Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 3 năm 2023 | 15:40

Doanh nghiệp biến phụ phẩm nông nghiệp thành tài nguyên tái tạo

Thời gian qua, với định hướng chính sách phát triển của Nhà nước, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh có sự chuyển biến tích cực.

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và thị trường thì phụ phẩm trong nông nghiệp đang dần trở thành nguồn tài nguyên thực sự, là đầu vào quan trọng cho sản xuất của nhiều lĩnh vực.

Không ít doanh nghiệp (DN) đã thành công khi biến phụ phẩm thành nguồn tài nguyên tái tạo và mang lại lợi nhuận “kép”.

Bài 1: Lãng phí và những mô hình tận dụng phụ phẩm đơn giản

Nâng cao giá trị, biến phụ phẩm thành tài nguyên

Liên quan đến câu chuyện phụ phẩm ngành nông nghiệp, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, nêu thực trạng: Xuất khẩu nông sản cả nước đạt mốc kỷ lục mới (hơn 53 tỷ USD trong năm 2022), nhưng việc ứng dụng công nghệ vào ngành hàng này vẫn còn thấp, cho nên, giá trị mang lại chưa như kỳ vọng, vẫn còn ảnh hưởng đến môi trường.

Máy ép viên nén gỗ xuất khẩu lấy nguyên liệu từ vỏ, lá cây, cành ngọn, gỗ vụn…

Chính vì thế, việc phát triển nông nghiệp hiện đại cho hiệu quả cao và theo hướng phát triển xanh, phát thải thấp, ứng dụng nguyên lý tuần hoàn, sinh thái là vô cùng quan trọng. Đây là điều đã được thể hiện trong chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Do vậy, cần phải nâng cao giá trị, biến phế phụ phẩm thành tài nguyên tái tạo nhằm nâng cao thu nhập, giá trị trong chuỗi sản xuất. Nguyên lý tuần hoàn trong nông nghiệp là mọi thứ đều là tài nguyên và là đầu vào của quá trình sản xuất khác.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và PTNT, với khoảng 100 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp ở ĐBSCL, bao gồm từ rơm rạ, rau màu, thân cây ngô, thuỷ sản, lâm nghiệp…,  là nguồn tài nguyên khổng lồ, nếu sử dụng hiệu quả có thể tạo ra nhiều tỷ USD.

Ông Nam cho biết, hiện nay, nhiều DN đã ứng dụng quy trình công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng từ phụ phẩm của ngành nông nghiệp. “Tôi nghĩ ở đây còn dư địa rất lớn từ ngành này”, ông nói và cho biết, năm 2022, thuỷ sản đạt trên 11 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, nhưng nếu sử dụng tốt phụ phẩm thải ra từ chế biến thuỷ sản, khoảng 1 triệu tấn mỗi năm và có quy trình, công nghệ chế biến sâu, có thể tạo ra thêm khoảng 3-4 tỷ USD. “Đây là dư địa rất lớn để các DN đầu tư chế biến từ phụ phẩm nông nghiệp”, ông Nam nhấn mạnh.

Viên nén gỗ chuẩn bị được đóng gói, xuất khẩu. Ảnh QUANG HUY

Nhìn ở ngành hàng cá tra, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, phụ phẩm trong chế biến cá tra phi lê như: đầu, xương, da, vây, nội tạng, mỡ…, dù đã được tận dụng để sản xuất ra các sản phẩm như: dầu cá, bột cá, collagen… nhưng sản phẩm còn thô, chưa có những sản phẩm cao cấp dùng trong dược phẩm hoặc mỹ phẩm nên giá trị gia tăng cao chưa nhiều.

Đứng ở góc độ DN, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, đơn vị đã thử nghiệm xử lý vỏ sầu riêng thành phân bón cho biết, việc tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp thành nguyên liệu đầu vào cho các ngành hàng khác sẽ giúp giải quyết được khó khăn trong vấn đề xử lý rác thải, giảm phát thải như mong muốn của Chính phủ, tiến tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

Tuy vậy, nếu để DN tự nghiên cứu, thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ ứng dụng cho riêng DN. Còn nếu ứng dụng, nghiên cứu của quốc gia, thì nhiều người có thể tiếp cận được. “Bởi, không phải một mình Chánh Thu làm sầu riêng, mà nhiều người cũng cần đến công nghệ đó, nó sẽ nhân rộng được nhiều hơn về tính thực tiễn”, bà nêu vấn đề.

