Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ hai, ngày 17 tháng 4 năm 2023 | 15:10

Khát vọng vươn lên làm giàu từ nông nghiệp

Phát huy lợi thế về phát triển nông nghiệp, những năm gần đây, sự liên kết giữa người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đã tạo thành vùng nguyên liệu ổn định, bền vững, thích ứng với cơ chế thị trường ở huyện Quang Bình (Hà Giang).

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả

Bằng sự năng động, sáng tạo, thay đổi tư duy từ thứ mình có thể làm ra sang thứ thị trường cần, hơn 5 năm nay, ông Hoàng Văn Dũng (thôn Then, xã Xuân Giang) đã chuyển đổi đất lúa sang trồng su su.

Ông Dũng cho biết: Trồng su su hiệu quả gấp 5-7 lần so với lúa, mỗi vụ kéo dài 5 tháng và cho thu nhập khoảng 80 - 100 triệu đồng. Su su dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sử dụng phân hữu cơ. Su su dễ tiêu thụ, nhiều lúc không có đủ để cung cấp cho các nhà hàng, giá bán 15.000 - 20.000 đồng/kg. Từ những tín hiệu tích cực, ông Dũng đang có ý tưởng xây dựng mô hình trồng su su kết hợp với du lịch trải nghiệm để tăng thu nhập.

Dồn điền, đổi thửa để sản xuất lạc hàng hóa tại thị trấn Yên Bình (Quang Bình).

Cùng đó, việc tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đa dạng hơn rất nhiều, ngoài sự hỗ trợ của các ngành, chính những người nông dân vốn chỉ quen với ruộng đồng đã bắt nhịp cùng với tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất.

Chị Vũ Thị Kim Nhi (thôn Tân Tiến, xã Tiên Nguyên) cho biết: “Nhờ phát triển mô hình sản xuất và kinh doanh ổi lê Tiên Nguyên chất lượng cao gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ trong thôn. Với mục tiêu xây dựng sản phẩm OCOP mang thương hiệu đặc trưng riêng của địa phương, tôi sẽ mở rộng quy mô trồng từ 1.000 cây ổi lê lên 3.000 cây, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường”.

Những mô hình hiệu quả

Huyện Quang Bình hiện có 4 hợp tác xã, 15 tổ hợp tác trồng cam và 1 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã, 5 tổ sản xuất liên kết trồng, chế biến tiêu thụ sản phẩm chè. Đối với những loại cây trồng chủ lực hàng năm như: lúa, ngô, lạc, người dân tập trung thâm canh, cải tạo nguồn giống và sử dụng giống tốt, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng.

Hộ gia đình tham gia mô hình thâm canh cam theo chuỗi giá trị tại xã Hương Sơn kiểm tra quả cam trước khi thu hoạch.

Điển hình như hộ ông Hoàng Văn Hành (thôn Trung, xã Bằng Lang) có thu nhập 260 triệu đồng/năm từ nuôi gà; mô hình trồng cam, trồng rừng, nuôi trâu và kinh doanh vật liệu xây dựng của hộ ông Hoàng Thế Rụ (thôn Xuân Hà, xã Yên Hà) cho thu nhập 1 tỷ 400 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi lợn, gà ấp trứng và nuôi cá của hộ Nông Văn Vịnh (thôn Thượng Minh, xã Vĩ Thượng) cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm; mô hình sản xuất và chế biến chè theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP của hộ Phùng Sùn Chòi (thôn Minh Sơn, xã Xuân Minh) cho thu nhập trên 380 triệu đồng/năm; mô hình trồng cam và chăn nuôi tổng hợp của hộ ông Đặng Hồng Minh (thôn Buông, xã Tiên Yên) cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi lợn, kinh doanh vật liệu xây dựng của hộ Hoàng Văn Khoa (thôn Tân Lập, xã Tân Trịnh) cho thu nhập trên 600 triệu đồng/năm; mô hình sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ Lý Chàn Tòng (thôn Tân Tiến, xã Tiên Nguyên) cho thu nhập trên 800 triệu đồng/năm; mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của hộ ông Nguyễn Ngọc Đường (thôn Hạ Quang, xã Vĩ Thượng) cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm; mô hình nuôi lợn rừng sinh sản và thương phẩm của gia đình ông Ngô Văn Huynh (thôn Thượng, xã Bằng Lang) duy trì 200 con,  thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm...

