông liền sông”  và hàng chục FTA.

Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó, nổi bật nhất là các FTA thế hệ mới, như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Điều này đã góp phần quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu nông sản, mở ra những cơ hội lớn cho nông sản Việt ghi dấu ấn trên thị trường toàn cầu.

Theo Bộ Công Thương, việc tham gia các FTA đã mang lại cho Việt Nam những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm nhẹ các khó khăn đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp do đại dịch Covid-19 gây ra trong 2 năm gần đây. Việc triển khai các FTA cũng đang đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư từ các đối tác có FTA với Việt Nam. Những tác động tích cực khác cũng có thể quan sát được trong lĩnh vực công nghiệp, như tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến, giảm tỷ trọng hàng thô, sơ chế, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến...

Trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tạo điều kiện phát triển sản xuất trong nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của hàng nông, lâm, thủy sản và tăng cường hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, vệ sinh thực phẩm, thay đổi cơ cấu sản xuất và phát huy cao hơn lợi thế so sánh của các ngành hàng trong sản xuất nông, lâm, thủy sản...

Việc thực hiện các cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao cũng dần tạo ra những động lực đổi mới trong nước, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân.

Tận dụng cơ hội từ thị trường tỷ dân

Nông sản Việt Nam đã có mặt ở hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, Trung Quốc được xác định là thị trường quan trọng khi tiêu thụ một lượng lớn hàng hóa nông sản của Việt Nam.

Sau khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, có thời điểm giá sầu riêng lên tới 150.000 - 200.000 đồng/kg.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu, là đối tác thương mại số một Việt Nam. Kim ngạch xuất - nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc năm 2022 đạt 175,5 tỷ USD. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng rau quả với tỷ trọng 53,7%.

Nắm bắt thời cơ này, sau khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và Lệnh 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện.

Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 2.492 mã sản phẩm cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản làm thực phẩm của Việt Nam; cấp hơn 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, triển khai xây dựng vùng nguyên liệu bảo đảm đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu.

Đầu tháng 1/2023, khi Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại, Việt Nam có nhiều cơ hội để gia tăng xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, trái cây là mặt hàng xuất khẩu có nhiều lợi thế bởi nhu cầu của thị trường này luôn rất cao. Trước đó, cuối tháng 10/2022, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm chính thức Trung Quốc, hàng loạt nông sản Việt được ký Nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này giúp cho con đường đưa trái cây Việt sang Trung Quốc thêm rộng cửa.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, những tín hiệu xuất khẩu tích cực ngay từ đầu năm nay đạt được một phần quan trọng là nhờ các Nghị định thư kiểm dịch thực vật được ký giữa hai nước đối với các sản phẩm nông sản gồm: chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo và gạo. Cục đang đàm phán để ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch một số quả tươi truyền thống như dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải và chôm chôm. Hướng dẫn xuất khẩu tạm thời ớt, chanh leo. Hai nước cũng đang đàm phán kỹ thuật để xuất khẩu chính ngạch dược liệu, bưởi và một số loại quả thuộc nhóm cây có múi và trái dừa.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, tận dụng lợi thế từ các Nghị định thư, cũng như các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - FTA đã được ký kết, chắc chắn sẽ tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu. Các Nghị định thư sẽ đảm bảo cho việc xuất khẩu các nông sản có thế mạnh của Việt Nam được danh chính ngôn thuận, ổn định bền vững cả về đầu ra và giá cả. Đây cũng là dịp để chúng ta chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, mang lại lợi ích nhiều hơn cho người nông dân, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, một lợi ích nữa từ việc ký kết Nghị định thư, đó là sản phẩm nông sản xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam sẽ được giảm tỷ lệ kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu, nếu chấp hành tốt quy định của thị trường Trung Quốc và giữ chữ Tín. Đó cũng là chất xúc tác để tổ chức lại sản xuất và làm ăn quy củ. Khi chúng ta chinh phục được thị trường Trung Quốc chất lượng cao, đồng nghĩa với việc sản phẩm của chúng ta có thể chinh phục được rất nhiều thị trường “khó tính” trên thế giới.