Bà Thu cho biết, việc thúc đẩy nghiên cứu quy trình công nghệ để ứng dụng xử lý phụ phẩm nông nghiệp, giúp gia tăng được giá trị nguyên liệu, tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân và DN. Thay vì nó là phụ phẩm mình phải bỏ đi, thì qua quy trình công nghệ nào đó nó sẽ trở thành nguyên liệu cho một ngành khác.

Cụ thể, đối với vấn đề vỏ sầu riêng, thực tế đã có những nghiên cứu cho thấy trong vỏ sầu riêng có thành phần hoạt chất tốt cho sức khoẻ, nhưng cần có những nghiên cứu sâu hơn, có quy trình công nghệ để chiết xuất trở thành nguyên liệu đầu vào cho ngành khác. Hiện, Chánh Thu thử nghiệm sản xuất phân từ vỏ sầu riêng thực tế cũng mới dừng lại trong vấn đề giúp DN xử lý rác.

Nhu cầu thị trường hiện rất lớn

Những phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, vỏ cây, đầu tôm, xương cá… tưởng chừng là rác bỏ đi lại đang được nhiều DN đầu tư công nghệ chế biến thành những sản phẩm chất lượng cao, mặt hàng xuất khẩu đắt giá. Điều thú vị hơn là, nhu cầu thị trường cả trong nước lẫn nước ngoài hiện rất lớn.

Nhận ra tiềm năng từ nguồn nguyên liệu phụ phẩm cực lớn bị bỏ đi lãng phí mỗi ngày, nhiều DN đã đầu tư công nghệ biến thành những mặt hàng xuất khẩu thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Đơn cử, viên nén được sản xuất từ nguyên liệu phế phụ phẩm ngành chế biến gỗ như vỏ bào, mùn cưa, vụn vỏ cây, các mẩu gỗ thừa… hay phụ phẩm của ngành trồng trọt như vỏ trấu, bã mía, lá cây…

Ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Cỏ May Group, cho biết, DN vừa quyết định đầu tư thêm sản phẩm phụ mới là viên nén vỏ trấu. Trấu được xay nhuyễn và đưa đến máy nén áp suất cao nén thành viên, công suất nhà máy đến 200-1.000 tấn/ngày.

Viên nén vỏ trấu thay thế cho than củi, than đá, dầu DO hay FO dùng để đốt lò hơi công nghiệp, lò sấy, lò nhuộm vải, dệt sợi trong các ngành giấy, may mặc, chế biến thủy sản, nông sản, thực phẩm… Trấu viên cũng giúp tiết kiệm hơn 60% so với dùng dầu và 40% so với than đá. Sản phẩm này còn có mùi thơm dễ chịu, lượng tro thải sau khi đốt rất mịn nên rất được khách hàng ưa chuộng.

“So với viên nén gỗ, viên nén trấu có ưu điểm nổi trội là nguồn nguyên liệu rất dồi dào từ trấu, rơm rạ, bã mía, vỏ đậu phộng… Viên nén vỏ trấu là lời giải mới và nguồn nhiên liệu cho các nhà máy điện, nhà máy công nghiệp tại Việt Nam. Cỏ May đang tìm đường xuất sang châu Âu bởi giá trị có thể tăng lên 10-20 lần”, ông Thiện chia sẻ.

Một sản phẩm khác là viên nén gỗ đang nổi lên là ngành hàng xuất khẩu có giá trị lên tới tỷ USD mỗi năm. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhận định, ngành viên nén đang phát triển rất nóng. Năm 2022, viên nén đứng thứ tư về giá trị xuất khẩu trong tám mặt hàng xuất khẩu của gỗ và lâm sản, chỉ đứng sau đồ gỗ nội ngoại thất, gỗ nguyên liệu, dăm gỗ.

