Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 9 tháng 11 năm 2022 | 10:18

Gia Phú XDNTM nâng cao: Có nền thì vững

Là một trong những địa phương của huyện Bảo Thắng (Lào Cai) có nhiều đột phá trong phát triển kinh tế, Gia Phú đang bước từng bước vững chắc duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM bằng cách đặt lợi ích thiết thực của người dân lên hàng đầu.

Giúp dân làm giàu

Gia Phú là xã vùng thấp của huyện Bảo Thắng, có 2.695 hộ, với  9.487 nhân khẩu, gồm 13 dân tộc anh em cùng chung sống  trên 14 thôn, có 2 thôn vùng cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó  khăn. Thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới (năm 2010), Gia Phú chỉ đạt 3/19 tiêu chí. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nguồn vốn để XDNTM phụ thuộc chủ yếu từ ngân sách Trung ương, của tỉnh, huyện. Cơ cấu kinh tế của xã Gia Phú chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, tổng giá trị đạt thấp.

Xác định phát triển kinh tế là trọng tâm để tạo động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ khác, Gia Phú nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, khuyến khích tạo sản phẩm hàng hóa và tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Dưa chuột là cây trồng giúp nhiều hộ gia đình nâng cao thu nhập ở Gia Phú.

Rẽ vào một gia đình trên đường thôn Soi Cờ, chủ nhà Phạm Thị Huệ tiếp đón những người khách lạ mà nồng nhiệt như bạn bè lâu ngày gặp lại, phấn khởi chia sẻ những thành tựu trong việc làm ăn: “Trước làm nông truyền thống, thu nhập chính của gia đình mình một năm là 2 vụ ngô thu hoạch được khoảng 1 tạ. Với giá ngô trung bình 55.000 đồng/yến, thì được 5,5 triệu đồng. Nuôi dăm con gà, vài con lợn, quanh năm chả thấy nhà có đồng nào. Cứ mỗi lần các con tôi đến kỳ đóng góp là lại quýnh quáng chạy đi vay tiền. Từ ngày chuyển sang trồng rau màu các loại như: dưa chuột, bầu bí, mướp... thì kinh tế được cải thiện hẳn”.

Chỉ tay ra vườn dưa chuột xanh mơn mởn đang trổ những bông hoa vàng, chị bảo: “Trồng những loại rau màu ngắn ngày này được thu hoạch rất nhanh. Dưa chuột từ lúc làm đất đến lúc thu hoạch chỉ khoảng 45 ngày. Một mảnh ruộng 300m2 tôi thu được khoảng 1 tấn quả, công ty bao tiêu hết sản phẩm đến tận nhà thu mua, cứ 5.000 đồng/kg quả chọn, loại B giá 2.000 đồng, tôi thu về gần 5 triệu đồng. Nhà tôi có 3 mảnh tổng khoảng 1.500m2. Thu dưa xong tôi lại chuyển sang trồng đậu đũa, bí xanh... cũng khoảng 60 ngày thu hoạch hết lại chuyển sang trồng rau. Cứ luôn phiên thu hoạch nên khi cần tiền lo việc gia đình là tôi không còn phải chạy đi vay mượn nữa. Có tiền tôi lại đầu tư chăn nuôi thêm 5 con trâu, 10 con lợn và vài chục con ngan... Thu nhập nâng cao, cuộc sống cũng ổn định hơn”.

Ông Lê Khánh Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú cho biết: “Gia Phú hiện đã hình thành vùng chuyên canh rau an toàn, xuất ra thị trường 10 tấn rau các loại mỗi ngày. Từ đầu năm đến nay, xã cung ứng ra thị trường trên 540 tấn rau, củ, quả các loại, giá trị đạt  3,24 tỷ đồng. Hiện, xã vẫn đang tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi từ đất trồng ngô và cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng rau. Trong 9 tháng đầu năm 2022, xã cũng vận động bà con chuyển đổi được 6 ha diện tích, nâng tổng diện tích rau sạch lên gần 40 ha cây rau màu. Riêng về dưa chuột, công ty TTHH Dưa vùng miền liên kết các hộ nông dân duy trì được 3 ha, xã cũng được xin được kinh phí hỗ trợ người dân 150 triệu đồng/ha tiếp tục làm giàn, từ giờ đến cuối năm bổ sung thêm 2ha nữa”.

