Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 9 năm 2022 | 14:25

Đổi mới phương thức chăn nuôi, đảm bảo an toàn và đem lại thu nhập cao

Các địa phương đã đổi mới phương thức nuôi, nhất là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đem lại thu nhập cao, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, tập trung, hiện đại.

Với 6.000 gà đang đẻ, từ đầu năm đến nay, mỗi ngày, gia đình ông Nguyễn Văn Thọ, xã Hướng Đạo (Tam Dương) thu lãi 2 triệu đồng. (Ảnh: Thế Hùng)

 

Vĩnh Phúc: Phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng hàng hóa

Với tư duy nhạy bén, cùng sự mạnh dạn, quyết đoán trong phát triển kinh tế, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã đổi mới phương thức nuôi, nhất là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gia cầm, đem lại thu nhập cao, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa, tập trung, hiện đại.

Với quy mô 7.000 gà đẻ, mỗi ngày, trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Thọ, xã Hướng Đạo (Tam Dương) thu hơn 4.000 quả trứng với mức giá hiện nay 2.700 đồng/quả, cho thu nhập hơn 10 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, thu lãi hơn 2 triệu đồng. Ngoài ra, nếu gà không bị dịch bệnh, sau thải đàn có thể bán gà thịt cũng cho nguồn thu tương đối cao.

Vốn là hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn nhưng năm 2019, toàn bộ đàn lợn của gia đình bị tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Với số tiền hỗ trợ của tỉnh cho các chủ nuôi có lợn bị tiêu hủy, ông Thọ đã đầu tư trang trại; mở rộng chăn nuôi gà siêu trứng quy mô lớn; chủ động kết nối với nhân viên thú y xã để chăm sóc, phòng trị bệnh, tiêm phòng vắc xin, vệ sinh chuồng trại.

Nhờ vậy, trang trại gà của gia đình ít bị bệnh, sinh trưởng tốt. Từ chăn nuôi, gia đình ông có điều kiện xây dựng được ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi.

Theo ông Thọ, muốn gà giữ được thể trạng và đẻ nhiều, người nuôi phải chịu khó học hỏi và am hiểu kỹ thuật nuôi. Đó là theo dõi thường xuyên biểu hiện của đàn gà, cho ăn đủ khẩu phần, đúng giờ; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo định kỳ; xung quanh chuồng và trong chuồng được tiêu độc, khử trùng, đồng thời, thường xuyên thu gom xử lý chất thải; đảm bảo chuồng trại thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông, các thiết bị máng ăn, máng uống cũng bảo đảm đúng theo tiêu chuẩn.

Vừa bán 4.000 gà thịt, với giá 60 nghìn đồng/kg, bà Đinh Thị Thước, xã Hướng Đạo thu về hơn 100 triệu đồng lãi. Từ đầu năm đến nay, do đầu ra tương đối ổn định, bà Thước thu lãi ngót 300 triệu đồng. Dự kiến chục hôm nữa, bà tiếp tục xuất bán 4.000 nghìn gà thịt. Sau đó sẽ vào đàn 4.000 gà thương phẩm để phục vụ thị trường Tết.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà, bà Thước cho biết: Định kỳ 3 lần/tuần, bà xay tỏi vắt lấy nước cho gà uống, còn bã tỏi xay nhuyễn trộn cùng thức ăn giúp hạn chế bệnh đường hô hấp mãn tính trên đàn gà, giảm được chi phí thuốc, tỷ lệ chết, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Cùng với đó, thường xuyên cập nhật kiến thức chăn nuôi để áp dụng vào sản xuất. Nhờ được chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, đàn gà của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt.

Nuôi gà quy mô lớn, quan trọng nhất là phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn. Chuồng trại phải mát về mùa hè, ấm về mùa đông, sạch sẽ. Mặt khác, khâu khử trùng chuồng trại phải được thực hiện thường xuyên, mỗi lần thay trấu độn chuồng phải phun thuốc khử trùng; việc tiêm phòng cho đàn gà được thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật. Nhờ vậy, đàn gà có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh.

