Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 9 năm 2023 | 10:10

Liên kết để xuất khẩu hoa Đà Lạt

Hiện nay, Đà Lạt có khoảng 70% giống hoa chủ lực được trồng, nhưng các giống hoa này đã cũ, số giống hoa còn lại thì lại là hoa nhân giống trái phép, chất lượng thấp. Vì thế, việc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài gặp nhiều khó khăn, không những làm mất đi một nguồn thu lớn, mà sản phẩm hoa của Việt Nam không có chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Không xuất khẩu được vì hoa nhân giống trái phép

Mới đây VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam phát đi một phóng sự về việc xuất khẩu hoa của Đà Lạt hiện nay, theo thông tin thì hiện nay có 70% giống hoa được trồng ở thành phố này, đều là những giống hoa cũ. Số giống hoa còn lại là những giống hoa nhân giống trái phép, đây chính là lý do mà sản lượng hoa được trồng tại thành phố này nhiều, nhưng không thể xuất khẩu được.

Doanh nghiệp nhập nhiều giống lan hồ điệp mới trồng ở Đà Lạt

Công ty TNHH Chian Lâm Đồng là một doanh nghiệp nhập khẩu có tiếng ở Đà Lạt, mỗi năm, công ty này nhập nhiều giống hoa mới có bản quyền từ Hà Lan, sản lượng hoa nhiều nhưng thị trường tiêu thụ hoa của công ty cũng chỉ là thị trường trong nước. Trong khi nhu cầu tiêu thụ hoa ở thị trường các nước rất cao, nhưng không thể xuất khẩu được.

Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt nhận định, hiện người trồng hoa Đà Lạt còn gặp nhiều trở ngại về vốn đầu tư, giống bản quyền cũng như thị trường tiêu thụ. Giống hoa mới của Đà Lạt chủ yếu được nhập về từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, việc nhập khẩu giống cây trồng đang có những trở ngại, nhất là cơ chế kiểm dịch thực vật trước khi nhập khẩu: phân tích nguy cơ dịch hại.

Việc chi phí để được nhập các giống hoa về trồng không khó, cái khó khăn nhất là các công ty cung cấp giống phải cung cấp các giống hoa có bản quyền và quản lý được các vùng trồng hoa có bản quyền đó. Theo lãnh đạo công ty này cho biết.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 400 loài hoa với hàng ngàn giống hoa đã có từ lâu đời ở Đà Lạt hay xuất xứ từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Úc. Những năm qua nhập khẩu giống hoa mới ở Lâm Đồng đã tăng trưởng trên 100%, nhiều doanh nghiệp, trang trại và nông dân sử dụng giống hoa có chất lượng cao. Theo thống kê trong hơn 1 năm vừa qua, toàn tỉnh Lâm Đồng đã nhập khẩu 27 giống hoa các loại với hơn 586 ngàn củ, hạt, cây giống. Trong đó, 19 giống hoa nhập khẩu gieo trồng thử nghiệm.

Tại Lâm Đồng, diện tích trồng hoa tăng nhanh từ năm 2015 mới đạt hơn 7.700ha (sản lượng hơn 2,4 tỷ cành), nhưng đến năm 2022 đã đạt hơn 9.700ha với sản lượng gần 4 tỷ cành.

Diện tích tăng, sản lượng lớn nhưng Lâm Đồng xuất khẩu hoa ra thị trường nước ngoài còn rất khiêm tốn, chứ không muốn nói là rất ít. Ông Lại Thế Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết, việc xuất khẩu hoa ra thị trường nước ngoài cần có rất nhiều công việc, đòi hỏi phải có sự đồng bộ từ đơn vị tổ chức sản xuất, đến các doanh nghiệp tiêu thụ. Muốn hoa xuất khẩu được phải đạt được những tiêu chuẩn, trong đó giống hoa xuất khẩu, cành hoa xuất khẩu phải là những giống hoa bản quyền và phải đóng phí bản quyền cho đơn vị cung cấp, nếu không sẽ không thể xuất khẩu được.

Không có bản quyền - điểm yếu của hoa Việt Nam

Tại Đà Lạt hiện mới chỉ một vài doanh nghiệp trồng hoa lớn, có sự liên kết với nước ngoài mới có thể sản xuất được hoa đảm bảo chất lượng và đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Công ty PAN-HULIC (Tập đoàn PAN) được đánh giá rất cao và xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản. Có được kết quả này theo lãnh đạoTập đoàn PAN cho biết, hiện tại các giống hoa của PAN-HULIC được nhập khẩu toàn bộ từ Hà Lan, Nhật Bản, Israel, Đức… và tất cả đều có bản quyền cho phép Công ty nhân giống tại Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu.

Nhà vườn ở làng hoa Thái Phiên (Phường 12, Đà Lạt) thu hoạch hoa lily vụ Tết. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

“Phần lớn các giống hoa đang sản xuất trong nước không có bản quyền là một trong những điểm yếu nhất trong sản xuất hoa Việt Nam. Giống hoa không có bản quyền hầu hết là giống cũ được nhân bản trái phép với chất lượng thấp” lãnh đạo này cho biết thêm.