“Việc gia tăng sản xuất mặt hàng này sẽ giúp tận dụng nguyên liệu thừa trong công đoạn chế biến gỗ tạo ra, góp phần bảo vệ môi trường”, ông Lập nói.

Hiện, cả nước có khoảng 80 DN tham gia xuất khẩu viên nén gỗ. Tính trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ lên tới 568 triệu USD, tăng hơn 82% so với cùng kỳ năm 2021. Viên nén gỗ xuất khẩu nhiều sang Nhật Bản, Hàn Quốc và tới đây là châu Âu, do nhu cầu chất đốt rất lớn.

Mỹ phẩm, vải cao cấp từ vỏ tôm, da cá

Trong ngành thủy sản, nhiều DN đã tận dụng khai thác chế biến phụ phẩm thành các sản phẩm có giá trị gia tăng. Ví dụ như cá tra, ngoài phần thịt phi lê xuất khẩu thì còn nhiều phụ phẩm như đầu, ruột, xương, mỡ, da cá đã được DN đầu tư công nghệ chế biến thành những sản phẩm có giá trị cao.

Mẫu trang phục của TômTex được trình diễn trên sàn catwalk. Ảnh: CRAINS NEW YORK BUSINESS

Xương, đầu cá được sử dụng làm bột cá, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm dầu cá được chế biến từ mỡ cá tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Cao cấp hơn, một số DN còn đầu tư công nghệ tách chiết xuất collagen và gelatin từ da cá dùng trong nhiều lĩnh vực liên quan tới thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm.

Nhiều lợi ích khi tận dụng chế biến phụ phẩm, vừa tăng giá trị và giảm giá thành. Thứ hai là giải quyết các phụ phẩm này sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường.

Một đơn vị xuất khẩu hàng đầu về cá tra là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, ngoài nguồn thu từ sản phẩm chính là cá tra phi lê chiếm 66% thì xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng cũng chiếm tới 19%. Đặc biệt, nhóm hàng collagen và gelatin chiết xuất từ da cá tra đem về doanh thu đứng thứ ba cho công ty. Riêng nhóm hàng collagen và gelatin năm 2021 của Vĩnh Hoàn đạt doanh thu  642 tỷ đồng. Nếu tính luôn những sản phẩm phụ thì doanh thu lên tới hơn 2.200 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng, cho biết, 100% con cá tra đều chế biến được thành nhiều sản phẩm giá trị gia tăng khác nhau. Dầu ăn từ mỡ cá tra; xương, đầu, đuôi, ruột cá làm bột cá thức ăn chăn nuôi; bong bóng, bao tử tẩm ướp, snack da cá làm các sản phẩm giá trị gia tăng khác cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Riêng xương thì được dùng chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Tương tự, tôm xuất khẩu được đưa vào chế biến dưới dạng bóc vỏ bỏ đầu, tỉ lệ đầu chiếm 35-45%, phần vỏ còn lại chiếm 10-15% trọng lượng của tôm nguyên liệu. Lượng phụ phẩm tôm này ở Việt Nam sẽ lên đến khoảng 300.000-400.000 tấn vào năm 2025, tương ứng mỗi ngày có hơn 1.000 tấn đầu, vỏ tôm bị thải loại khỏi dây chuyền sản xuất. Lượng phụ phẩm đó sẽ thải ra môi trường nếu không được chế biến.

Công ty Công nghệ sinh học Vietnam Food (VNF) là đơn vị tiên phong đầu tư công nghệ sản xuất thương mại chất chống ôxy hóa tự nhiên Astaxanthin từ đầu, vỏ tôm. Trên thị trường, Astaxanthin tự nhiên có thể được chiết xuất từ vi tảo và nhuyễn thể, cần phải nuôi trồng tảo hoặc đánh bắt nhuyễn thể nên có giá thành cao. Ngoài làm thức ăn chăn nuôi, thức ăn cho thú cưng thì chất Astaxanthin còn được ứng dụng trong dược phẩm và mỹ phẩm với nhu cầu tiêu thụ trên thế giới rất lớn.

