Thời gian gần đây, sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc liên tục bị phản ánh về chất lượng chưa đảm bảo, một số quả thối hỏng không thể chín vì trái bị cắt non... Nếu tình trạng này tiếp diễn, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đáng lo ngại.
Nguy cơ mất uy tín thương hiệu
Mang về 1,2 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả 8 tháng năm 2023, sầu riêng là nhóm hàng đóng góp lớn cho kỷ lục của rau quả. Đặc biệt, đà tăng của loại trái cây này được dự báo còn tiếp tục bởi đây là lợi thế của Việt Nam khi sầu riêng của các nước Đông Nam Á khác đã hết vụ.
Bên cạnh tín hiệu tích cực về thị trường và giá bán sau khi xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, ngành hàng sầu riêng cũng đối mặt nhiều khiếu nại về chất lượng.
Cụ thể, bà Đinh Anh Minh, Giám đốc Công ty AIKA Group (tại TP.Tsukuba, tỉnh Ibraki, Nhật Bản) cho biết, đầu tháng 8, công ty bà mua 2 kiện hàng với 13 quả sầu riêng tươi nhập khẩu từ Việt Nam đưa về cửa hàng bán lẻ. Trong số đó, chỉ có 1 quả sầu riêng chín được, 2 quả bị sượng hoàn toàn, 2 quả bị non không thể chín, số còn lại thì bị nứt vỏ, cơm bị chua, quả thì 4 - 5 múi bóc ra chỉ lấy được 1 - 2 múi. “Nhập quả tươi mà phải bóc bán múi nên chỉ thu hồi được 20% vốn”, bà Minh nói.
Tương tự, bà Lê Thị Kiều Oanh, Giám đốc Công ty Apple LCC (văn phòng đặt tại Tokyo, Nhật Bản), cho biết, doanh nghiệp có nhiều năm nhập khẩu trái cây Việt Nam phân phối ở thị trường Nhật Bản, cũng nhập phải 1 lô hàng sầu riêng non khiến doanh nghiệp (DN) lỗ nặng, mất khách.
Theo đó, lô hàng 2,1 tấn sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam với giá 210.000 đồng/kg. Khi đến Nhật Bản, toàn bộ hàng được phân phối cho cửa hàng bán lẻ đặt trước. Sau vài ngày giao hàng, đối tác tới tấp điện thoại phản ánh sầu riêng không chín, quả chín được thì cơm sống sượng, không ngọt, mùi chua…
Sầu riêng mang lại thu nhập cao cho người nông dân huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.
Sau đó, DN phải thu hồi toàn bộ sầu riêng để kiểm tra thì có 70% số trái bị thối hỏng. “Chỉ riêng lô hàng này, chúng tôi lỗ 300 triệu đồng. Sau rất nhiều lần thương lượng, đối tác Việt Nam chấp nhận chia sẻ 50% tiền lỗ nhưng thiệt hại lớn nhất chính là mất đi niềm tin, uy tín với đối tác, người tiêu dùng ở Nhật Bản”, bà Oanh nói.
Bà N.T.T, chủ DN ở Tiền Giang chuyên xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, cho rằng, thị trường sầu riêng đang loạn giá dẫn đến loạn chất lượng. Không chỉ ở Nhật Bản, thị trường Trung Quốc vừa qua có nhiều lô hàng sầu riêng bị thối hỏng, không thể chín do người bán cắt non.
Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho biết, Bộ đã nhận được phản ánh từ các doanh nghiệp xuất khẩu về tình trạng sầu riêng bị cắt non, chất lượng không đảm bảo, sang đến thị trường nhập khẩu bị thối hỏng phải đổ bỏ. Dù số lượng các lô hàng này không nhiều nhưng tác động rất tiêu cực đến uy tín, hình ảnh sầu riêng Việt Nam.
