Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 12 năm 2022 | 11:4

Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP Bắc Giang

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bắc Giang đã triển khai rất tích cực, xác định đây là nội dung trọng tâm và giải pháp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới bền vững; góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

Bài 1: Giá trị sản phẩm được nâng lên

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Bắc Giang có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, nhiều sản phẩm đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm, nhiều nông sản nổi tiếng ở tầm quốc gia vươn tới xuất khẩu. Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hoá, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

180 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông ghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh nên đã tập trung trong lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành đồng bộ cơ chế, chính sách nhằm khai thác được tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp. Nông nghiệp của tỉnh đã phát triển nhanh và toàn diện, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, trở thành điểm sáng, nổi bật, đứng trong tốp đầu cả nước.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông ghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Bắc Giang đã mang lại nhiều kết quả tích cực, trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến phát triển KT-XH khu vực nông thôn góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM.

Đến nay, Bắc Giang có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên thuộc 10/10 huyện, thành phố, trong đó có 42 sản phẩm đạt 4 sao, 138 sản phẩm đạt 3 sao. Có 78,4% chủ thể sản xuất là HTX, 8,2% là doanh nghiệp và 13,4% là cơ sở sản xuất kinh doanh. Có 84,4% sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 12,8% thuộc nhóm đồ uống, 2,2% thuộc nhóm thảo dược và 0,6% thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng. Có nhiều chủ thể là thanh niên trẻ có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm thể hiện sự sáng tạo của người dân.

Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang đã có 180 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh.

Trong tổng số 180 sản phẩm OCOP, có 13 sản phẩm thuộc nhóm chủ lực, 39 sản phẩm thuộc nhóm đặc trưng, 12 sản phẩm thuộc nhóm tiềm năng, số còn lại là các sản phẩm khác mang tập quán sản xuất của địa phương. Các sản phẩm được công nhận đều mang đặc trưng sản xuất của các làng nghề truyền thống, làng nghề như: mỳ chũ, mỳ Châu Sơn, rượu Vân, bún Đa Mai;… Bên cạnh các sản phẩm nổi tiếng khác đã phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa, vú sữa Hợp Đức, mật ong Tây Yên Tử, trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo,…

Các sản phẩm đều có đầy đủ những minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như: ISO 22000; HACCP; VietGAP; GlobalGAP… Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh.

Từ nguồn vốn thực hiện Chương trình OCOP hàng năm, tỉnh bắc Giang đã hỗ trợ phát triển sản phẩm cho 62 lượt chủ thể, tổng kinh phí hỗ trợ là 1.095,6 triệu đồng; Nội dung hỗ trợ bao gồm: kiểm nghiệm sản phẩm; thiết kế, in ấn tem nhãn mác, bao bì sản phẩm; truy xuất nguồn gốc; bảo hộ nhãn hiệu; Ngoài ra các huyện, thành phố đã triển khai hỗ trợ các nội dung: công bố chất lượng, chứng nhận chất lượng; kiểm nghiệm sản phẩm; thiết kế bao bì, in ấn bao bì, nhãn mác; hệ thống truy xuất nguồn gốc; đăng ký sở hữu trí tuệ,…từ nguồn vốn ngân sách địa phương.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo ông Lê Bá Thành, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Bắc Giang cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: nguồn lực triển khai Chương trình chủ yếu là lồng ghép các Chương trình, dự án khác đang triển khai trên địa bàn. Công tác tuyên truyền chưa đa dạng, nhiều chủ thể sản phẩm OCOP tiềm năng chưa hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về lợi ích khi tham gia Chương trình.

Công tác rà soát phát triển sản phẩm mới tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa hoặc ít quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống. Số lượng sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình hàng năm nhiều nhưng thực tế sản phẩm đủ điều kiện đánh giá, phân hạng thấp.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (người thứ 2 bên trái) thăm một số sản phẩm OCOP tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP” năm 2022.

Sản phẩm OCOP đã có những thay đổi tích cực về chất lượng, bao bì, nhãn mác, tuy nhiên việc tuân thủ và áp dụng các quy định hiện hành về quản lý chất lượng, ghi bao bì, nhãn mác, khoa học công nghệ còn thấp, chủ yếu vẫn là sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Quy trình sản xuất chưa đồng bộ, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp. Quy mô sản xuất nhỏ phục vụ thị trường hẹp, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn và liên tục, khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế.

Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm thực hiện theo phương pháp thủ công dẫn tới công tác tổng hợp điểm đánh giá, phân hạng gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian thực hiện. Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về sản phẩm OCOP còn hạn chế, thông tin dữ liệu chưa thể hiện hết hồ sơ của sản phẩm, khó khăn cho công tác truy xuất, khai thác thông tin về sản phẩm OCOP phục vụ công tác quản lý và xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.

 Công tác quản lý sản phẩm sau phân hạng hiện chưa có quy chế quản lý, kiểm tra, giám sát các sản phẩm sau khi đã được cấp chứng nhận và chế tài xử lý khi sản phẩm không duy trì được các tiêu chí của chương trình.

Các sản phẩm OCOP đều có thể quét mã QR.

Về vấn đề này, ông Giáp Quý Cường, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế (thị trấn Phồn Xương, Yên Thế) cho biết, các sản phẩm OCOP là sản phẩm mang đặc trưng của vùng miền, là sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu của chính địa phương, còn người tiêu dùng thì vẫn còn xu hướng xính “đồ ngoại” hay là mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán tràn lan tại các chợ, nên khiến cho việc thúc đẩy phát triển mở rộng quy mô các sản phẩm địa phương bị hạn chế.

Về vấn đề sản phẩm hàng hóa trên thị trường thì phần lớn người dân chưa nhận biết, phân biệt được sản phẩm thật hay là sản phẩm giả thương hiệu, sản phẩm nhập ngoại hay sản phẩm trong nước, trong khi tình trạng hàng giả, hàng nhái còn là rào cản lớn trong việc thực hiện mục tiêu của Chương trình OCOP của HTX chúng tôi nói riêng cũng như của tất cả các HTX và doanh nghiệp nói chung.

Là huyện đầu tiên có sản phẩm Du lịch sinh thái - văn hóa Bản Ven đạt 3 sao, tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện Yến Thế cho biết, vẫn còn gặp nhiều khó khăn: là huyện miền núi, nguồn thu từ ngân sách còn ở mức thấp, do vậy nguồn kinh phí dành cho đầu tư du lịch còn hạn chế; chưa thu hút được nhiều tua, tuyến du lịch đến với du lịch cộng đồng bản Ven. Người dân nhân trong và ngoài xã tham gia đầu tư phát triển điểm du lịch cộng đồng bản Ven, khu du lịch Xuân Lung - Thác Ngà còn ít.

Hợp tác xã Thân Trường tại điểm du lịch cộng đồng bản Ven đã được hình thành, tuy nhiên hiệu quả hoạt động còn chưa tương xứng với lợi thế sẵn có; trụ sở làm việc, đón tiếp khách, thuyết minh viên du lịch còn hạn chế. Các sản phẩm đặc trưng tại điểm du lịch vẫn mang tính nhỏ lẻ, dịch vụ còn chưa đa dạng. Trong khi đó, tại mỗi điểm đến, yêu cầu đặt ra là cần đa dạng hóa các sản phẩm đặc trưng để góp phần làm phong phú hơn các điều kiện để “giữ chân du khách”.

Theo ông Nguyễn Đức Hưng, Giám Đốc Công ty Cổ phần XNK Thực phẩm Toàn Cầu, việc quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các đối tượng vẫn chưa thực sự giúp doanh nghiệp tự tin trong việc triển khai hàng xuất khẩu đại trà. Chúng tôi đã từng gặp trường hợp, khi lấy mẫu test dư lượng thì đạt nhưng khi sản xuất đại trà và kiểm mẫu ngẫu nhiên thì vẫn bắt gặp kết quả vượt ngưỡng dư lượng mà thị trường cho phép. Việc thu hoạch tại các vùng được kiểm soát về dư lượng nhiều khi không đủ để đáp ứng đơn hàng, do đặc thù cần đủ nguyên liệu ngay cho tối thiểu một cont sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Người dân vẫn còn tâm lý e dè, chưa tự tin khi triển khai quy trình chăm sóc theo định hướng và tiêu chuẩn hàng xuất khẩu (do rủi ro cao). Với các sản phẩm phát triển mới, cây ngắn ngày gặp khó khăn trong việc phát triển vùng nguyên liệu. Mục tiêu cuối cùng là đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng trong cả năm, nhưng hiện giờ công ty chưa đáp ứng được 1/2 nhu cầu từ phía đối tác. Tính tuân thủ của nông hộ chưa cao và chưa có cam kết gì với doanh nghiệp.

Bài 2: Kinh nghiệm quý trong thực hiện Chương trình OCOP

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top