Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 12 năm 2022 | 16:10

Điểm sáng phát triển du lịch nông thôn ở Bắc Giang

Lục Ngạn có nhiều điều kiện, thế mạnh để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái từ vùng cây ăn quả. Với cách làm sáng tạo, những năm qua, huyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận và là điểm sáng của tỉnh Bắc Giang.

Tiềm năng du lịch lớn

Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết, Lục Ngạn còn lưu giữ, bảo tồn, phát huy được nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Những lễ hội, phiên chợ cùng cao, các làn điệu dân ca… được duy trì, tổ chức, trở thành món ăn tinh thần của mỗi người dân nơi đây và là nét đặc sắc, hấp dẫn, thu hút du khách. Toàn huyện có 226 di tích đình, đền, chùa, miếu, nghè; trong đó, có 42 di tích được xếp hạng. Nhiều di tích cổ kính mang nét văn hóa đặc trưng, có giá trị về lịch sử, kiến trúc, chạm khắc, tín ngưỡng.

Chương trình du lịch “Về miền quả ngọt Lục Ngạn” năm 2022 nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái, trải nghiệm vùng cây ăn quả.

Cùng với đó, Lục Ngạn có nhiều thắng cảnh đẹp như: hồ Cấm Sơn với diện tích mặt nước trên 2.600ha, quanh hồ là những dãy núi cao bao bọc, các khu rừng nguyên sinh, vùng lòng hồ có nhiều đảo nhỏ trùng điệp tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tỉnh. Hồ Khuôn Thần được ví như nàng công chúa, với diện tích khoảng 240ha, khung cảnh thơ mộng, với nhiều đảo nhỏ xen giữa các rừng thông. Khu di tích quốc gia chùa Am Vãi nằm trên đỉnh núi cao, giữa khu rừng nguyên sinh tạo nên sự linh thiêng, tĩnh lặng, thư thái.

Đặc biệt, với thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, cùng sự cần cù, ham học hỏi, sáng tạo của người dân, Lục Ngạn trở thành một trong những vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với nhiều loại trái cây được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, diện tích trên 28.000ha. Trong chu kỳ một năm, Lục Ngạn có 4 mùa hoa trái để thu hút khách du lịch: từ tháng 1-3 có cam V2 và táo; tháng 3 có mật ong; tháng 5-6 có vải thiều; tháng 7-8 có nhãn; tháng 9-12 có cam, bưởi, táo, ổi, chuối…

Vào những mùa thu hoạch, du khách có thể trải nghiệm tận tay hái quả tại vườn. Ngoài ra, nhà vườn Lục Ngạn còn có kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc các loại cây ăn quả cho sản phẩm quanh năm như: ổi, thanh long, bưởi da xanh, mít, chuối... Chất lượng các sản phẩm cây ăn quả Lục Ngạn ngày càng cao, đậm vị, hình thức đẹp nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ngoài ra, Lục Ngạn có 3 làng nghề truyền thống gồm: mỳ Chũ xã Nam Dương, rượu mem lá xã Kiên Thành, cây cảnh thôn Bồng 1, xã Thanh Hải. Không những thế, ẩm thực của người dân Lục Ngạn rất đặc sắc, có nhiều món ăn ngon đặc trưng theo mùa, theo vùng với hương vị riêng, là đặc sản nổi tiếng.

Phát triển du lịch trên thế mạnh sẵn có

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Lục Ngạn xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, từng bước đưa du lịch trở thành ngành chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện. Lục Ngạn đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch, có nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới, từ công tác tuyên truyền quảng bá, học tập kinh nghiệm, đầu tư hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch đến huy động và nâng cao ý thức, hiểu biết của người dân khi tham gia làm du lịch.

Để thúc đẩy du lịch sinh thái cộng đồng, Lục Ngạn xây dựng 4 điểm du lịch khu vực hồ Cấm Sơn, 7 điểm du lịch cộng đồng vùng cây ăn quả. Đồng thời, xây dựng điểm du lịch văn hóa tâm linh đền Hả, xã Hồng Giang; chùa Am Vãi, xã Nam Dương. Do vậy, du lịch của huyện có những phát triển vượt bậc, tạo dấu ấn mạnh mẽ. Nhiều đơn vị lữ hành đã kết nối tour đưa khách về Lục Ngạn, nhiều hợp tác xã du lịch của huyện đã trực tiếp tổ chức đưa đón và phục vụ các đoàn khách đến tham quan trọn gói.

