Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 15 tháng 8 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 8 năm 2024 | 10:44

Điểm sáng xây dựng NTM ở Hiệp Hòa

Hiệp Hòa (Bắc Giang) hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2021. Dự kiến hết năm 2024, huyện có 10 xã đạt NTM nâng cao, 3 xã NTM kiểu mẫu, 154/154 thôn đạt NTM, 81 thôn NTM kiểu mẫu. Trong quá trình thực hiện, huyện có những cách triển khai sáng tạo nên đã mang lại hiệu quả nhất định.

Xây dựng NTM từ thôn

Năm 2024, Hiệp Hòa phấn đấu xây dựng 2 xã đạt chuẩn  NTM nâng cao (Thường Thắng, Hợp Thịnh); 3 xã NTM kiểu mẫu (Danh Thắng, Đoan Bái, Xuân Cẩm); hoàn thành 17 thôn NTM; xây dựng 21 thôn đạt NTM kiểu mẫu. Với NTM kiểu mẫu, ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, các xã đã tập trung xây dựng kế hoạch giữ vững các tiêu chí đã đạt và nâng cao chất lượng các tiêu chí, đặc biệt tập trung vào xây dựng các tiêu chí bắt buộc đối với xã NTM kiểu mẫu phải hoàn thành.

Hơn 500 hộ dân ở Xuân Cẩm hiến hơn 20.000m² đất để mở rộng trục đường thôn, liên thôn, đường đê tả Cầu từ 4m lên 7 đến 12m, trị giá tiền đất hiến hơn 300 tỷ đồng.

Danh Thắng đã chọn thôn Nam Đồng xây dựng mô hình thôn thông minh, đến nay cơ bản đã hoàn thành. Đồng thời, xã chọn tiêu chí giáo dục để xây dựng NTM kiểu mẫu, đến giữa tháng 7/2024, đã hoàn thành 2/3 chỉ tiêu.

Trong khi đó, xã Đoan Bái chọn thôn Giữa và thôn An Hòa xây dựng mô hình thông minh. Hiện, thôn Giữa đã hoàn thành cả 2 chỉ tiêu; thôn An Hòa còn 1 chỉ tiêu chưa hoàn thành, phấn đấu thực hiện xong trong tháng 8. Xã đã hoàn thành 3/3 tiêu chí xây dựng kiểu mẫu về giáo dục. Xã Xuân Cẩm chọn thôn Cẩm Xuyên và thôn Xuân Biều xây dựng mô hình thông minh, đến nay cả 2 thôn đã đạt 2 nội dung và hoàn thành kiểu mẫu về lĩnh vực văn hóa.

Ông Hoàng Tiến Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa, cho biết, huyện về đích NTM năm 2021, công nhận vào giai đoạn 2016-2020. Huyện có 23 xã, 2 thị trấn, các xã đã đạt đích NTM. Kết thúc năm 2023, huyện có 8 xã NTM nâng cao; 60 thôn NTM kiểu mẫu; 137/154 thôn NTM. Điểm nhấn của Hiệp Hòa khi huyện xây dựng NTM xong thì 100% xã đạt NTM. Năm 2024, huyện phấn đấu 17 thôn còn lại đạt NTM, 21 thôn NTM kiểu mẫu; xây dựng 2 xã NTM nâng cao, 3 xã NTM kiểu mẫu.

Thôn Cẩm Xuyên và Xuân Biều đã gắn biển số và lập mã QR tạo thuận lợi ch việc đi lại.

Đến nay, 50% thôn đã hoàn thành NTM, 7/21 thôn đạt NTM kiểu mẫu, các thôn còn lại huyện đang phấn đấu hoàn thành vào cuối quý III; với xã NTM nâng cao, phấn đấu xã Hợp Thịnh hoàn thành trong quý III, xã Thường Thắng dự kiến xong trong tháng 11. Trong tháng 8, huyện mời tỉnh về nghiệm thu xã Xuân Cẩm đạt NTM kiểu mẫu; các xã còn lại phấn đấu đến giữa tháng 10 sẽ hoàn thành.

Theo ông Hùng, huyện xác định xây dựng NTM từ thôn, khi các thôn hoàn thành thì xã cũng sẽ đạt NTM. Làm từ cấp thôn để người dân hiểu rõ, từ đó đồng sức, đồng lòng cùng hưởng ứng thực hiện. Khi người dân ở thôn đã đồng thuận thì làm công tác xã hội hóa sẽ thuận lợi hơn. Kết quả là công tác xã hội hóa, công tác hiến đất làm đường được người dân ủng hộ, hưởng ứng rất mạnh. Có những nhà hiến đất và xây dựng các công trình sau hiến đất trị giá lên tới 300-400 triệu đồng.

Ông Ngô Đình Cử (bên phải), thôn Xuân Biều chia sẻ về việc hiến đất làm đường.

