Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 11 năm 2023 | 11:50

Hòa Vang phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng NTM

Nhắc tới Đà Nẵng, hẳn du khách trong và ngoài nước sẽ nghĩ ngay đến địa điểm du lịch hấp dẫn với các bãi biển trải dài, với thành phố lung linh rực rỡ sắc màu và với những cây cầu đặc biệt bắc qua dòng sông Hàn...

Thế nhưng, không chỉ vậy, huyện Hòa Vang còn có loại hình du lịch thu hút khá đông du khách, đó là du lịch nông nghiệp, canh nông.

Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng NTM

Phát triển du lịch nông nghiệp là hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông thôn, từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng “tích hợp đa ngành” ở Hòa Vang. Là vùng đất rộng lớn thuần tuý về nông nghiệp, nông thôn, huyện đang từng bước phát triển du lịch nông nghiệp, canh nông gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nhận thấy nhu cầu tham quan, dã ngoại, khám phá thiên nhiên của người dân thành phố và du khách đến với Đà Nẵng, nhiều chủ doanh nghiệp và người dân Hòa Vang đã mạnh dạn đầu tư, khai thác dịch vụ du lịch nông nghiệp đem lại nguồn lợi kinh tế đáng kể.

Để thực hiện mục tiêu đó, Hòa Vang đã và đang nỗ lực tìm hướng phát triển du lịch phù hợp với tiềm năng sinh thái, văn hóa của mình. Huyện đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu, đề xuất HĐND TP. Đà Nẵng ban hành Nghị quyết về thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Hòa Vang. Theo đó, từ năm 2022-2025, triển khai tối đa không quá 15 mô hình thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Trải nghiệm được làm những người nông dân, chăm sóc cho đàn gia súc sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ, mang tính giáo dục cho thiếu nhi khi tham quan, du lịch.

Mô hình thí điểm này tuân theo nguyên tắc khai thác không gian, cảnh quan sinh thái vùng sản xuất nông, lâm, nuôi trồng thuỷ sản để gia tăng giá trị kinh tế, tạo sinh kế mới cho người dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho khách du lịch trong ngày, người dân đô thị và trải nghiệm thực tế cho học sinh, sinh viên, không thay đổi mục đích sử dụng đất rừng, không thay đổi kết cấu và hiện trạng đất rừng, không làm thoái hóa tính chất và môi trường đất nông nghiệp, không gây ô nhiễm nguồn nước, không thay đổi cơ cấu cây trồng; hạng mục cơ sở vật chất được lắp dựng phải bằng vật liệu thô sơ, thân thiện với môi trường, không phá vỡ cảnh quan chung. Việc thực hiện mô hình thí điểm phải tuân theo nguyên tắc tỷ lệ tối thiểu 70% diện tích đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Thông tin từ UBND xã Hòa Phú, việc phát triển du lịch sinh thái dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có đã góp phần mang lại những đổi thay tích cực cho nền kinh tế địa phương và đời sống người dân. Chính quyền địa phương cũng quan tâm nắm bắt tình hình hoạt động, khai thác du lịch sinh thái trong giai đoạn thực hiện thí điểm Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của HĐND TP. Đà Nẵng  về khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Là một trong 2 mô hình khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp hữu cơ tại xã Hòa Phú đưa vào hoạt động thí điểm cuối tháng 4/2023, cơ sở Bana Rita Glamping Farm cung cấp dịch vụ trải nghiệm dành cho các hoạt động du lịch cắm trại, dã ngoại kết hợp rèn luyện kỹ năng sống cùng nông dân.

Vừa qua, Bana Rita Glamping Farm (Hoà Phú) và Trung tâm văn hóa lễ nghi URI Hàn Quốc đã ký kết chuyển giao nghi thức lễ trưởng thành, lễ cưới truyền thống văn hóa Hàn Quốc, đặt dấu ấn cho phát triển văn hoá xuyên quốc gia trong du lịch nông nghiệp Hoà Vang.

