Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 8 tháng 1 năm 2023 | 21:27

Kinh tế nông nghiệp Bến Tre bắt đầu từ 3 "Ch"

Đó là “chuẩn”, “chuỗi” và “chợ”. Dù trước hay sau, thì 3 “ch” vẫn phải đi cùng nhau mới ra được thị trường và đến tay người tiêu dùng. Thực tế, chính người nông dân trong thời đại ngày nay cần thuộc nằm lòng 3 “từ khóa” đó để tổ chức lại sản xuất nông nghiệp (NN).

Dừa nguyên liệu hữu cơ được đưa vào nhà máy chế biến, xuất khẩu tại Khu công nghiệp Giao Long (Châu Thành). Ảnh: Cẩm Trúc

 

Từ chuyện cây dừa 3 “Ch”

Câu chuyện Bến Tre thể hiện quyết tâm và nghiêm túc bắt tay vào xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh bắt đầu từ cách đây 6 năm. Khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm NN chủ lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Đến nay, chuỗi cây dừa và bưởi da xanh được đánh giá là 2 chuỗi hình thành rõ nét nhất (so với 6 sản phẩm khác là chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò và tôm biển). Trong đó, mạnh nhất là chuỗi dừa.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chuỗi sản phẩm dừa là chuỗi lớn nhất thể hiện đầy đủ đặc điểm chuỗi sản phẩm, có hiệu quả và tạo ra giá trị tăng thêm khá lớn cho ngành dừa của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có hơn 18 ngàn ha tham gia chuỗi, đạt trên 24% tổng diện tích dừa toàn tỉnh. Có 52 tổ hợp tác và 18 hợp tác xã tham gia liên kết tổ chức sản xuất trong chuỗi.

Khoảng 30% sản lượng dừa trái của tỉnh tham gia chuỗi được chế biến sâu, đa dạng sản phẩm và thâm nhập vào được thị trường lớn của thế giới và khu vực. Qua đó, từng bước đưa dừa Bến Tre trở thành thương hiệu dừa Việt Nam được các thị trường lớn như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ rất quan tâm.

Phấn khởi bước đầu là vậy. Nhưng hãy bước ra chợ của thế giới để quay về và nhận thấy chuỗi dừa của tỉnh cần hoàn thiện hơn về chuẩn và chuỗi. Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức không ít lần tự hỏi: Vì sao Thái Lan có nhiều sản phẩm dừa với đa dạng, phong phú về mẫu mã. Sản phẩm của họ xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Nói đến sản phẩm dừa là nói đến thương hiệu Thái Lan. Trong khi, dừa Bến Tre trước nay vẫn tự hào là chất lượng hàng đầu thế giới và công nghệ sản xuất đã tiệm cận các nước tiên tiến.

Trong chuyến đi học tập kinh nghiệm tại Ấn Độ mới đây cùng đoàn công tác tỉnh, người cán bộ ngành NN phụ trách chuyên sâu về cây dừa Huỳnh Quang Đức lại tiếp tục thắc mắc: Mặc dù nhiều doanh nghiệp ngành dừa của các nước trên thế giới đang gặp khó khăn chung về thị trường tiêu thụ, ảnh hưởng đến giá dừa giảm và thiếu ổn định, nhưng tại Ấn Độ, tại sao giá dừa vẫn luôn ở mức cao và ổn định.

Quyết tâm tìm cho được lời giải trong chuyến đi. Qua kết quả tìm hiểu, ông vui mừng chia sẻ ngay cho chúng tôi bằng những dòng tin và hình ảnh sản phẩm dừa qua Zalo. Ông nhắn: “Lĩnh vực sản xuất chế biến dừa, tạo chuỗi giá trị cây dừa tại Ấn Độ rất hay. Ấn Độ khai thác rất tốt sản phẩm làm từ trái dừa và thân cây dừa. Điều này, Bến Tre tiếp tục học tập”.

Ông Huỳnh Quang Đức phân tích: Mỗi trái dừa, thành phần cơm dừa chiếm 30%, vỏ dừa 33%, gáo dừa 15%, nước dừa 22%. Tuy nhiên, Bến Tre chỉ tập trung khai thác tốt các sản phẩm chế biến từ cơm dừa. Ấn Độ thì khai thác hết các sản phẩm khác. Đến nay, Ấn Độ vẫn là cường quốc số 1 về chế biến các sản phẩm từ chỉ xơ dừa, gáo dừa. Ấn Độ cũng là cường quốc hàng đầu về than hoạt tính. Đó là lý do vì sao Bến Tre chưa tạo được giá trị tăng thêm cho chuỗi dừa nói chung và trái dừa như Ấn Độ.

