Với 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) đang tự tin phấn đấu trở thành thị xã đô thị mới vào năm 2025, bảo đảm sự phát triển bền vững trong tương lai.
Từ huyện nông thôn mới…
Còn nhớ, khi mới triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010), Hòa Vang có xuất phát điểm ban đầu rất thấp, chỉ có 4 xã đạt từ 9-15 tiêu chí, 6 xã đạt từ 5-8 tiêu chí và 1 xã đạt 4 tiêu chí; thu nhập bình quân chỉ đạt 15 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 18,25%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch trên địa bàn chỉ đạt 43%...
Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, đến tháng 11/2015, 10/11 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, còn xã Hòa Bắc đạt 17/19 tiêu chí, đủ điều kiện để công nhận huyện Hòa Vang đạt chuẩn nông thôn mới.
Qua nhiều năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, bộ mặt huyện Hòa Vang đã thay đổi đáng kể.
Ngày 31/12/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2513/QĐ-TTg công nhận huyện Hòa Vang đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện còn vinh dự là một trong 41 đơn vị cấp huyện trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua hoàn thành nông thôn mới sớm hơn so với kế hoạch đề ra. Đến năm 2016, cả 11 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Sau khi được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Hòa Vang đã ban hành bộ tiêu chí nâng chuẩn nông thôn mới cao hơn so với quy định của Trung ương để xây dựng nông thôn mới nâng cao. Huyện cũng thực hiện bộ tiêu chí xây dựng thôn kiểu mẫu nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 với 12 tiêu chí và triển khai thực hiện bước đầu ở 17 thôn để đánh giá rút kinh nghiệm, nhân rộng vào các năm tiếp theo. Việc triển khai thực hiện các bộ tiêu chí này đã góp phần tạo diện mạo mới trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Đây được xem là cách làm mới, là tiêu chí số 20 của Hòa Vang để xây dựng nông thôn mới bền vững.
Trong giai đoạn 2010-2020, tổng nguồn vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hòa Vang là 4.853 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hơn 465 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 635 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình khác (giảm nghèo, hỗ trợ có mục tiêu) 1.714 tỷ đồng, vốn tín dụng 1.013 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 29 tỷ đồng, vốn cộng đồng dân cư 990 tỷ đồng.
Năm 2020, tất cả 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Năm 2020, huyện được Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen và Cờ về thành tích đơn vị xuất sắc phong trào thi đua “cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”. Đặc biệt, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn... đồng bộ. Đây cũng là cơ sở để huyện có 8/11 xã được công nhận đạt tiêu chuẩn xã đô thị loại 5.
Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, tổng nguồn vốn được huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại huyện Hòa Vang là hơn 2.160 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố bố trí xây dựng nông thôn mới hơn 341 tỷ đồng, ngân sách lồng ghép là 1.472 tỷ đồng, nguồn vốn vay 184 tỷ đồng, vốn huy động từ người dân hơn 162 tỷ đồng... Trong 2 năm 2021 và 2022, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã công nhận 5 xã Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Khương, Hòa Phong đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh đó, có 6 thôn được công nhận thôn kiểu mẫu nông thôn mới, nâng tổng số thôn kiểu mẫu lên 22 thôn.
Thành công trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã làm cho diện mạo nông thôn huyện Hòa Vang có những đổi thay mạnh mẽ, hạ tầng nông thôn phát triển nhanh; nhiều vùng sản xuất chuyên canh, mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng; đời sống kinh tế, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Thu nhập bình quân trên địa bàn huyện Hòa Vang đến năm 2022 đạt 56 triệu đồng/người và tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn thành phố) giảm từ 16,52% (năm 2012) xuống còn 1,91% (năm 2022); tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên khu vực nông thôn đạt 98%.
... Đến thị xã xanh
Từ năm 2022 đến nay, huyện Hòa Vang đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, một trong những mục tiêu trọng tâm là phấn đấu đến năm 2025, huyện Hòa Vang được công nhận là thị xã Hòa Vang.
Ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang (người ngồi đầu tiên) trong một lần tiếp xúc với Nhân dân.
Theo ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị xanh là một hướng đi nhằm giúp huyện nhanh chóng hoàn thành 18 tiêu chuẩn còn lại để đạt đô thị loại 4, trở thành thị xã vào năm 2025.
Thực hiện mục tiêu trên, trước hết, huyện sẽ chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan cung cấp thông tin, tiếp tục thu thập số liệu đầu vào và định hướng quy hoạch để đơn vị tư vấn nghiên cứu trong quá trình lập quy hoạch chung đô thị mới Hòa Vang. Chủ động phối hợp đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan tổng hợp các ý kiến góp ý của các bộ, ngành Trung ương, tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch.
Đồng thời, đề xuất quy hoạch chung đô thị mới Hòa Vang đang thực hiện tách khỏi ranh giới quy hoạch đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 do cùng tỷ lệ bản đồ 1/10.000, cùng cơ quan phê duyệt.
Huyện cũng kiến nghị điều chỉnh ranh giới nội ngoại thị dự kiến của thị xã Hòa Vang tương lai trong quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐTTg ngày 2/11/2023. Tuy nhiên, để huyện Hòa Vang trở thành thị xã, cần phải hoàn thành 6 nhiệm vụ lớn và dự kiến thời gian hoàn thành các công việc gồm: lập đồ án quy hoạch chung đô thị Hòa Vang vào tháng 2/2025; lập chương trình phát triển đô thị vào tháng 9/2025; lập quy hoạch phân khu các khu vực dự kiến lên phường vào tháng 1/2026; lập đề án công nhận đô thị loại IV trong tháng 4/2026; báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị của khu vực dự kiến thành lập phường trong tháng 6/2026; lập đề án thành lập thị xã, thành lập xã lên phường tháng 12/2026.
Huyện cũng tập trung phát triển kinh tế nông thôn; phát triển các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, có các liên kết tiêu thụ ổn định; triển khai hiệu quả thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện; phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện Hòa Vang đạt 85 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện Đề án chuyển đổi số trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025; thí điểm mô hình chuyển đổi số xã, thôn nông thôn mới thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội; mô hình xã thương mại điện tử cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực.
Ông Tôn chia sẻ thêm, trên hành trình “chuyển mình”, Hòa Vang sẽ không đánh mất “làng quê yên bình” của mình để lấy một “đô thị không bản sắc”. Hòa Vang tiếp tục đi lên từ thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên phong phú, khai thác du lịch tích hợp đa ngành phù hợp với tiềm năng sinh thái và văn hóa của mình.
Việc lập quy hoạch chung đô thị Hòa Vang trong thời gian tới đây nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển huyện được xác định trong quy hoạch thành phố Đà Nẵng là xây dựng Hòa Vang trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, logistics, dịch vụ du lịch sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao của thành phố; phát triển theo hướng đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi, đô thị hóa có bản sắc riêng, gắn với xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân... Với ý tưởng ấy, Hoà Vang ghi nhận và mong muốn tiếp tục có sự đồng hành từ các cơ quan báo chí, truyền thông, trong đó có Tạp chí Kinh tế nông thôn, nhằm tuyên truyền, vận động Nhân dân cũng như góp phần định hướng dư luận trong mục tiêu phấn đấu trở thành thị xã Hoà Vang trong tương lai”, ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang, nhấn mạnh. |
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.