Bên cạnh rau hàng hóa, Gia Phú cũng là vùng chăn nuôi lợn với nhiều gia trại, trong đó có 7 trang trại lớn, qui mô 500-700 con/trang trại, được đầu tư khép kín, chất lượng cao. “Từ nay đến cuối năm, Gia Phú tiếp tục duy trì mức tăng trưởng đàn gia súc, gia cầm theo hướng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản xuất hàng hóa: Đàn trâu: 1.216 con, bò: 402 con; lợn 6.570 con; gia cầm: 135.300 con. Năm 2022, xã phấn đấu giữ vững mức thu nhập bình quân đầu người 57,15 triệu/người/năm. Tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 150 triệu đồng/ha”, ông Trọng chia sẻ.

Khắc phục khó khăn

Được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020, đến nay, xã Gia Phú đã đạt 9/19 tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao gồm: Nhà ở dân cư, thu nhập, điện, văn hóa, thủy lợi và phòng, chống thiên tai, môi trường, tiếp cận pháp luật, hành chính công, chất lượng môi trường sống.  Đến nay, trình độ nhận thức của cư dân sống trong khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ngày càng nâng cao. Người dân đã có trình độ sản xuất, bản lĩnh chính trị, thực sự trở thành chủ thể xây dựng, làm chủ nông thôn mới. Các phong trào thi đua xây dựng Nông thôn mới diễn ra sôi nổi, rộng khắp, điển hình như trong thi đua xây dựng đường giao thông nông thôn. Xã thực hiện được 32,8 km đường hoa với kinh phí trên 64,5 triệu đồng, trên 2.000 ngày công. Về xây dựng tuyến đường điện, tính đến nay xã đã làm mới được 4,5km đường điện thắp sáng tại thôn Tả Thàng. Lũy kế thực hiện được 40,9 km đường điện chiếu sáng với tổng kinh phí 642 triệu đồng. Tính đến nay, tổng nguồn lực Gia Phú huy động cho xây dựng Nông thôn mới đạt gần 80 tỷ đồng. Riêng các hộ dân đã góp hàng chục nghìn m2 đất, hơn 3.000 ngày công lao động và gần 20 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố đạt 99%.

Huy động lực lượng từ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chung tay giúp dân tham gia sản xuất.

Nói về các tiêu chí nâng cao, ông Lê Khánh Trọng cho biết: “Những tiêu chí đạt chuẩn NTM ở Gia Phú cơ bản là rất bền vững. Nhưng xã còn gặp phải rất nhiều khó khăn như vấn đề thu gom rác thải. Xã đã thành lập 4 tổ thu gom rác thải ở 8 thôn tập kết về nơi qui định. Năm đầu tiên huyện hỗ trợ không thu tiền nhưng từ 2 năm nay, chỉ với mức phí 10.000 đồng/khẩu mà xã chỉ thu được 50 hộ gần đường giao thông, vẫn còn nhiều hộ dân chưa có ý thức tự giác tham gia. Trong khi đó, để vận hành các tổ thu gom này mất rất nhiều chi phí như: trả lương cho người đi gom rác, thuê xe chở rác, chưa kể nhiều khi còn phải sửa chữa xe đẩy rác và mua các dụng cụ khác... nên xã cũng đang phải bù chi phí 4 triệu đồng/tháng.

Diện mạo thôn bản hôm nay.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo NTM xã cũng đang đau đáu với tuyến đường trục thôn Nậm Trà, Nậm Phảng. Đây là 2 thôn đặc biệt khó khăn của xã với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Cách trung tâm xã gần 20 km, trong đó 13 km hiện là đường cấp phối,  được nâng cấp từ đường mòn mở rộng nền và rải cấp phối cách đây 7 năm. Đường dốc, lại có rất nhiều khe, suối cắt ngang, nên sau mỗi đợt mưa lại xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, tuyến đường rất dài, dân cư không tập trung nên không thể triển khai bằng nguồn vốn nông thôn mới. Hiện, xã cũng đang kêu gọi sự vào cuộc của huyện, tỉnh, hy vọng sớm có phương án cải tạo, sửa chữa để người dân đỡ vất vả hơn”.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top