Mùa vải năm nay, huyện tổ chức Chương trình du lịch “Hương sắc mùa Hè Lục Ngạn”, thu hút gần 100.000 lượt khách, tạo ấn tượng, sự hấp dẫn riêng. Mới đây, huyện tiếp tục tổ chức  Chương trình “Về miền quả ngọt Lục Ngạn”.  Những điểm được chọn có vườn cây ăn quả đẹp, giao thông thuận tiện, nhà vườn bước đầu có kinh nghiệm làm du lịch. Tại các điểm đều có gian hàng trưng bày, bán sản phẩm, có đội văn nghệ sẵn sàng phục vụ, giao lưu với du khách.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp và Thương mại du lịch Thanh Hải (Thanh Hải) cho biết, gia đình có diện tích cam, bưởi lớn nhất trong số các thành viên của HTX (khoảng 10ha), sản lượng quả năm nay ước đạt 300 tấn. Năm ngoái, khách đến đây chỉ ngồi dưới lán nhỏ của gia đình, sức chứa vài chục người, hiện giờ chúng tôi có thể tiếp đón 200 khách cùng lúc.

Theo bà Trương Thị Hồng Quyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Trần Việt (Hà Nội), đây là lần đầu tiên, tôi được tham gia khảo sát vườn cây ăn quả tại huyện Lục Ngạn và khá bất ngờ trước vẻ đẹp của các vườn cam, bưởi. Tới đây, đơn vị có kế hoạch liên kết với các HTX du lịch cộng đồng của huyện đưa khách về tham quan, trải nghiệm.

Ông Lê Văn Tiến, Giám đốc HTX Làng Văn hóa Đông Bắc (thị trấn Chũ) cho biết, từ tháng 10 đến nay có khoảng 50.000 du khách về huyện Lục Ngạn, dự báo từ nay đến hết tháng 12 là cao điểm mùa quả ngọt, lượng khách sẽ tăng mạnh. Đây là những tín hiệu tích cực, khẳng định huyện Lục Ngạn hấp dẫn đối với du khách. Mùa cam, bưởi năm nay, huyện phấn đấu đón 100.000-120.000 du khách.

Việc xây dựng, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn với 2 không gian du lịch chính là khu vực hồ Cấm Sơn và vùng cây ăn quả, đồng thời bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng tại làng cổ Bắc Hoa, xã Tân Sơn, qua đó giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập.

Theo ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, Lục Ngạn là địa phương đầu tiên trong tỉnh tổ chức được các chương trình du lịch theo mùa bảo đảm phù hợp với thực tế, hấp dẫn, khác biệt. Qua đó, đã tạo tiếng vang lớn, được nhiều du khách biết và đến với Lục Ngạn, vừa góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, vừa tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc trưng của địa phương.

Ông Sơn đề nghị, thời gian tới, huyện cần xác định rõ những sản phẩm du lịch thế mạnh để xây dựng, bảo đảm hoàn chỉnh, mang đặc trưng riêng của địa phương; gắn kết được nhiều loại hình du lịch trên địa bàn huyện như: Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa - tâm linh và liên kết chuỗi du lịch với các địa phương lân cận. Chú trọng công tác tuyên truyền quảng bá bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung đa dạng.

Cùng với việc quan tâm, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, Lục Ngạn cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức hấp dẫn riêng thu hút khách du lịch. Đồng thời, hợp tác xã du lịch cần chủ động, tích cực xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan; bồi dưỡng nhân lực làm du lịch chuyên nghiệp; liên kết giữa hợp tác xã, nhà vườn, cơ sở kinh doanh để xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn; đón khách chu đáo, tận tình.

Lục Ngạn là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang với 08 dân tộc chính sống đan xen ở 382 thôn, tổ dân phố, tạo nên sự giao thoa, giàu bản sắc văn hóa.

Nơi đây còn lưu giữ, bảo tồn và phát huy được nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Những lễ hội, phiên chợ cùng cao, các làn điệu dân ca… được duy trì, tổ chức, trở thành món ăn tinh thần của mỗi người dân nơi đây và là nét đặc sắc, hấp dẫn, thu hút du khách.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top