Trước nhu cầu của thị trường tiêu dùng hướng tới sử dụng các sản phẩm an toàn, chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, trong những năm qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các hộ chăn nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi và thực hiện quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap để tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng.

Cùng với đó, các hộ chăn nuôi đã chủ động được nguồn giống, liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; xây dựng chuồng nuôi khép kín có hệ thống làm mát.

Theo đánh giá của các đơn vị chức năng, hiện chăn nuôi gia cầm có mức độ tăng trưởng lớn nhất trong các loại vật nuôi với đa dạng con giống. Người chăn nuôi biết dựa vào lợi thế vùng, tận dụng lợi thế của địa phương mà chọn giống gia cầm phù hợp.

Chăn nuôi gia cầm tại nhiều địa phương đã trở thành một trong những nghề sản xuất chính trong sản xuất nông nghiệp, góp phần làm thay đổi cơ cấu các ngành sản xuất trong nông nghiệp, giúp xóa đói giảm nghèo bền vững.

Tính hết tháng 8/2022, tổng đàn gia cầm của tỉnh đạt hơn 12 triệu con, tăng 0,85% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đàn gà khoảng 10 triệu con chiếm hơn 86% tổng đàn. Giai đoạn 2011-2020, đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, bình quân 3,8%.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng chăn nuôi tập trung gà đẻ, gà thịt tại các huyện Tam Dương, Tam Đảo, trong đó có nhiều địa phương chăn nuôi gà trọng điểm như ở các xã: Kim Long, Hướng Đạo (Tam Dương); Tam Quan (Tam Đảo) với số lượng gà có thời điểm đạt trên 1 triệu con/xã.

Để phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển chăn nuôi theo vùng tập trung; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, nhân giống gia cầm nhất là giống gà lai, lông màu thả vườn; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAP nông hộ, hữu cơ sinh thái; xây dựng và chuyển giao các mô hình chăn nuôi tiên tiến, phù hợp với từng vùng sinh thái.

Thanh Hóa: Phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng

Huyện Thạch Thành đã và đang tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế của các tiểu vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển chăn nuôi toàn diện, theo hướng tập trung, CNH, HĐH, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác trong chăn nuôi theo chuỗi liên kết giá trị có khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

 

Nông dân xã Thành Hưng chăn nuôi gà quy mô trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Huyện Thạch Thành phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi trung bình giai đoạn 2021-2025 đạt 9,7%/năm, tổng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân 5 năm đạt khoảng 517,4 tỷ đồng. Đến hết tháng 8/2022, trên địa bàn huyện có 46 trang trại (6 trang trại chăn nuôi lớn, 17 trang trại chăn nuôi vừa, 23 trang trại chăn nuôi nhỏ), đàn trâu 9.774 con, đàn bò 6.563 con, đàn lợn 87.445 con, đàn gia cầm 301.116 con, đàn dê 4.805 con; giá trị chăn nuôi tăng 8,7% so với cùng kỳ.

Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Thạch Thành tập trung tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của ngành chăn nuôi đối với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thời, phổ biến các chủ trương, cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển chăn nuôi. Đẩy mạnh chương trình khuyến nông chăn nuôi theo chuỗi khép kín, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm người chăn nuôi có thể làm chủ được kỹ thuật để sản xuất sản phẩm chăn nuôi an toàn và hiệu quả, chuyển giao quy trình, công nghệ chăn nuôi cho các hộ dân, chủ trang trại phù hợp với từng đối tượng vật nuôi và vùng sinh thái.

Tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực quản lý Nhà nước cho cán bộ làm công tác chăn nuôi, thú y các cấp. Đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ gắn với hoạt động khuyến nông. Đồng thời, chú trọng đào tạo kỹ năng quản trị, kỹ thuật chăn nuôi, quản lý dịch bệnh và an toàn thực phẩm cho người chăn nuôi thông qua các chương trình dạy nghề, hoạt động khuyến nông. Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công về chăn nuôi, thú y để mọi thành phần kinh tế có thể tham gia nhằm công khai, minh bạch các hoạt động quản lý và cung cấp cho người dân chất lượng dịch vụ tốt nhất. Thay đổi cách tiếp cận về phương thức quản lý sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm để người sản xuất, kinh doanh chủ động trong việc kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm của mình trước khi đưa ra thị trường.

Đi đôi với đó, huyện tập trung chỉ đạo doanh nghiệp, người chăn nuôi chọn tạo nâng cao năng suất, chất lượng, giống vật nuôi trong sản xuất phù hợp với địa phương. Đồng thời, hỗ trợ chương trình xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm chăn nuôi sản xuất theo chuỗi và truy xuất được nguồn gốc. Tiếp tục cải tiến nâng cao tầm vóc đàn bò trên địa bàn, phát triển mạng lưới thụ tinh nhân tạo và sử dụng một số giống bò có khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái để tạo đàn cái nền phục vụ cho lai tạo giống bò thịt chất lượng cao, cung cấp bê đực cho nuôi vỗ béo bò thịt. Bình tuyển, chọn lọc đàn trâu trong sản xuất, tạo đàn cái nền tốt thực hiện lai hóa đàn trâu theo phương pháp thụ tinh nhân tạo nhằm cung cấp cho nhu cầu cải tiến, nâng cao chất lượng đàn trâu thịt.

Quản lý giống lợn, giống gia cầm theo mô hình hình tháp gắn với từng tiểu vùng sản xuất, từng thương hiệu sản phẩm. Hằng năm, tổ chức đánh giá, bình tuyển chất lượng đàn lợn giống phẩm cấp bố mẹ, đàn gia cầm giống gốc trên địa bàn nhằm loại thải giống kém chất lượng, không có lý lịch, nguồn gốc rõ ràng. Nhân thuần, chọn lọc nâng cao, cải tiến năng suất, chất lượng giống vật nuôi bản địa có nguồn gen quý, hiếm làm nguyên liệu lai tạo với các giống cao sản phù hợp cho từng phương thức chăn nuôi và phân khúc thị trường, bảo đảm số lượng sản phẩm đủ lớn và đồng nhất về chất lượng, đáp ứng tiêu dùng trong và ngoài huyện. Khuyến khích đầu tư, xây dựng các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, chế phẩm sinh học và tận thu, nâng cao giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp trên địa bàn, như ngô, lúa, đậu, vỏ đầu tôm, cá và khuyến khích các cơ sở chăn nuôi sử dụng thức ăn tự nghiền, phối trộn để giảm chi phí sản xuất. Chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ, trồng ngô sinh khối, kết hợp với công nghệ chế biến thức ăn thô xanh hỗn hợp để phát triển chăn nuôi, vỗ béo trâu, bò, dê.

Hơn nữa, huyện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi, nhất là các chỉ tiêu an toàn đối với thức ăn chăn nuôi, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp sản xuất, bổ sung chất cấm, chất kích thích sinh trưởng cấm dùng trong thức ăn chăn nuôi. Khuyến khích các doanh nghiệp đủ khả năng đầu tư chăn nuôi theo chuỗi khép kín và hỗ trợ, dẫn dắt người chăn nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường; củng cố và phát triển mô hình HTX kiểu mới trong lĩnh vực chăn nuôi làm cầu nối giữa các nông hộ, trang trại với các doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức lại chăn nuôi nông hộ theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường phù hợp với quy mô, tiến tới giảm bớt hình thức chăn nuôi nông hộ. Chủ động tổ chức và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm và các vật nuôi khác. Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) đối với các cơ sở chăn nuôi. Đi đôi với đó, huyện tổ chức lại hệ thống giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi hàng hóa, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Đào tạo cho người chăn nuôi kỹ năng quản trị, kỹ thuật chăn nuôi, quản lý dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm.