Trong khi đó, TômTex, tiếng Việt là “dệt tôm”, có kế hoạch tăng công suất sản xuất vải da bằng vỏ tôm lên 9.300m² trong năm 2023, đủ để sản xuất khoảng 2.000 chiếc áo khoác da. Đây là công ty khởi nghiệp ở New York (Hoa Kỳ), của cô gái gốc Việt tên Uyen Tran. Bên trong phòng thí nghiệm rộng 372m² ở Trung tâm Xưởng hải quân Brooklyn, một nhóm các nhà nghiên cứu trình diễn cách chế tạo vỏ tôm thành vải da có thể mặc được. Nhìn thoáng qua, da tôm trông không khác da động vật khác. Loại vải này không có mùi da bò và cũng không có mùi hải sản.

Tuy nhiên, hiện tại, TômTex chủ yếu sản xuất các mẫu vải và thiết kế theo yêu cầu của các khách hàng thời trang.

Khi thương hiệu quần áo nữ Di Petsa của Anh trình diễn tại Tuần lễ thời trang London vào tháng 2, vật liệu sinh học từ vỏ tôm của TômTex đã được giới thiệu trong một chiếc váy dài bắt chước da rắn truyền thống. Các người mẫu trong buổi trình diễn của Peter Do tại Tuần lễ thời trang New York vào tháng 9/2022 cũng đã mặc trang phục da làm từ vỏ tôm của TômTex.

Mô hình của TômTex nhằm giải quyết hai vấn đề cùng một lúc: tìm nguyên liệu có thể phân hủy sinh học cho các nhà sản xuất hàng may mặc và tái chế hàng núi rác thải biển.

Áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh

Từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản, người nông dân, HTX và các DN đã có nhiều mô hình áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, sử dụng phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản là nguồn tài nguyên tái tạo. Như một số HTX và hộ nông dân đã xử lý rơm rạ tại đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học để dùng làm phân bón thay vì mua phân NPK. Người nông dân giữ lại rơm rạ không đốt, dùng sản phẩm sinh học xử lý, thậm chí không cần thời gian cách ly mà vẫn ngăn chặn được hiện tượng ngộ độc hữu cơ do rơm rạ gây ra, giảm được lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa…

Viên nén được sản xuất từ trấu của một doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Trong lĩnh vực thủy sản, có nhiều công ty chế biến phụ phẩm thành mặt hàng có giá trị cao. Điển hình như Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty CP Việt Nam Food (VNF), Công ty CP Sao Mai… đã đầu tư công nghệ hiện đại chế biến từ phụ phẩm thủy sản thành bột cá – nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, collagen và gelatin từ da cá tra, snack da cá tra, dầu ăn từ mỡ cá tra, đạm thủy phân từ cá tra….; những nguyên liệu này đã được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Hiện nay, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD năm 2020, nhưng nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng các công nghệ cao thì có thể thu về 4-5 tỷ USD.

Làm nông nghiệp tuần hoàn là xu hướng mới ngày càng thu hút sự quan tâm từ các DN, nông dân đến nhà khoa học. Tại Đồng Nai, nhiều DN, HTX, nông dân đi tiên phong làm nông nghiệp tuần hoàn, biến rác thành tiền.

Đề tài Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thu gom, xử lý phân và xác hữu cơ từ các trang trại chăn nuôi gà để sản xuất phân bón hữu cơ là mô hình điểm về phát triển sản xuất nông nghiệp của Xuân Lộc (Đồng Nai) trong xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Đề tài do Công ty TNHH Trang Trại Việt triển khai từ năm 2019 với việc đầu tư nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn phân và chất thải trong chăn nuôi gà với công suất đạt 200 tấn/ngày. DN ký hợp đồng xử lý chất thải cho một số tập đoàn chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hoạt động sản xuất phân bón theo quy trình khép kín từ khâu chăn nuôi với mô hình trang trại nuôi gà không mùi hôi, chất thải được làm khô, xử lý ngay trong trại nuôi.