Việc chất lượng sầu riêng xuất khẩu nảy sinh nhiều vấn đề, thị trường tranh mua, tranh bán, bát nháo như hiện nay, theo các chuyên gia, lý do một phần nằm ở lòng tham của chủ vườn, thương lái; song phần lớn là trách nhiệm thuộc về các cơ sở đóng gói xuất khẩu. Bởi vì, nếu cơ sở đóng gói kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng đưa vào, không chấp nhận lô hàng kém chất lượng thì làm sao thương lái dám mua hàng non, chủ vườn cho cắt bán trái non.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty xuất - nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), phân tích: Vấn đề lớn nhất của ngành hàng sầu riêng hiện nay là chưa có bất cứ quy định nào để kiểm soát chất lượng. Trong khi Thái Lan, nông dân được tập huấn hướng dẫn rất kỹ về quy trình canh tác, nếu chất lượng đảm bảo mới được phép cắt bán cho DN. Chính vì cách quản lý này, sầu riêng của Thái Lan có chất lượng đồng nhất.
Cần có quy định về tiêu chuẩn chất lượng
Đưa ra giải pháp để xuất khẩu sầu riêng bền vững, bà Vy cho rằng, Nhà nước cần có quy định về tiêu chuẩn chất lượng bắt buộc phải thực hiện đối với quả sầu riêng.
“Chúng tôi luôn ao ước, các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng cơ sở dữ liệu lớn quản lý sầu riêng từ mã số vùng trồng, sản lượng, cơ sở đóng gói để minh bạch tất cả thông tin. Cùng với đó là quy định về tiêu chuẩn chất lượng bắt buộc phải thực hiện, có chế tài nếu vi phạm để nhà vườn phải tuân thủ. Khi đó, DN không còn phải “năn nỉ” nông dân giữ chất lượng; sẽ loại bỏ được tư duy cắt bán hàng non để được giá cao, thương lái gom hàng non cho kịp chợ như hiện nay. Tất cả đều phải tuân thủ nguyên tắc chung về tiêu chuẩn chất lượng để xây dựng thương hiệu quốc gia trái sầu riêng”, bà Vy nói.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta kết hợp giữa việc siết chặt quản lý Nhà nước và quản lý Nhà nước chuyên ngành ở địa phương. Siết chặt ở địa phương không có nghĩa là Bộ Nông nghiệp và PTNT thoái thác trách nhiệm vì ngành hàng sầu riêng là hình ảnh của nền nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, các DN cũng cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, mã số vùng trồng mới dừng ở việc khuyến khích mà chưa bắt buộc, nên tới đây sẽ là yêu cầu bắt buộc. Tất cả phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, không còn tình trạng tự phát. Phải nhận thức rõ phát triển bền vững ở đây không phải là cây sầu riêng bền vững mà là con người tham gia vào chuỗi ngành hàng sầu riêng bền vững.
“Do đó, tất cả các chủ thể phải có niềm tin và phải quyết tâm giải quyết cho được vấn đề “nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Được biết, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn việc thu hoạch và bán sầu riêng chưa chín, Thái Lan tuyên bố đây là hành vi phạm tội và có thể chịu hình phạt lên đến 3 năm tù. Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã thông tin với những người trồng sầu riêng, người thu hoạch và thương lái rằng, việc bán những quả sầu riêng chưa phát triển đầy đủ là vi phạm pháp luật.
Do vậy, thời gian tới, các địa phương ngoài việc tích cực mở rộng mã số vùng trồng mới, phải nâng cao chất lượng mã số vùng trồng, chấn chỉnh giám sát chất lượng, sản lượng phù hợp với mã số vùng trồng, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc.
Đối với DN, HTX, vi phạm nhiều lần cần thu hồi mã số vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói để xây dựng thương hiệu cho sầu riêng Việt Nam, hướng tới mục tiêu xuất khẩu bền vững và chuyên nghiệp.
Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” với chủ đề: “Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn”, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức mới đây đã truyền tải những thông điệp, phổ biến những cơ chế, chính sách mới và quan trọng đến với bà con nông dân trên cả nước, trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang hướng tới phát triển bền vững và giảm phát thải carbon.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Khi những làn gió se lạnh tràn về, TP. Thái Nguyên bừng sáng trong ánh đèn lung linh, và KĐT Danko City một lần nữa trở thành tâm điểm với không gian lễ hội Giáng sinh độc đáo, đầy màu sắc. Đặc biệt năm nay, Danko City đã mang đến một sự kiện chưa từng có - 300 ông già Noel cùng nhảy flashmob và trao quà cho trẻ em.