Ông Lê Thanh Tuấn, đại diện Bana Rita Glamping Farm cho hay: Nông trại rộng 50.000m2, trước đây trồng bưởi da xanh theo phương pháp hữu cơ. Năm 2022, khi tham gia Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang đến năm 2025, tôi đã mạnh dạn xây dựng dịch vụ du lịch sinh thái phù hợp với điều kiện nêu ra của Đề án.

Hướng đi của tương lai

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang, cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các cụm du lịch nông nghiệp, một số sản phẩm đặc sắc của loại hình này tại các cụm như: tour trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, làng nghề và nông nghiệp tại cụm Túy Loan - Thái Lai xã Hòa Nhơn và Hòa Phong (Nhà cổ Tích Thiện Đường của hộ ông Đỗ Hữu Minh; Đình Thái Lai; Làng nghề Bánh tráng Túy Loan; khu vực đình làng Túy Loan, đình làng Túy Loan, chùa Hưng Quang, chợ Túy Loan, Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Túy Loan…); các sản phẩm du lịch sinh thái cụm Trung Nghĩa- Đông Sơn Hòa Ninh như: Mẹ Ken, An Nhiên Farm…; các địa điểm du lịch nông nghiệp, canh nông tại Hoà Phú.

Theo ông Dũng, huyện Hoà Vang  tập trung ưu tiên bố trí vốn ngân sách đầu tư hỗ trợ địa phương xây dựng các vườn mẫu kinh tế, cải tạo vườn tạp theo tiêu chí NTM; vận động, khuyến khích nhân dân thực hiện xanh hóa tường rào, cổng ngõ; hàng rào xây, lưới sắt phủ xanh các loại cây bóng mát, dây leo để tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, thu hút du lịch nông thôn, tạo nên cái nhìn hấp dẫn cho du khách.

Hoà Vang cũng đã triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của HĐND TP. Đà Nẵng về việc thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang. Theo đó, sau khi Quyết định số 487/QĐ-UBND ngày 15/2/2022 về Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang được ban hành, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, các điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục xét chọn (Bộ tiêu chí đánh giá mô hình của nhà đầu tư; Quyết định thành lập Tổ thẩm định; Phát hành thông báo trên báo chí và Cổng thông tin điện tử huyện, xã; Tổ chức tiếp nhận, kiểm tra, phân loại và tổng hợp hồ sơ, thẩm định và phê duyệt mô hình).

Mô hình vườn cây khổ qua là một cảnh quan du lịch nông nghiệp đặc sắc tại An Phú Farm, xã Hoà Phú, huyện Hoà Vang.

Qua một thời gian đưa vào vận hành, các mô hình nông nghiệp du lịch đã chứng minh việc tích hợp đa ngành vào sản xuất nông nghiệp giúp cho nông nghiệp tăng giá trị lên gấp nhiều lần và có tiềm năng lớn trong việc phát triển kinh tế du lịch gắn với xây dựng NTM ở Hòa Vang hiện nay.

Các mô hình đều tạo việc làm tại chỗ cho khoảng 25 - 30 lao động địa phương (trung bình 8-10 lao động/mô hình, mức thù lao cơ bản 6-8 triệu/người/tháng), doanh thu đạt khoảng 3 tỷ đồng (Banarita Glamping Farm đạt 1,8 tỷ đồng, An Phú Farm đạt 600 triệu đồng, Vườn Nho thung lũng Nam Yên đạt 600 triệu đồng); góp phần tiêu thụ nông sản và sản phẩm đặc sản OCOP của huyện. Ngoài ra, các điểm du lịch nông nghiệp còn đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, dã ngoại của học sinh và người dân đô thị Đà Nẵng (hằng tháng, các khu Banarita Glamping Farm, An Phú Farm, Vườn Nho thung lũng Nam Yên đón 1.000-1500 khách du lịch).

Thời gian tới, huyện Hoà Vang sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch thành phố, Sở Du lịch tổ chức đợt khảo sát cho các doanh nghiệp lữ hành nghiên cứu, khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm tại Hòa Vang để xây dựng các sản phẩm du lịch, văn hóa, đề xuất tour tuyến cụ thể có thể liên kết giữa các điểm du lịch nông nghiệp, qua đó tăng thu nhập cho người dân địa phương.

 

Anh Vũ
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top