Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 31 tháng 8 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 8 năm 2024 | 10:41

Kinh tế nông nghiệp Hải Phòng chuyển dịch đúng hướng, hiệu quả

Hải Phòng là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 45), với những định hướng cụ thể, rõ ràng cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Hải Phòng đã có sự chuyển dịch đúng hướng.

Sau những kết quả đạt được, nông nghiệp của Hải Phòng phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất… Qua đó nâng cao đời sống, vật chất của người dân, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.

Tiềm năng phát triển nông nghiệp

TP. Hải Phòng là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất, nước, biển, rừng, đa dạng sinh học… để phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Hải Phòng là địa phương có tiềm năng để phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Với diện tích đất nông nghiệp trên 81.000 ha, chiếm 53,26% tổng diện tích tự nhiên (trong đó, có trên 41.000 ha đất trồng lúa, khoảng 2.000 ha đất trồng cây hàng năm, trên 5.000 ha đất trồng cây lâu năm; diện tích đất rừng khoảng 18.000 ha). Cùng với đó là hệ thống vũng, vịnh, áng, bán đảo và đảo ven bờ rất thuận lợi cho phát triển thủy sản, là ngư trường có nguồn lợi thủy hải sản phong phú (Lan Hạ, Cát Bà, Cát Hải…).

Thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để Nghị quyết 45 đi vào cuộc sống, trong giai đoạn (2019-2023) hàng loạt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hải Phòng được ban hành để từng bước cụ thể hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, với quyết tâm thực hiện thành công đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp Hải Phòng.

Từ đó, nông nghiệp TP. Hải Phòng chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2019-2023 là 1,53%/năm (tăng 0,11 phần trăm so với giai đoạn 2014-2018 là 1,42%/năm). Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (NLTS) năm 2023 đạt trên 26.000 tỷ, gấp 1,24 lần năm 2018. Giá trị tăng thêm khu vực NLTS năm 2023 đạt trên 13.000 tỷ, gấp 1,26 lần năm 2018.

Mô hình trồng dưa ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 45, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu chia sẻ: “Nghị quyết 45 ra đời là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của Hải Phòng với những định hướng rất rõ ràng, cụ thể, những cơ chế, chính sách đủ mạnh để thành phố phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, bứt phá mạnh mẽ. Người dân Hải Phòng vui mừng, phấn khởi khi nghĩ về một TP. Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước. Những thành tựu mà TP. Hải Phòng đạt được trong 5 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương, định hướng của Nghị quyết 45 và Nghị quyết đang thực sự đi vào cuộc sống trên địa bàn thành phố”.

Nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng

Nông nghiệp của TP. Hải Phòng tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của toàn thành phố (3,4%) nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, thu nhập cho nông dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và cung cấp “đầu vào” lương thực, thực phẩm phục vụ cho khu vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch của thành phố.

Từ thực tế đó, nông nghiệp Hải Phòng vẫn là nền tảng cho ổn định đời sống trong nhân dân. Cùng với sự phát triển kinh tế, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp từ 56,73% năm 2019 xuống 55,23% năm 2023; tỷ trọng thủy sản tăng từ 43,08% năm 2019 lên 44,60% năm 2023 và thủy sản duy trì là ngành sản xuất mũi nhọn của thành phố.

Thủy sản duy trì là ngành sản xuất mũi nhọn của TP. Hải Phòng.

Trong ảnh: Mô hình VAC của anh Phạm Trung Hiếu, xã Mỹ Đức, huyện An Lão.

Đây là thực tế tất yếu, đảm bảo sự thích ứng, hội nhập của nền kinh tế. Cũng chính từ sự chuyển dịch cơ cấu đó đã giúp ngành nông nghiệp Hải Phòng ngày càng phát triển, là động lực phát triển của toàn ngành kinh tế.

Trong lĩnh vực trồng trọt, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng đưa nhanh các sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, dễ tiêu thụ vào sản xuất, gắn với áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới.

Tiếp tục hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây trồng, vật nuôi (đến năm 2023, diện tích gieo trồng đạt 84,4 nghìn ha, giảm 8,7 nghìn ha so với năm 2019; diện tích cây lâu năm đạt 8,44 nghìn ha, tăng 584,3 ha so với năm 2019).

Hiện nay, TP. Hải Phòng có trên 20.000 ha sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa, tại một số địa phương đã hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung phục vụ nhà máy chế biến như vùng ổi (tại huyện Kiến Thụy và thị trấn Vĩnh Bảo) vùng thanh long (tại xã Bát Trang, huyện An Lão).

Xã Bát Trang là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất của TP. Hải Phòng.

Là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất Hải Phòng, ông Phan Viết Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Bát Trang, huyện An Lão, TP. Hải Phòng cho biết: “Xã Bát Trang hiện có trên 200ha cây ăn quả các loại, trong đó diện tích trồng thanh long là 80ha. Gần 10 năm trở lại đây, người dân Bát Trang chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển cây thanh long, đây là cây trồng mang lại nguồn thu nhập lớn cho người nông dân, doanh thu đạt trên 400 triệu đồng/ha/năm. Cây ăn quả đã giúp người nông dân vùng quê nghèo nâng cao thu nhập, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng có hơn 400 ha canh tác thường xuyên ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Diện tích trồng cây, rau màu trong nhà kính, nhà lưới không ngừng được mở rộng, không chỉ có doanh nghiệp áp dụng và nhiều hộ nông dân cũng mạnh dạn đầu tư; 85% khối lượng nông sản ở các vùng sản xuất hàng hóa được vận chuyển bằng máy móc cơ giới.

Bên cạnh lĩnh vực trồng trọt, thủy sản giữ vai trò là ngành sản xuất mũi nhọn của thành phố, năm 2023, diện tích NTTS của Hải Phòng đạt 9.000ha, sản lượng 78,4 nghìn tấn. Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng đạt 196.257 tấn (năm 2019 là 173.792 tấn).

TP. Hải Phòng tập trung phát triển các loài nuôi chủ lực, năng suất cao, chất lượng tốt như tôm thẻ, tôm sú, cá trắm, cá rô phi... và các loài nuôi theo nhu cầu chế biến, có nhiều cơ sở nuôi trồng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Tổ chức đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác nguồn lợi thuỷ sản bền vững, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia. Tích cực trong công tác khác phục tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Trong lĩnh vực chăn nuôi: Hải Phòng phát triển nhiều cơ sở chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị tăng quy mô chăn nuôi trang trại, áp dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Đến hết năm 2023, tổng đàn gia súc khoảng 165.304 con; đàn trâu đạt 4.013 con; đàn bò đạt 7.308 con; đàn gia cầm đạt 8.393 nghìn con.

Có thể thấy, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, sự chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp của Hải Phòng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, an toàn, hiệu quả và giá trị gia tăng cao, trên cơ sở hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Kết quả đạt được trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của Hải Phòng.

 

Mạnh Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

  • Nâng cao chất lượng để tăng trưởng bền vững

    Nâng cao chất lượng để tăng trưởng bền vững

    Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý 2/2024 đạt 6,93%, tính chung nửa đầu năm nay GDP cả nước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước.

  • Nhân lên Niềm tin

    Nhân lên Niềm tin

    Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội Khóa XV đã bế mạc chiều 29 tháng 6 sau hai đợt họp với 27,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao.

Top