Việc sử dụng và nhân giống không có bản quyền về lâu dài sẽ làm mất niềm tin của các công ty, đối tác nước ngoài đối với nền sản xuất hoa tại Việt Nam về quản lý nguồn giống và hạn chế kết nối, chuyển giao bản quyền. Để được chuyển giao bản quyền các giống hoa, các công ty được cung cấp bản quyền đều phải trải qua quá trình chọn lựa và soát xét rất kỹ về cơ sở vật chất cũng như năng lực và cam kết bản quyền.

Theo Phó Tổng giám đốc Cty Dalat Hasfarm, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hoa hàng đầu châu Á, muốn xuất khẩu hoa một cách bài bản phải có giấy phép bản quyền. Phần lớn hoa sản xuất tại Việt Nam không vào được thị trường các nước do “tắc” ở khâu này. Chi phí để mua hẳn bản quyền giống hoa rất đắt, nằm ngoài khả năng của chúng ta, do đó nên chọn phương án mua bản quyền từ 15 - 20 năm.

Không chỉ vấn đề bản quyền, các quy định nhập khẩu ở các quốc gia phát triển, đặc biệt là Nhật Bản đòi hỏi rất nghiêm ngặt từ khâu ươm giống, trồng trọt đến thu hoạch, bảo quản, quản lý dịch hại…

Theo ông Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, sản xuất hoa chất lượng cao cho xuất khẩu bắt buộc phải ứng dụng công nghệ cao, quy trình chuẩn khép kín. Không giống như các nông sản khác có thể sản xuất tự nhiên, sản xuất hoa phải có nhà kính, nhà lưới. Do đó cần có quy hoạch vùng cho trồng hoa xuất khẩu. Ở đó, doanh nghiệp được hỗ trợ về giao thông, điện, nước…, nhưng hiện nay sự hỗ trợ của địa phương trong lĩnh vực này còn ít.

Liên kết là xu hướng tất yếu để đẩy mạnh xuất khẩu

Để khắc phục tình trạng không xuất khẩu được hoa ra nước ngoài, trong khi sản lượng hoa trồng trong nước lớn, rất cần phải có sự liên kết giữa các nhà sản xuất, các công ty, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoa.

Hiện nay, việc sản xuất hoa Đà Lạt chưa tạo dựng được thị trường xuất khẩu hoa vững chắc là do tính chất sản xuất theo từng nông hộ với diện tích canh tác manh mún, nhỏ lẻ không đủ khả năng đáp ứng các hợp đồng lớn với những yêu cầu nghiêm ngặt về số lượng và chất lượng.

Hơn nữa, do không có vùng chuyên canh lớn, tập trung để trồng hoa, nên không thể đưa các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong trồng, chăm sóc hoa để tạo ra được một khối lượng lớn sản phẩm hoa theo yêu cầu, chất lượng hoa không bảo đảm đồng nhất, đáp ứng được yêu cầu của xuất khẩu.

Vì thế, các hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đều bị phân tán, dẫn đến việc chi phí đóng gói, vận chuyển, phân phối... đều bị đội lên khiến giá thành sản phẩm tăng cao và vì vậy mà năng lực cạnh tranh kém đi.

Theo các chuyên gia vấn đề cấp bách đặt ra là phải có sự liên kết giữa nông dân với hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc một đơn vị đứng ra làm đầu mối để ký kết thực hiện các đơn hàng lớn.

Để hoa Đà Lạt xuất khẩu, bên cạnh phải đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng, kiểm dịch thực vật thì cũng phải chứng minh về nguồn gốc giống hoa có bản quyền. Đây là điều bình thường trong ngành thương mại hoa thế giới. Nhưng người trồng hoa chỉ quan tâm đầu tiên trong canh tác là chọn giống hoa nào để bán được giá trên thị trường. Còn nguồn gốc giống hoa từ đâu? Có vi phạm bản quyền giống hoa hay không thì gần như không mấy ai để ý.

Mặc dù, vùng trồng hoa đã chi rất nhiều tiền để nhập khẩu giống hoa có bản quyền, nhưng nông dân lại không thể biết đâu là giống hoa đòi hỏi bản quyền. Đây cũng là lý do khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn liên kết với nông dân Đà Lạt để trồng hoa xuất khẩu, không khỏi e ngại.

Nếu không sớm chủ động giống hoa có bản quyền thì cũng đồng nghĩa nông dân trồng hoa Đà Lạt mất đi cơ hội nâng giá trị hoa nhờ xuất khẩu. Thực tế trong thời gian qua, đã có trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu hoa buộc phải tiêu hủy hoa cũng như chịu khoản phạt bởi đã vô tình dùng giống hoa sao chép lậu, không bản quyền.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top