Ông Ngô Đình Cử ở thôn Xuân Biều (Xuân Cẩm) chia sẻ, gia đình đã 4 lần hiến đất mở rộng đường. Gần đây  là năm 2023, gia đình hiến trên 150m2 (dài 75m, sâu 2m), đường đổ asphalt rộng 7m. Giờ đây, bà con đi lại, giao thương rất thuận lợi, những ngày có đám cưới, đám tang, có hội làng, ngày kỷ niệm lớn, bà con, du khách đi lại không bị ách tắc.

Cách làm sáng tạo ở Xuân Cẩm

Xuân Cẩm là xã đầu tiên ở Hiệp Hòa hoàn thiện các tiêu chí NTM kiểu mẫu, hiện đang chờ cấp trên  thẩm định. Trao đổi về những kết quả nổi bật, ông Nguyễn Quang Liêm, Phó chủ tịch UBND Xuân Cẩm, cho biết, phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn được người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Sau gần 3 năm triển khai xây dựng NTM nâng cao, đã có hơn 500 hộ dân ở cả 5 thôn tháo dỡ nhà, công trình phụ, hiến hơn 20.000m² đất (trong đó 18.000m² đất ở) để mở rộng trục đường thôn, liên thôn, đường đê tả Cầu từ 4m lên 7 đến 12m, với tổng chiều dài gần 8km, trị giá tiền đất hiến hơn 300 tỷ đồng.

Ngoài việc hiến đất, người dân còn tự bỏ kinh phí xây dựng lại các công trình của gia đình mình, tổng toàn xã trên 30 tỷ đồng, trong đó, nhiều gia đình dỡ nhà ngói cổ năm gian, nhà trần 2 tầng, lán xưởng, công trình phụ để mở rộng đường thôn và đê tả Cầu đủ 12m. Xã hội hóa kinh phí hỗ trợ các hộ dân tháo dỡ công trình có giá trị lớn để giải phóng mặt bằng làm đường giao thông. Riêng thôn Xuân Biều huy động 1,2 tỷ đồng; các thôn còn lại gần 2 tỷ đồng.

Về văn hóa, xã đã góp phần bảo tồn văn hóa Quan họ bằng cách truyền dạy, thành lập 5 câu lạc bộ Quan họ ở 5 thôn và 2 câu lạc bộ măng non ở trường tiểu học và trung học cơ sở. Các di tích về văn hóa, lịch sử được bảo tồn, giữ gìn. Xã có 10 di tích gồm: 1 di tích quốc gia đặc biệt, 2 di tích quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh được Nhân dân, các tổ chức tâm huyết phát tâm ủng hộ về kinh phí để trùng tu, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Trường THCS được xây mới hoàn toàn đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Trong lĩnh vực giáo dục, trường tiểu học và trường mầm non đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; trường THCS được xây mới hoàn toàn, diện tích 2,2 ha, kinh phí được Nhà nước đầu tư tổng hơn 70 tỷ đồng, trang thiết bị được xã hội hóa trị giá gần 10 tỷ đồng, đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Nói về cách làm của xã, ông Liêm chia sẻ, phải thực hiện công khai, minh bạch từ cán bộ, đảng viên, để người dân hiểu sâu, hiểu rõ chủ trương xây dựng NTM của địa phương. Làm tốt công tác vận động, kiên trì mưa dầm thấm lâu. Có một số trường hợp, tổ công tác vận động nhiều lần do bà con chưa hiểu hết nên chưa đồng thuận. Sau khi tuyên truyền, khai thác hết các kênh thông tin, từ bạn bè, đến người thân có tiếng nói đến vận động, giải thích, các hộ đã hiểu và hiến đất.

Lãnhh đạo UBND xã luôn sẵn sàng đối thoại với người dân khi bà con có kiến nghị. Sử dụng nhóm zalo công an xã với Nhân dân, để nắm bắt tất cả các thông tin phản ánh, từ đó kịp thời giải quyết. Lãnh đạo, cán bộ, công chức thường xuyên bám cơ sở, sẵn sàng xuống cơ sở khi có vướng mắc, nắm rõ công việc, khi báo cáo phải có hình ảnh cụ thể, từ đó có hướng xử lý đúng, trúng, kịp thời.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi số quốc gia, công dân số và xây dựng NTM thông minh, Cẩm Xuyên và Xuân Biều đã gắn biển số và lập mã QR (mã QR - thông tin số nhà và sơ đồ, ngõ và biển số nhà dán ở đầu thôn), từ đó tạo thuận tiện cho việc đi lại giữa các hộ dân trong thôn.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Nâng cao chất lượng để tăng trưởng bền vững

    Nâng cao chất lượng để tăng trưởng bền vững

    Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý 2/2024 đạt 6,93%, tính chung nửa đầu năm nay GDP cả nước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước.

  • Nhân lên Niềm tin

    Nhân lên Niềm tin

    Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội Khóa XV đã bế mạc chiều 29 tháng 6 sau hai đợt họp với 27,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao.

  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

Top