Tận dụng ưu thế mà các Hiệp định thương mại tự do như RCEP, EVFTA, CPTPP… mang lại, các doanh nghiệp cần chuyển nhanh, mạnh sang xuất khẩu chính ngạch để đảm bảo ổn định về giá, lưu thông, phân phối, giảm nguy cơ ách tắc tại cửa khẩu.
Xuất khẩu chính ngạch còn tạo điều kiện pháp lý rõ ràng, minh bạch cũng như tạo động lực cho người nông dân sản xuất chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn và quy mô lớn hơn.
Các đối tác thương mại hàng đầu
Việt Nam đã tham gia ký kết, thực hiện 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các đối tác thương mại lớn hàng đầu thế giới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệu lực thực thi từ 30/12/2018; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020; Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Các FTA nói trên cùng với Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc đã và đang tạo xung lực lớn thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam với các nước như Mỹ, EU, Trung Quốc, nhất là thương mại nông sản nói chung và thương mại rau quả nói riêng. Những năm qua, xuất khẩu rau quả tăng trưởng liên tục và mặc dù đại dịch Covid -19, năm 2021 tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả vẫn đạt giá trị 3,551 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2020, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 56,6 % với trị giá gần 1,7 tỷ USD.
Với thị trường 1,5 tỷ dân, hàng năm Trung Quốc nhập khẩu 15 - 17 tỷ USD trái cây, dư địa cho rau quả Việt rất lớn nếu chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Đến nay, Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu 11 loại trái cây của Việt Nam: thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.
Thu hoạch thanh long phục vụ xuất khẩu tại tỉnh Ninh Thuận.
Do nhiều lý do, các doanh nghiệp vẫn ưu tiên xuất hàng sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch qua cửa khẩu phụ bởi thủ tục đơn giản, linh hoạt, chi phí vận chuyển thấp, thanh toán và vòng quay vốn nhanh. Tuy nhiên, xuất khẩu tiểu ngạch thiếu ràng buộc pháp lý, phụ thuộc đối tác nhập khẩu, nên rủi ro cao, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, ban hành Lệnh 249 về các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất - nhập khẩu và Lệnh 248 ban hành quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Trung Quốc, hiệu lực từ ngày 1/12022 và chính sách “zero Covid” dẫn đến rau quả nông sản bị ép giá và ách tắc, ùn ứ kéo dài tại khu vực cửa khẩu, gây giảm chất lượng, thối hỏng sản phẩm...
Để tận dụng ưu thế từ Hiệp định tự do với các đối tác thương mại lớn hàng đầu thế giới mang lại và với lợi thế về giao thông thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển nhanh, mạnh xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường, nhất là Trung Quốc.
Tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch
Xuất khẩu chính ngạch là hình thức thương mại qua đó các loại sản phẩm đã được chính thức cho phép nhập khẩu vào thị trường một nước, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và các quy định khác của các cơ quan chức năng nước nhập khẩu. Đó là hình thức xuất khẩu mà các công ty, doanh nghiệp các nước ký kết với nhau các hợp đồng kinh tế và thanh toán qua ngân hàng theo Hiệp định đã được ký kết giữa các quốc gia nên thường được ký hợp đồng mua bán ngoại thương với lượng hàng hóa lớn và thanh toán qua ngân hàng nên giảm thiểu rủi ro về thanh toán.
Xuất khẩu nông sản chính ngạch cho phép doanh nghiệp được dùng các phương tiện vận tải thông dụng như đường bộ, đường sắt, đường biển hay hàng không để vận chuyển đến tất cả các cửa khẩu quốc tế. Khi có biến động thị trường hoặc chịu tác động bởi các sự kiện bất thường trong quá trình vận chuyển, giao hàng, các bên sẽ cùng thỏa thuận theo điều khoản hợp đồng. Hơn nữa, việc giao hàng được thực hiện theo tập quán quốc tế nên phân chia rõ trách nhiệm, rủi ro cho bên mua và bên bán; việc chậm trễ hoặc ách tắc giao hàng và hiện tượng ép giá cũng được giảm thiểu.
