Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 11 năm 2022 | 14:26

Làng nghề nông thôn trong xu thế toàn cầu

Làng nghề là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, là nơi hiện hữu tinh hoa nghề thủ công của người dân mang giá trị văn hóa cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là có thể phát triển du lịch nhờ làng nghề.

Trước những yêu cầu mới, làng nghề không ngừng đổi mới, vừa tập trung tổ chức sản xuất - kinh doanh, vừa kết hợp tổ chức hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó chính là bước chuyển mình của lĩnh vực làng nghề để phù hợp với giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.

Ảnh nhỏ: Dệt lụa ở làng nghề Vạn Phúc (Hà Đông - Hà Nội)  -  Kiểm tra chất lượng khô cá ở làng nghề làm khô, mắm (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).  Ảnh lớn: Chăm sóc vườn hoa phục vụ Tết ở làng nghề trồng hoa ấp Vĩnh Yên (xã Long Đức, TP. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh).  

Bài 1: Những cách làm mới

Trước sự thay đổi của nhu cầu thị trường, nhiều làng nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một. Thế nhưng, bằng tình yêu, sự tâm huyết với nghề, qua cách làm mới, sáng tạo của những người trẻ, nhiều làng nghề ngày càng phát triển với chủng loại, mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú hơn, giúp làng nghề “hồi sinh” mạnh mẽ, người dân “sống khỏe” với nghề và từng bước đưa sản phẩm làng nghề vươn ra thị trường lớn.

Sự chuyển mình

Cả nước hiện có 2.790 làng nghề với 53 nhóm nghề;  khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau, trong đó có nhiều sản phẩm có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm.

Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều làng nghề truyền thống nhất nước và có tiềm năng lớn về phát triển du lịch làng nghề, tuy nhiên, chất lượng sản phẩm của làng nghề phục vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Vì thế, một trong những yêu cầu cấp bách để tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm làng nghề là thay đổi mẫu mã phù hợp với thị trường. Điều này đòi hỏi các làng nghề phải tích cực đổi mới, đẩy mạnh việc nhận diện thương hiệu làng nghề nhằm đón đầu cơ hội.

Trong số 1.350 làng nghề và làng có nghề ở Hà Nội, có 309 làng nghề truyền thống đã được thành phố công nhận. Hơn một nửa trong số đó là các làng nghề thủ công mỹ nghệ với các nhóm nghề chính như: Sơn mài, khảm trai, mây tre, giang đan, gốm sứ, thêu ren, điêu khắc... Đây là những ngành nghề mang lại kim ngạch xuất khẩu cao, có vai trò quan trọng đối với kinh tế địa phương và góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động.

Nhiều năm qua, các làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội đã nỗ lực thay đổi mẫu mã sản phẩm vốn được xem là yếu tố cạnh tranh hàng đầu. Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các quốc gia láng giềng, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đang gặp không ít khó khăn ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Các sản phẩm dao mang thương hiệu DAKA của chàng trai trẻ Vũ Đăng Khoa.

Theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: “Thị trường tiêu thụ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ngày càng trở nên “khó tính”. Nếu như trước đây, giá thành và chất lượng tốt (chắc/bền) là những yếu tố quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa các sản phẩm, thì nay, mẫu mã sản phẩm dần trở thành yếu tố quyết định đầu ra của sản phẩm làng nghề với các tiêu chí: Phong phú, đa dạng, hợp thị hiếu tiêu dùng và đặc biệt là, thiết kế mang tính bền vững, có tính ứng dụng và thân thiện với môi trường”.

Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), cho biết, những năm gần đây, các hộ dân đã quan tâm đến việc giữ gìn thương hiệu làng nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tích cực đổi mới mẫu mã. Bên cạnh các mẫu hoa văn truyền thống, nhiều hộ dân đã tự nghiên cứu, thiết kế những mẫu họa tiết mới hợp thời trang để đa dạng hóa sản phẩm. Không dừng lại ở việc sản xuất lụa truyền thống, nhiều cơ sở sản xuất còn đảm nhận luôn việc cắt may, thiết kế các mặt hàng thời trang như: Áo sơ mi nam, áo dài nữ, caravat, vòng đeo cổ... để phục vụ khách hàng.

“Hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã vận động chính quyền và các ngành chức năng hỗ trợ, trang bị cho làng nghề một máy đục hoa văn với công nghệ tiên tiến nhằm phục vụ việc thiết kế riêng của từng cơ sở sản xuất, bảo đảm tính độc quyền và quyền sở hữu trí tuệ cho từng sản phẩm. Nhờ đó, người dân làng nghề có thể yên tâm sản xuất, sáng tạo nên những mẫu mã mới trên cơ sở gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của cha ông”, ông Phạm Khắc Hà chia sẻ. 

Còn tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang khẳng định thương hiệu của mình thông qua các dòng sản phẩm với mẫu mã chuyên biệt, chất lượng cao. Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh có các sản phẩm nổi bật như: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng. Lò gốm của nghệ nhân Phạm Đạt định danh bằng thương hiệu “Gia tộc Việt” với các sản phẩm chủ đạo là đồ thờ làm bằng men rạn cổ hay các hoa văn đắp nổi thếp vàng. Còn Nghệ nhân nhân dân Trần Độ lại khẳng định mình qua việc sở hữu công thức pha chế các bài men quý hiếm, tạo nên các sản phẩm độc đáo từ dòng men ngọc, men nâu trầm, men chảy...

Định vị sản phẩm, thương hiệu làng nghề

Ông Phạm Bá Hùng, CEO Công ty cổ phần Printopia Việt Nam, cho rằng: “Lâu nay, các nghệ nhân, làng nghề dường như chưa chú trọng đến phần bao bì đóng gói sản phẩm. Trong khi việc thiết kế, đóng gói là phần không thể tách rời để định giá sản phẩm trên thị trường, giúp các làng nghề, hộ sản xuất định vị phân khúc thị trường sản phẩm của mình. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch không đơn giản là hàng hóa mà là hàng hóa đặc biệt. Giá trị của nó nằm ở các content (nội dung) truyền tải thông điệp. Khi khách hàng mua sản phẩm của các làng nghề, họ cũng sở hữu những giá trị văn hóa đi kèm. Đấy chính là nội dung giá trị mà sản phẩm cần hướng tới”.

Việc định vị sản phẩm bằng bao bì, mẫu mã dường như là khái niệm mới với nhiều làng nghề, nhưng một số doanh nghiệp chuyên kinh doanh sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch có mức chi tiêu cao đã hướng tới điều này. Các cửa hàng như Hanoia, Tân Mỹ Design, OZ Silk... từ lâu đã chú trọng đến việc đóng gói bao bì sản phẩm phục vụ du khách.

Theo bà Nguyễn Thùy Linh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thiết kế thời trang Tân Mỹ (Tân Mỹ Design), mỗi sản phẩm tại cửa hàng sẽ được đóng gói bằng các túi giấy hoặc hộp bìa tái chế có trang trí logo của công ty cùng các họa tiết đơn giản, bắt mắt nhưng vẫn toát lên sự tinh tế, sang trọng. Bà Linh nhấn mạnh, với đối tượng khách có mức chi tiêu cao càng cần phải chú trọng đến những chi tiết nhỏ để họ thấy được giá trị của sản phẩm, đồng thời góp phần quảng bá cho thương hiệu làng nghề của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, cho biết, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống đăng ký tham gia chương trình bên cạnh các tiêu chí về chất lượng, bao bì, mẫu mã sản phẩm còn phải đảm bảo các vấn đề về bảo vệ môi trường, vùng nguyên liệu, minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm...

Việc đổi mới mẫu mã sản phẩm, định vị thương hiệu làng nghề là xu thế tất yếu, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội cho các làng nghề. Quan trọng là, các làng nghề cần tích cực chuyển mình hơn nữa để đón đầu, nắm bắt cơ hội trong xu thế phát triển nhanh chóng của thế giới hiện nay.

Phát triển doanh nghiệp làng nghề

Để duy trì, phát triển nghề truyền thống của gia đình, quê hương, ngày càng có nhiều hộ, cơ sở sản xuất mạnh dạn đổi mới tư duy, phát triển lên mô hình doanh nghiệp nhằm mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Theo đó, một số làng nghề ở Hà Nam đã khắc phục được tình trạng sản xuất theo mô hình nhỏ lẻ với khối lượng hàng hóa hạn chế, chất lượng sản phẩm không đồng đều, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Hà Nam hiện có 58 làng nghề, gồm 32 làng nghề truyền thống, 26 làng nghề đang hoạt động ở các nhóm ngành nghề: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh. Sản phẩm hàng hóa của nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, một số mặt hàng được xuất khẩu, điển hình như bánh đa nem làng Chều (Lý Nhân); lụa Nha Xá, trống Đọi Tam, mây tre đan Ngọc Động (Duy Tiên); sừng mỹ nghệ Đô Hai (Bình Lục)… Các làng nghề đang tạo việc làm cho khoảng 18.000 lao động với mức thu nhập trung bình  5 triệu đồng/người/tháng.