Nỗi lo thiếu nguồn cung bền vững

Thanh long là một trong những loại trái cây xuất khẩu số lượng lớn vào Trung Quốc, chiếm hơn 80%. Tuy nhiên, ở nhiều vùng trồng thanh long trọng điểm giai đoạn này đang đối mặt với nỗi lo thiếu hụt nguồn cung do diện tích giảm, sản lượng thấp. Tại Long An, hiện có hơn 9.900ha trồng thanh long, so với cùng kỳ năm 2022,  giảm khoảng 2.500ha. Diện tích cho trái hơn 9.800ha, tập trung ở huyện Châu Thành. Sản lượng thanh long năm 2022 ước đạt hơn 251.000 tấn, giảm gần 23% so với năm 2021.

Vì nhiều lý do khác nhau, quả thanh long nhiều lần phải “giải cứu”.

Thanh long Long An được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, chiếm 80% sản lượng. Tỉnh có 54 mã số vùng trồng và 133 mã cơ sở đóng gói được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc nối lại hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc từ đầu năm 2023 được xem là tín hiệu tốt cho trái thanh long. Tuy nhiên, nhà vườn trồng thanh long ở Long An đang lâm vào cảnh khó khăn chồng chất.

Ông Nguyễn Văn Chiến (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) cho biết, vườn thanh long trên địa bàn xã đã hư hỏng gần hết, trong số 10 vườn có khoảng 5-6 vườn hư dây, người dân bỏ hoang hoặc phá bỏ chuyển sang cây trồng khác. Đời sống của người trồng thanh long đang khó khăn, thu hoạch trái chín bán không bù đủ vốn đầu tư tiền điện, vật tư nông nghiệp, công lao động, dẫn đến tình trạng bắt buộc phải vay ngân hàng để chi tiêu và tái sản xuất nên hầu hết người trồng thanh long đều đang nợ ngân hàng.

Nguyên nhân là do giá thanh long liên tục biến động, cộng với thời tiết bất thường gây khó khăn trong việc chong đèn xử lý ra hoa trái vụ dẫn đến sản lượng giảm. Hiện, việc tiêu thụ thanh long vẫn trong tình trạng bấp bênh, chi phí vận chuyển từ vườn đến cửa khẩu rất cao, kéo giá trái chín xuống thấp hơn giá thành sản xuất.

Không chỉ thanh long, chuối cũng là một trong những mặt hàng đứng trước nguy cơ thiếu nguồn cung do không đủ số lượng đạt yêu cầu kiểm dịch từ phía Trung Quốc. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải được cả Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Tất cả vùng trồng phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), như duy trì các điều kiện vệ sinh vùng trồng và cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ những quả rụng và thối; thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); vật liệu đóng gói phải sạch, vệ sinh, chưa qua sử dụng và tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh và sức khỏe cây trồng của Trung Quốc.

Trong năm đầu tiên kể từ ngày Nghị định thư có hiệu lực, cán bộ của Bộ Nông nghiệp và PTNT phải tiến hành kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Trong thời gian một năm, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống 1%... Tại Việt Nam, tỉnh Đồng Nai có diện tích trồng chuối lớn nhất, với 13.149ha, chiếm 8,53% diện tích cả nước, năng suất trung bình 40 - 45 tấn/ha; sản lượng ước đạt 450.000 tấn/năm, trong số này, hơn 80% là để xuất khẩu.

Đồng Nai hiện đứng đầu cả nước về số lượng mã số vùng trồng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt xuất khẩu với 30 mã và 39 cơ sở đóng gói. So với diện tích và vùng trồng chuối trên địa bàn tỉnh, đây cũng vẫn là con số khiêm tốn nếu Đồng Nai muốn đẩy mạnh nguồn hàng chuối chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Nông nghiệp và PTNT, cho rằng, các doanh nghiệp cần thực hiện theo đúng các yêu cầu kỹ thuật; kết hợp với các đơn vị nông nghiệp địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu; phối hợp các đơn vị thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu từ thị trường Trung Quốc. Các doanh nghiệp chủ động liên hệ các đơn vị như ban quản lý cửa khẩu để nắm bắt thông tin về tiến độ thông quan, tránh ùn tắc, bảo đảm chất lượng hàng nông sản, thời gian thông quan và chi phí vận tải.

