Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 21 tháng 1 năm 2023 | 13:5

Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản: Cả nhà vườn và doanh nghiệp cùng thắng

Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đang được nhiều địa phương quan tâm thực hiện, giúp gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Cùng với đó, doanh nghiệp khi tham gia liên kết sản xuất cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm nông nghiệp với giá cả ổn định.

Liên kết sản xuất

Theo số liệu của Cục Kinh tế hợp tác phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện cả nước thực hiện chuỗi liên kết - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với bốn tác nhân tham gia liên kết (271 tổ chức khoa học; 586.585 hộ nông dân; 4.028 HTX nông nghiệp; 1.867 doanh nghiệp sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp).

Đoàn Chi nhánh phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam cùng doanh nghiệp, người dân đi thăm quan mô hình thực tế trong chuỗi diễn đàn kết nối và tiêu thụ nông sản.

Dịch Covid-19 dần được kiểm soát, tuy nhiên, dịch đã tác động mạnh đến việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản của nhà vườn ở khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung do đứt gãy chuỗi cung ứng. Vì thế, việc kết nối sản xuất và tiêu thụ nhằm đảm bảo lợi ích của các nhà vườn cũng như doanh nghiệp là điều cần thiết.

Theo ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng đại diện Chi nhánh phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam, việc liên kết sản xuất tiêu thụ các sản phẩm nông sản được Hội quan tâm thường xuyên, nhất là kết nối giữa doanh nghiệp với hội viên, nông dân, trang trại, HTX trong liên kết xây dựng vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2022, Chi nhánh đã tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như: Hội nghị kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản tại Cần Thơ; Diễn đàn “Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản – Tận dụng lợi thế và cơ hội từ các FTA thế hệ mới”; Hội nghị kết nối sản xuất, chế biến với tiêu thụ nông sản…

Ông Mười cho biết, trong tình hình Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, cụ thể đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do với các nước, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), đòi hỏi người làm kinh tế vườn, trang trại, doanh nghiệp cần phải thay đổi về nhận thức, tư duy sản xuất hàng hóa, nhằm đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng nông sản. Điều này cũng đòi hỏi về vai trò của tổ chức Hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, tổ chức tập huấn, hội thảo để giúp hội viên, nông dân nắm bắt kịp thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Cùng vấn đề về liên kết sản xuất và tiêu thụ, TS. Trần Thanh Phong, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Tiền Giang, cho rằng, thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong thời gian qua, việc sản xuất nông nghiệp của Tiền Giang phát triển theo hướng chuyên canh, phát huy lợi thế địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào các mô hình sản xuất trái cây an toàn theo quy trình VietGAP, GlobalGAP được quan tâm.

Theo đó, Tiền Giang đã có những chính sách hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp và nông dân qua việc xây dựng các liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Những liên kết này giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt đối với nông dân.

Mặt khác, hạn chế được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hoá, cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất theo hợp đồng, tạo sự ổn định cho đầu ra nông sản.

Với những tiêu chí đó, Tiền Giang đã có 50 HTX hoạt động liên quan lĩnh vực cây ăn trái; một số HTX hình thành liên kết sản xuất và tiêu thụ như: HTX xoài cát Hoà Lộc, HTX thanh long Mỹ Tịnh An… Năm 2022, ngành Nông nghiệp đã cấp 120.000 tem truy xuất nguồn gốc, tiếp nhận 146 hồ sơ xin cấp mới mã số vùng trồng để hỗ trợ việc liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

Là địa phương có sản lượng chanh và thanh long lớn trong khu vực, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Long An, chia sẻ, để hỗ trợ cho hội viên và nông dân trong việc tiêu thụ nông sản, Hội đã tổ chức thu thập thông tin thị trường, tổ chức liên kết giữa người sản xuất với các đơn vị thu mua nông sản đối với mặt hàng chanh và thanh long. Hiện, tỉnh đang triển khai thực hiện dán tem chỉ dẫn địa lý thanh long “Châu Thành – Long An”, quản lý mã vùng trồng thanh long, cấp mã vùng trồng thanh long và cấp mã số cơ sở đóng gói thanh long phục vụ xuất khẩu.