Tại làng nghề dệt Đại Hoàng, xã Hòa Hậu (Lý Nhân), theo thống kê, làng nghề có trên 1.200 hộ, cơ sở tham gia làm nghề, trong đó có 73 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, hộ sản xuất đang tạo việc làm thường xuyên cho trên 3.000 lao động địa phương. Ba năm trở lại đây, tổng thu từ làng nghề đạt xấp xỉ 160 tỷ đồng/năm. Sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong làng nghề đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2021 đạt gần 60 triệu đồng. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 65 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đa chiều giảm còn 1,3%; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt 655 tỷ đồng; tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm chiếm 90%...

Ông Trần Hữu Thao, Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu, cho biết, 10 năm trở về trước, làng nghề gần như không có doanh nghiệp, các hộ chủ yếu duy trì sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ. Những năm gần đây, địa phương đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ các hộ sản xuất thành lập doanh nghiệp để có tư cách pháp nhân, thuận lợi hơn trong việc liên kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tạo niềm tin và uy tín với khách hàng. Đến nay, Hòa Hậu là xã có số lượng doanh nghiệp làng nghề được thành lập nhiều nhất trong toàn tỉnh.

Tương tự, tại các địa phương có làng nghề, làng nghề truyền thống khác trên địa bàn tỉnh Hà Nam, với những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ được xây dựng, triển khai đã từng bước thúc đẩy các cơ sở, hộ sản xuất mạnh dạn thành lập doanh nghiệp. Cùng với đó, các sở, ngành chức năng trong tỉnh cũng quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp làng nghề phát triển thông qua các chương trình, đề án khuyến công, xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh; tổ chức dạy nghề; hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất sản phẩm mới; đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất… Do đó, nhiều làng nghề hiện đã hình thành được đội ngũ doanh nhân khá đông đảo.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam cho thấy, tại 58 làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đã có 112 doanh nghiệp được thành lập và đang hoạt động tương đối hiệu quả. Doanh nghiệp làng nghề luôn đi đầu trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường, tiên phong đổi mới phương thức sản xuất, chủ động nghiên cứu, sáng tạo, đưa máy móc, phương tiện kỹ thuật mới vào sản xuất.

Ông Trần Đức Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần Chiến Hương (thôn Mão Cầu, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân) cho biết: Là doanh nghiệp đầu tiên “sinh ra” từ làng nghề truyền thống bánh đa nem làng Chều, những năm qua, Công ty cổ phần Chiến Hương đã tiên phong trong việc “hiện đại hóa” công nghệ sản xuất để các hộ dân trong làng nghề tin tưởng, làm theo. Đầu tiên là việc đưa máy tráng vào sản xuất bánh đa nem thay vì tráng bằng tay (năm 2003), sau đó năm 2020-2021, Chiến Hương lại nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng loại máy tráng mới vào sản xuất giúp tăng năng suất lên 30-40% so với trước. Cùng với đó, hơn 10 năm nay, công ty còn thực hiện thu mua, bao tiêu sản phẩm bánh đa nem cho bà con làng nghề, giúp bà con yên tâm sản xuất.

Nhà trưng bày của HTX Mây tre đan Bao La xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế  là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Ảnh: Tường Vi

Để làng nghề không bị bỏ lại phía sau

Hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, về phát triển kinh tế-xã hội, đất nước ta đã thu được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Làng nghề, làng nghề truyền thống có bước phát triển mới, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho nguồn thu của đất nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương, tình trạng mai một hoặc có nguy cơ thất truyền của khá nhiều nghề truyền thống đang ở cấp độ báo động đỏ (như nghề làm giấy sắc ở Nghĩa Đô - Hà Nội còn duy nhất 1 hộ làm, tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh chỉ còn 3 hộ còn giữ nghề, các hộ khác chuyển sang làm hàng mã…). Bảo tồn và phát triển những nghề truyền thống, đặc biệt là khôi phục, tiếp sức cho những nghề truyền thống quý hiếm trên bờ vực mai một hoặc thất truyền đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp về cơ sở vật chất, kỹ thuật, về vốn, nhân lực, về chất lượng mẫu mã sản phẩm, về thị trường đầu ra, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường…