Rào cản và những bài học đắt giá

Theo các chuyên gia kinh tế, đáng lo ngại khi xuất khẩu trái cây nói riêng, các sản phẩm nông sản nói chung là xuất hiện nhiều rào cản thương mại mới như: EU điều chỉnh các biện pháp kiểm dịch, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu vào ngày 26/1/2023; các thị trường thuộc Hhiệp định CPTPP, UKVFTA điều chỉnh quy định về hàng hóa nhập khẩu…

Trong khi đó, nông sản Việt Nam thiếu những thương hiệu mạnh, chủ yếu tham gia vào các phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp; chi phí logistics còn cao so với các đối thủ cạnh tranh. Năng lực tiếp cận, tìm hiểu thị trường chưa cao; chưa tham gia sâu vào hệ thống phân phối hiện đại và chưa xây dựng được kênh phân phối ổn định tại các thị trường lớn.

Bưởi da xanh là một ví dụ. Lô bưởi da xanh đầu tiên của Bến Tre, cũng là lần đầu tiên nước ta chính thức xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ vào ngày 28/11/2022. Để có được kết quả này, quả bưởi Việt Nam phải trải qua 5 năm đàm phán - một quá trình dài, đòi hỏi sự chuẩn bị dày công và kỹ lưỡng từ các nhà vườn, doanh nghiệp, trong đó có những tiêu chuẩn khắt khe từ Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan kiểm dịch động - thực vật của Mỹ.

Trong khi phần lớn các loại trái cây của Việt Nam khi nhập khẩu vào Mỹ hiện được bán chủ yếu ở các chợ và siêu thị châu Á. Riêng có trái thanh long và mới đây nhất là vải thiều có mặt tại một số chuỗi siêu thị dòng chính của Mỹ. Nhưng nhìn chung, lượng trái cây tươi Việt Nam bán ra tại Mỹ còn rất hạn chế so với tiềm năng cũng như nhu cầu của thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về khả năng cạnh tranh. Trung Quốc và Mexico là đối thủ cạnh tranh của trái cây Việt Nam tại Mỹ. Đây là các quốc gia đã có nhiều kinh nghiệm, chi phí vận chuyển thấp, hệ thống phân phối rộng khắp nên giá cả rất cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các nước Trung và Nam Mỹ - nơi có điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai phù hợp cho việc trồng các loại trái cây nhiệt đới với sản lượng và chất lượng cao. Đồng thời, áp dụng khá nghiêm túc quy trình canh tác đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm. Lợi thế của đối thủ cũng chính là các hạn chế của trái cây tươi Việt Nam.

Khó khăn là vậy nhưng cũng đã có những bài học đắt giá khi không giữ được thị trường. Bài học từ quả vú sữa Lò Rèn là ví dụ. Sau khi vươn ra khỏi thị trường nội địa, xuất khẩu thành công sang Nga, năm 2017, vú sữa Lò Rèn lại được xuất sang thị trường Mỹ, đã mở ra cho nhà vườn những hy vọng.

Nhưng đến nay, sau 6 năm, diện tích vú sữa Lò Rèn đã bị thu hẹp. Lý do một phần cũng bởi cách thức lựa chọn trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu quá kỹ. Bình quân khoảng 200kg vú sữa tại vườn chỉ lấy được 1/4. Nhiều nông dân xin chấm dứt hợp đồng với công ty thu mua vú sữa xuất khẩu, chỉ bán cho thương lái địa phương. Giá không cao nhưng bù lại thương lái địa phương ít kén chọn trái.

Khi giá trị kinh tế không bằng các loại cây khác thì nông dân đã đốn bỏ. Diện tích vú sữa Lò Rèn ở xã Vĩnh Kim (Châu Thành - Tiền Giang) từ gần 300ha giảm xuống chỉ còn 20ha. Để không lâm vào tình trạng ban đầu rất kỳ vọng nhưng sau lại lặng lẽ rời khỏi thị trường như trường hợp vú sữa Lò Rèn, cần có giải pháp trong dài hạn cho xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam.

Đặc biệt, vẫn còn tình trạng xuất khẩu thiếu bền vững. Ông Huỳnh Tấn Đạt cho biết, vẫn còn tình trạng mạo danh mã số, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố mã số vùng trồng. Đồng thời, phối hợp với các chi cục kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu để kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, để công tác quản lý đạt hiệu quả hơn nữa, cần có sự đồng hành của các địa phương, ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp cũng như hiệp hội ngành hàng trong vấn đề quản lý mã số được cấp.

Thêm nữa, xuất khẩu trái cây của ta hiện chủ yếu xuất sản phẩm tươi, sản phẩm chế biến còn ít nên gặp rất nhiều trở ngại, nhất là khi vào cao điểm thu hoạch.

Bài 2: Thúc đẩy công nghệ chế biến thực phẩm

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top