Chưa bền vững

TS. Trần Thanh Phong cho rằng, trên địa bàn, tỷ lệ hộ tham gia liên kết sản xuất còn thấp, mối liên kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp, nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ nông sản còn lỏng lẻo, khối lượng sản phẩm thông qua chuỗi chưa lớn, vấn đề thu nhập và đảm bảo đầu ra cho nông dân còn bếp bênh.

Một mô hình tham gia vào chuỗi liên kết giúp gia tăng chất lượng và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp.

Theo TS. Phong, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Tuy nhiên, vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ lấy HTX làm trung tâm nhưng năng lực quản trị HTX còn yếu, doanh nghiệp tham gia chuỗi chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ. Liên kết ngang và liên kết dọc chưa thực sự bền vững, dẫn đến đầu ra của nông sản còn nhiều rủi ro.

Mặt khác, hạ tầng phục vụ việc sản xuất, chế biến còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu. Quy mô liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn nhỏ lẻ, phân tán, không tập trung, công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản còn thấp, giá cả luôn có sự biến động nên doanh nghiệp thu mua chưa mạnh dạn áp dụng chính sách bao tiêu, bảo hiểm về giá.

Để khắc phục những nguyên nhân trên, theo TS. Phong, tại Tiền Giang nói riêng (đặc biệt đối với cây ăn trái theo quy trình VietGAP, GlobalGAP) và người nông dân nói chung, cần liên kết sản xuất và tiêu thụ thông qua việc thành lập nhóm sản xuất như tổ hợp tác, HTX, để có quy mô lớn, tập trung, từ đó, sẽ tạo thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tiết kiệm chi phí trong công tác kiểm tra đánh giá chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.

Ngoài ra, HTX phải có năng lực tài chính đủ mạnh để thực hiện các dịch vụ đầu vào và đầu ra cho nông sản. Đồng thời, việc quan tâm qua các chính sách hỗ trợ của địa phương, ngành chức năng trong việc vận động người dân tham gia, duy trì phát triển nhằm mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo tính bền vững cho mô hình cũng là điều cần thiết.

Cùng nhận định về những khó khăn trong liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, tỉnh Long An nói riêng và cả nước nói chung tuy đã có sự liên kết với các đơn vị đóng trên địa bàn trong việc thu mua nông sản cho người dân nhưng mức độ tiêu thụ của các đơn vị này  có hạn so với khối lượng hàng hoá cần tiêu thụ.

Tổ chức, hoạt động của HTX còn hạn chế bởi bộ máy quản lý, chưa thực hiện tốt việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nên chưa thu hút được nông dân vào HTX. Mặt khác, việc chi phối của thương lái trong thu mua nông sản phục vụ cho các kho vẫn còn phổ biến trong vùng nguyên liệu…

Theo đại diện Cục Trồng trọt, hiện các HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu  24,5% nông sản, tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ 5-7%.

Để nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, cần cải tiến công tác xây dựng kế hoạch và chỉ đạo sản xuất bổ sung thêm việc cải thiện các yếu tố trong chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ để gia tăng chất lượng và lợi nhuận.

Mặt khác, cải thiện mối quan hệ giữa người nông dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản. Thực tế sản xuất cho thấy, giữa doanh nghiệp và người nông dân thường xảy ra tình trạng “bội tín lẫn nhau”. Liên kết vùng phải thực sự bền vững cho người nông dân và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản.

Ông Nguyễn Văn Mười cho rằng, để đẩy mạnh phát triển liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân để tiêu thụ nông sản cũng như mở rộng xuất khẩu sản phẩm, cần tuyên truyền hơn nữa về lợi ích của liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản.

Quy hoạch các vùng sản xuất, xây dựng và hoàn thiện các hồ sơ vùng trồng, diện tích và địa điểm, các điều kiện của thị trường nhập khẩu sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý sản phẩm...

Đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực cho cán bộ HTX, người dân, doanh nghiệp về kiến thức, kỹ thuật sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế, quản trị doanh nghiệp, về các điều kiện để nông sản thực phẩm vào kênh phân phối hiện đại.

 

Lại Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top