Trong chuyến làm việc với Bến Tre về phát triển kinh tế NN, thủy sản và biến đổi khí hậu vào giữa tháng 10-2022, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh: Hiện nay, tiêu dùng “xanh” là xu thế tất yếu của thị trường. Điều này đòi hỏi ngành NN cần đổi mới tư duy, có những hành động cụ thể mới đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cần mạnh dạn ra thị trường thế giới và hiểu hơn về cơ chế kinh tế thị trường để thay đổi từ tư duy sản xuất NN sang tư duy kinh tế NN. Trước khi bắt tay vào sản xuất phải trả lời cho được câu hỏi: sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào và sản xuất cái gì?

… Đến xuất khẩu trái bưởi sang Hoa Kỳ

Sự kiện lễ công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ được tổ chức tại tỉnh vào cuối tháng 11-2022, đến nay vẫn đang là tin thời sự vui nhất cho người trồng bưởi nhân dịp đầu Xuân Quý Mão 2023.

Điều này chứng minh được chủ trương của tỉnh về liên kết sản xuất là hết sức đúng đắn và phù hợp với xu thế thị trường thế giới hiện nay; và là thành quả lao động rất đáng trân trọng của các hợp tác xã. Đồng thời, mở ra một hành trình mới của trái bưởi khi đã “bước chân” vào được “chợ” Hoa Kỳ. Với niềm tin về sự tiêu thụ ổn định và bền vững nhưng bù lại, chợ sẽ rất khắt khe vì luôn luôn yêu cầu chuẩn - chất.

Hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre (huyện Châu Thành) là đơn vị sản xuất, xây dựng mã vùng trồng và cơ sở đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Công ty cổ phần Tập đoàn XNK trái cây Chánh Thu, huyện Chợ Lách là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản đã liên kết với hợp tác xã để đưa trái bưởi vào thị trường Hoa Kỳ.

Qua sự kiện này, nhà vườn mới thật sự “thẩm thấu” một điều là cần phải cùng nhau tổ chức sản xuất theo chuẩn. “Bưởi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, oai nhưng thực tế rất khó. Qua tuyển lựa bưởi xuất khẩu của doanh nghiệp tại vườn trồng, tỷ lệ bưởi đạt tiêu chuẩn chưa đến 10% sản lượng của vườn”, ông Nguyễn Văn Thạch - Thường trực Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre bộc bạch.

Theo ông Nguyễn Văn Thạch, muốn có sản lượng đảm bảo đủ cung ứng về lâu dài thì bắt buộc nhà vườn phải tuân thủ sản xuất theo một quy trình chuẩn. Hiện nay, tỉnh đã được cấp 25 mã số vùng trồng bưởi da xanh xuất khẩu sang thị trường EU và Hoa Kỳ (trong đó Hoa Kỳ được cấp 11 mã số). Đây cũng chỉ là một điều kiện để xuất khẩu. Để duy trì khai thác được thị trường này hay không là câu chuyện còn lại của nhà vườn, thành viên hợp tác xã.

“Hướng tới không cách nào khác là cần các sở, ngành hỗ trợ hợp tác xã, nhà vườn xây dựng một mô hình điểm từ 10 - 15ha ở vùng trồng đã cấp mã code, xây dựng quy trình từ khâu giống, chăm sóc đến đầu ra đạt chuẩn xuất khẩu”, ông Nguyễn Văn Thạch nhấn mạnh.

Liên quan câu chuyện kinh tế NN Bến Tre, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: “Phải nhìn nhận đúng rằng cây dừa hay cây bưởi đều không phải là yếu tố quyết định mà con người mới quyết định. Con người đó là nông dân”.

“Hiện nay, tất cả nghị quyết của Đảng đã chỉ đạo chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tức là chuyển từ tư duy sản lượng sang tư duy về giá trị và phải kích hoạt cho được đầu ra, để mở rộng không gian thị trường cho sản phẩm. Việc tạo ra thị trường là tối quan trọng. Bên cạnh xuất khẩu, hãy bắt đầu quan tâm và chăm sóc từ thị trường nhỏ, nhất là các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, các siêu thị nhỏ tại địa phương. Các chuyên gia nước ngoài khẳng định chắc nịch: Chừng nào các ông làm thị trường nội địa tốt thì chúng tôi mới có niềm tin về sản phẩm của các ông ở thị trường nước ngoài”.

(Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan)

 

 

Cẩm Trúc/Báo Đồng Khởi
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Chiều 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)-những người giữ vai trò "giữ lửa và truyền lửa" bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

  • Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Chiều 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án bảo tồn, tôn tạo Khu đề kháng Him Lam thuộc di tích quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ, lễ gắn biển tuyến đường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và tuyến đường mang tên anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

  • Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta không bao giờ quên các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ "dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân" để góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử, sau 70 năm vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

Top