Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 4 năm 2023 | 15:15

Hà Tĩnh sẽ về đích đúng kế hoạch

Đi qua nửa thời gian thực hiện mục tiêu tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2020 - 2025, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Đó là động lực để địa phương tiếp tục phát huy nội lực, bứt phá trên chặng đường còn lại.

177/181 xã đạt chuẩn NTM

Nhớ lại những ngày khó khăn của giai đoạn đầu thực hiện mục tiêu tỉnh đạt chuẩn NTM, toàn tỉnh Hà Tĩnh phải đối mặt với loại dịch bệnh chưa từng có: dịch Covid-19 bùng phát khiến mọi hoạt động đời sống xã hội, kinh tế đều “đóng băng”; khó khăn vì thiếu nguồn lực; năng lực chỉ đạo tại một số địa phương không đồng đều; bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022 - 2025 với nhiều chỉ tiêu, tiêu chí yêu cầu cao hơn giai đoạn trước...

Một góc cụm dân cư sinh thái ở tổ liên gia số 5, thuộc thôn 1, xã Ân Phú, huyện Vũ Quang.

Thế nhưng, đó cũng là quãng thời gian được chứng kiến sự quyết tâm, nỗ lực từ mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân Hà Tĩnh. Hàng loạt cách làm hay, sáng tạo được vận dụng như: “Lấy thôn làm điểm” để hình thành nên những khu dân cư NTM kiểu mẫu thông minh; các cuộc phát động 90 ngày, 100 ngày xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu từ cơ sở liên tục được phát động, để rồi người dân không tiếc “tấc đất, tấc vàng” hiến tặng cho Nhà nước để mở rộng đường giao thông; tham gia lao động để chỉnh trang cảnh quan, trồng cây xanh... Tinh thần xây dựng NTM càng đi vào chiều sâu, trở thành ý thức và động lực của mỗi người dân, mỗi cụm dân cư.

Hà Tĩnh cũng triển khai nhiều hệ thống chính sách lớn về nông nghiệp và nông thôn mới (Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết 51-NQ/HĐND quy định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2022 - 2025...). Những chính sách “kích cầu” thực sự tạo nên động lực lớn, chuyển nền sản xuất theo hướng ngày càng hiện đại, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi số và bền vững hơn. Khắp các địa phương của Hà Tĩnh, tinh thần xây dựng NTM không có điểm kết thúc đã trở thành ý chí và quyết tâm cho mục tiêu lớn.

Đến nay, Hà Tĩnh có 177/181 xã đạt chuẩn NTM (đạt 98%); 50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (27,6%); 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (3,87% so với yêu cầu chỉ tiêu ít nhất là 10%); 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt 69,23%).

Từ năm 2021 đến nay, Hà Tĩnh đã phát triển và công nhận thêm 95 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, lũy kế đến nay có 249/300 sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn OCOP (83%); trong đó có 14 sản phẩm OCOP 4 sao (5,6%). Dự kiến đến năm 2025, có 300 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó 60 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 15 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao... Thu nhập bình quân đạt gần 40 triệu đồng/người/năm (năm 2022).

Ông Ngô Đình Long, Phó chánh Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh, chia sẻ, qua đánh giá của các sở, ngành theo 10 tiêu chí và 42 chỉ tiêu tỉnh đạt chuẩn NTM, đến nay, tỉnh có 2 tiêu chí cơ bản đạt (quy hoạch và an ninh trật tự xã hội); 3 tiêu chí có khả năng hoàn thành (dịch vụ hành chính công; giáo dục và y tế; chỉ đạo, điều phối thực hiện Chương trình xây dựng NTM). Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 8/11/2022.

Thay đổi tư duy, cách làm trong giai đoạn mới

Hơn 2 năm thực hiện Đề án xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả đồng bộ, tạo đà cho nhiều bước tiến mới. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn phải đối mặt, nhất là về nguồn lực; phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.

Đời sống người dân, bộ mặt nông thôn Hà Tĩnh khởi sắc nhờ xây dựng NTM.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh, công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương chưa quyết liệt; các xã, huyện sau khi được công nhận đạt chuẩn có biểu hiện chùng xuống, nhất là những xã, huyện chưa phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Cùng với đó, tiến độ triển khai thực hiện một số chỉ tiêu về huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; một số nội dung tiêu chí tỉnh NTM còn chậm, khối lượng thực hiện để đạt chuẩn còn nhiều, yêu cầu kinh phí lớn…

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, kiêm Chánh văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh, cho biết, hội nghị đánh giá giữa kỳ thực hiện Đề án tỉnh NTM vừa qua là sự kiện quan trọng để Hà Tĩnh nhìn nhận lại kết quả, chỉ rõ những khó khăn và vạch lộ trình sắp tới. Tại hội nghị, các địa phương, sở, ngành cùng Ban chỉ đạo NTM tỉnh thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, bàn các kế sách tháo gỡ khó khăn và giải pháp thực hiện để hoàn thành xây dựng Hà Tĩnh đạt chuẩn tỉnh  NTM vào năm 2025.

Nhân dân Hà Tĩnh dồn sức người, sức của để xây dựng NTM bền vững, phấn đấu cho mục tiêu tỉnh đạt chuẩn NTM.

Ông Việt cũng cho hay, tại hội nghị giữa kỳ, ngoài đánh giá lại kết quả và bàn giải pháp cho chiến lược sắp tới thì đây chính là dịp để toàn tỉnh “xốc” lại động lực, thể hiện sự quyết tâm cao cho chặng nước rút. Trong đó, năm 2023, tỉnh tập trung chỉ đạo, rà soát, nâng cấp tất cả các thôn, xã, huyện đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đảm bảo đạt chuẩn theo bộ tiêu chí giai đoạn 2022 - 2025; tập trung quyết liệt chỉ đạo 4 xã còn lại đạt chuẩn NTM;  Lộc Hà, Kỳ Anh đạt chuẩn huyện NTM, thị xã Kỳ Anh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; quan tâm cao xây dựng huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo kế hoạch.

Song song với nhiệm vụ thực hiện đề án, Hà Tĩnh cũng tập trung triển khai, thực hiện Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2024.

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá giữa kỳ thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh: Xây dựng Hà Tĩnh đạt chuẩn  tỉnh NTM là mục tiêu được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nghị quyết. Vì vậy, cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân toàn tỉnh phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn và có cách làm linh hoạt hơn. Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM phải dựa trên tình cảm, trách nhiệm với nông dân, nông thôn; gia tăng thu nhập phải hướng vào nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân; chú ý bảo đảm tính bền vững của tiêu chí đã hoàn thành; nguồn lực đầu tư phải tập trung; phải thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân để xây dựng NTM thực sự bền vững.

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top