Theo kết quả khảo sát của Công ty TNHH Trang Trại Việt, tổng khối lượng phân gà phát sinh tại các trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh gần 1,46 triệu tấn/năm gồm phân gà lẫn trấu. Ngoài ra, gà bị loại, gà chết trong quá trình chăn nuôi cũng là lượng chất thải lớn. Theo đó, DN đang triển khai đề tài cấp bộ “Nâng cấp hệ thống xử lý phân và xác gà làm phân hữu cơ” bằng công nghệ hiện đại, quy mô 500 tấn/ngày. Điểm nổi bật của đề tài là tất cả chất thải trong chăn nuôi từ phân đến xác gà, gà loại thải đều trở thành nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ vừa giúp chủ trại chăn nuôi tăng thu nhập, vừa giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (Định Quán - Đồng Nai) cũng là DN tiên phong làm nông nghiệp tuần hoàn. Sản phẩm nổi bật của DN là rượu vang ca cao được ủ từ thịt của trái ca cao trước đó vốn bị đổ bỏ trong quá trình sản xuất. Vỏ trái ca cao cũng được DN này đưa vào xay nhỏ, ủ thành phân bón hữu cơ tái sử dụng cho các vườn cây ca cao. Nhờ đó, DN giảm được rất lớn lượng rác thải ra môi trường trong quá trình sản xuất, chế biến.

Ngoài ra, nhiều HTX, nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng rất quan tâm làm nông nghiệp tuần hoàn. Cụ thể, HTX Thanh Bình (Trảng Bom) là đơn vị tiên phong tham gia kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp với mô hình xuất khẩu trái chuối tươi, sản phẩm chế biến từ chuối cho đến sản xuất bẹ chuối khô xuất khẩu. Trước đây, nông dân sau khi thu hoạch chuối phải tốn tiền thuê nhân công chặt bỏ cây chuối thì nay họ có thể trực tiếp bán cây chuối tươi hoặc bỏ công tách bẹ chuối, phơi khô bán cho HTX. Sản phẩm bẹ chuối khô của HTX là nguyên liệu làm được rất nhiều mặt hàng thủ công thân thiện với môi trường, xuất khẩu tốt vào các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản…

Không chỉ các DN lớn với những khoản chi “khủng” cho phát triển xanh, thực tế có không ít DN vừa và nhỏ đang chọn con đường phát triển sản phẩm theo mô hình tuần hoàn, bền vững. Chẳng hạn như Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong (Hậu Giang) với vòng tuần hoàn của cây lúa. Theo đó, tận dụng nguồn rơm sẵn có tại địa phương chăn nuôi bò thịt, trồng nấm rơm; chất thải của bò và rơm mục sau trồng nấm được phối trộn để nuôi trùn quế; thu hoạch trùn quế dùng làm thức ăn nuôi cá và gia cầm; nước thải nuôi cá cũng được tận thu xử lý để tưới cây...

Những câu chuyện trên cho thấy, phát triển xanh không nằm ngoài tầm tay của DN, HTX, nông dân. Đặc biệt, các ngành chủ lực xuất khẩu như nông - lâm - thủy sản hoàn toàn có thể bắt đầu hành trình sản xuất xanh, vừa đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu, vừa bảo vệ môi trường tại chính địa phương mình.

Bài 3: Giải pháp để tận dụng hiệu quả

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: Nỗ lực thực hiện '6 hơn' trong triển khai các dự án trọng điểm GTVT

    Thủ tướng: Nỗ lực thực hiện '6 hơn' trong triển khai các dự án trọng điểm GTVT

    Ngày 29/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp phiên thứ 10 của Ban Chỉ đạo.

  • Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Chiều 28/3, Tỉnh ủy Điện Biên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức tổng kết thực hiện Đề án hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Đây là Đề án do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành ngày 25/4/2023 (Đề án 09) nhằm vận động nguồn lực hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với chủ đề "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc".

  • Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Trong bối cảnh tình trạng lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc để "thổi giá đất" thì việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết.

  • Hành trình đưa cam ruột đỏ về Điện Biên

    Hành trình đưa cam ruột đỏ về Điện Biên

    Về Điện Biên những ngày đầu tháng 3, chủ ý đi ngắm hoa ban trắng và tham quan vùng đất anh hùng, nhưng đi loanh quanh thế nào lại gặp nhân duyên, đó là bà chủ farm Nguyễn Thị Lan Hương, người sáng lập Cara Farm ở bản Bồ Hóng, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

Top