Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 2 năm 2024 | 13:53

Khơi dậy tiềm năng khu vực nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Ninh Thuận đang phấn đấu đến cuối năm 2024 có từ 20 - 30 sản phẩm mới đạt chứng nhận OCOP; trong đó có thêm từ 2 - 5 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao; 1 - 2 sản phẩm chăn nuôi đạt chuẩn từ 3 - 4 sao.

Thu hoạch nho tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Để phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các trang trại, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh cùng tham gia sản xuất. Địa phương phấn đấu ít nhất có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 40% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống của địa phương. Tỉnh đặt mục tiêu có 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng chia sẻ, tham gia Chương trình OCOP là các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa.

Các sản phẩm được phân theo 6 nhóm gồm: Nhóm thực phẩm với các mặt hàng nông, thủy sản tươi sống, sơ chế, chế biến và các thực phẩm khác; nhóm đồ uống có cồn, đồ uống không cồn; nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu với mặt hàng thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu, thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm có thành phần từ thảo dược…; nhóm hàng thủ công mỹ nghệ gồm các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may, thêu ren… làm đồ lưu niệm, đồ trang trí, đồ gia dụng; nhóm sinh vật cảnh là hoa, cây cảnh, động vật cảnh; nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, điểm du lịch.

Mỗi sản phẩm OCOP đều phải được phát huy từ tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương, từ sự sáng tạo gắn với giá trị cộng đồng trong sản xuất, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị. Qua đó, phát triển các sản phẩm đặc sản có giá trị cao về kinh tế và văn hóa, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, phát triển bền vững các sản phẩm hàng hóa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, các sản phẩm đặc thù và sản phẩm tiềm năng có thể phát triển thành sản phẩm OCOP của tỉnh trong năm nay dự kiến là 65 sản phẩm đến từ các huyện: Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Ngoài việc phát triển sản phẩm, tổ chức thi, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thường niên, Sở sẽ hỗ trợ chi phí bao bì, in tem; xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP; hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên thực tế. Đồng thời, Sở tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ thực hiện chương trình OCOP các cấp, cá nhân tham gia chương trình; hỗ trợ tổ chức hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP cho các chủ thể có sản phẩm đạt chuẩn.     

Năm 2023, Ninh Thuận đã đầu tư gần 4,5 tỷ đồng để phát triển thêm các sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Toàn tỉnh đã có 65 sản phẩm của 37 chủ thể được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao, 56 sản phẩm đạt 3 sao thuộc nhóm ngành hàng thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, thảo dược, đồ uống và ngành dịch vụ du lịch nông thôn.

 

https://baotintuc.vn/dia-phuong/khoi-day-tiem-nang-khu-vuc-nong-thon-gan-voi-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-20240222084646088.htm

 

Công Thử (TTXVN)
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top