Là người con sinh ra và lớn lên bên ánh lửa hồng rực của lò nung cùng tiếng đe, tiếng búa tại làng nghề rèn truyền thống thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc), tình yêu nghề rèn đã thấm vào máu thịt của Vũ Đăng Khoa (sinh năm 1993). Đó cũng chính là động lực để Khoa có quyết định táo bạo khi từ bỏ công việc ổn định, có mức lương khá cao mà nhiều người mơ ước tại một ngân hàng lớn ở Hà Nội để trở về quê khởi nghiệp bằng chính các sản phẩm rèn truyền thống của gia đình, của quê hương. Không chỉ giữ được bản sắc của nghề truyền thống, Khoa còn tìm ra cách làm mới, phù hợp, thích ứng trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ hiện nay.

Khoa bộc bạch: “Mặc dù các sản phẩm dao, nông cụ được sản xuất tại địa phương đã có từ lâu trên thị trường, tuy nhiên, hầu hết được tiêu thụ ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống nên chỉ đến tay một số người tiêu dùng nhất định, sản lượng cũng khá khiêm tốn.

Do đó, ngay khi bắt tay vào việc phát triển sản phẩm, tôi và gia đình quyết tâm phải đổi mới tư duy trong cách tiếp cận và tiêu thụ sản phẩm bằng việc đầu tư máy khắc tên, xây dựng thương hiệu riêng; tập trung cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi hình thức kinh doanh bằng việc quay video, chụp và thiết kế hình ảnh, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội như facebook, zalo… để mở rộng đối tượng khách hàng và thị trường tiêu thụ”.

Ban đầu  chỉ bán được vài chục sản phẩm/tháng, đến nay, nhờ hình thức kinh doanh thương mại điện tử qua các sàn Shoppee, Lazada; facebook, zalo cá nhân của 2 vợ chồng Khoa, con số ấy tăng lên  3.000 - 4.000 sản phẩm/tháng, thậm chí, tháng cao điểm có thể lên tới 6.000 sản phẩm.

Điều đáng nói, các sản phẩm dao của cơ sở Khoa không chỉ được tiêu thụ trong nước mà đã có mặt tại thị trường nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Úc, Đức...

Hay minh chứng trong việc nhanh nhạy nắm bắt thị trường, nhu cầu của khách hàng để nghiên cứu cho ra đời những sản phẩm mới, mạnh dạn đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở sản xuất và phân phối chăn - ga - gối - đệm - mành rèm cao cấp Long Thúy do anh Nguyễn Văn Long (sinh năm 1989) làm chủ tại thôn Gia, xã Yên Đồng (Yên Lạc - Vĩnh Phúc) đã trở thành đại lý uy tín đối với nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ngày 7/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký và ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030”.

Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 khôi phục, bảo tồn được ít nhất 129 nghề truyền thống và 208 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 213 nghề và 96 làng nghề truyền thống; phát triển khoảng 301 làng nghề gắn với du lịch; trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả.

Năm 2010, vợ chồng anh Long mạnh dạn vay vốn, xây dựng nhà xưởng, đầu tư hơn 10 tỷ đồng trang bị nhiều máy móc hiện đại để sản xuất ra các dòng sản phẩm mới như đệm bông ép tinh khiết, đệm cao su tổng hợp, đệm nano mang thương hiệu “Sahalla”, “Evella”.

Với mẫu mã, kiểu dáng đa dạng, tinh tế trong từng đường kim, mũi chỉ, có giá cả hợp lý, các sản phẩm chăn, đệm của cơ sở vợ chồng anh Long nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường với hơn 30 đại lý phân phối tại các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh, thành phố miền Trung, doanh thu lên tới hàng chục tỷ đồng/năm.

Có thể nói, với những cách làm đổi mới, sáng tạo, bắt nhịp với xu hướng thị trường chính là cơ hội để các địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các ngành nghề nông thôn, trong đó có làng nghề, làng nghề truyền thống vượt qua những khó khăn, vướng mắc để phát triển, để làng nghề, làng nghề truyền thống trong cả nước không bị bỏ lại phía sau trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh.

Bài 2: Điểm nghẽn và giải pháp

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top