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành, cho biết: Để phát triển chăn nuôi trên địa bàn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, huyện đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh đã ban hành; tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ngành, các cấp để tạo nguồn lực đầu tư cho chăn nuôi. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ hạ tầng đến chân hàng rào khu trang trại chăn nuôi tập trung; hạ tầng và các điều kiện chăn nuôi cho cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; cơ sở chăn nuôi đã được xác định trong quy hoạch phát triển. Áp dụng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai cho các cơ sở giống, cơ sở chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học trong vùng phát triển chăn nuôi; cơ sở giết mổ tập trung, chế biến công nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi. Hỗ trợ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất, chế biến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.

Hà Nội: Phòng chống dịch bệnh động vật, đảm bảo nguồn cung thị trường cuối năm

Thời điểm này, các hộ chăn nuôi, trang trại đẩy mạnh công tác tái đàn gia súc, gia cầm phục vụ thị trường cuối năm nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn. Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi cần nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

 

Cán bộ thú y huyện Phú Xuyên tiêm vắc xin phòng dịch bệnh cho đàn gia súc.(Ảnh: Phương Nga)

 

Theo ông Nguyễn Hưng Thỉnh ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ), trang trại của gia đình ông đang nuôi hơn 200 con lợn thịt thương phẩm. Do bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh rất lớn nên trang trại tập trung chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và kiểm soát từ con giống tới thức ăn chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh.

Còn theo ông Hoàng Văn Triển ở xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn), gia đình ông đang nuôi 5 con bò thịt thương phẩm và 5 con bò cái. Do chăn nuôi nhỏ lẻ, thời tiết thay đổi bất thường nên nguy cơ dịch bệnh rất lớn…

Về những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, nhưng thời điểm này tổng đàn vật nuôi, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, đàn lợn đang được tái đàn, tăng đàn. Hiện nay, toàn thành phố có gần 1,5 triệu con lợn, hơn 38,9 triệu con gia cầm, 163 nghìn con trâu, bò. Tuy nhiên, tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố còn cao, trên 60%. Hơn nữa, Hà Nội có gần 730 cơ sở giết mổ nhưng có tới 673 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công trong khu dân cư khó kiểm soát cũng là một trong những nguy cơ có thể bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

“Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi, diễn biến phức tạp là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi. Từ nay đến cuối năm, việc gia tăng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật phục vụ nhu cầu tiêu dùng cũng là một trong những nguy cơ xảy ra dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm”, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.

Để phòng, chống dịch bệnh động vật phát sinh, theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường, các chủ trang trại, nông dân cần mua con giống khi tái đàn ở các cơ sở có uy tín; trước khi nuôi, cần tổng vệ sinh tiêu độc môi trường xung quanh chuồng trại. Còn theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thường Tín Dương Xuân Tĩnh, thời gian tới, Trạm phối hợp với các xã, thị trấn chủ động giám sát dịch bệnh, đặc biệt tại các xã, phường, thị trấn có tổng đàn lợn lớn, gia cầm lớn, khu vực giết mổ có nguy cơ cao để cảnh báo và xử lý dứt điểm ngay khi dịch bệnh được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không chủ động khai báo… Các xã, thị trấn cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đúng quy định; triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả ngay từ cơ sở; xử lý dứt điểm các ổ dịch, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan diện rộng…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong thời điểm giao mùa hiện nay, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được người dân đặc biệt quan tâm. Đây là tiền đề rất quan trọng để ngành chăn nuôi Hà Nội phát triển an toàn, ổn định. Tuy nhiên, chăn nuôi của Hà Nội tỷ lệ nhỏ lẻ còn cao, nên các địa phương cần tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi phòng bệnh cho vật nuôi, chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho vật nuôi, bảo đảm tỷ lệ tiêm đạt hơn 80% tổng đàn; thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi. Khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, bệnh Dịch tả lợn châu Phi… phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở và chính quyền địa phương để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh./.

Thanh Tâm (T/h)

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top