Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 21 tháng 8 năm 2024 | 9:50

Một số vườn nhãn ở xã Phương Chiểu bị rụng quả bất thường: Cảnh tỉnh việc dùng thuốc BVTV không theo nguyên tắc “4 đúng”

Khoảng 1 tháng nay, 7 mẫu nhãn của gia đình ông Đỗ Kỳ Nam, thôn Phương Thượng, xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) bị rụng quả bất thường gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và thiệt hại kinh tế của gia đình.

Những quả nhãn còn lại trên cành của vườn nhãn nhà ông Đỗ Kỳ Nam, xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên) phần nhiều bị sâu đục cuốngquả và tiếp tục rụng

Theo thông tin ông Nam cung cấp, thời điểm nhãn bắt đầu có hiện tượng rụng quả là vào khoảng đầu tháng 7. Khi đó, bóc quả nhãn ra bên trong có sâu đục cuống quả. Khi thấy hiện tượng đó, ông Nam tiếp tục mua thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phòng trừ các bệnh thán thư, sương mai, nấm và sâu đục quả, sâu đục thân… Tuy nhiên, hiệu quả phòng, trừ không đạt yêu cầu, nhãn vẫn tiếp tục rụng quả, sâu đục cuống quả hỏng. 

Chúng tôi có mặt tại vườn nhãn nhà ông Nam vào ngày 11 và 12/8, chứng kiến cảnh nhãn rụng la liệt, những quả còn lại trên cành, phần lớn cũng bị sâu đục cuống quả hỏng và vẫn tiếp tục rụng… Cả vườn nhãn có sản lượng ước tính khoảng 80 tấn giờ chỉ còn vớt vát được khoảng 30 tấn. Không chỉ giảm sản lượng, những quả nhãn chưa bị hỏng cũng không bảo đảm chất lượng để xuất bán theo đơn đặt hàng mà chỉ có thể làm long nhãn với giá trị giảm 50 – 70%. Thiệt đơn, thiệt kép lại tiếc công chăm sóc, ông Nam đứng ngồi không yên. 

Tại gia đình ông Nguyễn Văn Minh cùng ở thôn Phương Thượng, xã Phương Chiểu cũng gặp tình trạng tương tự. Hơn 1 mẫu nhãn của gia đình ông dự kiến cho thu hoạch 10 tấn quả thì nay chỉ thu được khoảng 3 tấn.

Ông Nam buồn bã: Năm nay, trong khi nhiều địa phương mất mùa nhãn thì vườn nhãn của gia đình tôi lại rất sai quả, hứa hẹn được mùa, được giá. Nhiều khách hàng đã tới tham quan, đặt mua hàng nhưng rồi tất cả giờ chả còn gì. Nhìn vườn nhãn rụng tơi tả, quả nhãn bóc ra phần lớn đều bị sâu đầu khiến tôi buồn phiền vô cùng. Ở đây chỉ có nhà tôi và nhà ông Minh bị hiện tượng như vậy và đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ở cùng một địa chỉ bán tại xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) cung cấp và hướng dẫn sử dụng. “Tôi nghi ngờ thuốc không bảo đảm chất lượng khiến tôi thiệt hại về kinh tế và tiếc bao công chăm sóc vườn nhãn đến ngày thu hoạch thì bị hỏng”.

Để làm rõ hơn về việc mua và sử dụng thuốc BVTV của gia đình ông Nam, chúng tôi đã liên lạc với gia đình ông Ngô Xuân Hanh ở xã Hồng Nam là nơi cung cấp, bán thuốc BVTV. Gia đình ông Hanh thừa nhận có bán cho gia đình ông Nam các loại thuốc BVTV để phun phòng, trừ sâu bệnh trên nhãn, trong đó, gồm các loại thuốc do gia đình kinh doanh, còn 1 loại thuốc gia đình ông Hanh mua từ síp (mua trên mạng) để bán cho ông Nam, đó là thuốc trừ sâu regent có xuất xứ in trên bao bì là Trung Quốc và mua không rõ nguồn gốc nên không biết chất lượng thuốc có bảo đảm không.

Ngay khi nhận được thông tin về hiện tượng rụng quả bất thường tại một số vườn nhãn ở xã Phương Chiểu, Chi cục BVTV tỉnh đã tiến hành khảo sát trên phạm vi toàn tỉnh và xác định, tỉ lệ rụng quả tại các vườn nhãn khác trong tỉnh rất thấp. Kiểm tra thực tế tại vườn nhãn của gia đình ông Nam, đồng chí Lê Minh Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh khẳng định: Hiện tượng rụng quả tại đây là do bệnh sương mai và sâu đục cuống quả gây ra. Nguyên nhân là do nhà vườn sử dụng thuốc BVTV chưa bảo đảm theo nguyên tắc “4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ, đúng thời điểm và đúng cách). Các loại thuốc mà gia đình ông Nam sử dụng để phòng, trừ các bệnh sương mai, thán thư, sâu đục quả không theo khuyến cáo của ngành chuyên môn mà theo thói quen và hướng dẫn của người bán. Theo khuyến cáo của chúng tôi, các loại thuốc đặc trị, hiệu quả trong phòng, trừ bệnh sương mai, thán thư là: Amistar 250SC, Phytocide 50WP, Ridomil 68WG; phòng trừ sâu đục cuống quả gồm: Prevathon 5SC, Virtako 40WG. Ngoài ra, trong các loại thuốc BVTV gia đình ông Nam sử dụng có thuốc trừ sâu regent có thành phần in trên bao bì chứa hoạt chất Fipronil là hoạt chất cấm sử dụng tại thị trường Việt Nam từ ngày 12/2/2021 theo Quyết định số 501/QĐ-BNN-BVTV ngày 12/2/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Như vậy, đây rất có thể là thuốc cấm hoặc thuốc giả dẫn đến hiệu quả phòng, trừ sâu bệnh không đạt yêu cầu. Ngoài vấn đề về thuốc BVTV thì thời điểm phòng, trừ cũng ảnh hưởng tới hiệu quả diệt trừ sâu, bệnh gây hại.

Sử dụng thuốc BVTV bị cấm sử dụng hoặc thuốc giả không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng nông sản mà còn có nguy cơ gây hại cho con người, môi trường và sinh vật. Qua sự việc một số vườn nhãn ở xã Phương Chiểu bị rụng quả, sâu đục cuống quả chính là bài học để các nhà vườn trồng nhãn nói riêng và người nông dân cần thận trọng, tuân thủ theo hướng dẫn, quy định, khuyến cáo của cơ quan chức năng, tránh tình trạng sử dụng thuốc BVTV theo thói quen hoặc theo tư vấn của người bán. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV ngoài danh mục cho phép, thuốc cấm, thuốc giả để bảo vệ người nông dân, bảo vệ mùa màng và bảo vệ chính môi trường sống. 

 
Mai Nhung/Báo Hưng Yên
Ý kiến bạn đọc
Top