Đặc biệt, có mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm cho thu nhập 2-3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương như mô hình trồng cam, chăn nuôi gà, nuôi cá của hộ Nguyễn Đức Nghĩa (thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn), thu nhập 2,5 tỷ/năm; mô hình trồng rừng, trồng cam, nuôi cá của hộ ông Trưởng Văn Định (thôn Chàng Mới, xã Yên Hà), thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm.

Mô hình nuôi lợn rừng của hộ anh Nông Văn Huynh, thôn Thượng, xã Bằng Lang.

Hộ ông Nguyễn Đức Nghĩa (thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn) thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm, với bạt ngàn cam chín vàng khắp các triền đồi kết hợp nuôi gà. Ông Nghĩa cho biết: “Vợ chồng tôi từ Tuyên Quang lên đây liên kết với 18 hộ trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi gà. Với hơn 20ha cam, mỗi năm cho thu trên 300 tấn quả, giá trên 10 nghìn đồng/kg như năm nay, riêng tiền cam đã cho thu nhập hơn 3 tỷ đồng, chưa kể tiền từ bán gà”.

Anh Nông Văn Thánh (thôn Hạ Quang, xã Vĩ Thượng) thực hiện cải tạo vườn tạp, chăn nuôi dê vỗ béo, nuôi chim bồ câu. Bí thư Chi bộ thôn Hạ Quang cho biết: Anh Thánh bị tàn tật sau một cơn tai biến năm 2015. Được sự giúp đỡ của xã, thôn và bà con hàng xóm, anh đã cố gắng vươn lên, cải tạo vườn tạp, nuôi dê, chim bồ câu, hiện có thu nhập 6-8 triệu đồng/tháng.

Qua tìm hiểu, thấy nhu cầu thị trường ngày càng muốn được ăn thực phẩm ngon, sạch, anh Hoàng Văn Huynh (thôn Thượng, xã Bằng Lang) bàn với vợ vay vốn đầu tư vào chăn nuôi lợn rừng giống và thương phẩm. Anh Huynh chia sẻ: Với gần 2ha đất vườn, tôi cải tạo trồng cam VietGap, mỗi năm thu hoạch 1,5-2 tấn quả và trồng chuối làm thức ăn cho lợn. Hàng năm gia đình luôn duy trì nuôi khoảng 200 con lợn lai rừng sinh sản và lợn thương phẩm. Mỗi năm gia đình có thu từ cam và lợn 200 - 250 triệu đồng…

Sản phẩm cam Sành của huyện Quang Bình được Công ty TNHH Gia Long (Hà Giang) chế biến thành rượu cam.

Khát vọng vươn lên làm giàu

Ông Tăng Trung In, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, cho biết: Năm 2023, huyện phấn đấu tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt trên 43 nghìn tấn, giá trị sản phẩm thu hoạch trên đất trồng cây hàng năm đạt 78 triệu đồng/ha. Với các cơ chế, chính sách, các chương trình, đề án của tỉnh, huyện đã và đang triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân từng bước chuyển dịch tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho người dân, huyện chú trọng đầu tư phát phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đánh giá tiềm năng, thu hút đầu tư phát triển một số nông sản đặc trưng theo chuỗi giá trị, nhất là cam sành, chè Shan tuyết, làm đa dạng thêm các sản phẩm OCOP, tiến tới xuất khẩu.

Có thể thấy, mỗi người một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, nhưng người dân huyện Quang Bình đều có khát vọng vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững bằng những việc làm, mô hình cụ thể.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top