Xuất khẩu chính ngạch nông sản, trong đó có sản phẩm rau quả, không chỉ đảm bảo ổn định về giá, lưu thông, phân phối, giảm nguy cơ ách tắc tại cửa khẩu, mà còn tạo điều kiện pháp lý rõ ràng, minh bạch cũng như tạo động lực cho người nông dân Việt Nam sản xuất chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn và quy mô lớn hơn.
Tuy nhiên, những lợi thế trên chỉ được phát huy hiệu quả, khi các sản phẩm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh. Đặc biệt quan trọng là sản phẩm trồng phải truy xuất được nguồn gốc, từ quản lý giám sát vùng trồng với các sản phẩm đầu vào, đầu ra; quản lý cơ sở đóng gói, biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật cho đến kiểm dịch tại cửa khẩu nhập.
Cần sự phối hợp của “ba nhà”
Thúc đẩy xuất khẩu rau quả đòi hỏi phối hợp đồng bộ các chính sách của Nhà nước; sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp; sự tuân thủ, cần cù và quyết tâm của người sản xuất.
Đối với quản lý Nhà nước, việc ban hành, triển khai quy hoạch vùng trồng và qua đó có những chính sách hỗ trợ tiếp cận về vốn, lãi suất ưu đãi, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, hình thành tổ hợp tác hay hợp tác xã,.. là những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến việc tạo vùng sản xuất tập trung, qua đó áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật, các quy trình thực hành nông nghiệp tốt như Global GAP, VietGAP.
Với vai trò dẫn dắt, doanh nghiệp cần chủ động tìm, đàm phán hợp đồng với các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc, các hệ thống siêu thị lớn, đồng thời chủ động liên hệ với chính quyền địa phương có nguồn nông sản, hoa quả để hướng dẫn nông dân theo quy trình quản lý theo yêu cầu của phía Trung Quốc, nhất là việc quản lý dư lượng thuốc BVTV và đảm bảo chất lượng rau quả.
Đối với cơ sở, HTX và nhà vườn, với sự hỗ trợ, hướng dẫn và cam kết theo hợp đồng của doanh nghiệp và sự hỗ trợ kỹ thuật của hệ thống khuyến nông, cần tuân thủ áp dụng quy trình sản xuất theo Global GAP hoặc VietGAP, ghi chép số liệu quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (thuốc sâu, thuốc trừ bệnh, trừ cỏ...), đảm bảo 4 đúng có sự giá sát lẫn nhau của các thành viên Tổ hợp tác hoặc HTX. Cơ quan chức năng (Chi cục BVTV) lấy mẫu xét nghiệm dư lượng gộp (để giảm chi phí). Nếu phát hiện thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép thì không được xuất khẩu, việc này ảnh hưởng chung tới tất cả Tổ hợp tác/HTX.
Hiện nay, blockchain là xu hướng áp dụng công nghệ đảm bảo minh bạch, khách quan, giám sát tức thời và toàn diện cơ sở dữ liệu quản lý, sử dụng hóa chất BVTV, phân bón cũng như quy trình chăm sóc… Một số hệ thống siêu thị lớn của châu Âu như Auchan, Migros,... đã ký hợp đồng nhập hàng quản lý theo Blockchain. Blockchain có độ tin cậy cao và tương lai có thể thay thế nhiều chứng chỉ giấy mang tính hình thức.
Chính quyền, doanh nghiệp và nhà vườn phối hợp để đưa những chính sách lớn đã được ban hành vào cuộc sống như: Phát triển liên kết chuỗi giá trị theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ; Áp dụng quy trình GAP theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg, Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 1318/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025; và Quyết định 1088/BNN-KTHT ngày 25/3/2022 phê duyệt Đề án “Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu” giai đoạn 2022-2025 với vùng núi phía Bắc - 14.000ha và vùng trái cây tập trung ở Đồng Tháp Mười 60.200ha; Xây dựng các Trung tâm Logistic trái cây (Trung tâm logistic trái cây Mỹ Hiệp tỉnh Đồng Tháp)...
Việt Nam hiện có hơn 1.300 vùng trồng, hơn 1.500 cơ sở bao gói sản phẩm đã được phía Trung Quốc chấp thuận xuất khẩu chính ngạch, với 11 loại trái cây (Nghị định thư về an toàn thực phẩm chưa ký kết).
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.